Chăm sóc sau trồng

Một phần của tài liệu giáo trình mô đun trồng cây trong hệ thống nông lâm kết hợp (Trang 47)

8. Trồng cây Nhãn

8.8. Chăm sóc sau trồng

8.8.1. Chăm sóc

a. Tưới nước

Sau khi trồng, liên tục tưới nước, duy trì độ ẩm trong đất từ 70 – 75% đến khi cây bén rễ, bật chồi non. Trời nắng hạn phải tưới bổ sung.

Cây nhãn cần nhiều nước ở các thời kỳ ra lộc, thời kỳ đang nuôi hoa và thời kỳ nuôi quả. Do đó, chú ý giữ ẩm đất đảm bảo cho nhãn sinh trưởng tốt. b. Bón thúc

- Thời kỳ bón:

Thời kỳ cây còn nhỏ (1 - 2 năm đầu) có thể tưới nước phân chuồng hoặc phân đạm pha loãng (1%) mỗi gốc từ 3 - 4 lít nước, mỗi tháng 1 - 2 lần. Sau khi trồng 2- 3 năm khi cây bắt đầu ra hoa bón phân thúc tập trung vào 2 đợt.

+ Đợt 1: Bón ngay sau khi thu hoạch, liều lượng 60 - 70 % lượng phân cả năm. Tác dụng thúc đẩy lộc thu.

+ Đợt 2: Bón số phân còn lại vào thời điểm trước khi thu hoạch 1 tháng. Tác dụng cung cấp dinh dưỡng cho cây nuôi quả.

Bảng 1: Liều lƣợng bón phân cho nhãn

Tuổi cây Lượng phân bón (Gam/ cây)

U rê Supe lân Sun fat ka li 1 - 4 500 - 700 300 - 400 300 - 400 5 - 10 1.000 – 1.500 500 - 700 500 - 700

> 10 2.000 – 3.000 1.000 - 1.500 1.200 - 1.800

- Phương pháp bón:

+ Đào rạch sâu 30 - 40 cm, rộng 20 - 30 cm theo hình chiếu tán cây. Trộn đều các loại lân với đất, lấp vào rạch và tưới đẫm.

+ Bón Phân chuồng 2 năm /lần mỗi lần từ 50 - 200 kg/ cây. Thời điểm bón sau khi cây thu hoạch quả.

c. Cắt tỉa khung tán

- Tạo hình thời kỳ cây con:

+ Tạo cho cây có dạng hình tán thấp, rộng, thoáng, cân đối để dễ chăm sóc và thu hoạch.

+ Cắt bỏ cành yếu, cành sâu bệnh, cành chen chúc trong tán, cành vượt, cành mọc thẳng lên đỉnh tán. Tạo điều kiện tập trung dinh dưỡng nuôi những cành cơ bản sinh trưởng, phát triển tốt.

+ Mỗi năm làm một đến hai lần vào vụ xuân và vụ thu.

- Cắt tỉa tạo quả thời kỳ kinh doanh:

+ Vụ xuân: Cắt tỉa những chùm hoa, chùm quả nhỏ yếu, sâu bệnh. Cắt tỉa các cành lộc nhỏ yếu chen chúc, giữ lại các cành chính mọc về các phía.

+ Vụ hè: Cắt tỉa những quả nhỏ yếu, sâu bệnh. Cắt tỉa những cành lá chen chúc trong tán.

+ Vụ thu: Tiến hành cắt tỉa vệ sinh khung tán sau khi thu hoạch quả. d. Quản lý dịch hại

* Cỏ dại:

- Trồng cây che phủ đất hạn chế cỏ dại trong vườn.

- Đầu Xuân cần xới gốc, nhặt sạch cỏ dại. Trong mùa mưa cần xới nhẹ phá váng gốc cây giúp cho đất thông thoáng sau mưa.

* Sâu hại

+ Bọ xít gồm nhiều loại, thường gây hại từ tháng 11 đến tháng 04 năm sau. Bọ xít dùng vòi chích đọt non, cuống hoa và những chùm quả chưa chín làm cho đọt và từng chùm hoa bị héo, quả non bị rụng, quả lớn thối.

+ Biện pháp phòng trừ:

Biện pháp cắt tỉa: Tỉa cành vô hiệu, tạo tán, làm cỏ vệ sinh vườn quả sau sau khi thu hoạch.

Biện pháp cơ giới: Tháng 12 đến tháng 1 vào những đêm tối trời, thời tiết lạnh, rung cành cho bọ xít rơi xuống để bắt, ngắt lá có ổ trứng đốt bỏ.

Biện pháp hoá học: Phun thuốc vào tháng 4 và tháng 8 hàng năm có thể dùng Bi 58, Drotox nồng độ 0,1 - 0,7 %; Dipterex nồng độ 1 - 2 % hoặc tre bon 1 - 2%. Phun khi bọ xít còn non, phun 2 đợt mỗi đợt cách nhau 10 - 15 ngày.

- Ve sầu hại nhãn: + Đặc điểm gây hại:

Ve sầu chích hút dinh dưỡng trên các chồi hoa, cuống hoa. Trứng đẻ rời rạc được găm vào lớp vỏ non của chồi, cây non. Sâu non nở từ cuối tháng 3 đến tháng 5.

+ Biện pháp phòng trừ:

Cắt tỉa cành vô hiệu, tạo tán, làm cỏ vệ sinh vườn quả sau sau khi thu hoạch. Thường xuyên theo dõi mật độ sâu phát sinh trên vườn.

Phun thuốc khi sâu non nở rộ và sống tập trung trên chồi cây, chùm quả. Thuốc có hiệu quả (Sherpa 25EC nồng độ 0,2 - 0,5 %; Pegasus 500 EC).

* Bệnh hại

- Bệnh mốc sương và sương mai

+ Thời điểm gây hại: Từ tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau, khi cây bắt đầu ra hoa, bệnh mốc sương và sương mai phát triển mạnh làm thối hoa ảnh hưởng đến tỷ lệ đậu quả.

+ Biện pháp phòng trừ: Dùng boóc đô 1%; Anvin 0,2% hay Ridomin phun lên cây khi mới nhú mầm hoa. Lần 1: phun khi cây ra giò. Lần 2: phun khi giò hoa nở 5 đến 7 ngày.

* Các loại dịch hại khác: Khi nhãn bắt đầu chín thường xuất hiện dơi, do đó phải làm lồng bảo quản nhãn để chống dơi phá hoại.

e. Xử lý tăng cường khả năng ra hoa đậu quả

* Biện pháp cơ học

- Cắt tỉa khung tán cân đối mỗi năm 3 lần vào các vụ xuân, hè, thu.

- Dùng các biện pháp khoanh vỏ, vặn dây thép, cuốc rãnh quanh gốc đối với những cây sinh trưởng khỏe.

* Biện pháp hóa học

Dùng Ethreel nồng độ 0,5% phun cháy lộc đông trên những cây sinh trưởng thân lá mạnh.

Một phần của tài liệu giáo trình mô đun trồng cây trong hệ thống nông lâm kết hợp (Trang 47)