Quan niệm của V.Hugo về nhân vật lý tưởng

Một phần của tài liệu Nhân vật lý tưởng trong văn học lãng mạn (Khảo sát qua một số tác phẩm của V.Hugo) ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 35)

36

Có thể nói rằng V.Hugo chưa bao giờ phát biểu một cách cụ thể, hệ thống quan niệm của mình về nhân vật lý tưởng. Quan niệm về loại hình nhân vật này được gửi gắm thông qua từng số phận, từng nhân vật cụ thể trong mỗi tác phẩm của ông.

Trong Bàn về sức mạnh của thơ Mara, nhận xét chung về các nhà văn lãng mạn tích cực như Hugo, Bairon, Sinle, Lecmontop… Lỗ Tấn có nói: Nhìn chung họ đều có xu hướng như nhau: bất mãn với thời thế và không bằng lòng với tiếng kêu hòa hoãn. Cho nên họ đã cất lên những tiếng làm cho người nghe phải đứng dậy giành lấy đất trời và chống lại bọn phàm tục. Thật vậy, cuộc đời của V.Hugo nằm suốt trong cả thời kì bão táp cách mạng của Pháp và châu Âu thế kỉ XIX. Cuộc đời và tác phẩm của ông tiêu biểu cho cuộc phấn đấu không ngừng cho cách mạng, cho tự do dân chủ, cho hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc. Là chủ soái của chủ nghĩa lãng mạn tích cực, Hugo phê phán bọn nhà văn hô hào nghệ thuật thuần túy và đòi cho được nghệ thuật phải phục vụ chân lý, phản ánh thực tế. Tác phẩm của ông phản ánh hiện thực đời sống của nhân dân dưới chế độ tư bản, phản ánh tâm địa xấu xa bỉ ổi của bọn quý tộc, bọn tư sản thống trị của thời đại. Đồng thời phản ánh được những cuộc cách mạng của nhân dân chống lại tư sản. Tuy nhiên, V.Hugo lại là một người chịu ảnh hưởng nặng của tôn giáo và mức tư tưởng cao nhất của ông là một thứ chủ nghĩa xã hội không tưởng kiểu của Xanh Ximong, Phurie hồi đầu thế kỉ XIX. Bởi vậy, ông không nhận định được quy luật phát triển của xã hội. Ông tin tưởng rằng chỉ có tư tưởng mới có thể giải phóng loài người. Cho nên nhân vật của ông thường là nhân vật có tâm hồn cao thượng, đầy lòng hi sinh, tình nhân ái.

Tác giả đã ghi trong những trang nháp bản đề cương Những người khốn khổ: Thông thường nhân dân được hóa thân toàn vẹn vào những con người vĩ đại

37

nhưng không ai biết đến, lại bị vùi dập dưới chân. Những người ấy chỉ như con kiến trong cái thế giới vật chất này, thường lại là người khổng lồ trong thế giới tinh thần. Như vậy, với Hugo, nhân vật lý tưởng không phải là con người sang trọng, xa vời mà chính là những người dân bình thường, họ có thể nghèo đói, bị vùi dập nhưng họ lại có một tâm hồn thánh thiện, cao thượng cùng với đức hi sinh cao cả. Nhân vật lý tưởng theo quan niệm của ông là những con người khốn khổ, trong thế giới vật chất họ rất nhỏ bé nhưng họ lại có một thế giới tâm hồn khổng lồ. Lý tưởng của V.Hugo là làm sao cho con người được như giám mục Mirien quên mình vì kẻ nghèo khổ, như Giăng VanGiăng sẵn sàng ra tay cứu giúp con người trong mọi hoàn cảnh, kinh doanh công nghệ để thợ có chỗ làm ăn, tiền lời dùng một phần quan trọng vào việc phúc lợi xã hội, cứu giúp mẹ con Côdét vô điều kiện. Hay như Cadimôđô, một con người xấu xí nhưng lại xả thân, bất chấp hiểm nguy cứu cô gái Bôhêmiêng, một người vốn thuộc dòng dõi quý tộc như Gôvanh lại đứng về phe cộng hòa… Nhà văn luôn tin rằng cái tốt tiềm ẩn trong tâm hồn mỗi con người bất kì là người nào bao giờ cũng có lúc chiến thắng cái xấu. Nhân vật lý tưởng theo quan niệm của ông không phải là những con người cao siêu, vĩ đại mà là những con người bình thường, chân chính bằng tâm hồn thánh thiện, bằng nhân cách tốt đẹp của mình làm nên những tầm vóc lớn lao, những con người khổng lồ trong thế giới tinh thần.

Thế giới của Hugo là thế giới lý tưởng – không phải thế giới của những quan hệ xã hội, của quy luật sản xuất, của sổ sách tính toán, âm mưu, lợi nhuận. Tiểu thuyết của ông là sự vận động của con người từ bóng tối đến ánh sáng. Dù nhân vật của Hugo là ai, dù số phận đó có phi thường, hiếm hoi, khó tin đến ngần nào theo tưởng tượng của tác giả, thì tất cả họ, vào giờ phút căng thẳng nhất, giờ phút tự bộc bạch, họ đều lên tiếng thay mặt cho “loài người” – chẳng

38

bao giờ thấp hơn thế. Đó chính là tiếng nói của những nhân vật lý tưởng kêu gọi mọi người hãy sống chan hòa trong tình yêu thương, bởi theo tác giả chỉ có cải tạo tư tưởng con người, chỉ có tình thương mới chống được áp bức bóc lột, mới đòi được tự do dân chủ.

Nhân vật lý tưởng theo quan niệm của V.Hugo là những con người bình thường, thậm chí tầm thường nhưng lại có một trái tim nhân hậu, một tâm hồn ấm áp, nhân cách cao đẹp. Họ sẵn sàng hi sinh tất cả, hiến dâng tất cả, thậm chí là quên đi bản thân mình vì người khác. Lý tưởng của ông là lấy điều thiện để chống lại điều ác, ông muốn nói lên rằng việc tu dưỡng đạo đức, lòng yêu thương con người có thể cải tạo được xã hội. Theo Hugo, nhân vật lý tưởng phải là những con người phi thường trong thế giới tâm hồn, họ có nhiệm vụ truyền tải bức thông điệp mang tên tình yêu thương đến với xã hội đầy rẫy những bất công, ngang trái kia để cải tạo nó. Bởi hơn ai hết, tác giả là người mong muốn con người được sống trong tình yêu thương, trong tự do, bình đẳng.

V.Hugo đã xây dựng nên những tòa lâu đài về biểu tượng của lòng nhân ái, của tình thương và những hình tượng lý tưởng như Giăng Vangiăng, Cadimôđô, Gôvanh … đã vượt lên trên đại dương quên lãng để trở thành những đỉnh cao chói lọi trong nền văn học Pháp cũng như văn học lãng mạn thế giới.

Tiểu kết

Có thể nói rằng chủ nghĩa lãng mạn đã mang một cơn gió mới lạ, đặc sắc và cũng đầy độc đáo đến nền văn học thế giới. Không ở đâu như chủ nghĩa lãng mạn, cái tôi cá nhân, cái bản ngã của con người được bộc lộ một cách thoải mái, tự do đến thế. Cũng không ở đâu thể loại, đề tài lại được thể hiện phong phú, đa dạng như chủ nghĩa lãng mạn. Chủ nghĩa lãng mạn chính là một cuộc cách mạng trong văn học, nó đã tác động và làm thay đổi tư tưởng, tình cảm cũng như

39

quan niệm của người nghệ sĩ về nghệ thuật. Người nghệ sĩ lãng mạn tự do bay lượn trong thế giới của mình, thỏa sức sáng tạo, cháy hết với đam mê của mình mà không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì. Mặc dù họ chối từ thực tại, quay lưng với hiện thực (một cách phản ứng lại đối với hiện thực đen tối, bất công của người nghệ sĩ lãng mạn), song hơn ai hết họ là những con người yêu đời, yêu người tha thiết, mong những gì bình yên, tốt đẹp nhất đến với nhân loại. Mà đại diện tiêu biểu nhất, người nghệ sĩ tận tâm tận lực cống hiến cho nghệ thuật lãng mạn, một tâm hồn vĩ đại yêu thương nhân loại đó chính là V.Hugo. Khi nhắc tới văn học lãng mạn không thể không nói đến ông, một người có đóng góp hết sức lớn lao cho trào lưu văn học này.

Đặc biệt, chủ nghĩa lãng mạn đã thành công rực rỡ khi xây dựng hình tượng nhân vật lý tưởng – nơi gửi gắm ước mơ của người nghệ sĩ lãng mạn về một xã hội tốt đẹp. Họ là những con người đẹp hoàn thiện về nhân cách, mặc dù luôn hành động một cách đơn độc. Và có thể nói không ai thành công bằng V.Hugo khi khắc họa hình tượng nhân vật lý tưởng, những con người tưởng như tầm thường song lại hết sức phi thường, mặc dù những ước mơ của họ có phần không tưởng. Hình tượng nhân vật này cùng với V.Hugo cũng như văn học lãng mạn sẽ luôn trường tồn với thời gian.

40

Chƣơng 2: Vẻ đẹp của nhân vật lý tƣởng trong tiểu thuyết của V.Hugo

V.Hugo luôn miệt mài đi tìm vẻ đẹp ẩn khuất bên trong mỗi con người và ông tin vào sự hướng thiện như là chân lý bất biến mà con người hướng đến. Nhân vật lý tưởng chính là hình tượng nhân vật mà nhà văn gửi gắm những quan niệm, tư tưởng và những ước muốn của mình về một cuộc sống, một xã hội tốt đẹp hơn.

Có thể dễ dàng nhận thấy rằng nhân vật lý tưởng trong tiểu thuyết của V.Hugo thường là những con người bình thường, thậm chí là tầm thường (chẳng hạn như một Cadimôđô xấu xí, dị dạng hay một kẻ tội phạm, một tên ăn cắp Giăng Vangiăng) nhưng lại có trái tim cao cả làm nên những điều phi thường. Họ luôn hành động một cách cá nhân, tách biệt với hoàn cảnh xã hội đang sống. Bởi vậy, cô đơn như một trạng thái thường trực trong tâm hồn những nhân vật lý tưởng của văn học lãng mạn, họ cô đơn mà đầy kiêu hãnh, tự tạo ra cho mình một thế giới mới khác xa với xã hội đầy rẫy những bất công, ngang trái ở thực

41

tại. Các nhân vật lý tưởng chính là những tâm hồn lãng mạn phản kháng gay gắt với xã hội, ở họ luôn có một trạng thái không thỏa mãn với thực tại. Thông qua hình tượng nhân vật này, V.Hugo thể hiện giấc mơ lý tưởng của mình về một cuộc sống công bằng, tự do, cuộc sống mà ở đó con người sống với nhau bằng tình yêu thương, lòng vị tha, nhân ái. Tuy nhiên, có thể thấy rằng hệ thống nhân vật lý tưởng trong tiểu thuyết của V.Hugo nói riêng cũng như trong văn học lãng mạn có những nhân vật thể hiện trọn vẹn lý tưởng của nhà văn, nhưng cũng có những nhân vật chỉ thể hiện một mặt lý tưởng của nhà văn mà thôi.

Trong phạm vi ba tiểu thuyết của đại thi hào V.Hugo mà chúng tôi nghiên cứu, đó là Nhà thờ Đức bà Pari, Những người khốn khổChín mươi ba có thể phân chia thành hai tuyến nhân vật lý tưởng. Trước hết, đó là tuyến nhân vật lý tưởng thể hiện trọn vẹn lý tưởng của nhà văn là Giăng Vangiăng, Ximuốcđanh và Gôvanh. Họ là những nhân vật đẹp hoàn thiện về nhân cách, lấy tình thương làm lẽ sống, làm phương châm hành động để cứu người đồng thời cảm hóa con người. Ở họ có sự phản kháng gay gắt với xã hội và thực hiện những giấc mơ lãng mạn như cải tạo xã hội bằng tình thương. Bên cạnh đó là tuyến nhân vật chỉ thể hiện một mặt lý tưởng của nhà văn, những nhân vật lý tưởng chưa trọn vẹn là Cadimôđô, Phăngtin. Họ chỉ lý tưởng ở một mặt nào đó, như Cadimôđô là nhân vật lý tưởng hy sinh hết mình cho tình yêu trong sáng, vô tư, hay Phăngtin là mẫu hình lý tưởng của một người mẹ, sẵn sàng làm mọi thứ vì con mình. Đây chính là cơ sở để chúng tôi nghiên cứu một cách rõ nét và sâu sắc vẻ đẹp của nhân lý tưởng trong tiểu thuyết của V.Hugo.

2.1.Những nhân cách hoàn thiện

Trong tiểu thuyết của V.Hugo, nhân vật của ông bao giờ cũng có cuộc hành trình chuyển biến, vật lộn đấu tranh nội tâm để hướng tới nhân cách hoàn

42

thiện. Những nhân cách đẹp hoàn thiện chính là mục đích mà nhân vật lý tưởng trong văn học lãng mạn theo đuổi. Các nhân vật lý tưởng trong sáng tác của Hugo đều gắn với phạm trù cái cao cả (còn gọi là cái trác tuyệt), là hiện thân của lý tưởng, của giấc mơ về con người trong nghệ thuật lãng mạn. Khái niệm cái cao cả, theo quan điểm mỹ học, ngoài sự phản ánh sức mạnh bản chất của con người trong tự nhiên, còn phản ánh sức mạnh bản chất của con người thông qua các hiện tượng xã hội: đó là cái mạnh mẽ, sôi nổi, rực rỡ, khẩn trương và gây nên những cảm xúc hào hứng, khâm phục, say sưa. Cái cao cả nằm trong mối quan hệ với cái đẹp. Đó là cái đẹp trong lao động, trong chiến đấu, trong hành vi đạo đức và sự ứng xử trong quan hệ xã hội nói chung của con người. Cái đẹp đó được mở rộng ra, phát triển cao hơn trong những hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống; nó từ cái đẹp bình thường đã trở thành cái đẹp cao cả. Cái cao cả trong cuộc sống thể hiện sự cố gắng không ngừng vươn lên thực hiện những nhiệm vụ có ý nghĩa xã hội rộng lớn, được nhiều người khâm phục, tôn vinh. Nghệ thuật lãng mạn là nghệ thuật cao cả vì nó là nghệ thuật tâm hồn, nghệ thuật của tình yêu thương gắn với sự hi sinh quên mình, sự khắc khổ và sự xám hối, sự cứu rỗi. Nhân vật lý tưởng của V.Hugo đều là những con người cao cả, cái cao cả toát ra từ tâm hồn đến hành động, thể hiện giấc mơ lý tưởng của con người trong nghệ thuật lãng mạn.

Một phần của tài liệu Nhân vật lý tưởng trong văn học lãng mạn (Khảo sát qua một số tác phẩm của V.Hugo) ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)