Độc thoại nội tâm

Một phần của tài liệu Nhân vật lý tưởng trong văn học lãng mạn (Khảo sát qua một số tác phẩm của V.Hugo) ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 112)

Trong tiểu thuyết của V.Hugo các nhân vật độc thoại thường nội tâm nhiều, thông qua đó toát lên suy nghĩ, tính cách và những phẩm chất tốt đẹp của mình. Độc thoại nội tâm là lời của nhân vật tự nói với mình, thể hiện những cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật. Đó là tiếng nói bên trong tâm hồn nhân vật, là ý nghĩ, là lời tự nhủ thầm kín. Độc thoại nội tâm bộc lộ đời sống tinh thần của nhân vật, thể hiện rõ con người bên trong. Độc thoại nội tâm tùy thuộc rất nhiều vào phương pháp sáng tác và bản sắc riêng từng nhà văn. Với V.Hugo, sử dụng độc thoại nội tâm nhà văn để nhân vật tự nói lên tính cách, số phận của mình, tự ý thức về bản thân mình, thể hiện quá trình đấu tranh vươn tới cái đẹp, cái tốt, cái cao cả của hình tượng nhân vật lý tưởng.

Những lời độc thoại nội tâm của Cadimôđô trong Nhà thờ Đức bà Pari nói lên sự đau xót, tủi hổ về ngoại hình kì dị của hắn nhưng lại làm bừng sáng tâm hồn thánh thiện, đức hi sinh lớn lao của gã kéo chuông. Khi bắt gặp ánh mắt và những cử chỉ say đắm Exmeranđa dành cho Phê buýt, gã kéo chuông đau khổ nhận ra: Trời ơi! Hóa ra chỉ cần như vậy! Chỉ cần cái mã ngoài đẹp là đủ!” [13, 439]. Điều này cho thấy Cadimôđô ý thức sâu sắc về sự bất hạnh của mình,

113

nhưng đau đớn là vậy nó vẫn sẵn sàng giúp cô gái Ai Cập gặp người cô thương nhớ. Rồi khi chứng kiến cái chết của phó giáo chủ Frollo và Exmeranđa, gã kéo chuông khốn khổ cũng tự nói với chính mình: Ôi! Đó là tất cả những gì ta yêu quý! Lời độc thoại cho thấy nỗi đau đớn đến tận cùng trong lòng Cadimôđô. Con người bất hạnh ấy chỉ trò chuyện và dành tình cảm cho hai con người kia, họ đã chết, nghĩa là cuộc đời hắn giờ đây cũng vô nghĩa.

Giăng Vangiăng trong Những người khốn khổ có một quá trình vật lộn, đấu tranh nội tâm gay gắt để hoàn thiện mình, vươn tới cái cao cả, trác tuyệt. Đầu tiên, vai trò thị trưởng của ông bị lung lay bởi phép thử lương tâm trước sự việc cứu hay không cứu Săngmachiơ, một người sắp phải chịu tội thay ông. Sau một đêm dằng dặc, đấu tranh trong tâm tưởng và ông đi đến quyết định cuối cùng: Dứt khoác rồi, phải theo con đường ấy! Phải làm bổn phận của mình. Phải cứu người ấy. [14, 384]. Khi sống hạnh phúc cùng Côdét trong nhà tu, Giăng Vangiăng rất sung sướng nhưng ông lại thường tự chất vấn mình, ông tự hỏi có phải ông ích kỉ quá không khi hưởng cái hạnh phúc bình yên ấy còn Côdét thì thiệt thòi vì không biết đến những niềm vui ngoài kia, và ông tự nhủ con bé có quyền được biết cuộc sống trước khi bỏ đời đi tu. [15, 556]. Dù biết rằng nếu ở lại tu viện ấy, ông sẽ mãi có cuộc sống bình yên, không bao giờ phải trốn chạy nhưng Giăng Vangiăng luôn đấu tranh nội tâm, vì hạnh phúc của Côdét,ông quyết định rời bỏ nơi đó. Mỗi ngày Côdét lớn lên là mỗi ngày ông nhận ra vẻ đẹp rạng rỡ của cô bé và tự nhủ Nó đẹp thật! Còn ta, ta sẽ ra sao đây! [15, 577]. Ông lo sợ sẽ mất Côdét, người mà ông dành cho tất cả tình yêu thương. Cô bé cứ thế sẽ xinh đẹp, sẽ có người yêu, sẽ rời bỏ ông, còn ông, ông chỉ có mình nó là chỗ dựa duy nhất. Khi Côdét tương tư, ông đau khổ nhận ra: Trong lòng Côdét đã có một người khác rồi, người ấy là mục đích của đời nó, là ước mơ của đời nó.

114

Côdét đã có người để yêu quý rồi, còn ta chỉ là bố nó, ta chỉ như không thôi. [16, 247]. Ông chỉ tự nói với chính mình, tự dằn vặt trong đau khổ không tâm sự cùng ai. Giăng Vangiăng cũng biết được người Côdét yêu thương là Mariuytx, dù không ưa chàng trai đó nhưng vì đứa con gái yêu quý ông vẫn bất chấp hiểm nguy cứu anh ta. Trong lúc cứu Mariuytx, chỉ có một mình ông, ông phải tự quyết định làm thế nào để thoát khỏi chiến lũy nguy hiểm đang bị bao vây, rồi quyết định trốn xuống cống ngầm, tự nhủ với mình phải đưa người thanh niên ấy trở về nhà. Suốt cuốn tiểu thuyết, Giăng Vangiăng hầu như lúc nào cũng chỉ có một mình, nói chuyện, lo liệu, tính toán mọi việc một mình, ông là một con người khốn khổ cô đơn đến cuối đời.

Người mẹ nghèo khổ Phăngtin luôn nghĩ đến đứa con gái bé bỏng của mình. Lúc gửi Côdét ở lại nhà Tênácđiê để quay về quê tìm việc, trong lòng chị đã xảy ra một cuộc vật lộn nội tâm đau đớn. Nếu mang con về mọi người sẽ dè bỉu, không ai thuê mượn chị, để con ở lại thì thương con. Cuối cùng chị đành phải gửi con lại để đi tìm một công việc nuôi nó. Khi tìm được việc để kiếm tiền, chị tự nhủ rằng sẽ dành dụm tiền, khi nào có đủ tiền chị sẽ đón con sơn ca bé nhỏ về ở với mình, hai mẹ con sống hạnh phúc bên nhau. Và đấy chính là động lực để Phăngtin làm việc, dù vất vả nhưng chị vẫn cảm thấy vui trong lòng.

Trong Chín mươi ba, sự thơ ngây của những đứa trẻ đã diễn ra một cuộc đấu tranh nội tâm trong lão hầu tước và sau đó là Gôvanh. Anh đã trông thấy lão hầu tước hai lần liều thân. Lần thứ nhất, lão từ bỏ nơi an toàn, yên ổn, tự do, quay lại nơi cực kì nguy hiểm, nhảy bổ vào đám cháy. Lần thứ hai Gôvanh lại thấy lão bước xuống thang nộp mình cho kẻ thù, cái thang cứu mạng cho kẻ khác đã trở thành cái thang nộp mạng của lão. Mà để cứu ai? Cứu ba đứa trẻ không phải con lão, cũng chẳng phải họ hàng thân thích của lão. Gôvanh tự nhủ Lão

115

hầu tước Đờ Lăngtơnắc đã chọn giữa cái sống của kẻ khác với cái sống của mình, trong cuộc lựa chọn ấy, lão đã chọn cái chết cho lão [12, 453]. Vậy mà người ta lại giết lão, đáp lại một hành vi hào hiệp bằng một hành vi man rợ. Không những thế, Gôvanh và Lăngtơnắc còn có chung dòng máu. Nhưng Gôvanh lại tự phán xét rằng đâu phải ngẫu nhiên mà người ta muốn giết hầu tước. Đó là bởi vì ông ta cầm đầu quân phiến loạn, chiến tranh cũng một phần do ông ta, đám cháy do đâu mà có? Đó là do Imanuytx gây ra, mà Imanuytx là ai? Là người của Lăngtơnắc. Ông ta vốn độc ác, nhưng không độc ác đến cùng. Nếu giết ông ta thì mình thật độc ác, giết một con người cứu người khác, nhưng nếu cứu ông ta, ông ta sống rồi sẽ lại nổi dậy gây bạo loạn thì sao? Trước kia ông ta là con hổ, vậy giờ đây ông ta có còn là con hổ nữa không? Anh nghĩ: Xét cho cùng liệu người ta có thể phủ nhận sự tận tụy của Lăngtơnắc, sự xả thân và vô tư cao quý của lão không? Lão đã chẳng thể hiện lối sống nhân đạo trước cảnh xâu xé của cuộc nội chiến, đem chân lý cao siêu đặt lên trên những tâm lý tầm thường của cuộc xung đột ư? Lão đã chẳng chứng minh rằng bên trên các vua chúa, trên các cuộc cách mạng, trên các vấn đề trần tục còn có sự rung động bao la của tâm hồn con người, còn phải có trách nhiệm của kẻ mạnh che chở cho kẻ yếu, của kẻ thoát nạn phải cứu vớt những kẻ đang lâm nguy, còn tình phụ tử của tất cả các người già với trẻ em ư? [12, 469]. Một con người như thế có đáng bị đối xử như một con thú dữ không? Không, không thể như thế được. Vì vậy Gôvanh tự nhủ mình phải cứu ông ta. Qua những phút giây độc thoại nội tâm, Gôvanh quyết định tha thứ cho lão hầu tước những tội lỗi ông ta gây ra và cứu ông ta. Nhân vật lý tưởng luôn ẩn chứa một tấm lòng vị tha, nhân ái lớn lao dành cho con người, vì thế đôi khi họ có những hành động rất cá nhân.

116

Về phần Ximuốcđanh ông lại tự vấn chính mình nên tha hay không tha tội chết cho Gôvanh. Một mặt ông không muốn anh ta chết, vì anh ta chính là hi vọng của cách mạng, là đứa con ông yêu quý nhất. Nhưng nếu tha cho anh ta thì nghiêm minh cách mạng sẽ bị phá vỡ, cuộc cách mạng này rồi sẽ đi đến đâu?

Độc thoại nội tâm là một trong những nghệ thuật đặc trưng của văn học lãng mạn, nó góp phần thể hiện thành công hình tượng nhân vật lý tưởng. Và V.Hugo đã sử dụng có hiệu quả nghệ thuật này để xây dựng nhân vật lý tưởng trong các tiểu thuyết làm nổi bật lên những nhân cách đẹp hoàn thiện và sẵn sàng dâng hiến cho nhân loại của họ.

Một phần của tài liệu Nhân vật lý tưởng trong văn học lãng mạn (Khảo sát qua một số tác phẩm của V.Hugo) ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 112)