V.Hugo – hiện thân của chủ nghĩa lãng mạn

Một phần của tài liệu Nhân vật lý tưởng trong văn học lãng mạn (Khảo sát qua một số tác phẩm của V.Hugo) ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 32)

Victor Hugo (1802- 1885) là nhà văn lãng mạn số một của dân tộc Pháp và là chủ soái của văn chương lãng mạn đương thời. Sinh ra tại thành phố Besancon, Hugo xuất thân từ một gia đình bình dân, ông nội làm nghề thợ mộc ở vùng Nancy, cha ông là một quân nhân dưới thời Napoleon I, thường đi chinh chiến liên miên hết Ý đến Tây Ban Nha. Cậu bé Hugo sống êm đềm trong sự chăm sóc của mẹ, một người phụ nữ trí thức tiến bộ, theo quan điểm bảo hoàng và mộ đạo, rất quan tâm đến sự phát triển của con. Nhờ vậy, tài năng thi ca của Victor Hugo phát triển rất sớm, trở thành cậu bé trác việt. Năm 15 tuổi ông tham gia cuộc thi thơ của Viện Hàn Lâm Pháp. 17 tuổi, đoạt giải Bông huệ vàng. Hai mươi tuổi, tập Tụng ca của ông được giải thưởng của nhà vua. 21 tuổi, ông kết hôn với người bạn thời niên thiếu của mình: Adele Foucher. Năm 22 tuổi, ông viết Đoản thi mới (Nouvelles Odes) và năm 24 tuổi, cho ra đời Đoản thi và Balát

(Odes et Ballades).

Từ năm 1820 đến 1830, V.Hugo liên lạc với nhóm nhà văn lãng mạn và trở thành lãnh tụ của nhóm này. Ông mang hết tài năng và nhiệt huyết đấu tranh cho một nền văn học mới, tự do, chống lại thứ nghệ thuật gò bó, giả tạo của chủ nghĩa cổ điển lúc ấy đã lỗi thời. Năm 1827, Kịch Crôm-oen ( Cromwell) ra đời và một loạt tác phẩm khác của ông như tập thơ Về phương Đông (Les Orientales, 1829) kịch Hécnani (Hernani -1830),

33

Từ sau năm 1830 đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc đời cũng như trong sáng tác của V.Hugo. Phong trào cách mạng Pháp ngày càng mạnh mẽ, nhân dân nổi dậy chống chính quyền tư sản phản động, Hugo có cảm tình đặc biệt với cách mạng. Ông không ngừng sáng tác và tích cực tham gia đấu tranh chính trị. Phái lãng mạn lúc này có sự chia rẽ giữa một bên chủ trương nghệ thuật vị nghệ thuật và một bên chủ trương nghệ thuật phục vụ dân sinh. Hugo đã trở thành thủ lĩnh của chủ nghĩa lãng mạn tích cực. Năm 1831, ông viết cuốn tiểu thuyết lịch sử vĩ đại Nhà thờ Đức bà Paris, bộc lộ những tư tưởng tự do dân chủ. Năm 1841, Hugo được bầu vào viện Hàn Lâm Pháp và năm 1845 được phong Bá tước.

Năm 1851, V.Hugo bị truy nã vì chống việc phục hồi Đế chế của Napoléon đệ tam, phải lưu vong sang Bỉ, rồi ra đảo Jersey, đảo Guernesay. Tại đây, cuộc đời lưu vong xa đất nước ở tuổi 50 chín muồi tài năng, ngày đêm đối diện với biển cả bao la, từng cơn sóng như nỗi căm phẫn trước hành vi phi pháp của Napoléon đệ III, sự đàn áp dữ dội trong nước cứ trào dâng, Hugo đã viết miệt mài - thứ vũ khí duy nhất của ông. Hugo thực sự đã trở thành chiến sĩ cách mạng, phục vụ hết mình cho cách mạng. Thời kì này ông sáng tác những tập thơ và những bộ tiểu thuyết có giá trị nhất. Tập thơ Trừng phạt và bộ thiểu thuyết

Những người khốn khổ ra đời trong thời gian này.

Năm 1870, ông trở về Paris sau khi chế độ Luis Napoléon sụp đổ, chứng kiến khí thế xông lên đoạt trời của công xã Paris, rồi lại mất gần hết những người thân: vợ, con trai, con gái. Ông viết Năm khủng khiếp(1870-1871) để khắc sâu khúc ca công xã đầy bi tráng, tiểu thuyết Chín mươi ba (1874) để nhớ lại cách mạng tư sản.

34

Những năm cuối đời, ông viết Nghệ thuật làm ông (1877) dành cho hai cháu trai và gái của mình. Giai cấp tư sản từ sau 1871 đã biết vỗ về dân chúng bằng cách tôn vinh V.Hugo: tên ông được đặt cho đường phố ông đang sống, 600.000 người Paris diễu hành trên đường phố mừng năm ông bước vào tuổi 80. Victor Hugo trở thành âm vang của thời đại bằng sự đồng vọng nhân đạo lớn lao. Ngày 22.5.1885, trái tim vĩ đại của những kiếp người khốn khổ đã đi vào cõi vĩnh hằng trong chiếc quan tài của kẻ khó. Ông khước từ lễ cầu hồn của nhà thờ, chỉ cầu xin ở mỗi tâm hồn một lời cầu nguyện và viết trong di chúc: Tôi để 50 vạn quan cho người nghèo. Ngày đưa tang ông được coi như ngày quốc tang.

Ra đời cách đây vừa đúng 2 thế kỷ, Victor Hugo đã khẳng định vị trí của mình trên văn đàn thế giới với những danh hiệu không ai lặp lại được Hugo khổng lồ, Hugo trái núi, Hugo cây sồi, Hugo chim đại bàng . Ông đã để lại cho di sản văn học nhân loại một khối lượng đồ sộ các tác phẩm văn học ở nhiều thể loại: tiểu thuyết, kịch, thơ ca. Ở tất cả những lĩnh vực mà ông đặt chân đến, ông đều để lại dấu ấn của một thiên tài, nhưng độc giả khắp nơi trên thế giới cũng như ở Việt Nam lại yêu thích và biết nhiều đến Hugo qua những trang tiểu thuyết lãng mạn, đầy nhân ái và các nhân vật nổi tiếng của ông như Giăng VanGiăng, Giave, Côdét, Phăngtin, Cadimôđô. Những di sản nghệ thuật đồ sộ của ông là bằng chứng của một tài năng vô tận, một sức sáng tạo đa dạng, diệu kỳ. Hugo đã phá vỡ những quy tắc thông thường của chủ nghĩa cổ điển, về nghệ thuật ông đã từng nhấn mạnh Những tác phẩm vĩ đại đều có một tiêu chuẩn chung là tính tuyệt đối. Cái bình thường là cái chết của nghệ thuật. Bởi vậy, những nhân vật trong các tác phẩm của ông thường là những nhân vật phi thường, mang tính lý tưởng hóa như Giăn Vangiăng, Cadimôđô, Gôvanh… Ông thường hòa trộn những cái bi với cái hài, cái cao quý, đẹp đẽ với cái tầm thường, thô kệch. Ông

35

khắc họa những cái xấu đến độ kệch cỡm của hình dáng bên ngoài nhưng bên trong lại là vẻ đẹp tâm hồn đến mức cao cả.

Về nội dung, V.Hugo phản ánh đầy đủ những hoài vọng, những ảo tưởng, những lầm lạc, những tiên báo, những yêu thương và thù hận, những lo sợ và hy vọng. Và hơn cả, ông vượt lên trên thực tại xã hội để mơ ước, khát vọng về một thế giới mới. Một thế giới tốt đẹp cho con người mà chủ nghĩa cổ điển và chủ nghĩa hiện thực chưa làm được. Có thể nói Hugo là ngọn gió của chủ nghĩa lãng mạn và ngọn gió ấy đã lan tỏa đi khắp chân trời của thế giới.

Là lãnh tụ của văn chương lãng mạn, V.Hugo luôn trung thành với những tư tưởng lãng mạn tích cực, chống đối lại xu hướng lãng mạn tiêu cực, thoát ly. Hugo đề ra nhiệm vụ là nghệ thuật phải phục vụ lợi ích của nhân dân; sức mạnh của văn chương là mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân. Bởi thế, chủ nghĩa lãng mạn của ông thấm nhuần tinh thần nhân đạo chủ nghĩa. Nó rất gần chủ nghĩa hiện thực. Tác phẩm của ông phản ánh đời sống cùng cực của nhân dân dưới chế độ tư bản, đồng thời mô tả được những con người lao động vùng dậy làm cách mạng.

Không chỉ vậy, với tầm vóc là vị chủ soái của chủ nghĩa lãng mạn Pháp, Hugo đã dám đương đầu đấu tranh với những quy phạm ngặt nghèo của chủ nghĩa cổ điển và chủ nghĩa hiện thực, ông là trợ lực hùng mạnh của những nhà văn lãng mạn ở Đức, Nga, Anh, và cả Việt Nam trong cuộc đấu tranh cho khuynh hướng sáng tác của mình.

V.Hugo chính là hiện thân của chủ nghĩa lãng mạn Pháp thế kỷ XIX, đại biểu xuất sắc nhất của thế kỷ đã đem lại cho nước Pháp và cả thế giới những vòng nguyệt quế vinh quang.

Một phần của tài liệu Nhân vật lý tưởng trong văn học lãng mạn (Khảo sát qua một số tác phẩm của V.Hugo) ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)