Ngôn ngữ giàu tính biểu cảm

Một phần của tài liệu Nhân vật lý tưởng trong văn học lãng mạn (Khảo sát qua một số tác phẩm của V.Hugo) ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 116)

Ngôn ngữ là phương tiện quan trọng để biểu đạt hình tượng nghệ thuật. Ngôn ngữ trong văn học lãng mạn cũng như trong tiểu thuyết của V.Hugo luôn thiết tha, dạt dào cảm xúc. Đó là thứ ngôn ngữ được trau chuốt, mượt mà dùng để miêu tả những suy nghĩ, những rung động nội tâm của nhân vật một cách sâu sắc. Các nhân vật lý tưởng của V.Hugo cũng vậy, họ được miêu tả bằng ngôn ngữ giàu hình ảnh và xúc cảm. Nếu như những lời tả ngoại hình xấu xí, gớm ghiếc của Cadimôđô gợi sự khô cứng đến trần trụi, đáng sợ nhưng những lời nói của gã kéo chuông lại hết sức tình cảm, chân thành, đồng thời gợi cả niềm xót xa. Chẳng hạn là khi thằng gù từ chối lời mời của cô gái Ai Cập xinh đẹp:

Không, không, con cú không vào tổ sơn ca [13, 433]; Tôi chỉ là con quái vật khốn khổ đáng thương [13, 434]; Đừng nhìn khuôn mặt. Hỡi cô gái, hãy nhìn trái tim [13, 445]; Trời ơi! Hóa ra phải như vậy! Chỉ cần có cái mã ngoài đẹp đẽ là đủ… Mắt gã kéo chuông tội nghiệp ứa lệ, nhưng nó không để chảy một giọt.

117

thức sâu sắc được sự bất hạnh không thể thay đổi được, đồng thời làm toát lên vẻ đẹp tâm hồn cao quý của hắn.

Ngôn ngữ tác giả dành miêu tả Giăng Vangiăng lúc nào cũng tràn đầy cảm xúc tha thiết. Chẳng hạn những phút giây hạnh phúc của ông bên Côdét được miêu tả bằng ngôn từ lãng mạn, giàu biểu cảm: Ông ngồi ngắm nó hết mặc áo rồi lại cởi áo cho búp bê, nghe nó rúc ra rúc rích hàng giờ không chán… Côdét như một luồng ánh sáng êm dịu rọi vào tương lai ông. [14, 618]. Rồi ngay cả lúc đưa Côdét trốn chạy, trong phút giây hiểm nguy ấy, Giăng Vangiăng vẫn thả hồn mình vào tiếng hát du dương vọng ra từ nhà tu kín: Trong khi nghe hát, Giăng Vangiăng quên hết mọi ưu phiền. Ông không thấy đêm tối, ông chỉ thấy trời xanh. Ông cảm thấy hình như đôi cánh thiên thần ở trong người ông từ từ mở ra. [14, 646]. Đây là những ngôn từ hết sức mượt mà, giàu hình ảnh. Trong lời nói của ông với nhân vật khác cũng toát lên những ngôn từ đầy xúc cảm, đó là cảm xúc đau đớn khi nói sự thật của mình với Mariuytx Để sống, xưa kia tôi đã ăn cắp một cái bánh, bây giờ để sống tôi không muốn ăn cắp một cái tên. [16, 581]. Câu nói thể hiện một niềm day dứt vì cả đời phải lẩn trốn, đồng thời thể hiện nhân cách cao đẹp của Giăng Vangiăng, sẵn sàng để người ta khinh ghét mình chứ không sống giả dối. Đặc biệt là những lúc nói về Côdét, ông dành những lời âu yếm, yêu thương nhất để nói về đứa con ông hết lòng che chở, bảo vệ: Côdét con còn nhớ Môngphécmây không? Con lúc ấy ở trong rừng, con sợ hãi quá. Con nhớ lúc cha cầm cái quai thùng nước không? Lần ấy là lần đầu tiên cha đụng đến bàn tay bé bỏng tội nghiệp của con. Sao mà nó lạnh thế? Ờ! Tiểu thư ạ, tay tiểu thư lúc ấy đỏ bầm cơ, bây giờ thì tay tiểu thư trắng lắm. [16, 666]. Những lời nói đó nói lên tình yêu vô bờ bến mà ông dành cho Cô dét. Và với lối sống đẹp đáng trân trọng ấy, V.Hugo cũng ưu ái dành cho Giăng Vangiăng

118

những từ ngữ đẹp đẽ và lãng mạn khi con người khổ hạnh ấy đi vào cõi vĩnh hằng Chắc hẳn trong bóng tối, có một thiên thần mênh mông đang giương hai cánh chờ đón linh hồn. [16, 667]. Những từ ngữ hết sức biểu cảm, sự ra đi của nhân vật mang một tầm vóc lớn lao, trở nên kì vĩ và vĩnh hằng.

Như ở các phần trước chúng ta đã nói, V.Hugo dùng những ngôn ngữ đẹp đẽ nhất, mềm mại, mượt mà nhất để miêu tả vẻ đẹp của cô gái Phăngtin. Những từ ngữ ấy cho người đọc nàng có vẻ đẹp như thiên thần. Đến khi nàng có con, tác giả lại dùng những ngôn từ đầy cảm xúc để nói lên tình mẫu tử thiêng liêng nàng dành cho con. Nàng bán tóc, bán răng, soi gương thấy mình xấu xí đến phát sợ nhưng rồi Phăngtin lại thấy vui vì có tiền gửi cho con. Ngay cả đến khi sắp từ giã cõi đời, Phăngtin vẫn luôn miệng gọi tên con trong niềm xúc cảm thiết tha, nghẹn ngào.

Các nhân vật lý tưởng trong tiểu thuyết Chín mươi ba cũng được nhà văn miêu tả bằng những ngôn từ biểu cảm, giàu cảm xúc và hình ảnh. Gôvanh được miêu tả bằng những từ ngữ đầy biểu cảm vừa toát lên vẻ oai nghiêm của một người chỉ huy, vừa nói lên vẻ dịu dàng, thánh thiện: Gô vanh trạc ba mươi tuổi, vóc người lực lưỡng có cặp mắt nghiêm nghị của một nhà tiên tri và nụ cười của một em bé… Tiếng nói của ông hết sức dịu dàng nhưng lâm thời lại có những giọng sang sảng đột ngột của người chỉ huy...Một tâm hồn dũng cảm và trong trắng. [12, 276]. Và qua con mắt người thầy của mình: Ximuốcđanh hình dung Gôvanh nghiền nát dưới chân mình bóng tối của thời đại, bao bọc trong ánh hào quang, trên đầu rực rỡ sao băng, dang rộng đôi cánh lý tưởng của công lý, của lẽ phải, của tiến bộ. [12, 297]. Đó là những ngôn từ đẹp đẽ, đầy biểu cảm làm toát lên hình ảnh con người quân tử, có nhân cách cao thượng của Gôvanh.

119

Ngôn ngữ tác giả dành miêu tả Ximuốcđanh cũng đầy biểu cảm, cảm xúc như vậy. V.Hugo miêu tả tấm lòng yêu thương những người khốn khổ của Ximuốcđanh bằng ngôn ngữ giàu hình ảnh: Ông nhìn những kẻ đau khổ với tấm lòng trìu mến dễ sợ. [12, 152]. Trong chiến trận, ông băng bó, chăm sóc cho những người bị thương, miệt mài cứu người và xúc động khi thấy các con nhỏ chân không giầy. Ông ta xông xáo vào nơi trận địa, đi hàng đầu đơn vị và giữa trận đánh ác liệt. Ông ta đương đầu với gươm đạn nhưng không đánh trả lại.

[12, 308]. Những từ ngữ giàu tính biểu cảm, giàu hình tượng ấy cho thấy Ximuốcđanh là một con người nghiêm khắc nhưng lại có tấm lòng cao cả, dành hết tình yêu thương của mình cho những người khốn khổ.

Tóm lại, có thể thấy ngôn từ mà V.Hugo sử dụng để nói về các nhân vật của mình rất giàu tính biểu cảm và đây cũng là đặc trưng vốn có của nghệ thuật lãng mạn. Ngôn ngữ mượt mà, gợi cảm để miêu tả những vẻ đẹp tâm hồn cao cả, luôn khao khát vươn tới những giá trị vĩnh hằng, trường tồn.

Một phần của tài liệu Nhân vật lý tưởng trong văn học lãng mạn (Khảo sát qua một số tác phẩm của V.Hugo) ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 116)