Cường điệu, phóng đại, khổng lồ hóa

Một phần của tài liệu Nhân vật lý tưởng trong văn học lãng mạn (Khảo sát qua một số tác phẩm của V.Hugo) ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 84)

Để làm nổi bật lý tưởng và biểu hiện tình cảm chủ quan của nhân vật lãng mạn, chủ nghĩa lãng mạn có những nét đặc sắc trên thủ pháp biểu hiện nghệ thuật và hình thức nghệ thuật. Nó vận dụng thủ pháp biểu hiện nghệ thuật phóng đại, cường điệu, khổng lồ hóa, lấy tình tiết vượt lên hiện thực, sắc thái đậm đà, ngôn ngữ mĩ lệ…kết hợp lại, tổ chức nên một thế giới lý tưởng phi thường. Cường điệu nghĩa là trình bày, thể hiện trên mức của sự thật một mặt nào đó của sự vật, hiện tượng để làm người ta chú ý, làm nổi bật cái cần miêu tả. Phóng đại là mô tả một đối tượng nào đó nhưng với kích thước, tầm vóc lớn hơn bình thường. Hình tượng nghệ thuật trong văn học lãng mạn được khổng lồ hóa, mang tầm vóc phi thường và vĩ đại.

Chủ nghĩa lãng mạn quan niệm: cái bình thường là cái chết của nghệ thuật. Vì thế, họ ưa sử dụng cường điệu, phóng đại để làm nổi bật hình ảnh, tầm vóc của nhân vật. Nếu chủ nghĩa cổ điển chú trọng đến cái chung, cái ý nghĩa khái

85

quát khi xây dựng tính cách mà coi nhẹ cái riêng, cá tính thì ngược lại, chủ nghĩa lãng mạn thích đi tìm cái phi thường, cái ngoại lệ gắn liền với khổng lồ hóa, lí tưởng hóa. Bởi vậy, trong cấu trúc hình tượng nhân vật của chủ nghĩa lãng mạn, cái phi thường, ngoại lệ bao giờ cũng lấn át cái bình thường, phổ biến, cá thể hóa lấn át khái quát hóa. Điều này thể hiện đặc biệt rõ nét ở hệ thống nhân vật của V.Hugo.

Là một nhà văn lãng mạn, V.Hugo thường dùng phương pháp xây dựng những hình tượng to lớn để mô tả những tâm hồn siêu việt, những đột biến cao cả trong lòng người, gây ấn tượng hùng vĩ cho người đọc. Nhân vật chính diện đều sáng ngời đức hào hiệp, hy sinh. Với trí tưởng tượng mãnh liệt cùng với thủ pháp cường điệu, phóng đại, nhà văn đã xây dựng nên một nhân vật Cadimôđô trong tiểu thuyết Nhà thờ Đức bà Paris xấu đến tận cùng, phóng đại cái xấu đến hết mức. Đó là cái ngoại hình có một không hai của gã kéo chuông nhà thờ Đức Bà: cái mũi bè bè thành ba mặt tam giác, cái mồm vành móng ngựa, con mắt trái ti hí che lấp bởi chùm lông mày đỏ quạch rậm rì trong khi con mắt trái hoàn toàn biến mất dưới cái mụn cóc to tướng, hàm răng khấp khểnh, hổng đôi ba chỗ như lỗ châu mai pháo đài, cặp môi sần chai có chiếc răng mọc đâm ra như ngà voi, cái cằm vêu vao, và nhất là vẻ mặt toát ra từ mọi cái đó, một thứ hỗn hợp tinh quái, kinh ngạc và buồn rầu… Một cái đầu to tướng lởm chởm tóc đỏ quạch; giữa đôi vai là cái bướu kếch xù làm đằng trước ngực như nhô ra một hệ thống đùi và chân vòng kiếng bẻ queo rất kỳ quái, chỉ có thể chạm nhau ở đầu gối, và nhìn thẳng đằng trước, trông như hai cái lưỡi hái kề nhau ở chỗ tay cầm; hai bàn chân to bè, hai bàn tay lớn khủng khiếp.” [13, 72]. Cadimôđô mang trên mình đủ thứ dị dạng của con người, và đó dường như là sự tổng hợp của tất cả mọi cái xấu và mọi cái khổ đè nặng lên cơ thể hắn. Nhưng điều kì lạ ở một thằng

86

vừa điếc, vừa chột, vừa khòeo, vừa gù là hắn lại có một tâm hồn cao thượng vượt lên trên cả những kẻ đại diện cho tri thức và có thân hình lành lặn như Phêbuýt, phó giáo chủ Frollo. Với thủ pháp cường điệu, phóng đại, tác giả đã xây dựng một nhân vật với cái xấu, cái thô kệch, cái dị hình được đẩy lên tột cùng. Cái xấu đến tận cùng ấy nó thể hiện sự bất hạnh tột cùng cũng như càng làm rực sáng tâm hồn thánh thiện, cao cả của nhân vật. Con người dị dạng, xấu xí ấy được V.Hugo khổng lồ hóa khi hắn thực hiện những chiến công vang dội nhân danh tình yêu con người. Một con người tưởng như là người thừa của xã hội lại có những hành động cao thượng cứu Exmeranđa hết lần này đến lần khác. Cadimôđô có một sức mạnh phi thường, nhanh như chớp từ mái nhà thờ nhảy xuống đấm gục hai tên đao phủ và cứu cô gái Ai Cập đi vào trong nhà thờ mồm hét vang Tị nạn! Rồi hắn quật ngã lão linh mục khi ông ta định chiếm đoạt cô gái và một mình chống đỡ với cả đám hành khất đông đúc. Cadimôđô không chỉ được phóng đại về ngoại hình mà cả về sức mạnh, gã kéo chuông có sức mạnh phi thường, đây cũng là một trong những đặc điểm nổi bật của nhân vật lãng mạn. Nhân vật lý tưởng luôn có một thể chất vượt lên trên người bình thường. Mặt khác, con người ấy cũng được khổng lồ hóa có nhân cách lớn lao, dám hi sinh, dám dâng hiến tất cả cuộc đời mình cho người khác quên bản thân mình.

Ở tiểu thuyết Những người khốn khổ, Phăngtin được miêu tả với một vẻ đẹp rực rỡ. Nàng có hàm răng trắng như ngọc, mái tóc vàng óng ả: Hàm răng tuyệt mĩ của nàng, chắc hẳn trời giao cho cái chức năng là cười. Mớ tóc dày vàng óng rất dễ sổ, nàng phải luôn luôn cặp lại, cái mái tóc thường xuyên như muốn bồng bồng, tung bay ấy, hình như đặt trên đầu nàng tiên Galatê để cho nàng chạy dưới cánh liễu thì mới phải. [14, 195]. Đó không chỉ là vẻ đẹp của một người con gái bình thường, mà ở nàng là vẻ đẹp của một nàng tiên, một vị

87

thần, một vẻ đẹp toát ra sự trong trắng và trinh bạch: Kẻ nào quan sát nàng một cách chu đáo sẽ thấy ở người nàng, từ tất cả những cái say mê của tuổi xuân, của nắng hạ, của tình yêu, đều toát lên một vẻ dè dặt, khiêm tốn, không gì thắng nổi. Chính cái ngạc nhiên, trong trắng ấy là chỗ phân biệt Pxisê và Vệ nữ. [14, 197]. Có thể thấy V.Hugo đã cường điệu, phóng đại miêu tả vẻ đẹp của Phăngtin đẹp đến tột đỉnh, một vẻ đẹp sánh ngang các nữ thần. Nhà văn sử dụng thành công phương thức nghệ thuật của chủ nghĩa lãng mạn, cái đẹp được miêu tả đến tận cùng, đến đỉnh điểm của nó. Và nàng không chỉ đẹp hoàn hảo ở ngoại hình mà nàng còn được nhà văn khổng lồ hóa ở vẻ đẹp tâm hồn. Tâm hồn nàng dành hết tình yêu thương của mình cho con, một tâm hồn đẹp đẽ và cao thượng sánh ngang với Đức Mẹ. Nàng là một biểu tượng đẹp đẽ, cao cả của tình mẫu tử.

Bên cạnh đó, Giăng Vangiăng lại được V.Hugo cường điệu, phóng đại, khổng lồ hóa hết mức để gửi gắm tư tưởng về một xã hội lấy tình thương làm nguyên tắc sống. Ông là nhân vật tiêu biểu cho quan niệm nghệ thuật lãng mạn chủ nghĩa, ở nhân vật này cá thể hóa lấn át khái quát hóa, là một con người phi thường và rất độc đáo. Giăng Vangiăng cũng có sức khỏe phi thường như Cadimôđô, có lẽ đây là yếu tố cần có để nhân vật lý tưởng trong văn học lãng mạn lập nên chiến công để cứu giúp con người. Nhà văn nói về sức mạnh phi thường của Giăng Vangiăng: Sức anh rất khỏe, trong tù không có ai bì kịp. Lúc làm việc nặng như dòng dây cáp, quay tời, anh làm khỏe bằng bốn người. Có lúc anh kê vai nhấc bổng hay lấy lưng đỡ những vật nặng hang mấy tạ và khi cần thì thay thế cả dụng cụ gọi là “kích”. Bạn bè gọi đùa anh là thằng Giăng Kích. [14, 357]. Giăng Vangiăng đã thể hiện sức mạnh ấy của mình khi đã cứu cụ Phôsơlơvăng bị chẹt dưới gầm xe giữa hai bánh. Rồi đó là khi ông băng qua bức tường của nhà tu kín để trốn thoát khỏi sự truy đuổi của Giave, bức tường ngăn

88

cách nhà tu với thế giới bên ngoài không ai vượt qua được nhưng ông lại làm được. Hay khi ông vác trên vai Mariuytx bị thương tìm lối thoát trong cống ngầm Paris đen ngòm mà sau này biết được sự thật, Mariuytx cũng phải vô cùng biết ơn và kinh ngạc vì cái hố sâu đầy bùn khủng khiếp, chỉ có chết đuối thôi, không có cách nào sống được, chết đuối trong bùn lầy [16, 654]. Vậy mà, một người đàn ông đã qua cái tuổi trẻ cường tráng như Giăng Vangiăng lại vượt qua được, để cứu sống một người sắp chết. Và cái sức khỏe phi thường ấy cùng với tấm lòng yêu thương con người vô hạn đã thúc đẩy Giăng Vangiăng lập nhiều chiến công giúp đỡ những người khốn khổ như Phăngtin, Côdét. Không chỉ thế với lòng nhân ái bao la của mình, ông cứu cả kẻ thù là Giave. Khi miêu tả Giăng Vangiăng, Hugo đã nhấn mạnh đến hoàn cảnh xuất thân của anh, từ một anh thợ xén cây trở thành một tên tù khổ sai, sau đó trở thành một ông thị trưởng vùng Môngtơrơi được nhiều người yêu mến, kính trọng và ngưỡng mộ. Đó là một quá trình lột xác hết sức ngoạn mục của anh ta. Từ một người tù khổ sai, Giăng Vangiăng được tác giả khổng lồ hóa như một vị thánh, có tầm vóc lớn lao và sẵn sàng hi sinh cứu vớt nhân loại để gửi gắm hi vọng của mình về một xã hội sống trong tình thương và yêu thương là tha thứ.

Gôvanh trong tiểu thuyết Chín mươi ba là một chàng trai đa tài, là nhà tư tưởng, nhà triết gia, một bậc hiền nhân trẻ tuổi. Hugo dành những ngôn từ đẹp đẽ để nói về nhân vật này, đặc biệt Gôvanh được tác giả cường điệu, phóng đại hết mức, anh ta như vô trùng trước cuộc sống đầy rẫy bom đạn và tàn ác: Luôn luôn hăng say lao vào đám hỗn chiến, ông ta chưa bao giờ bị thương. [12, 276]. Cuộc đời phàm tục không thể làm tổn thương Gôvanh, và anh cũng mang một tầm vóc cao cả, lớn lao của bậc vĩ nhân. Đó là sẵn sàng tha thứ cho tội lỗi của người khác, bao dung, độ lượng với cả kẻ thù của mình và anh là hiện thân của nền

89

cộng hòa lí tưởng mà V.Hugo mong muốn. Cùng với Gôvanh, Ximuốcđanh cũng được đại thi hào khổng lồ hóa với tầm vóc lớn lao dâng hiến cả cuộc đời mình cho cách mạng, vì nghiêm minh của cách mạng mà chấp nhận cái chết và mất đi đứa con tinh thần của mình chứ nhất định không làm trái quân lệnh. Ông là nhân vật được nhà văn phóng đại, khổng lồ hóa ở tâm hồn, đó là một tâm hồn lạnh giá và chưa bao giờ phạm sai lầm, một con người sắt đá nhưng lại có tình yêu lớn lao dành cho những người khốn khổ.

Có thể nói, các nhân vật được phóng đại, cường điệu cả về sức mạnh và lòng tốt, từ đó V.Hugo khổng lồ hóa nhân vật của mình mang một tầm vóc lớn lao, kì vĩ vượt xa con người tầm thường trong xã hội thực tại.

Một phần của tài liệu Nhân vật lý tưởng trong văn học lãng mạn (Khảo sát qua một số tác phẩm của V.Hugo) ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 84)