Ngành chè nói chung và ở Thái Nguyên nói riêng muốn mở rộng quy mô và chất lượng trong sản xuất, kinh doanh, nhất thiết phải có chính sách kinh tế thích hợp nhằm tạo dựng mối quan hệ hữu cơ giữa các nhân tố với nhau, tạo hiệu quả kinh doanh cao nhất. Các chính sách tác động trực tiếp
hoặc gián tiếp đến sự phát triển của ngành chè ở Thái Nguyên, có thể kể đến là: Chính sách ruộng đất, chính sách thuế, chính sách huy động vốn...
Chính sách ruộng đất: Ở nông thôn, sau Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị năm 1988, hộ nông dân đã được giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài (10-20 năm). Đây là yếu tố quan trọng làm cho người dân yên tâm sản xuất. Các đơn vị quốc doanh cũng đã chia đất, khoán vườn chè cho gia đình công nhân. Đối với Thái Nguyên, tỉnh đã tạo điều kiện để thực hiện việc giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người trồng chè, khuyến khích phát triển sản xuất, chế biến chè tập trung. Chuyển đổi đất vườn tạp sang đất trồng chè.
Chính sách thuế: Thực hiện miễn thuế đất nông nghiệp theo chính sách hiện hành. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm chè thường phải chịu sự điều chỉnh trực tiếp của các loại thuế, như: Thuế sử dụng đất nông nghiệp; thuế giá trị gia tăng; thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế xuất khẩu, nhập khẩu. Điều đó có ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển và hiệu quả kinh doanh của ngành chè.
Chính sách huy động vốn: có ảnh hưởng rất lớn đối với ngành chè ở Thái Nguyên. Ở Thái Nguyên, tỉnh đã thực hiện đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư, đồng thời đã thực hiện những chính sách cho vay ưu đãi và linh hoạt. Vốn đầu tư vào ngành chè được kêu gọi từ nhiều nguồn khác nhau: vốn từ ngân sách nhà nước và tỉnh, vốn tín dụng của các ngân hàng và các tổ chức tín dụng nhân dân, vốn góp từ cổ đông đối với các công ty cổ phần...