NHỮNG VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU VÀ KẾT LUẬN

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác kế toán quản trị tại doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực Thành phố Hồ Chí Minh (Trang 105)

Tầm quan trọng của các DNVVN cho nền kinh tế Việt Nam là không thể phủ nhận. Như đã trình bày trong chương 1, các DNVVN tại TP.HCM đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp cơ hội việc làm và thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế tại khu vực này nói riêng và tại Việt Nam nói chung. Các DNVVN hiện nay chiếm tỉ trọng lớn và được đánh giá là năng động nhất. Thực tế DNVVN đã góp phần lớn trong việc giúp Việt Nam đạt được tăng trưởng kinh tế và là ngành đã phục hồi mạnh sau những tác động tiêu cực của những thách thức kinh tế toàn cầu đến nền kinh tế Việt Nam. Trong số các lĩnh vực khác nhau mà DNVVN khu vực TP.HCM hoạt động thì lĩnh vực sản xuất là quan trọng nhất về sự đóng góp vào GDP và xuất khẩu của TP.HCM, trong khi các ngành dịch vụ và nông nghiệp đóng góp nhiều nhất trong việc giải quyết nguồn lực lao động trong xã hội. Do vậy mà các DNVVN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất được chọn làm trọng tâm cho nghiên cứu này.

Một đóng góp lớn cho sự thành công của DNVVN là sự hỗ trợ từ chính phủ Việt Nam cho lĩnh vực này. Với những lợi thế tiềm năng khác nhau từ một khu vực DNVVN phát triển mạnh mẽ, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam đã ban hành các chính sách và biện pháp can thiệp để thúc đẩy phát triển DNVVN và để

đảm bảo tính bền vững và sự sống còn của ngành. Việt Nam đã thành lập nhiều "Trung tâm" hổ trợ DNVVN ở cả ba miền bắc, trung, nam nhằm hỗ trợ cũng như đào tạo trong các khía cạnh kỹ thuật của các kỹ năng kinh doanh, tiếp thị và quản lý. Các chính sách hỗ trợ đã kích thích sự phát triển thành công của lĩnh vực này. Tuy nhiên các DNVVN tiếp cận được các chính sách này còn nhiều hạn chế nhất là về vốn vay vì không đủ điều kiện dẫn đến việc phát triển không ổn định, nhiều doanh nghiệp được thành lập nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp phải giải thể. Mặc dù sự quan tâm của Việt Nam ngày càng tăng trong khu vực DNVVN nhưng có một sự thiếu hụt trong công tác nghiên cứu khoa học vào các DNVVN bao gồm việc vận dụng KTQT. Mà vai trò của nó đã được chứng minh ở chương 2.

Nghiên cứu này cho rằng việc vận dụng được KTQT có một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự quản lý chặt chẽ của một doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và cũng có thể cải thiện hiệu suất trên mọi hoạt động. Vận dụng được KTQT cũng cho phép các doanh nghiệp xác định được điểm mạnh, điểm yếu để có thể cạnh tranh trên thị trường và làm giảm khả năng thất bại trong kinh doanh. Với những lợi thế từ việc vận dụng KTQT thì điều quan trọng là phổ biến kiến thức và nâng cao nhận thức về KTQT trong các DNVVN ở khu vực TP.HCM để các doanh nghiệp có thể hưởng lợi từ những lợi thế đã nêu ở trên. Hơn nữa, trong bối cảnh hiện tại ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng thì sự thiếu nghiên cứu về việc vận dụng KTQT vào DNVVN có thể dẫn đến sự thất bại của của các chính sách nhằm hổ trợ cho DNVVN phát triển. Ví dụ, kiến thức về KTQT không được bao gồm trong quản lý đào tạo kỹ năng cho các doanh nghiệp được cung cấp bởi chính phủ. Nghiên cứu này có thể cung cấp thêm nhiều thông tin tốt, cái mà các nhà hoạch định chính sách rất cần. Vì vậy luận văn này giải quyết bằng cách điều tra ba câu hỏi nghiên cứu:

Câu hỏi 1: Vai trò của KTQT trong DNVVN ở khu vực TP.HCM là gì?

Câu hỏi 2: Thực trạng vận dụng KTQT của các DNVVN khu vực TP.HCM ra sao?

Câu hỏi 3: Những yếu tố nào ảnh hưởng đến việc vận dụng KTQT trong các DNVVN khu vực TP.HCM?

Câu hỏi nghiên cứu 3 được thể hiện rõ qua việc kiểm định giả thuyết:

H1: Có những mối quan hệ có ý nghĩa và tích cực giữa các yếu tố ngẫu nhiên được chọn với việc vận dụng KTQT trong DNVVN khu vực TP.HCM.

Ba câu hỏi nghiên cứu đã được trả lời thông qua bảng câu hỏi thu được từ một cuộc khảo sát 200 DNVVN khu vực Tp.HCM, trong đó có 141 bảng trả lời sử dụng được. Các kết luận chính cho mỗi câu hỏi nghiên cứu như sau:

Câu hỏi nghiên cứu 1:

Kết quả nghiên cứu cho thấy KTQT đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý của các DNVVN khu vực TP.HCM. Kết quả xác nhận rằng trong các DNVVN khu vực TP.HCM, KTQT được coi là có liên quan và hữu ích cho các tổ chức ngày nay. KTQT có một vai trò cụ thể trong việc giúp đỡ các DNVVN để lập kế hoạch, kiểm soát, đánh giá hiệu suất, tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực, hỗ trợ trong việc đưa ra quyết định. Điều này được làm rõ trong chương 2.

Câu hỏi nghiên cứu 2:

Câu hỏi nghiên cứu này điều tra thực trạng mức độ vận dụng KTQT trong DNVVN khu vực TP.HCM hoạt động trong lĩnh vực sản xuất. Các lĩnh vực liên quan trong KTQT đã được đề cập trong nghiên cứu này là hệ thống chi phí, dự toán ngân sách, hệ thống hổ trợ ra quyết định. Kết quả cho thấy việc vận dụng KTQT trong DNVVN khu vực TP.HCM là có nhưng không đáng kể. Tỷ lệ phần trăm số người được hỏi thay đổi từ 11% đến 36 % trong các doanh nghiệp nhỏ và từ 37% đến 72% trong các doanh nghiệp vừa. Nhân viên kế toán có trình độ cao hơn đáng kể trong các doanh nghiệp có kích thước vừa so với các doanh nghiệp có kích thước nhỏ và điều này có thể giải thích cho sự vận dụng KTQT tương đối cao hơn ở các doanh nghiệp có kích thước vừa.

Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc sử dụng KTQT truyền thống như hệ thống chi phí, hệ thống dự toán ngân sách cao hơn so với sử dụng KTQT hiện đại như hệ thống hỗ trợ quyết định và KTQT chiến lược. Việc vận KTQT hiện đại

thấp hơn rất nhiều so với KTQT truyền thống có thể là do một trong hai nguyên nhân sau: nhà quản lý nghi ngờ về vai trò của KTQT hiện đại trong các doanh nghiệp có kích thước tương đối nhỏ hoặc do nhà quản lý không biết hay không hiểu rõ về KTQT. Bên cạnh đó, kể từ khi các kỹ thuật KTQT hiện đại phát triển đã tạo ra động lực mới cho các doanh nghiệp lớn đặc biệt là ở các nước phát triển, các doanh nghiệp trong các quốc gia ít phát triển có thể còn phải mất nhiều thời gian để học hỏi những ý tưởng và kỹ thuật mới, đặc biệt là với các doanh nghiệp có kích thước nhỏ. Cũng có thể một số kỹ thuật chưa thực tế cho các doanh nghiệp ở các nước đang phát triển do sự khác biệt về văn hóa, chính sách công nghệ hay mức độ cạnh tranh của thị trường.

Nghiên cứu này cũng điều tra mức độ vận dụng cụ thể của một loạt các kỹ thuật KTQT cụ thể trong DNVVN khu vực TP.HCM chi tiết theo mức độ sử dụng gồm 26 kỹ thuật KTQT trong ba nhóm lớn của KTQT. Một lần nữa, kết quả xác nhận rằng việc sử dụng các kỹ thuật KTQT truyền thống là tương đối cao hơn so với việc sử dụng KTQT hiện đại. Một số kỹ thuật KTQT được sử dụng nhiều ở các DNVVN khu vực TP.HCM bao gồm: phương pháp tập hợp chi phí theo quá trình, kỹ thuật chi phí theo KTTC, lập dự toán bán hàng và phân tích lợi nhuận sản phẩm.

Nghiên cứu kết luận rằng cả hai loại doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực TP.HCM sử dụng rộng rãi các kỹ thuật KTQT truyền thống, chỉ một ít doanh nghiệp lựa chọn sử dụng kỹ thuật KTQT hiện đại. Việc vận dụng được KTQT trong một số ít DNVVN khu vực TP.HCM có thể phần lớn là do có nhân viên kế toán trình độ cao cộng với sự quan tâm sâu sát của chủ sở hữu với việc vận dụng KTQT. Việc vận dụng các kỹ thuật KTQT hiện đại chỉ được vận dụng trong các doanh nghiệp có quy mô vừa nhưng đối với các doanh nghiệp nhỏ thì rất ít. Hơn nữa sự vận dụng kỹ thuật KTQT truyền thống ở các DNVVN khu vực TP.HCM có thể là do thông tin về các biện pháp này là dễ hiểu, dễ áp dụng hơn chứ không như kỹ thuật KTQT hiện đại được coi là không dễ hiểu, ít thực tế và tốn kém. Ngoài ra kích thước của các doanh nghiệp có thể là một yếu tố quan trọng không kém để KTQT đi vào thực tiễn. Như đã lập luận trước đây, các doanh nghiệp lớn cần kỹ thuật KTQT hiện đại hơn để quản lý sự phức tạp của các hoạt động do đầu tư của họ lớn hơn.

Như vậy kết quả là tác động của kích thước doanh nghiệp đối với mức độ sử dụng các kỹ thuật KTQT hiện đại là rõ ràng.

Câu hỏi nghiên cứu 3:

Kết quả phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến việc vận dụng KTQT trong các DNVVN khu vực TP.HCM bằng phương pháp hồi qui logistic đa biến cho thấy trong năm biến đưa vào là kích thước doanh nghiệp (theo doanh thu), cường độ cạnh tranh của thị trường, sự tham gia của chủ sở hữu/nhà quản lý vào sự phát triển của KTQT, kỹ thuật công nghệ tiên tiến trong sản xuất và quản lý, trình độ chuyên môn của nhân viên kế toán thì chỉ có sự tham của chủ sỡ hữu/ nhà quản lý và trình độ chuyên môn của nhân viên kế toán là có quan hệ tích cực và có ý nghĩa thống kê với việc vận dụng KTQT tại DNVVN khu vực TP.HCM trong phân tích.

Nhìn chung, kết quả nghiên cứu cho thấy các DNVVN vận dụng KTQT phụ thuộc vào các yếu tố ngẫu nhiên đã nêu. Cả năm yếu tố ngẫu nhiên này đều có mối quan hệ tích cực với việc vận dụng KTQT nhưng chỉ có hai biến là có ý nghĩa thống kê. Vì vậy, rất có thể các DNVVN khu vực TP.HCM vận dụng KTQT khi các chủ sở hữu hay người quản lý có nhận thức muốn vận dụng KTQT đồng thời kết hợp với trình độ chuyên môn của nhân viên kế toán. Điều này chứng tỏ yếu tố con người vẫn là yếu tố quyết định đầu tiên cho việc vận dụng được KTQT trong DNVVN khu vực TP.HCM.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác kế toán quản trị tại doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực Thành phố Hồ Chí Minh (Trang 105)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)