Có quan điểm cho rằng không có định nghĩa chung về KTQT. Sự tiến hóa của KTQT bây giờ sẽ được khám phá trong các định nghĩa thay đổi từ ba cơ quan hàng đầu của kế toán gồm: Viện KTQT (IMA), Học Viện KTQT Chartered (CIMA) và Liên Đoàn Kế Toán Quốc Tế (IFAC).
Định nghĩa ban đầu về KTQT của IMA (IMA, 1981, p.1), KTQT là "... quá trình xác định, đo lường, tích lũy, phân tích, chuẩn bị, giải thích, và thông tin tài chính cho việc quản trị kế hoạch, đánh giá và kiểm soát của một tổ chức nhằm đảm bảo sử dụng hợp lý đối với các nguồn lực của nó. KTQT cũng bao gồm việc lập các báo cáo tài chính cho các nhóm không quản trị như cổ đông, chủ nợ, cơ quan chức năng và cơ quan thuế." Nhưng gần đây, KTQT được định nghĩa như là "một nghề có liên quan đến sự hợp tác trong quản trị để ra quyết định, vạch ra kế hoạch và quản trị hiệu quả hệ thống, đồng thời cung cấp chuyên môn trong báo cáo tài chính và kiểm soát để hỗ trợ quản trị trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược của một tổ chức "(IMA, 2008, p.1). Các thay đổi trong định nghĩa cho thấy vai trò của KTQT phát triển từ xu hướng giao dịch và tuân thủ thành một đối tác kinh doanh chiến lược giúp các tổ chức trong hoạt động quản trị doanh nghiệp, lập kế hoạch và dự toán ngân sách, quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ, báo cáo tài chính tại thời điểm của sự thay đổi lớn, cũng như các phương thức quản trị chi phí chuyên sâu (IMA, 2008).
Theo tổ chức CIMA, KTQT được định nghĩa là cung cấp thông tin theo yêu cầu của nhà quản trị cho các mục đích như: xây dựng chính sách, lập kế hoạch và kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp; quyết định các hoạt động thay thế; thông tin
ra bên ngoài để cho cổ đông và những người khác, thông tin cho nhân viên. (CIMA, 2005 p.18) cho thấy KTQT đã chuyển hướng tới một vai trò rộng lớn hơn. KTQT được định nghĩa là việc áp dụng các nguyên tắc của KTQT và quản trị tài chính để tạo ra, bảo vệ, bảo tồn và gia tăng giá trị cho các bên liên quan kể cả doanh nghiệp vì lợi nhuận và phi lợi nhuận trong khu vực công và tư nhân. CIMA (2005) nói rõ hơn định nghĩa của KTQT, nhấn mạnh KTQT là một phần của quản trị, trong đó yêu cầu xác định, trình bày, giải thích và sử dụng thông tin liên quan để: Xây dựng chiến lược kinh doanh; Lập kế hoạch hoạt động dài hạn, trung hạn và ngắn hạn; Xác định cơ cấu nguồn vốn và các quỹ; Kiểm soát các hoạt động và đảm bảo sử dụng hiệu quả các nguồn lực; Triển khai các qui trình quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ....Định nghĩa thay đổi của CIMA cho thấy, KTQT đã tiến gần hơn đến mối quan tâm quản trị cấp cao tập trung vào tính hiệu quả, lập kế hoạch chiến lược và tạo ra giá trị sáng tạo.
IFAC (1998, p.99) định nghĩa KTQT là "quá trình nhận dạng, đo lường, tích lũy, phân tích, trình bày, giải thích, và trao đổi thông tin (cả về tài chính và điều hành) được sử dụng bởi nhà quản trị để lập kế hoạch, đánh giá và kiểm soát trong một tổ chức. Đảm bảo sử dụng hợp lý đối với các nguồn lực của tổ chức" IFAC (1989) - Một định nghĩa được căn cứ vào ý tưởng truyền thống của đối tượng. Tuy nhiên, chỉ chín năm sau đó phạm vi đã được mở rộng đáng kể, (IFAC, 1998, p.86) xem KTQT là một hoạt động được đan xen trong quá trình quản trị của tất cả các tổ chức. KTQT đề cập đến một phần của quá trình quản trị đó là tập trung làm tăng giá trị cho tổ chức bằng cách làm tăng hiệu quả sử dụng các nguồn lực, trong bối cảnh năng động và cạnh tranh. Tiến trình này cũng được xem như là kết quả của bốn giai đoạn trong quá trình tiến hóa của KTQT.
Nếu như ở một số nước phát triển KTQT đã phát triển rất lâu và đã đạt được những thành tựu rất lớn cả về lý thuyết cũng như thực tiễn ứng dụng. Ở Canada, Mỹ, KTQT đã trở thành một nghề với những tiêu chuẩn nghề nghiệp xác định (CMA), thì ở Việt Nam, thuật ngữ “KTQT” mới chỉ được ghi nhận chính thức trong Luật Kế Toán ban hành vào ngày 17/06/2003. Ngày 12/06/2006 Bộ tài chính ban hành thông tư 53/2006/TT – BTC, hướng dẫn áp dụng KTQT trong doanh nghiệp.
Theo đó, KTQT được hiểu là “việc thu thập, xử lý và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính theo yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế, tài chính trong nội bộ đơn vị kế toán”.
KTQT còn được hiểu ở một khía cạnh khác là việc thu thập, xử lý thông tin về các nguồn lực hiện có của doanh nghiệp nhằm cung cấp cơ sở cần thiết để nhà quản trị đưa ra các quyết định điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong tương lai.
Kết luận:
Nhìn chung KTQT trên thế giới hiện nay phát triển rất mạnh, theo thời gian tất cả các định nghĩa quản trị truyền thống dần thu hẹp, nhường chổ cho các hoạt động nhằm tạo ra các giá trị cho quá trình hoạt động của doanh nghiệp, các hoạt động đó nhấn mạnh vào việc quản trị doanh nghiệp ở mức độ cao hơn và KTQT là một công cụ không thể thiếu trong hoạt động này, còn ở Việt Nam hiện nay KTQT đóng vai trò rất khiêm tốn, nhất là đối với DNVVN. Điều này sẽ được chứng minh trong chương 4.