Dựa trên kết quả khảo sát từ các chuyên gia trong ngành ngân hàng (phụ lục 1) + bảng câu hỏi (phụ lục 2A), cho ra bảng kết quả (phụ lục 2B)– Bảng 2, dưới đây là các nguyên nhân chủ yếu từ nội bộ VNCB:
Những nguyên nhân chủ quan có vai trò đáng kể trong việc gia tăng nợ xấu.
(i) Tăng trưởng tín dụng nóng: hầu hết các TCTD theo đuổi "thành tích" tăng trưởng tín dụng nhanh để khẳng định vị thế, trong khi năng lực quản trị rủi ro lại hạn chế.VNCB không ngoại lệ, lại là NHTMCP chuyển đổi từ nông thôn nên việc chạy theo tăng trưởng càng khiến cho VNCB dễ rơi vào trạng thái nợ xấu tăng nhanh hơn so với một số Ngân hàng khác. Tốc độ tăng trưởng tín dụng của VNCB đáng kể trong năm 2009 (221%) và năm 2010 (97%), những năm sau mức tăng trưởng dư nợ chậm lại, chỉ còn dưới 20%/năm. Do đó nợ xấu ngày hôm nay đa phần xuất phát từ việc tăng trưởng trong năm 2009 và 2010, giai đoan vừa sau khủng hoảng kinh tế. Các doanh nghiệp cũng như Ngân hàng lúc đó đã tiên đoán rằng kinh tế sẽ phục hồi ngay sau suy thoái, tuy nhiên cho đến nay tình trạng suy thoái vẫn cón tiếp diễn và chưa có dấu hiện phục hồi. Các doanh nghiệp với những tiên đoán trước đây sau 2-3 năm “cầm cự” nay đã quá sức và hậu quả tất yếu là nợ xấu phát sinh và kéo dài.
(ii) Quản trị rủi ro kém
- Nhận thức về rủi ro tín dụng có hạn chế nhất định. Nguyên nhân của hạn chế này do nhiều yếu tố: (a) Nhận thức sai lầm trong mối quan hệ và tầm quan trọng giữa rủi ro, kinh doanh và nguồn vốn, xem xét chưa đầy đủ về những khả năng mất vốn do những rủi ro tiềm ẩn gây ra, chủ quan về mở rộng kinh
doanh, tăng trưởng cho vay phụ thuộc chủ yếu vào huy động tiền gửi, phát triển kinh doanh thiếu căn cứ; (b) Một số nhà quản lý ưa thích rủi ro, khi xem xét hồ sơ của khách hàng truyền thống chỉ dựa vào các tài liệu được cung cấp, như báo cáo bằng văn bản, báo cáo tài chính, không thực hiện đánh giá rủi ro một cách khách quan. Do đó làm mất đi sự chính xác và tính hiện thực khi xem xét hồ sơ vay vốn của khách hàng.
- Thiếu kinh nghiệm và hạn chế trong kỹ năng quản lý: thiếu biện pháp hiệu quả để xác định, định hướng và kiểm soát rủi ro trong từng khu vực, số liệu quá khứ không đầy đủ, hệ thống thông tin không cập nhật, kinh nghiệm cá nhân nhiều khi lạm dụng có thể để lại hậu quả cho hoạt động ngân hàng. Do đó, biện pháp quản lý yếu kém có nguy cơ tập trung và mang tính hệ thống.
- Quản lý rủi ro không diễn ra xuyên suốt cả quá trình:(a) Công tác thẩm định không kỹ lưỡng, nghiêm ngặt: trong quá trình thẩm định trước khi cho vay, có trường hợp quan hệ cá nhân có ảnh hưởng nhất định, vì vậy có hiện tượng buông lỏng công tác thẩm định, không đánh giá một cách toàn diện, chính xác những rủi ro của khoản vay, thiếu hiểu biết đầy đủ về tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại cũng như tương lai, đánh giá quá lạc quan, thiếu phân tích ảnh hưởng tiềm ẩn của môi trường xung quanh, biến động bất thường của kinh tế trong và ngoài nước.(b)Quá trình xét duyệt hồ sơ: có trường hợp ngân hàng bỏ qua một thực tế thủ tục và hồ sơ vay vốn của khách hàng không đầy đủ, hay hồ sơ vay vốn của khách hàng là hồ sơ ảo. (c) Rủi ro trong bảo lãnh ngân hàng: là mối quan tâm lớn trong công tác quản trị ngân hàng. Những vấn đề thường gây ra rủi ro trong nghiệp vụ như: năng lực phân tích, thẩm định khách hàng yếu kém dẫn đến việc ngân hàng bị lừa đảo, mất vốn do phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong khi bên được bảo lãnh mất khả năng thanh toán. Hạn chế trong vận dụng quy định của pháp luật trong nước, quốc tế liên quan đến nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng làm phát sinh những tranh chấp kinh tế ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động ngân hàng.
(iii) Quy trình cho vay lỏng lẻo, thiếu kiểm soát
- Hiện nay VNCB chưa tập trung rà soát lại quy trình cho vay mà chỉ tập trung vào quy trình xử lý nợ, giai đoạn này nợ xấu đã phát sinh nên nếu tập trung giai đoạn này mà lơ là khâu ngăn chặn từ đầu, nợ xấu cứ thế tiếp diễn và Ngân hàng luôn phải chạy theo để xử lý hậu quả.
- Khâu tư vấn hướng dẫn, lập hồ sơ và kiểm tra hồ sơ vay đến khâu thẩm định và lập tờ trình tín dụng: phụ thuộc chủ yếu vào cán bộ tín dụng. Nếu người cán bộ tín dụng có chuyên môn cao, đạo đức nghề nghiệp tốt, biết vì lợi ích chung của Ngân hàng thì khâu khởi đầu này xem như đảm bảo đúng chất lượng khi thực hiện quy trình. Quy trình cho vay hiện nay tại VNCB, cả khâu tiếp cận khách hàng, thẩm định trình hồ sơ đều do một cán bộ tín dụng đảm nhiệm, điều này thiếu tính khách quan và dễ dẫn đến móc nối, ban đầu chỉ đơn giản là cố tình bỏ qua một vài điều kiện nhỏ, sau là cố tình tư vấn lách quy định cho vay gây hậu quả nghiêm trọng.
- Khâu phê duyệt hồ sơ: xuất phát từ quản trị rủi ro kém nêu trên. Một số chưa đủ chuyên môn năng lực, cộng với có nhiều người trong cấp lãnh đạo tuy có nhiều kinh nghiệm quản lý nhưng không phải trong ngành Ngân hàng, dẫn đến nhận thức khác biệt. Một số do châm trước mối quan hệ cá nhân, phê duyệt trong tình trạng thiếu điều kiện vay. Một số do các đối tượng vay chính là “sân sau” của Ngân hàng, cố tình làm trái để dòng tiền sau khi ra khỏi Ngân hàng thì rơi vào trạng thái luẩn quẩn. Một doanh nghiệp khốn đốn kéo theo một nhóm doanh nghiệp khó khăn theo, khả năng trả nợ không có dẫn đến nợ xấu.
- Khâu kiểm tra sử dụng vốn vay chưa được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ và đầy đủ: đa số Ngân hàng hay chú trọng đến khâu tiếp cận khách hàng và cố gắng trình hồ sơ tín dụng sao cho được phê duyệt, sau đó thì lo chạy chỉ tiêu cho hồ so mới. Trong khi giai đoạn rủi ro nhất là từ khi tiền đã được giải ngân, đi ra khỏi ngân hàng. Nếu Ngân ngân hàng chỉ ngồi chờ tiển quay về như khách hàng đã cam kết hoặc chỉ kiểm tra sau vay lấy lệ, thì rủi ro lớn nhất chính là nằm tại đây. Có thể ban đầu khách hàng xin vay đúng mục
đích, phương án kinh doanh trả nợ rõ ràng, tuy nhiên do khâu kiểm tra của Ngân hàng quá lơ là, dòng tiền khách hàng về nhưng họ không trả ngay mà dùng vào việc khác, khác hoàn toàn với phương án kinh doanh ban đầu. Việc đầu tư khác gặp khó khăn và do đã không được tư vấn bởi Ngân hàng từ đầu, khả năng trả nợ gặp trục trặc và nợ xấu là điều có thể đoán trước.
(iv) Chưa xây dựng được hệ thống cảnh báo nợ xấu
- Mỗi khoản nợ xấu trong quá trình phát triển của nó đều có những dấu hiệu nhất định, từ nhỏ đến to, từ lờ mờ cho đến rõ ràng rành mạch. Do VNCB chưa xây dựng được hệ thống cảnh báo nợ xấu kết hợp với việc kiểm tra sau vay qua loa, khiến cho các dấu hiệu đáng lẽ có thể nhận biết được thì lại bị lãng quên, hoăc không được nhìn nhận rõ. Nếu VNCB có thể xây dựng được hệ thống cảnh báo nợ xấu, mỗi dấu hiệu từ ban đầu có thể được nhìn nhận và đánh giá đúng đắn, tỷ lệ nợ xấu có thể đã không cao như hiện nay.
(v) Không đa dạng hoá ngành nghề, lĩnh vực và đối tượng cho vay
- Một bộ phận không nhỏ vốn tín dụng của các ngân hàng tập trung vào các lĩnh vực tăng trưởng "nóng" như bất động sản, chứng khoán... Khi các lĩnh vực này bị "đóng băng" kéo theo tín dụng đóng băng và nợ xấu gia tăng. - Theo mô hình hiện tại ở các Ngân hàng nước ngoài, trước khi xem xét cho
vay một ngành nghề nào đó, họ đều thực hiện nghiên cứu ngành, rà soát các khách hàng thuộc từng ngành, từ đó lên kế hoạch tiếp cận cho vay trong sự chọn lọc. Hơn nữa, chính sách cho vay của họ chỉ cho phép cho vay đối với một ngành nghề, đối tượng khách hàng theo tỷ lệ nhất định trong tổng dư nợ. Việc này chưa được triển khai trong VBCN, do đó đây cũng là một thiếu sót nghiệm trọng dẫn đến nợ xấu lại tập trung quá nhiều vào một ngành cụ thể như hiện nay.
(vi) Năng lực của đội ngũ cán bộ tín dụng còn nhiều hạn chế
- Chính sự hạn chế về năng lực và trình độ nghiệp vụ trong quá trình thẩm định, quá trình phân tích và đánh giá khách hàng, đánh giá doanh nghiệp đã dẫn đến những quyết định cho vay không đúng, quyết định đầu tư vào những phương án/dự án kinh doanh kém hiệu quả. Bên cạnh đó, việc thiếu thông tin
vẫn là một hạn chế rất lớn của cán bộ nghiệp vụ tín dụng đối với các NHTM, đòi hỏi nhân viên thẩm định phải có nhiều thông tin liên quan đến khoản vay thì mới mong hạn chế được những rủi ro tiềm ẩn.
- Trong giai đoạn bùng nổ ngân hàng 2007-2009, một lượng nhân lực lớn trái ngành cũng có thể được tuyển vào Ngân hàng để đáp ứng nhu cầu nhân lực. Bên cạnh bộ phận có khả năng thực sự, cũng có một bộ phận nhân sự không nhỏ không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn. Ngoài ra những nhân sự cũ của Ngân hàng trong quá trình chuyển hoá từ Ngân hàng nông thông lên thành thị, đã không được đào tạo để hoà nhập với môi trường mới và làm việc một cách chuyên nghiệp. Chưa kể một bộ phận đạo đức nghề nghiệp kém, đặt lợi ích cá nhân lên cao hơn lợi ích Ngân hàng khiến cho việc tư vấn và thẩm định tín dụng đi lệch với bản chất đúng đắn của nó, gây ra những hậu quả là những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nợ xấu Ngân hàng.
(vii) Sự lỏng lẻo trong công tác kiểm soát nội bộ Ngân hàng
- Kiểm soát nội bộ của một NHTM gồm hai bộ phận cấu thành: một là kiểm soát bộ NHTM là tổng thể hệ thống văn bản quy định của NHTM, các cơ chế kiểm soát được cài đặt trong các quy trình nghiệp vụ cấp tín dụng do Ban điều hành, hoặc Hội đồng Quản trị của NHTM ban hành; Hai là hệ thống tổ chức của cơ quan kiểm soát nội trong hệ thống NHTM để thực thi việc kiểm tra, kiểm soát sự tuân thủ của các đơn vị về thực hiện các quy định của ngân hàng. Công tác kiểm soát nội bộ thực hiện tốt, sẽ giúp cho ban điều hành, các đơn vị tác nghiệp tuân thủ đúng quy trình nhằm hạn chế và kiểm soát rủi ro có thể phát sinh trong quá trình hoạt động ngân hàng.
- Tuy nhiên, hoạt động kiểm soát nội bộ của VNCB trong thời gian qua chưa theo kịp nhịp độ phát triển, chưa theo kịp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, một phần do trình độ, năng lực của kiểm tra viên, một phần tinh thần trách nhiệm của kiểm tra viên chưa thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình mà chủ yếu kiểm tra qua loa. Bên cạnh đó, kiểm tra viên có thể bị chi phối bởi cấp trên, buộc phải làm ngơ do áp lực từ cấp trên nhất là cấp phụ trách kinh doanh. Những nguyên nhân trên làm cho báo cáo kiểm soát nội bộ
không chất lượng, chỉ còn mang tính hình thức. Các báo cáo kiểm soát nội bộ thường chỉ là tổng hợp, phân tích, thống kê các số liệu từ báo cáo của bộ phận tín dụng nên chưa thể hiện được tính độc lập, ngăn ngừa, cảnh báo rủi ro tín dụng, làm chốt chặn hữu hiệu trong cấp phát tín dụng, quản lý hiệu quả nợ xấu.