Nhân vật lý tưởng trong văn học

Một phần của tài liệu Nhân vật lý tưởng trong văn học lãng mạn (Khảo sát qua một số tác phẩm của V.Hugo) ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 25)

Văn học không thể thiếu nhân vật, bởi đó chính là phương tiện, là công cụ để nhà văn phản ánh cuộc sống và gửi gắm tư tưởng, quan niệm của mình.

Theo “Đại từ điển Tiếng Việt” do Nguyễn Như Ý chủ biên, thì “nhân vật có nghĩa là vai trong tác phẩm văn học” [11, 914].

Theo “Từ điển Tiếng Việt” của Viện ngôn ngữ học, nhân vật là “đối tượng (thường là con người) được miêu tả, thể hiện trong tác phẩm văn học, nghệ thuật.” [6, 916]

Henri Bénac trong cuốn “Dẫn giải ý tưởng cho văn chương” cho rằng khái niệm nhân vật được hiểu là một người được hư cấu tưởng tượng trong một tác phẩm văn học, một tác phẩm điện ảnh hay sân khấu. Nhân vật là tấm gương cho phép người ta hiểu rõ hơn những quy luật của tâm hồn con người. Đôi khi nhân vật giúp cho người đọc hiểu được những quy ước của một thời đại, thậm chí cả những thói hư, tật xấu của thời đại ấy.” [5, 115].

Theo “150 thuật ngữ văn học” thì: “Nhân vật là một đơn vị nghệ thuật đầy tính ước lệ, không thể đồng nhất nó với con người thật trong cuộc sống. Nó có chức năng cơ bản là khái quát tính cách của con người và chức năng này cũng mang tính lịch sử. Nhân vật văn học còn có khả năng dẫn dắt độc giả vào các thế giới khác của đời sống, thể hiện quan niệm nghệ thuật và lí tưởng thẩm mĩ của nhà văn về con người.” [7, 249]

Theo “Từ điển thuật ngữ văn học”: “Nhân vật văn học là một đơn vị nghệ thuật đầy tính ước lệ, không thể đồng nhất nó với con người có thật trong đời sống. Chức năng cơ bản của nhân vật văn học là khái quát tính cách của con người. Do tính cách là một hiện tượng xã hội, lịch sử nên chức năng khái quát tính cách của nhân vật văn học cũng mang tính lịch sử.” [8, 235].

26

Từ những định nghĩa trên, ta có thể hiểu nhân vật văn học là hình tượng nghệ thuật về con người, mang tính lịch sử và mang dấu ấn chủ quan của nhà văn. Nhân vật có thể có tên, không tên, hay có khi nhân vật là con vật, cây cỏ ... song ít nhiều đều mang bóng dáng, tính cách của con người.

Trong tác phẩm văn học, các loại hình nhân vật rất đa dạng. Xét về vai trò nhân vật trong tác phẩm, có thể nói tới nhân vật chính, nhân vật phụ, nhân vật trung tâm. Xét về phương diện hệ tư tưởng, về quan hệ đối với lý tưởng xã hội của nhà văn, có thể nói đến nhân vật chính diện và nhân vật phản diện. Trong đó, nhân vật chính diện thường được tác giả đề cao và khẳng định, đó là nhân vật mang lý tưởng, quan điểm tư tưởng và đạo đức tốt đẹp của tác giả, của thời đại. Và khi nhân vật chính diện có ý nghĩa mẫu mực cao độ cho lối sống của một tầng lớp, một giai cấp, một dân tộc thì được gọi là nhân vật lý tưởng. Cần phân biệt nhân vật lý tưởng với nhân vật tư tưởng. Nhân vật tư tưởng là nhân vật thể hiện quan điểm tư tưởng của nhà văn hoặc thể hiện tư tưởng nào đó của một thời đại. Chẳng hạn như Ra-xcôn-nhi-cốp của Đốt-xtôi- ép-xki là nhân vật hành động theo tư tưởng rối loạn vô chính phủ chống lại tình trạng con người bị chà đạp, bị bỏ rơi, không lối thoát. Nếu như nhân vật lý tưởng được tạo nên bởi những tính cách, phẩm chất cao đẹp thì nhân vật tư tưởng cũng có thể chứa đựng những phẩm chất, tính cách nhưng đó không phải là hạt nhân tạo nên cấu trúc nhân vật tư tưởng, mà loại hình nhân vật này là nhân vật phát ngôn cho tư tưởng của tác giả. Còn nhân vật lý tưởng là nhân vật trở thành hình tượng mẫu mực cho lối sống, cho nguyện vọng của con người.

Ngay từ thời cổ đại, hình tượng nhân vật lý tưởng đã xuất hiện trong anh hùng ca của Homer là Iliat và Ôđixê. Nhân vật lý tưởng chính là những nhân vật anh hùng, họ coi thường sống chết, xông lên hàng đầu, chiến đấu cực kì dũng

27

cảm và mong muốn lập được những chiến công hiển hách để lưu danh hậu thế. Họ phải chiến đấu để giành lấy vinh quang cho mình, cho dòng họ mình để lưu danh hậu thế. Trong Iliat, Achille là nhân vật chính của bản trường ca. Trong tất cả những người trần tham chiến ở Illion, Achille là một đứa con ưu tú nhất về sức mạnh, chàng là nhân vật lý tưởng. Sức mạnh của Achille quả là siêu phàm, là phi thường, là bất khả xâm phạm. Sức mạnh của chàng được cả thần lẫn người thừa nhận, vị anh hùng con của Pêlê rất được sự yêu quí của thần linh. Nhưng mặt khác, chàng còn có một sức mạnh tinh thần kết tinh của cả bộ lạc, đây là những khởi nguồn cho những chiến công hiển hách của chàng. Quyết định đến với cuộc chiến, Achille đã chấp nhận cuộc đời đoản mệnh như người thường, điều đó cho thấy nhân cách cao đẹp ở chàng. Như vậy, nhân vật lý tưởng thời cổ đại Hi Lạp chính là những người anh hùng chính nghĩa trên chiến trận.

Đến thời kì Phục hưng, nhân vật lý tưởng là những nhân vật đấu tranh quật cường nhằm khẳng định khát vọng nhân đạo chủ nghĩa lớn lao song đều có kết cục bi thảm. Nhân vật lý tưởng thường mâu thuẫn giữa lý tưởng nhân văn tốt đẹp với tình trạng cùng khổ của nhân dân, giữa khát vọng tự do với những xiềng xích trói buộc họ. Trong Âm mưu và tình yêu của Sêcxpia, Romeo và Juliet là hai nhân vật lý tưởng cho tình yêu đẹp, vĩnh cửu. Tình yêu của họ đã xóa tan mối oán thù giữa hai dòng họ, mà mối oán thù ấy chính là sản phẩm tai ương của chế độ phong kiến. Hamlet nhân vật chính trong vở kịch cùng tên suy nghĩ và triết lý, nhìn thấy xã hội với những bất công, với những bọn người đê hèn đã quyết định sống và đấu tranh, lập lại công bằng và lẽ phải. Có thể thấy ở thời kì Phục hưng, nhân vật lý tưởng không phải là những con người có sức mạnh phi thường, dũng mãnh như thời cổ đại mà là những con người bình thường dám vượt qua

28

giới quy phạm hẹp hòi của xã hội để đấu tranh giành quyền tự do, bình đẳng cho mình và cho mọi người.

Bước sang thế kỉ XVIII đánh dấu một bước chuyển mình quan trọng của nền văn học Phương Tây, đó là thời kì phát triển của văn học Ánh sáng. Nhân vật lý tưởng của văn học thời kì này là những nhân vật nặng về lý trí, dùng lý trí để xua tan bóng tối, giải phóng tư tưởng, mở mang trí tuệ cho con người, dùng ánh sáng của trí tuệ đấu tranh chống lại chế độ phong kiến. Chàng thanh niên trong tác phẩm Canđiđơ hay chủ nghĩa lạc quan của Vônte dù được nuôi dưỡng trong môi trường quý tộc nhưng qua những biến cố, tai họa xảy ra chàng đã nhận ra rằng quan niệm mọi sự đều hoàn hảo trong thế giới hoàn hảo là vô bổ và sai lầm. Anh ta đã tìm được hạnh phúc từ việc quan sát và thực hiện cuộc đời giản dị của một người lao động chăm bón khu vườn của mình, đó chính là hạnh phúc trong lao động chân chính. Như vậy một lần nữa, văn học Ánh sáng lại khẳng định nhân vật lý tưởng là những con người bình thường, nhưng được mở mang trí tuệ, là những nhân vật nặng về lý trí với mong muốn cải tạo thế giới đầy ảo tưởng.

Đến thế kỉ XIX, văn học Pháp cũng như văn học phương Tây nói chung hình thành nhiều trào lưu văn học, trong đó nổi bật lên là trào lưu văn học lãng mạn và văn học hiện thực. Chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lãng mạn khác biệt, song không hề mâu thuẫn mà liên quan mật thiết, bổ sung cho nhau. Văn học hiện thực và văn học lãng mạn tiến bộ có nhiều điểm chung: bối cảnh lịch sử, cơ sở tâm lý, những tìm tòi mỹ học nhằm giải phóng và đổi mới văn học. Trong văn học lãng mạn, nhân vật lý tưởng mang đậm dấu ấn chủ quan của nhà văn, nhân vật vượt lên trên hiện thực sống bằng tình thương và đức hi sinh cao cả, lấy nhân cách cao đẹp để cảm hóa cái ác, tiêu biểu là Gôvanh hay Giăng Vangiăng trong

29

các tiểu thuyết của V.Hugo. Ngược lại, chủ nghĩa hiện thực xây dựng nhân vật lý tưởng luôn hướng về thực tại, nhân vật được hình thành nên từ xã hội tư sản đương thời. Vì vậy nhân vật lý tưởng chiếm tỉ lệ rất ít bởi hiện thực xã hội quy định, mà chỉ xuất hiện loại hình nhân vật trung tâm phản diện bị tha hóa trước xã hội và loại hình nhân vật đau khổ, vỡ mộng.

Trong văn học Việt Nam, nhân vật lý tưởng là những người có sức mạnh, tài năng phi thường, thể hiện ước mơ và khát vọng của con người về cuộc sống công bằng, tốt đẹp như chàng Thạch Sanh trong truyện cổ tích, Lục Vân Tiên trong văn học trung đại. Ở văn học lãng mạn, ta cũng bắt gặp những hình tượng nhân vật lý tưởng có tâm hồn thánh thiện, nhân cách cao đẹp, sẵn sang hi sinh vì mọi người như Huấn Cao trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân. Trong văn học hiện thực cách mạng, nhân vật lý tưởng là những con người dũng cảm chiến đấu bảo vệ quê hương đất nước, sẵn sàng hi sinh vì đất nước như Tnú trong

Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành.

Tóm lại, có thể nói rằng, ở bất cứ giai đoạn văn học nào cũng tồn tại loại hình nhân vật lý tưởng và mỗi giai đoạn, trào lưu khác nhau thì cách xây dựng, thể hiện loại hình nhân vật này mang những nét riêng, độc đáo.

Một phần của tài liệu Nhân vật lý tưởng trong văn học lãng mạn (Khảo sát qua một số tác phẩm của V.Hugo) ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 25)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)