Dấu ấn chủ quan của nhà văn trên tính cách nhân vật.

Một phần của tài liệu Nhân vật lý tưởng trong văn học lãng mạn (Khảo sát qua một số tác phẩm của V.Hugo) ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 101)

Nhân vật chính là đứa con tinh thần của nhà văn, bởi thế bất kì nhân vật nào cũng mang dấu ấn chủ quan của người sáng tác. Phương pháp lãng mạn trong sáng tác văn học vốn ưa dựng cốt truyện ly kỳ, tính cách xuất chúng, hoàn cảnh đặc biệt, trong đó mỗi nhân vật thường đại diện cho một phẩm chất cố định, tượng trưng cho một đặc tính vĩnh cửu, như thiện và ác, đẹp và xấu, còn thế giới nội tâm tách khỏi cuộc đời bên ngoài, hành động không đếm xỉa tới môi trường, tất cả dựa trên đầu óc tưởng tượng phóng khoáng, một thích thú ngẫu hứng, một khát vọng huyền ảo của nhà văn, nên rất ít quan sát, đối chiếu với thực tế. V.Hugo cũng vậy, ông đắp xương thịt, thổi tinh anh cho các ảo ảnh vĩ đại trong tâm linh, trí tuệ ông, biến các biểu hiện tượng trưng, khô cứng thành nhân vật và tình tiết sinh động. Trong các tiểu thuyết Nhà thờ Đức bà Pari, Những người khốn khổChín mươi ba, các nhân vật lý tưởng đều mang dấu ấn chủ quan của nhà văn rõ nét.

Cả cuộc đời V.Hugo là hành trình đi tìm và khẳng định lẽ sống tình thương, sự bình đẳng, tự do cho con người. Năm 1849, ở Đại hội quốc tế lần thứ

102

nhất, những người bạn của Hòa Bình họp tại Paris, Hugo đã nói: Tư tưởng hòa bình là ở khắp thế giới, là tài sản của tất cả các dân tộc, mọi người đòi hỏi hòa bình, vì hoàn bình là hạnh phúc tối cao của họ. Cuộc đời của V.Hugo là cuộc đấu tranh không ngừng cho chính nghĩa, cho tự do, cho hòa bình, dân chủ. Tác phẩm của ông thấm nhuần tư tưởng nhân văn chân chính. Do đó, các nhân vật của ông tính cách đều bộc lộ tình yêu thương con người, lòng vị tha, nhân ái, hướng tới cuộc sống công bằng, tự do. Chẳng hạn như Cadimôđô vượt lên trên ngoại hình tật nguyền xấu xí của mình đã hết lòng yêu thương và bảo vệ Exmeranđa, một tình yêu chân chính và cao cả. Đó là người mẹ khốn khổ Phăngtin yêu thương con bằng một tình yêu cao thượng, hy sinh cả cuộc đời mình để con có cuộc sống sung sướng. Đó còn là Giăng Vangiăng yêu thương và che chở cho những người khốn khổ, ông coi lương tâm chính là luật pháp nghiêm minh nhất và chỉ có tình thương con người mới khiến cuộc sống trở nên tốt đẹp, ông sẵn sàng tha thứ cho những người vốn không phải là bạn của mình. Tha thứ là giải pháp tốt nhất theo V.Hugo để cải tạo xã hội. Hay như Ximuốcđanh và Gôvanh, vì tình yêu thương con người nên họ đã đứng lên làm cách mạng để mang tự do, bình đẳng đến cho những người khốn khổ. Tất cả các nhân vật ấy đều là cái loa phát ngôn của V.Hugo, nơi nhà văn gửi gắm những mong ước của mình về một xã hội lý tưởng.

Đối với V.Hugo chúa ở khắp nơi và che chở, soi sáng cho con người vì vậy con đường giải thoát xã hội của nhà văn là duy tâm. Đây cũng là một đặc điểm nổi bật của văn học lãng mạn, nhân vật lý tưởng thường là những người thực hiện những ảo tưởng lãng mạn, những ước mơ lãng mạn thật đẹp nhưng nó là không tưởng. Do đó, ông Mađơlen (Giăng Vangiăng) kinh doanh công nghiệp để cho thợ có chỗ làm ăn, tiền lời dùng một phần quan trọng vào việc cải thiện

103

đời sống cho thợ, tổ chức y tế, cứu tế trong xưởng, đề cao thuần phong mỹ tục. Giăng Vangiăng là một điển hình nạn nhân xã hội khi anh nghèo đói, khi anh tù tội cũng như khi anh bị săn đuổi, tấm lòng nhân ái, hào hiệp vô biên của anh là biểu tượng đẹp đẽ cho tư tưởng nhân đạo của V.Hugo. Nhưng con đường cải tạo mà tác giả nghĩ ra cho anh thì lại quá cá biệt, chỉ trong chốc lát, một con người mười chín năm tù hằn thù xã hội thành ra một con người nhân ái, lương thiện và sự chuyển biến đột ngột ấy là do Chúa. Qua đó, Hugo cũng thể hiện quan điểm của mình về cái thiện và cái ác như một tồn tại của mâu thuẫn giữa hai mặt đối lập trong thế giới của con người. Nhà văn cho rằng con người nào sinh ra cũng có bản năng của cái thiện, còn cái ác chỉ là một khuynh hướng bất hạnh, một gánh nặng bi thảm mà người ta phải thoát ra sau khi đã tẩy rửa mình bằng sự đau khổ. Chính vì vậy các nhân vật của ông đều sáng ngời tình yêu thương và lòng nhân hậu.

Nhà văn luôn muốn cải tạo xã hội, muốn con người sống với nhau bằng tình thương yêu nên ông chủ trương cải biến xã hội bằng con đường dốc thoai thoải, ông sợ bạo lực đổ máu, ông cho rằng con người chỉ trở nên vĩ đại bằng sự độ lượng và khoan dung. Nhân vật Gôvanh biểu hiện mâu thuẫn của bản thân tác giả. Gôvanh nghiêm khắc và kỉ luật đồng thời hết lòng yêu thương mọi người. Nhưng anh đã sai lầm nghiêng về tình thương khi quyết định thả Lăngtơnắc, hành động này dẫn đến cái chết của bản thân anh, của người thầy hết lòng yêu quý anh và Tổ quốc cũng sẽ chẳng có lợi gì khi họ chết, còn tên phản cách mạng lại được tự do biết đâu hắn không hướng thiện mà lại tiếp tục những hành vi tàn ác?

Suốt cuộc đời mình, V.Hugo mải miết theo đuổi tình thương, lấy tình thương làm lẽ sống, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình. Vì thế, các

104

nhân vật lý tưởng mà nhà văn xây dựng cũng giàu lòng yêu thương cao cả, nhưng đều có kết thúc bất hạnh bởi hạnh phúc của con người không thể có được chỉ bằng tình yêu thương mà còn bằng nhiều biện pháp, con đường khác nhau. Song chủ nghĩa lãng mạn là vậy, nhân vật luôn mâu thuẫn gay gắt với thực tại, một mâu thuẫn không thể điều hòa, họ luôn đứng cao hơn hoàn cảnh để thực hiện những giấc mơ lãng mạn rất đẹp đẽ, cao thượng dù đó chỉ là giấc mơ không tưởng.

Một phần của tài liệu Nhân vật lý tưởng trong văn học lãng mạn (Khảo sát qua một số tác phẩm của V.Hugo) ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 101)