Tính cách phát triển độc lập với hoàn cảnh.

Một phần của tài liệu Nhân vật lý tưởng trong văn học lãng mạn (Khảo sát qua một số tác phẩm của V.Hugo) ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 98)

Chủ nghĩa lãng mạn dùng cái phi thường, độc đáo, riêng biệt làm nguyên tắc xây dựng tính cách nhân vật để đối lập với cái tầm thường của thực tại. Tính cách không phải là sản phẩm của hoàn cảnh, theo logic khách quan, không xuất phát từ nguyên mẫu đời sống mà từ những nguyên lý muôn thuở về đạo đức, là sản phẩm của trí tưởng tượng của tác giả. Giữa xã hội quay cuồng với đồng tiền, tình người thật bé nhỏ thì dường như các nhân vật lý tưởng không mảy may bị tác động. Vượt lên trên thực tại đen tối, họ vẫn sống bằng tâm hồn thánh thiện, bằng tình yêu thương con người. Do đó, nhân vật lãng mạn không có tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình, nhân vật lãng mạn là nhân vật trừu tượng, phi lịch sử, không giải thích được, cho nên nhân vật không có logic nội tại khách quan mà chuyển biến theo ảo tưởng chủ quan của nhà văn bằng tâm hồn và trái tim của nhà văn.

99

Dễ dàng nhận thấy rõ điều này qua các nhân vật lý tưởng trong các tác phẩm của V.Hugo. Trung thành với chủ nghĩa lãng mạn, nhân vật trong tác phẩm của ông ít nhiều đều mang các nét đặc biệt, xuất chúng, đều tiêu biểu cho một phẩm chất vĩnh cửu. Thế giới nội tâm của các nhân vật thường không bị quy định bởi thăng trầm của hoàn cảnh cụ thể, đối lập với thế giới bên ngoài thành một lĩnh vực riêng, duy nhất. Ở xã hội trung cổ với nhiều phong tục cổ hủ, mọi người đều xua đuổi, dồn một cô gái xinh đẹp, quyến rũ như Exmeranđa vào chỗ chết, coi tài năng và sắc đẹp của cô là phù thủy thì chỉ có một mình thằng gù xấu xí Cadimôđô nhận ra cái vẻ đẹp thánh thiện của cô gái. Trong khi đó, ở tiểu thuyết Nhà thờ đức bà Pari có biết bao những nhân vật có ngoại hình bình thường, đẹp đẽ như Phêbuýt, phó giáo chủ Frollo… lại không nhận ra, truy đuổi cô gái tới cùng. Sống trong một xã hội còn âm u, mộng mị như thế, một kẻ sinh ra vốn đã bất hạnh vì vô cùng xấu xí, dị dạng như Cadimôđô còn bị mọi người khinh miệt, ruồng bỏ, theo lẽ thường sẽ thù ghét, sẽ độc ác với mọi người. Nhưng ngược lại, vượt lên trên hoàn cảnh, gã kéo chuông nhà thờ Đức Bà, một thằng vừa gù, vừa điếc, vừa khoèo, vừa chột lại có tấm lòng vàng, sẵn sàng dang tay cứu vớt mảnh đời bất hạnh như Exmeranđa.

Hay như Giăng Vangiăng trong Những người khốn khổ sống trong một xã hội tư sản với đầy rẫy những bất công và tàn nhẫn vẫn sáng người trái tim nhân hậu. Cái xã hội tư sản ấy bắt những người lương thiện vào tù, rồi cấp tờ giấy thông hành màu vàng để tước đi quyền làm người của họ. Xã hội ấy không cho Giăng Vangiăng một ngụm nước, một bữa ăn, một chỗ nghỉ chân. Song đứng lên trên cái xã hội “đen ngòm” như cống rãnh Paris ấy, Giăng Vangiăng lại có lòng tốt, lòng vị tha đối với tất cả mọi người, từ những người khốn khổ đến cả những kẻ thù hằn với mình. Xã hội ấy với đại diện luật pháp là Giave chỉ thích bắt bớ

100

những người lương thiện như Phăngtin thì Giăng Vangiăng lại tìm mọi cách cứu cô và giữ lời hứa chăm sóc đứa con nhỏ Côdét của cô. Nếu xã hội Tư sản chỉ thích gông cùm, bạo lực thì Giăng Vangiăng lại tôn thờ lẽ sống tình thương, lấy tình thương yêu con người làm động lực để chiến đấu và cứu vớt nhân loại. Có thể thấy, tính cách Giăng Vangiăng phát triển hoàn toàn độc lập với hoàn cảnh, vượt lên trên hoàn cảnh xấu xa, đen tối là ánh sáng của lòng tốt, lòng nhân từ, vị tha, đức hi sinh lớn lao của ông.

Còn Phăngtin, nàng cũng có một số phận bất hạnh từ khi sinh ra đã không biết cha mẹ mình là ai, cái tên mà nàng có cũng chỉ là một cái tên hứng lấy ngoài đường. Nhưng vượt lên hoàn cảnh ấy, nàng vẫn lớn lên với nhan sắc xinh đẹp và có một tâm hồn trong trắng, thơ ngây. Tâm hồn thánh thiện, cùng với tình yêu vô tư, lớn lao nàng dành cho con như không mảy may bị hoàn cảnh xã hội tác động đến. Bị phụ bạc, tứ cố vô thân không nơi nương tựa, nhưng nàng vẫn mạnh mẽ một mình nuôi con, không thèm đếm xỉa đến những lời dị nghị mà làm mọi cách để con mình có cuộc sống tốt.

Ta cũng không thể không kể đến Ximuốcđanh và Gôvanh trong tiểu thuyết

Chín mươi ba. Ximuốcđanh, một thầy tu lẽ ra phải tách khỏi quần chúng nhưng ông lại lao vào cuộc cách mạng đầy tâm huyết để sát cánh bên quần chúng. Từng là một thầy tu, nhưng môi trường sống ấy không ảnh hưởng đến Ximuốcđanh, ông căm ghét thâm quyền và bộ áo thầy tu của mình. Còn Gôvanh, đứa con của quý tộc lẽ ra phải đứng về phe bảo hoàng, chống đối lại cách mạng nhưng anh ta lại say mê cách mạng, tham gia và trở thành thủ lĩnh của phe cộng hòa để chống lại chế độ bảo hoàng bất công, đè bẹp, bóc lột những người khốn khổ. Sinh trưởng trong gia đình quý tộc nhưng hoàn cảnh sống thuở bé ấy không ảnh

101

hưởng đến Gôvanh, trái lại anh nhận ra những điều phi nghĩa, xấu xa từ chính cuộc sống ấy và quyết định đứng lên lật đổ nó.

Có thể nói, V.Hugo xây dựng nhân vật lý tưởng của mình hoàn toàn đối lập với hoàn cảnh để làm bừng sáng lên bản chất tốt đẹp của họ. Hoàn cảnh càng đen tối, càng xấu xa thì nhân vật càng lý tưởng, càng cao cả. Thông qua những nhân vật lý tưởng ấy, nhà văn muốn tố cáo xã hội đen tối chà đạp lên quyền sống của con người, một xã hội không có chỗ đứng cho những người lương thiện.

Một phần của tài liệu Nhân vật lý tưởng trong văn học lãng mạn (Khảo sát qua một số tác phẩm của V.Hugo) ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 98)