Kinh nghiệm của một số tỉnh, thành phố trong nước

Một phần của tài liệu Phát triển ngành chè ở tỉnh Thái Nguyên Luận văn ThS. Kinh tế (Trang 29)

1.2.2.1. Hà Giang

Là một tỉnh nằm ở cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang có địa hình và khí hậu rất phù hợp với điều kiện sinh trưởng của cây chè. Cây chè Hà Giang có lịch sử lâu đời và được trồng ở nhiều vùng sinh thái khác nhau (Bắc Quang, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Đồng Văn). Hiện nay, Hà Giang có gần 20.000 ha chè, trong đó diện tích đã cho thu hoạch là 14.500 ha và là tỉnh có diện tích trồng chè đứng thứ ba trong cả nước. Để nâng cao sản lượng và vị thế của sản phẩm chè trên thị trường, Hà Giang đã quy hoạch chiến lược phát triển cho ngành chè của mình [51].

Giải pháp được đưa ra là: Đẩy mạnh đầu tư thâm canh theo hướng tập trung vào giống, phân bón, kỹ thuật. Đối với diện tích trồng chè mới, phải đảm bảo định mức đầu tư 15 triệu đồng/ha, chè thâm canh kinh doanh 7,5 triệu đồng/ha. Đối với diện tích trồng chè mới, sử dụng các giống chè Shan tuyết, chè Shan lá to và chè Shan lá nhỏ, đồng thời nhập nội một số dòng chè đặc sản vào trồng trên địa bàn tỉnh. Diện tích trồng chè mới phải đảm bảo đúng mật độ, đúng thời vụ. Trên cơ sở nghiên cứu các điều kiện về thời tiết, thổ nhưỡng của Hà Giang, các nhà khoa học đưa ra khuyến cáo nên trồng chè bằng hạt theo phương thức gieo thẳng hoặc trồng chè vào bầu đất. Bên cạnh đó, các địa phương cần đầu tư đổi mới công nghệ chế biến bằng cách hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư để cải tiến công nghệ chế biến chè; xây dựng các nhà máy tinh chế chè công suất 5 nghìn tấn sản phẩm/năm và một số nhà máy chế biến chè xanh, chè đen với công suất bình quân của mỗi nhà máy khoảng 15 tấn búp tươi/ngày tại các vùng nguyên liệu tập trung ở Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình và Hoàng Su Phì; xây dựng quản lý chất lượng chè, quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm, đặc biệt các cơ sở chế biến bằng máy mini.

Bên cạnh đó, các hộ gia đình có nhu cầu vay vốn trồng chè được tỉnh hỗ trợ lãi suất trong vòng 5 năm; ưu đãi về sử dụng đất; hỗ trợ tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm chè; khuyến khích đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Các doanh nghiệp đầu tư trồng chè được cho thuê đất dài hạn, miễn thuế sử dụng đất, hỗ trợ vốn đầu tư nếu chuyển ngành nghề kinh doanh từ xây dựng cơ bản sang trồng, chế biến chè. Sản phẩm sản xuất tại địa phương khi làm thủ tục đăng ký tiêu chuẩn chất lượng, nhãn hiệu được tỉnh hỗ trợ 50% chi phí. Các chính sách hỗ trợ của tỉnh Hà Giang đã có tác động tích cực đến sự phát triển của cây chè.

Diện tích chè Hà Giang đang tăng liên tục qua các năm và năm 2007 đạt 15.064 ha, tăng 2.541 ha so với năm 2001, trong đó sản xuất chè kinh

doanh đạt 13 nghìn ha. Năng suất chè búp tươi đạt 31,41 tạ/ha; sản lượng đạt gần 39,4 nghìn tấn. Đến năm 2012, tỉnh Hà Giang đặt mục tiêu mỗi năm trồng mới 500 ha chè Shan, năng suất lên 80 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 10 nghìn tấn, xuất khẩu chè khô thành phẩm trên 4000 tấn. Tỉnh đang xây dựng vùng chè tập trung gắn với đầu tư cơ sở chế biến sản phẩm xuất khẩu tại Bắc Quang, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Quang Bình, kết hợp phát triển các vùng chè đặc sản [51].

1.2.2.2. Phú Thọ

Phú Thọ là tỉnh thuộc khu vực miền núi, trung du phía Bắc, nằm trong khu vực giao lưu giữa vùng Đông Bắc, đồng bằng sông Hồng và Tây Bắc, mang ý nghĩa trung tâm của tiểu vùng Tây - Đông - Bắc. Phú Thọ có vị trí địa lý thuận lợi cho việc trồng và phát triển cây chè. Hiện nay, Phú Thọ là một trong 5 tỉnh có diện tích chè đứng đầu và là một trong bốn tỉnh có sản lượng chè sản xuất ra lớn nhất toàn quốc. Cây chè là cây công nghiệp mũi nhọn, được xác định là một trong những chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh. Nhờ những yếu tố thuận lợi, nên vài năm trở lại đây, vị thế cây chè càng được khẳng định trên vùng đất trung du. Sản phẩm sản xuất ra được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới và được đông đảo người tiêu dùng trong nước biết tới.

Thực hiện chương trình quy hoạch phát triển chè giai đoạn 2006 -2010, tỉnh Phú Thọ đã trồng mới được 1.055 ha chè, nâng tổng diện tích chè toàn tỉnh lên hơn 13.685 ha. Vài năm gần đây, do thuận lợi về “đầu ra”, thu nhập của người trồng chè cũng tăng nhanh. Nắm bắt thuận lợi trên, hầu hết các địa phương và các hộ trồng chè trong tỉnh đã tập trung đầu tư cải tạo diện tích chè xấu, thâm canh tăng năng suất diện tích chè kinh doanh. Nhờ đó, năng suất bình quân đạt 73,54 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt 83.190 tấn. So với mục tiêu của tỉnh đề ra đến năm 2010 thì diện tích chè đã đạt 97,7%, năng suất đạt 86,5%, sản lượng đạt 80,6%. Trong đó năng suất chè của các doanh nghiệp có

dân, bình quân đạt 48,66 tạ/ha. Sự chênh lệch khá lớn về năng suất này đang được quan tâm để rút ngắn lại trong thời gian tới [52].

Việc phát triển cây chè trên địa bàn Phú Thọ trong những năm qua đã được các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ đầu tư và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ủy ban nhân dân tỉnh đã cấp hơn 2.547 triệu đồng hỗ trợ cho diện tích trồng mới, trồng lại nên diện tích chè ngày càng được mở rộng, năng suất, sản lượng chè liên tục tăng… Nhờ vậy, đến nay đã có khoảng 20.000 hộ được vay phát triển cây chè với tổng dư nợ vay để trồng mới, thâm canh cải tạo lên đến trên dưới 100 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh còn trích ngân sách hỗ trợ theo chính sách đã ban hành hàng chục tỷ đồng cho 8 dự án phát triển chè trong tỉnh. Phát huy hiệu quả đồng vốn, các hộ đầu tư thâm canh đúng mục đích, hiệu quả kinh tế cao. Nhờ vậy, hàng năm đã có hàng chục nghìn hộ thoát nghèo nhờ trồng chè chủ yếu ở các huyện khó khăn, như: Thanh Sơn, Cẩm Khê, Yên Lập… [52].

Các cơ sở chế biến chè trên địa bàn tỉnh cũng phát triển khá mạnh. Ngoài hai công ty lớn có vốn đầu tư nước ngoài là công ty chè Phú Đa (liên doanh giữa Tổng công ty chè Việt Nam và tập đoàn Foodsuff của I Rắc) và công ty chè Phú Bền, 100% vốn của tập đoàn Sipel (Vương quốc Bỉ), tỉnh còn có công ty chè Phú Thọ, xưởng chế biến chè của Viện nghiên cứu chè. Ngoài ra, còn gần 80 cơ sở chế biến chè tư nhân và nhiều cơ sở chế biến nhỏ, quy mô hộ gia đình với công suất chế biến khoảng 900 tấn chè búp tươi/ngày. Sự phát triển nhanh về số lượng các cơ sở chế biến đã giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm của người trồng chè gặp nhiều thuận lợi.

Phát huy lợi thế này, trong thời gian tới, Phú Thọ tiếp tục đầu tư phát triển cây chè theo hướng sản xuất hàng hoá, hình thành vùng sản xuất tập trung, gắn với cơ sở chế biến, chú trọng đầu tư thâm canh, cải tạo vùng đất chè cằn, xấu, giống cũ, đồng thời tiếp tục trồng mới, mở rộng diện tích ở những nơi có điều kiện. Bên cạnh đó, tỉnh rà soát, sắp xếp lại các cơ sở chế

biến theo hướng gắn với nguồn nguyên liệu, đổi mới công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng và đa dạng hoá, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm và hiệu quả kinh tế của cây chè; hình thành cơ chế liên kết giữa “sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm”. Đặc biệt, tỉnh tập trung hỗ trợ phát triển cây chè tại 8 huyện trọng điểm. Năm 2010, Phú Thọ nâng diện tích chè lên 15.000 ha, năng suất bình quân 10 tấn/ha, sản lượng 120 - 125 ngàn tấn, xuất khẩu từ 22- 24 ngàn tấn chè khô.

1.2.2.3. Lâm Đồng

Lâm Đồng là một trong những tỉnh có diện tích trồng chè lớn nhất Việt Nam. Được thiên nhiên ưu đãi, đất đai mầu mỡ, khí hậu thích hợp và đặc biệt có lợi thế là tỉnh nằm ở độ cao 800 - 1.000m, nên chất lượng chè của Lâm Đồng được khẳng định là ngon, hương thơm, vị ngọt. Trong những năm qua, tỉnh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến xây dựng, phát triển các vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến chè.

Đã từ lâu cây chè được tỉnh Lâm Đồng xác định là cây xoá đói, giảm nghèo và làm giầu của nông dân; đồng thời là một trong những cây công nghiệp chủ lực, có lợi thế trong nền kinh tế thị trường. Hiện nay, tổng diện tích chè trên địa bàn toàn tỉnh có 25.929 ha. Trong đó diện tích chè đang cho kinh doanh 23.791 ha, hàng năm cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước đạt 183.571 tấn. Tính ra, cây chè tỉnh Lâm Đồng đã chiếm tỷ lệ 25% về diện tích và 27% về sản lượng chè của cả nước. Chè Lâm Đồng đã thành danh từ rất lâu với những thương hiệu nổi tiếng như: Tâm Châu, Lễ Ký, Quốc Thái… Trong số các danh trà, Lâm Đồng cũng đã góp những sản phẩm có giá trị cao, được nhiều người sành điệu về trà chấp nhận như: Trà Ô Long, trà xanh, trà đen…[53].

Tại Lâm Đồng cây chè được trồng tập trung chủ yếu ở Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh. Do cây chè đã được trồng từ những năm 20 của thế kỷ trước

năm qua, nhất là từ năm 2002 đến nay trong các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển cây chè, tỉnh đã tập trung mở rộng diện tích, vừa đẩy mạnh “cuộc cách mạng giống”, cải tạo vườn chè đạt năng suất, chất lượng cao và từng bước xây dựng vùng nguyên liệu chè an toàn, chè sạch. Đến nay diện tích chè giống mới trong toàn tỉnh chiếm tỷ lệ 32%, với 6.340 ha chè cành năng suất cao và 2.075 ha chè cành Ô Long chất lượng cao của Đài Loan. Theo Đề án phát triển vùng nguyên liệu chè, đến năm 2020 Lâm Đồng nâng tổng diện tích chè lên 28.000 ha, tuy tăng không nhiều so với diện tích hiện có, nhưng điều đáng nói là trong 28.000ha đó, diện tích chè giống mới có năng suất và chất lượng cao chiếm khoảng 55%. Với sự đa dạng về chủng loại và chất lượng của sản phẩm, 9 tháng năm 2009, Lâm Đồng đã xuất khẩu hơn 3.000 tấn chè thành phẩm, đóng góp gần 30% vào kim ngạch xuất khẩu của ngành chè Việt Nam, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2008. Điều này càng khẳng định sự thành công của chương trình chuyển hướng sản xuất cho cây chè Lâm Đồng [53].

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh, sản xuất chè ở Lâm Đồng còn nhiều yếu kém. Năng suất chè bình quân trong năm 2008 mới chỉ đạt 7,5 tấn, chất lượng chè xuất khẩu thấp, sản phẩm chưa có chỗ đứng vững trên thị trường quốc tế. Vì vậy, ngành chè Lâm Đồng đã thực hiện những bước đi mới. Thứ nhất, chuyển đổi cơ cấu giống. Thứ hai, liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu.

Một phần của tài liệu Phát triển ngành chè ở tỉnh Thái Nguyên Luận văn ThS. Kinh tế (Trang 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)