- Muốn giảm thiểu rủi ro trong tín dụng, VNCB nhất thiết phải có một hệ thống giải pháp chủ động ngăn ngừa và hạn chế rủi ro từ những nguyên nhân chủ quan nội bộ cũng như hạn chế sự ảnh hưởng từ phía khách hàng vay, từ môi trường kinh doanh bên ngoài. Hệ thống giải pháp này được thể hiện trong việc xây dựng, hoàn thiện chính sách tín dụng, quy trình tín dụng cũng như trong việc chuẩn hóa và kiểm soát sự tuân thủ đúng quy trình tín dụng đã đề ra, kể cả các biện pháp nhằm ngăn chặn gian lận của khách hàng vay và đảm bảo an toàn vốn cho ngân hàng khi khách hàng gặp rủi ro.
- Trước đây VNCB áp dụng quy trình tín dụng còn đơn giản nên đã bộc lộ nhiều bất cập: chỉ có một bộ phận là phòng tín dụng phụ trách toàn bộ công việc từ khâu tiếp nhận đến thẩm định và giải quyết cho vay. Để nâng chất lượng của công tác thẩm định, tính khách quan trong việc giải quyết hồ sơ vay thì sự phân chia rạch ròi nhiệm vụ và quyền hạn của 3 bộ phận: tiếp nhận hướng dẫn, thẩm định khách hàng và quyết định cho vay là cần thiết, sẽ hạn chế vấn đề tiêu cực, nâng tính khách quan, và tạo nên sự kiểm soát lẫn nhau giữa 3 bộ phận trong quá trình thẩm định và duyệt cho vay.
- Bên cạnh đó, trước đây việc thẩm định khách hàng và thẩm định TSĐB đều do phòng kinh doanh thực hiện nên dễ dẫn đến tiêu cực trong việc định giá cao giá trị TSĐB nhằm bảo đảm nhu cầu vay vốn của khách hàng. Do vậy trong quy trình tín dụng sau này, việc định giá TSĐB cần phải giao cho một đơn vị chuyên trách đó là công ty quản lý và khai thác tài sản (AMC) trực thuộc ngân hàng.
- Ngoài ra, cần có sự thay đổi cơ bản trong cơ cấu tổ chức bộ máy và quy trình cấp tín dụng phù hợp với mô hình quản trị rủi ro trong tín dụng theo chuẩn Basel. Phải phân biệt rõ 02 bộ phận chuyên môn riêng biệt là Bộ phận khách hàng cá nhân và bộ phận khách hàng doanh nghiệp nhằm sắp xếp và phân bổ nhân sự phù hợp theo năng lực cá nhân. Do nghiệp vụ cho vay đối với 02 đối tượng khách hàng này khác nhau, nghiệp vụ cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp đòi hỏi chuyên môn cao hơn. Từ đó sẽ tiến hành
phân cấp hạn mức phê duyệt tuỳ thuộc vào từng khối khách hàng cụ thể. Đồng thời với các công tác nâng cao chất lượng chuyên môn, cần phải thành lập bộ phận quản lý rủi ro kiểm tra sau vay nhằm kịp thời phát hiện ra những khoản vay có vấn đề để từ đó nhanh chóng đề ra các biện pháp xử lý phù hợp, giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng.