Các nhân vật lý tưởng được V.Hugo khắc họa ở tình yêu thương con người bằng tất cả trái tim nhân hậu của mình, do đó họ có những cảm xúc mãnh liệt, những rung động mạnh mẽ xuất phát từ tâm hồn cao cả. Cảm xúc chính là những rung động trong tâm hồn con người khi đối diện với những sự việc hay con người trong cuộc sống. Nhân vật trong văn học lãng mạn luôn có những rung động mạnh mẽ với cường độ tối đa khi đứng trước những sự việc đúng đắn hay bất công ngang trái, trước những người xấu hoặc tốt. Nghĩa là cảm xúc của
109
họ thể hiện vô cùng mạnh mẽ, yêu thương cái tốt đến hết lòng, căm ghét cái xấu đến tột đỉnh, vui đến tận cùng mà đau khổ cũng đến đỉnh điểm.
Những giọt nước mát trong mà Exmeranđa đem tới kịp thời đã thức tỉnh tâm hồn thánh thiện của Cadimôđô, kể từ đây gã kéo chuông nhà thờ trở thành một con người giàu cảm xúc, biết yêu thương và biết hi sinh. Sẵn sàng bất chấp khó khăn để cứu cô gái Bôhêmiêng xinh đẹp, nhưng hắn biết rằng hắn quá xấu và làm cô sợ, khi hắn nói với Exmeranđa hắn bị điếc, nhìn vẻ mặt của cô gái hắn mỉm cười đau khổ. Con người tội nghiệp ấy ý thức sâu sắc về sự bất hạnh của mình, trong cuộc nói chuyện với Exmeranđa, hắn vô cùng đau xót khi tự ý thức được cái vẻ dị dạng, gớm ghiếc của mình: Đem so sánh tôi với cô, tôi rất thương hại cho thân tôi, tôi chỉ là con quái vật khốn khổ đáng thương! Chắc cô thấy tôi giống con thú phải không! – Còn cô, cô là tia nắng, cô là giọt sương, cô là tiếng chim! [13, 434]. Ngay cả trong tiếng cười của kẻ khốn khổ cũng toát lên vẻ đau đớn, rồi Cadimôđô khóc Một giọt nước mắt lăn trong con mắt gã kéo chuông nhưng không rơi xuống. Nó gắng tự trọng để nuốt giọt nước mắt. [13, 434]. Giọt nước mắt là đỉnh điểm của nỗi đau, của cảm xúc đau khổ mãnh liệt chất chứa ở đó. Đặc biệt, cảm xúc của gã kéo chuông được biểu hiện mãnh liệt, dạt dào với những cung bậc khác nhau trong tình yêu đối với cô gái Ai Cập. Hắn có cái hạnh phúc mãn nguyện được nhìn ngắm, được chăm sóc cô gái mỗi ngày dù đôi lúc xót xa biết rằng cô sợ ngoại hình của mình. Rồi khi nhìn thấy ánh mắt Exmeranđa nhìn Phêbuýt đắm đuối thì Cadimôđô càng đau đớn hơn, hắn hiểu rằng một cái vẻ ngoài đẹp đẽ thì sẽ chiến thắng dễ dàng, cái mà hắn không bao giờ có được. Trong lòng gã kéo chuông có sự tức tối, cả sự ghen tị nhưng hắn yêu cô gái vô điều kiện nên sẵn sàng giúp cô tìm gặp chàng trai cô thương nhớ.
110
Hết lòng yêu thương và bảo vệ cô gái Ai Cập nên khi phó giáo chủ Frollo muốn chiếm đoạt cô gái, Cadimôđô hết sức giận dữ đến nỗi Frollo cũng nghe thấy tiếng hàm răng nghiến vào nhau tức giận. Đến lúc Exmeranđa bị ông ta bắt đi một lần nữa và lần này cô sẽ bị treo cổ không thể cứu được thì gã kéo chuông vừa đau đớn vừa giận giữ. Cảm xúc tức giận, thù ghét khiến Cadimôđô không thèm ngó ngàng đến phó giáo chủ, người hắn từng tôn thờ nhất, hắn cứ để ông ta quằn quại rồi từ từ rơi xuống đất. Xen lẫn đó là sự đau đớn, xót xa, hắn đã khóc khi thấy tấm thân bé nhỏ của cô gái Ai Cập treo lủng lẳng trên đài treo cổ. Một nỗi đau đến tột cùng, tất cả những gì Cadi mô đô yêu thương nhất giờ đã mất, hắn khóc trong tuyệt vọng Ôi! Đó là tất cả những gì ta yêu quý! [13, 585].
Tâm trạng Giăng Vangiăng cũng được V.Hugo miêu tả với một cường độ cảm xúc mãnh liệt. Có lúc là cảm xúc ngạc nhiên, ngỡ ngàng trước tấm lòng nhân ái vô hạn của giám mục Mirien đến nỗi Giăng Vangiăng ngơ ngác, lắp bắp không thành tiếng. Khi ông đối diện với Giave trong nhà thương lúc Phăngtin sắp qua đời lại là cảm xúc giận dữ Ông trợn mắt nhìn Giave, Giave lùi ra phía cửa [14, 421]. Rồi có lúc là sự thương xót, xót xa vô hạn của ông khi chứng kiến cảnh Côdét bị vợ chồng Tênácđiê bóc lột làm tấm thân nhỏ bé ngày càng còm cõi và cảm động đến rơi nước mắt khi cô bé hạnh phúc gọi con búp bê mà ông mua cho nó là bà lớn. Cứu Côdét và chăm sóc nó như con gái, ông vô cùng yêu thương nó nên ông xót xa nhận ra sẽ không giữ mãi nó bên cạnh mình được. Vì vậy, với cô bé, Giăng Vangiăng dịu dàng bao nhiêu thì với Mariuyt ông lại có ánh mắt nảy lửa bấy nhiêu khi nhìn chàng.Và đúng như ông lo sợ, điều gì đến rồi sẽ đến, Côdét yêu và lấy Mariuytx, hạnh phúc duy nhất của đời ông đã thuộc về người khác. Trong đám cưới Côdét, ông lặng lẽ ra về khi mọi người còn vui vẻ, còn ông gặm nhấm nỗi đau một mình. Không chỉ thế, cảm xúc đau khổ của
111
Giăng Vangiăng khi thú nhận con người thật của mình với Mariuytx được V.Hugo miêu tả với cảm xúc đau đớn dữ dội: Ông ngồi phịch xuống ghế, hai tay ôm mặt không nghe thấy tiếng gì, nhưng nhìn hai vai nhô lên hạ xuống thì biết ông đang khóc. Nước mắt âm thầm, nước mắt ghê gớm. Tiếng thổn thức nghẹn ngào làm cho người ta nghẹt thở. Ông như bị co giật, phải ngả người ra đằng sau, trên lưng ghế như để thở, buông thõng hai cánh tay. Mariuytx nhìn rõ mặt ông chan hòa nước mắt. Chàng nghe thấy ông nói rất sẽ như từ một nơi sâu thẳm: Ôi! Tôi muốn chết cho rồi.[16, 588]. Nhưng khi Côdét đến thăm, được gặp lại cô, dù lúc đó rất yếu song ông không giấu được niềm vui sướng: Cô dét! Giăng Vangiăng reo. Ông nhổm lên trên ghế, hai cánh tay giơ ra, run lẩy bẩy, mặt ngơ ngác, nhợt nhạt, dễ sợ, nhưng hai con mắt tràn ngập một niềm vui vô hạn. [16, 655]. Giăng Vangiăng có cảm xúc đớn đau bao nhiêu khi Côdét ngày càng rời xa mình thì ông lại hạnh phúc, vui sướng bấy nhiêu khi được gặp lại đứa con mà ông dành cả cuộc đời mình để lo lắng cho nó.
Trong Chín mươi ba, cảm xúc mãnh liệt của Gôvanh chính là lúc anh chứng kiến lão hầu tước Lăngtơnắc bất chấp hiểm nguy lao vào đám cháy cứu ba em nhỏ. Người chỉ huy cách mạng đi từ bất ngờ đến cảm động, anh thấy mình như chứng kiến một phép màu nên trong anh có một cuộc đấu tranh nội tâm mạnh mẽ: cứu hay không cứu lão hầu tước. Không chỉ thế, Gôvanh còn có cảm xúc hạnh phúc khi mơ màng nghĩ về một xã hội lý tưởng, một tương lai tươi sáng dù chỉ vài phút nữa anh sẽ đối mặt với cái chết. Còn Ximuốcđanh theo lời tác giả là một người ít thể hiện cảm xúc, nhưng cảm xúc đau đớn, xót xa của ông lại thể hiện mạnh mẽ khi ông quyết định không thể không xử chém Gôvanh. Ông đau khổ đến tột cùng, bởi Gôvanh chính là đứa con trí tuệ, đứa con mà ông yêu thương và hi vọng.
112
Như vậy, các nhân vật lý tưởng của V.Hugo đều được miêu tả với một cường độ cảm xúc mãnh liệt, yêu ghét rõ ràng. Hạnh phúc đến đỉnh điểm nhưng đau đớn cũng đến tận cùng. Đó cũng chính là đặc trưng của nhân vật lý tưởng trong văn học lãng mạn.