Nhận dạng các sự kiện tiềm tàng là một hoạt động có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với quản trị rủi ro doanh nghiệp, đặc biệt là trong doanh nghiệp bảo hiểm, thì việc nhận dạng các sự kiện tiềm tàng càng có ý nghĩa quan trọng hơn nữa, liên quan đến sự sống còn của doanh nghiệp. Vì vậy, việc áp dụng các mô hình phù hợp để nhận dạng các sự kiện tiềm tàng được đề cao.
Bên cạnh việc nhận dạng các sự kiện tiềm tàng ảnh hưởng đến mục tiêu chung của toàn công ty, Tổng công ty cần đẩy mạnh việc nhận dạng các rủi ro đối với từng Công ty thành viên. Từng công ty thành viên cũng cần tăng cường hoạt động nhận dạng các rủi ro đặc trưng của công ty mình, để hoạt động kinh doanh ngày càng có hiệu quả hơn.
Đề xuất: Áp dụng mô hình Pest và 5 Forces để nhận dạng các sự kiện tiềm tàng tại
Tổng công ty Bảo hiểm Dầu Khí Việt Nam. Việc thực hiện các mô hình này do phòng kiểm soát rủi ro của Tổng công ty thực hiện. Các kết quả phân tích được báo cáo lên Tổng Giám đốc, Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát để Ban lãnh đạo có những kế sách kịp thời.
Mô hình Pest: Mô hình này tập trung phân tích trên 4 yếu tố:
- Yếu tố chính trị: Phân tích các yếu tố: Sự ổn định chính trị, luật và các chính sách, các Hiệp ước Thương mại,…
- Yếu tố kinh tế: Phân tích các khía cạnh: Lạm phát, việc làm, thu nhập, lãi suất,..
- Yếu tố xã hội: Phân tích các yếu tố: dân số, trình độ học vấn, phong tục, tập quán,…
- Yếu tố kỹ thuật: Phân tích các yếu tố: Những phát minh mới trong công nghệ thông tin ảnh hưởng đến sự quản lý dữ liệu của doanh nghiệp, những lạc hậu về công nghệ đe dọa đến sự trì trệ trong hệ thống kiểm soát,...
Mô hình 5 Forces: Mô hình này chủ yếu phân tích trên 5 yếu tố:
- Nhà cung cấp: Đối với các lĩnh vực đặc thù như lĩnh vực bảo hiểm, nhà cung cấp có thể được hiểu khái quát là các Công bảo hiểm trong nước và các công ty tái bảo hiểm trong nước và nước ngoài. Các công ty bảo hiểm trong nước cung cấp dịch vụ đồng bảo hiểm cho PVI và các công ty tái bảo hiểm cung cấp dịch vụ nhận tái và nhượng tái cho PVI. PVI cần phân tích năng lực tài chính, uy tín, và giá cả của các công ty bảo hiểm và các công ty tái bảo hiểm để có sự lựa chọn phù hợp nhất.
- Khách hàng: Khách hàng tại PVI được chia thành các nhóm:
+ Khách hàng trong ngành: Các công ty thuộc tập đoàn Dầu Khí Việt Nam. + Khách hàng ngoài ngành: Bao gồm:
Các Tổng Công ty thuộc Nhà nước, Các dự án lớn Các Công ty tư nhân, Công ty cổ phần
Các khách hàng lẻ Các Công ty môi giới Các Tổng Đại lý
Trên cơ sở phân chia các nhóm khách hàng như trên, Tổng công ty, các đơn vị thành viên cần dựa vào tình hình thực tế của đơn vị mình để phân tích những áp lực của đơn vị mình đến từ nhóm khách hàng nào, với mức giá cả nào có thể được khách hàng chấp nhận,...
- Đe dọa mới vào ngành: PVI là một công ty tồn tại hơn 15 năm, nên không bị yếu tố này đe dọa.
- Sản phẩm thay thế: Đối với lĩnh vực đặc thù như bảo hiểm, các sản phẩm thay thế có thể hiểu là: khách hàng không mua bảo hiểm mà tự chịu trách nhiệm về
những khoản thiệt hại có thể xảy ra với mình. Công ty bảo hiểm phải thể hiện được sự ưu việt vượt trội của sản phẩm cùng những dịch vụ tư vấn bồi thường tốt thì mới thu hút được sự lựa chọn của khách hàng.
- Các đối thủ cạnh tranh: Trên thị trường hiện nay, tồn tại các công ty bảo hiểm: PJICO, Bảo Việt, Bảo Minh, Bảo hiểm Nhà Rồng, Bảo hiểm Viễn Đông, bảo hiểm AAA,…PVI cần phân tích các thế mạnh, hạn chế, giá cả, tỷ lệ phí của các công ty bảo hiểm khác để từ đó có phương hướng, chiến lược phát triển. Ngoài mô hình Pest và 5 Forces, PVI nên áp dụng mô hình SWOT là sự tổng hợp của 2 mô hình trên.