Quá trình xác định liên tục và có hệ thống các hoạt động kinh doanh của Tổng công ty, bao gồm: hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc, hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm, hoạt động đầu tư tài chính,… được gọi là quá trình nhận dạng sự kiện của Tổng Công ty Cổ Phần bảo hiểm Dầu Khí Việt Nam. Quá trình này bao gồm các công việc: theo dõi, xem xét, nghiên cứu môi trường hoạt động và toàn bộ mọi hoạt động của Tổng công ty nhằm thống kê được tất cả các rủi ro: bao gồm những rủi ro đã và đang xảy ra, và cả những rủi ro được dự báo có thể xảy ra đối với công ty bảo hiểm.
Trên cơ sở các mục tiêu đặt ra, các nhà quản lý rất quan tâm đến các rủi ro đe dọa mục tiêu của công ty, công ty đã nhận diện được các rủi ro như sau:
Các rủi ro phát sinh từ nội bộ công ty (rủi ro bên trong):
- Tại các công ty thành viên: Nhân viên kinh doanh chưa chuyên nghiệp, kinh nghiệm giao dịch đàm phán và ký kết hợp đồng với các đối tác nước ngoài còn non yếu, việc nghiên cứu và soạn thảo hợp đồng gặp khó khăn do trình độ ngoại ngữ hạn chế.
- Một số nhân viên thờ ơ với mục tiêu, thiếu động lực làm việc.
- Việc đào tạo và trình độ của nhân viên tại các công ty thành viên còn nhiều hạn chế cũng làm ảnh hưởng nhiều đến hệ thống kiểm soát nội bộ.
- Hệ thống thông tin (phần mềm PIAS) bị hư hỏng, mất dữ liệu làm ảnh hưởng đến hệ thống kiếm soát nội bộ.
- Sự điều chuyển, thay đổi cấp quản lý tại Tổng công ty và các công ty thành viên làm ảnh hưởng nhiều đến hệ thống kiểm soát nội bộ.
Các rủi ro có nguyên nhân từ bên ngoài:
- Môi trường kinh doanh ngày càng nhiều thay đổi, hiện tại có rất nhiều công ty bảo hiểm ra đời: Công ty bảo hiểm BIDV, Công ty Bảo hiểm Hàng Không, Công ty Bảo hiểm Thái Sơn, Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Công ty Bảo Minh,….Trước đây, Tổng công ty được tập đoàn bảo hộ: Tập đoàn chỉ định toàn bộ các công ty trong ngành Dầu khí đều tham gia bảo hiểm tại PVI, nhưng theo xu hướng thị trường tương lai, các công ty bảo hiểm phải cạnh tranh công bằng trong kinh doanh thì PVI sẽ mất đi sự độc quyền trong cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho những công ty trong ngành. Sự thay đổi của nhu cầu khách hàng, nhu cầu thị trường cần phải nắm bắt. Tỷ lệ lạm phát tăng cao trong nền kinh tế hiện tại.
- Sự kém hiệu quả của cơ quan pháp luật cấp địa phương: Trong những năm gần đây, Quốc hội, Ủy ban thường vụ quốc hội, Chính phủ, và các cơ quan liên quan đã ban hành nhiều luật, văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành luật liên quan đến hoạt động bảo hiểm. Tuy nhiên, luật và các văn bản đã có song việc triển khai vào hoạt động bảo hiểm thì lại hết sức chậm chạp và còn gặp phải nhiều vướng mắc bất cập như một số văn bản về việc xử lý nợ phí bảo hiểm. Những văn bản này đều có quy định: Trong trường hợp đã quá thời hạn thanh toán mà khách hàng không trả được nợ, công ty bảo hiểm có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm nhưng vẫn thu phí khách hàng trong khoảng thời gian từ ngày hợp đồng có hiệu lực đến ngày hết hạn thanh toán phí bảo hiểm. Trên thực tế, các công ty bảo hiểm đều không làm được điều này vì công ty bảo hiểm không thể buộc khách hàng khi không tham gia bảo hiểm mà phải đóng phí cho khoản thời gian ngắn đó…Đây là một điều hết sức bất cập và khó khăn đối với công ty bảo hiểm.
- Tổng công ty rất chú trọng đến việc đánh giá đầy đủ các rủi ro hoạt động từ nguồn lực bên ngoài, tuy nhiên, các công ty thành viên vẫn chưa đánh giá đầy đủ các rủi ro này. Điều này có thể là do tại các công ty thành viên, việc kinh doanh bảo hiểm chủ yếu là các sản phẩm nhỏ lẻ, mức trách nhiệm thấp, vì vậy,
việc đánh giá rủi ro từ yếu tố bên ngoài chưa được chú trọng lắm. Hơn nữa, việc đánh giá rủi ro do cán bộ kinh doanh tự xem xét khi cấp đơn bảo hiểm , nhưng cán bộ kinh doanh tại các công ty thành viên chưa được đào tạo bài bản, vì vậy, việc xem xét rủi ro cán bộ kinh doanh đánh giá theo quy định của Tổng công ty mà không có một nhận định nhạy bén hay ý kiến nào khác của bản thân. Điều này dẫn đến việc kinh doanh bảo hiểm tại các công ty thành viên không có hiệu quả. Có nhiều trường hợp cấp đơn xong bị tổn thất nặng nề, gây thiệt hại lớn cho công ty bảo hiểm.