Chủ thể trong quan hệ pháp luật về sử dụng đất nông nghiệp

Một phần của tài liệu Pháp luật về sử dụng đất nông nghiệp ở Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 35)

Khi đề cập tới vấn đề chủ thể của quan hệ pháp luật đất đai tức là cần nói tới ai là chủ thể và với điều kiện nào, trên cơ sở pháp lý nào thì các chủ thể tham gia vào quan hệ đất đai. Theo quy định tại các Điều 9; 34; 35; 36 của Luật đất đai năm 2003, chủ thể sử dụng đất nông nghiệp là các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất đất nông nghiệp, có ý chí độc lập, có quyền và nghĩa vụ nhất định.

Để tham gia quan hệ pháp luật về sử dụng đất nông nghiệp, chủ thể pháp luật về sử dụng đất nông nghiệp cần có những điều kiện sau:

Có sự tham gia trực tiếp vào quan hệ pháp luật đất đai

Để trở thành chủ thể quan hệ sử dụng đất nông nghiệp, các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân phải được Nhà nước quyết định giao đất hoặc cho thuê đất trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là cơ sở pháp lý cho việc thiết lập mối quan hệ hợp pháp trong sử dụng đất giữa Nhà nước và người sử dụng đất.

Có năng lực pháp lý đất đai

Năng lực pháp lý đất đai là khả năng của các chủ thể được hưởng quyền và làm nghĩa vụ pháp lý trong quan hệ pháp luật đất đai. Khả năng này chỉ có được khi thoả mãn những điều kiện do pháp luật quy định mới phát sinh và tham gia vào quan hệ pháp luật về đất đai: như phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng thuê quyền sử dụng đất....vv.

Năng lực hành vi đất đai là khả năng của một chủ thể có thể bằng hành vi của mình tham gia vào quan hệ pháp luật đất đai, có quyền và nghĩa vụ nhất định. Năng lực hành vi đất đai không giống như năng lực hành vi dân sự, bởi vì trong Luật đất đai năm 2003 không quy định cũng không chia thành năng lực hành vi đầy đủ và năng lực hành vi không đầy đủ.

Như vậy, dựa vào những đặc điểm của chủ thể quan hệ sử dụng đất nông nghiệp. Theo quy định của pháp luật đất đai bao gồm các chủ thể như sau:

* Đối với tổ chức

Tổ chức trong nước là các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, các đơn vị kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân được Nhà nước giao đất để sử dụng thì năng lực pháp lý của họ xuất hiện cùng lúc với quyết định thành lập cơ quan, tổ chức đó. Việc quy định năng lực pháp lý phải phù hợp với mục đích, nhiệm vụ và chức năng của cơ quan, tổ chức đó. Nhà nước quy định cụ thể trong từng trường hợpnăng lực pháp lý đất đai của tổ chức khi họ tham gia vào quan hệ pháp luật đất đai.

Đối với chủ thể sử dụng đất là các tổ chức, pháp luật đất đai cũng có những qua định khác nhau qua các thời kỳ. Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật đất đai năm 1998 quy định: “Nhà nước giao đất cho các tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội (gọi chung là tổ chức) ... dưới hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất và giao đất có thu tiền sử dụng đất”. Đến Luật đất đai năm 2003 quy định cụ thể và mở rộng hơn. Pháp luật đất đai đã quy định chủ thể của quan hệ pháp luật đất đai là tổ chức trong việc sử dụng đất nông nghiệp bao gồm bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức kinh tế – xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và các tổ chức khác

theo quy định của Chính phủ (sau đây gọi chung là tổ chức) được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất, tổ chức kinh tế nhận chuyển quyền sử dụng đất.

Đối với tổ chức trong nước tuỳ theo nhiệm vụ và chức năng của mình mỗi tổ chức đó sẽ có những chế định cụ thể được hưởng những quyền và nghĩa vụ nhất định khi tham gia vào quan hệ đất đai cũng như trong quá trình sử dụng đất nông nghiệp. Các tổ chức này có đặc điểm là thường sử dụng đất với những diện tích và quy mô lớn. Tổ chức trong nước sử dụng đất nông nghiệp được phân thành các loại như sau:

Một là, tổ chức được nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất bao gồm:

Tổ chức sử dụng đất vào mục đích nghiên cứu, thí nghiệm, thực nghiệm về nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối. Đơn vị vũ trang nhân dân được Nhà nước giao đất để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối hoặc kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp sử dụng đất trong một số trường hợp theo pháp luật quy định. Tổ chức sử dụng đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

Hai là, tổ chức được nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất bao gồm: Tổ chức kinh tế sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối.

Ba là, tổ chức kinh tế sử đụng đât thuê bao gồm các tổ chức được nhà nước cho thuê đất theo hình thức thu tiền hàng năm để thực hiện dự án đầu tư sản xuất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối.

Thứ tư, tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng sử dụng đất từ tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; người Việt Nam định cư ở nước ngoài; tổ chức cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam

Thứ năm, tổ chức kinh tế chuyển mục đích sử dụng đất theo điều 36 của Luật đất đai năm 2003.

* Hộ gia đình sử dụng đất nông nghiệp.

Nghị quyết 10/NQ-TW của Bộ chính trị ngày 5/4/1988 về đổi mới quản lý kinh tế trong nông nghiệp đã ghi nhận hộ gia đình với tư cách là đơn vị kinh tế tự chủ. Tiếp đó, Luật đất đai năm 1993 đã đặt nền tảng cho việc xác lập địa vị pháp lý của hộ gia đình với tư cách là một đơn vị kinh tế tự chủ trong sản xuất nông nghiệp được nhà nước giao đất sử dụng ổn định lâu dài. Hộ gia đình là chủ thể của nhiều quan hệ pháp luật khác nhau như quan hệ pháp luật dân sự, quan hệ pháp luật hôn nhân gia đình, quan hệ pháp luật cư trú... Theo Bộ luật dân sự 2005, hộ gia đình bao gồm các thành viên gắn bó với nhau bởi quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân, quan hệ nuôi dưỡng. Tài sản là một trong những đối tượng điều chỉnh chủ yếu của quan hệ pháp luật dân sự, theo đó thì hộ gia đình được xác định khi các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực này. Đối với quan hệ luật đất đai trong việc sử đụng đất nông nghiệp thì hộ gia đình là chủ thể có địa vị pháp lý quan trọng khi đất đai được coi là tài sản trong hộ gia đình.

* Cá nhân

Cá nhân là chủ thể trong quan hệ sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử đụng đất nông nghiệp hoặc chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp. Khác với các thành viên của hộ gia đình, chủ thể này có địa vị pháp lý độc lập khi tham gia quan hệ pháp luật đất đai về sử dụng đất nông nghiệp. Đối với hộ gia đình các thành viên trong hộ gia đình phải chịu trách nhiệm liên đới đối với các giao dịch dân sự do đại

diện chủ hộ gia đình thực hiện. Trên thực tế, năng lực pháp lý của công dân xuất hiện khi Nhà nước cho phép họ sử dụng đất và người sử dụng chấp hành đúng pháp luật và làm nghĩa vụ đầy đủ đối với Nhà nước. Năng lực pháp lý đất đai của cá nhân không phụ thuộc vào lứa tuổi, dân tộc, tôn giáo, nó xuất hiện từ lúc khai sinh cho đến khi chết.

Một phần của tài liệu Pháp luật về sử dụng đất nông nghiệp ở Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)