Luận văn, khóa luận, tiểu luận, báo cáo, đề tài
MỞ ĐẦU 1. Đặt vấn đề Quá trình chuyển đổi từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hoá là xu hướng phát triển tất yếu của kinh tế nông hộ. Theo xu hướng này, một số nông dân phát triển kinh tế thành công, tích lũy được nhiều vốn, thuê mướn thêm lao động, mạnh dạn ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh. Họ trở nên ngày càng có ưu thế hơn về năng lực, kết quả và hiệu quả sản xuất so với các hộ khác. Sự phát triển kinh tế nông hộ sẽ dẫn tới xu hướng phân hóa về quy mô và trình độ sản xuất… và kết quả làm xuất hiện loại hình kinh tế trang trại. Trong nền nông nghiệp thế giới, trang trại (chủ yếu trang trại gia đình) một hình thức tổ chức sản xuất có vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống nông nghiệp của mỗi nước. Đối với các nước phát triển, trang trại gia đình có vai trò to lớn và có ý nghĩa quyết định trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất ra tuyệt đại bộ phận nông sản, sản phẩm cho xã hội. Ở Việt Nam kinh tế trang trại (KTTT) mới phát triển trong những năm gần đây, từ khi nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường có sự quản lí của Nhà nước. Mục tiêu là công nghiệp hóa (CNH), Hiện đại hóa (HĐH) đất nước song lấy nông nghiệp là khâu đột phá. Đặc biệt là sau nghị quyết (NQ) 10 của Bộ Chính trị (4/1988) về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, quan hệ sản xuất nước ta được điều chỉnh một bước, Luật đất đai (1993) quy định năm quyền sử dụng đất, NQ 03/NQ-CP ngày 02/02/2000 của chính phủ về KTTT thì KTTT thực sự phát triển nhanh và đa dạng. Chăn nuôi là một trong hai lĩnh vực kinh tế quan trọng trong nền nông nghiệp tuy hiện nay theo Cục chăn nuôi thì chăn nuôi mới chỉ chiếm 25% GDP của toàn ngành nông nghiệp nhưng theo chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 của Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì chăn nuôi chiếm 42% GDP của toàn ngành nông nghiệp. 1 Phát triển KTTT tập trung nói chung, chăn nuôi trang trại tập trung nói riêng là sự đột phá tư duy, đột phá về phương thức sản xuất từ sản xuất nhỏ lẻ, phân tán sang sản xuất tập trung quy mô lớn, sản xuất hàng hóa lớn theo nhu cầu của thị trường. Chăn nuôi trang trại tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định, sản xuất khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn đáp ứng nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng của thị trường. Góp phần giải quyết công ăn việc làm nhất là đối với các vùng nông thôn. Tận dụng khai thác điều kiện đất đai, phát huy tiềm năng vốn của nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào chăn nuôi. Chăn nuôi trang trại tập trung còn có điều kiện thực hiện an toàn sinh học, khống chế dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường so với chăn nuôi phân tán. Vì vậy, việc áp dụng phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại đang dần trở thành lựa chọn đúng đắn cho các vùng nông thôn ở Việt Nam. Việc phát triển bền vững mô hình trang trại tập trung là xu thế tất yếu của ngành chăn nuôi khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), cũng là yêu cầu cấp bách hơn khi dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng vẫn diễn biến phức tạp. Huyện Nam Đàn là một huyện đa phần làm nông nghiệp và được coi là một trong những huyện trọng điểm của tỉnh Nghệ An về sản xuất nông nghiệp, có tiềm năng để phát triển trang trại chăn nuôi. Huyện nhà đã xác định phát triển chăn nuôi là một trong những mục tiêu phát triển kinh tế quan trọng mới đưa nền nông nghiệp từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ thành nền sản xuất hàng hóa thông qua các dự án phát triển chăn nuôi như: xây dựng trang trại chăn nuôi lợn nái ngoại kết hợp với nuôi cá, xây dựng trang trại chăn nuôi Bò laisind kết hợp nuôi cá… So với nhiều huyện trong tỉnh KTTT huyện Nam Đàn trong thời gian qua đã phát triển khá mạnh với số lượng 534 trang trại, ngày càng có nhiều loại hình: trang trại chăn nuôi lợn, trang trại gia cầm, trang trại tổng hợp… trong đó loại hình trang trại chăn nuôi đang có xu hướng phát triển mạnh [7]. 2 Nhìn chung các trang trại đã lựa chọn mô hình kinh doanh đúng hướng sản xuất hàng hóa tạo ra khối lượng nông sản phẩm lớn, đa dạng. Tuy nhiên, sự hình thành và hoạt động của các trang trại đang trong tình trạng tự phát và rất đa dạng, lại gặp khó khăn nhiều mặt về vốn, đất đai, thị trường tiêu thụ sản phẩm …nên các trang trại vẫn chưa khai thác hết tiềm năng và hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Do vậy, để chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo đúng định hướng CNH - HĐH, đánh giá được tiềm năng phát triển KTTT của huyện, khắc phục được những hạn chế còn tồn đọng và nâng cao hiệu quả kinh tế trang trại chăn nuôi của huyện. Xuất phát từ những vấn đề trên tôi đã quyết định nghiên cứu đề tài: “ Đánh giá hiệu quả kinh tế một số trang trại chăn nuôi ở huyện Nam Đàn - tỉnh Nghệ An”. 2. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài + Mục tiêu chung: Nghiên cứu, đánh giá đúng hiệu quả kinh tế một số trang trại chăn nuôi ở huyện Nam Đàn từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trang trại trong những năm tiếp theo. + Mục tiêu cụ thể: - Góp phần hệ thống hoá cơ sở lý luận và thực tiễn về trang trại, kinh tế trang trại. - Nghiên cứu thực trạng phát triển một số trang trại chăn nuôi ở huyện Nam Đàn. - Đánh giá hiệu quả kinh tế một số trang trại chăn nuôi. - Đề xuất một số giải pháp phù hợp để đẩy mạnh sự phát triển sản xuất của một số trang trại chăn nuôi. 3. Đối tượng nghiên cứu, nội dung và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu là trang trại chăn nuôi tổng hợp và chăn nuôi lợn thịt + cá. Tôi chọn hai loại hình trang trại chăn nuôi này là vì trong thời gian 3 gần đây cả hai loại này đang phát triển mạnh trên địa bàn huyện và qua báo cáo hàng năm trang trại của huyện tôi thấy hiệu quả kinh tế đem lại khá cao. 3.2. Nội dung nghiên cứu 3.2.1. Thực trạng phát triển một số trang trại chăn nuôi ở huyện Nam Đàn. 3.2.1.1. Quy mô và tình hình sử dụng các nguồn lực của các trang trại chăn nuôi. +) Quy mô và tình hình sử dụng đất đai. +) Tình hình sử dụng lao động. +) Tình hình vốn và sử dụng vốn sản xuất của trang trại chăn nuôi. +) Đặc điểm chung của các chủ trang trại. 3.2.1.2. Tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của trang trại. +) Tình hình sản xuất hàng hóa +) Tình hình tiêu thụ sản phẩm 3.2.1.3 Kết quả sản xuất kinh doanh của các trang trại +) Giá trị sản xuất một số trang trại chăn nuôi. +) Tình hình đầu tư của một số trang trại chăn nuôi. 3.2.2. Đánh giá hiệu quả kinh tế một số trang trại chăn nuôi. Đánh giá hiệu quả kinh tế thông qua các chỉ tiêu như: giá trị sản xuất, chi phí, thu nhập, tổng giá trị sản xuất/1 đồng vốn đầu tư, tổng giá trị sản xuất/1 đơn vị diện tích… Từ các chỉ tiêu đó so sánh, đánh giá và kết luận trang trại nào mang lại hiệu quả cao hơn để đưa ra một số giải pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện. 3.3. Phạm vi nghiên cứu - Phạm vi về nội dung: Nghiên cứu các yếu tố sản xuất chính ảnh hưởng đến sự phát triển trang trại: đất đai, vốn, lao động và hiệu quả kinh tế của các trang trại chăn nuôi. 4 - Phạm vi về không gian: Đề tài được nghiên cứu trên địa bàn huyện Nam Đàn, điều tra ở các xã Nam Cát, Kim Liên, Nam Giang, Xuân Hoà, Nam Anh, Nam Tân… Phạm vi về thời gian: Thời gian thực hiện đề tài từ ngày 16/2/2009 - 20/4/2009. 5 CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN TÀI LIỆU NGHIÊN CỨU 1.1. Phát triển KTTT chăn nuôi ở Việt Nam Kinh tế trang trại đã xuất hiện khá lâu trong nền nông nghiệp hàng hoá và hiện nay nó đang tiếp tục phát triển đa dạng trong nền kinh tế thị trường ở nước ta. Từ sau khi phong trào hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) bị giảm sút, sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp gặp nhiều khó khăn, kinh tế hộ nông dân đã được khẳng định vị trí, vai trò trong đường lối phát triển nông nghiệp ở nước ta. Trong quá trình phát triển một bộ phân kinh tế nông hộ đã tiến lên sản xuất nông sản hàng hoá theo mô hình kinh tế trang trại ở các vùng từ đồi núi, đồng bằng và ven biển với nhiều loại hình sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp khá phong phú và đa dạng. Theo Tổng cục thống kê đến ngày 1/10/2001 cả nước có 61.017 trang trại, tăng 15.209 trang trại so với năm 1999 và bằng 3,54 lần số trang trại có đến cuối năm 1995. Trong đó có 21.754 trang trại trồng cây hàng năm (bằng 2,55 lần số trang trại có đến cuối năm 1995), 16.578 trang trại trồng cây lâu năm (bằng 4,48 lần), 1.761 trang trại chăn nuôi (bằng 3.43 lần), 1.668 trang trại lâm nghiệp (bằng2,87 lần), 17.016 trang trại nuôi trồng thủy sản (bằng 5,05 lần) và 2.240 trang trại kinh doanh tổng hợp (bằng 3,95 lần). Ba vùng đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL), Đông Nam Bộ (ĐNB) và Tây Nguyên (TN) chiếm 81,8% số trang trại cả nước, riêng trang trại chăn nuôi chiếm 78,6%. Về quy mô, bình quân mỗi trang trại chăn nuôi chỉ có 0,77 ha đất nông nghiệp, mỗi trang trại có 70 con lợn và 1.883 con gia cầm, 15 con trâu và bò. Về quy mô lao động (gồm lao động của gia đình chủ trang trại và lao động làm thuê) phụ thuộc không chỉ vào quy mô (diện tích) trang trại mà còn phụ thuộc vào loại hình trang trại và cả đầu tư máy móc, thiết bị để ứng dụng công nghệ cũng như cách thức tổ chức quản lí. Số lao động bình quân một trang trại là 6,04 người riêng trang trại chăn nuôi là 4,11 người. Tỷ lệ lao động của hộ chủ trang trại trong tất cả các loại trang trại chiếm 45,7% lao động, riêng trang trại chăn nuôi chiếm 54,9%. Cơ cấu lao động trong trang trại phân theo trình độ chuyên môn, nhìn chung lao động chưa qua trường lớp đào tạo 6 chiếm tỉ lệ rất lớn 92,51%; còn lao động có trình độ trung cấp trở lên rất ít: 2,48%. Về vốn đầu tư bình quân một trang trại 135,14 triệu đồng trong đó ít nhất là các trang trại trồng cây hằng năm chỉ có 69,7 triệu đồng, nhiều nhất là trang trại chăn nuôi 236 triệu đồng [18]. Những năm gần đây, trang trại chăn nuôi phát triển nhanh cả về số lượng, chủng loại và quy mô. Theo báo cáo của 64 tỉnh, thành phố (vào cuối năm 2006) toàn quốc có 17.721 trang trại (TT) chăn nuôi, trong đó miền Bắc là 6.313 TT, chiếm 35,6%; miền Nam là 11.408 TT, chiếm 64,4%. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê năm 2001 toàn quốc có 1.761 TT chăn nuôi, như vậy sau 5 năm số lượng trang trại chăn nuôi tăng hơn 15.960 TT, bình quân mỗi năm tăng 3.192 TT, tăng 58,7%/năm). Chăn nuôi trang trại phát triển nhanh cả về số lượng, chủng loại và quy mô đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh trong tiến trình hội nhập kinh tế thế giới. Theo Tổng cục thống kê cả nước có 113.730 TT (năm 2006), trong đó 16.708 TT chăn nuôi, 55.529 TT cây hàng năm và cây lâu năm, 2.661 TT lâm nghiệp, 34.202 TT nuôi trồng thuỷ sản và 4.630 TT sản xuất kinh doanh tổng hợp. Do điều kiện quỹ đất, nguyên liệu thức ăn phong phú, công nghiệp chế biến thức ăn phát triển và thị trường tiêu thụ lớn, nên các trang trại chăn nuôi phân bố chủ yếu ở ĐNB với 6.366 TT, chiếm 35,9%; tiếp theo là đồng bằng sông Hồng (ĐBSH): 3.157 TT, chiếm 17,8%; ĐBSCL: 2.171 TT, chiếm 12,3%; Bắc Trung Bộ (BTB): 1.758 TT, chiếm 9,9%, Tây Nguyên có 1.480 TT, chiếm 8,4%; duyên hải Nam Trung Bộ (DHNTB): 1.391 TT, chiếm 7,9% so với toàn quốc. Các vùng Đông Bắc, Tây Bắc với đất đai rộng lớn, nhưng số lượng trang trại chỉ chiếm 4,8% và 3,1%, trong đó chủ yếu là trang trại chăn nuôi đại gia súc. Tuy vậy, nếu tính theo cơ cấu các loại hình trang trại nông - lâm - ngư nghiệp, thì ĐBSH là vùng có tỷ lệ trang trại chăn nuôi lớn nhất, chiếm 54,6%, tiếp đến là vùng TB 38,5%, ĐNB: 22,8%, ĐB: 21,3%, BTB: 15,5%, NTB: 7,4% và cuối cùng ĐBSCL: 3,6%. 7 Các địa phương có số lượng trang trại nhiều là TP. Hồ Chí Minh: 2.631 TT, Đồng Nai: 1.264 TT, Bình Định: 834 TT, Thanh Hóa: 815 TT, Trà Vinh: 789 TT, Gia Lai: 787 TT, Ninh Thuận: 690 TT, Bình Thuận: 676 TT. Tuy vậy, tại các vùng miền sự phân bố trang trại đối với từng loại vật nuôi có sự khác biệt lớn. Trang trại chăn nuôi lợn, gia cầm tập trung chủ yếu ở ĐNB, ĐBSH, trong khi đó trang trại chăn nuôi bò thịt phân bố phần lớn ở TN, ĐNB; trang trại bò sữa phần lớn ở ĐNB [10]. Số lượng TT tăng từ 1.761 năm 2001 lên 17.721 năm 2006, bình quân tăng trong giai đoạn 2001-2006 đạt 58,7%/năm. Theo Ông Diệp Kỉnh Tần, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, trong những năm qua phương thức chăn nuôi trang trại đã mang lại hiệu quả đáng kể, tạo điều kiện cho việc áp dụng những tiến bộ khoa học kĩ thuật mới trong lĩnh vực chăn nuôi, nhất là xử lí dịch bệnh và giải quyết ô nhiễm môi trường. Hiện nay loại hình này có xu hướng ngày càng phát triển, trong đó chăn nuôi lợn chiếm tỷ lệ lớn nhất, với 7.475 TT (chiếm 42,2% tổng số TT); kế đến là chăn nuôi bò với 6.405 TT (chiếm 36,1%); chăn nuôi gia cầm đứng vị trí thứ ba với 2.838 (chiếm 16%) .Vốn đầu tư cho mỗi trang trại từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng tùy theo quy mô và loại hình TT. Trong đó, vùng ĐNB bình quân khoảng 358 triệu đồng/TT; TN gần 182 triệu đồng/TT; Duyên hải NTB 137 triệu đồng/TT . Về lợi nhuận, theo một số chủ trang trại trong điều kiện thuận lợi chăn nuôi lợn thịt bình quân thu lãi từ 100.000 - 250.000 đồng/con/lứa 4 tháng; nuôi lợn sinh sản thu lãi 2- 2,5 triệu đồng/ nái/ năm; nuôi gà thịt thu lãi 1.000 - 4.000 đồng/kg, gà đẻ 50 - 150 đồng/quả; bò sinh sản thu lãi 1,5 - 2 triệu đồng/con [19]. Đồng thời với sự tăng trưởng về số lượng trang trại chăn nuôi, số lượng gia súc, gia cầm trong mỗi trang trại cũng có xu hướng ngày càng tăng và có sự khác biệt giữa các vùng, miền. Trong số trang trại chăn nuôi nêu trên, quy mô chăn nuôi trang trại lợn nái phổ biến từ 20 - 50 con/TT, lợn thịt: từ 100 - 200 con/TT, gà thịt từ 2.000 - 5.000 con/TT, bò sinh sản: 10 - 20 con/TT, bò sữa 20 - 50 con/trang trại. Sản phẩm chăn nuôi TT ngày càng tăng, ước tính sản phẩm sữa từ TT chiếm trên 40% tổng sản 8 lượng sữa, tương tự như vậy sản phẩm chăn nuôi lợn TT trên 20% và gà trên 35% [8]. Về quy mô diện tích đất đai thì đa số các trang trại chăn nuôi với diện tích bình quân nhỏ hẹp chỉ từ 1 ha đến 2 ha là chủ yếu. Và các trang trại chủ yếu vẫn là chăn nuôi lợn chiếm đa số còn đối với các trang trại chăn nuôi đại gia súc: Trâu, bò…chăn nuôi gia cầm: Gà, vịt, ngan, ngỗng…còn chưa phát triển. Về chủ trang trại chăn nuôi thì vẫn chiếm phần đa số các nông dân có vốn, có ít kinh nghiệm trong chăn nuôi, ngoài ra có một số cán bộ hưu trí có vốn nhưng cũng đều có nguồn gốc từ nông dân. Như vậy, do nhu cầu sản xuất hàng hoá, tập trung và tác động của các chính sách hỗ trợ của trung ương và địa phương, nên loại hình kinh tế chăn nuôi trang trại đã phát triển nhanh trong thời gian qua và có xu hướng ngày càng phát triển trong thời gian tới. 1.2. Phát triển KTTT chăn nuôi ở Nghệ An 1.2.1. Tỉnh Nghệ An KTTT ở Nghệ An tuy thời gian phát triển chưa dài, nhưng những kết quả đạt được đó thể hiện là nhờ nhân tố mới trong nông nghiệp (NN) và nông thôn (NT) góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu kinh tế NN và NT của tỉnh. Theo số liệu thống kê của chi cục HTX đến cuối năm 2006 toàn tỉnh có 1.529 trang trại. Tổng diện tích đất đai của các trang trại: 10.822 ha, bình quân 7 ha/trang trại. Với tổng số vốn đầu tư 158.775.910.000 đồng, bình quân 183.842.976 đồng. Nguồn vốn chủ yếu là vốn tự có chiếm trên 80%. Thực tế, phát triển KTTT những năm qua đó chứng minh rằng KTTT là một mô hình cần được khuyến khích phát triển, bởi lẽ KTTT là một loại hình kinh tế sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hiện có nhất là nguồn lực lao động và đất đai. Hiện lao động thường xuyên của các trang trại từ 5.400 - 5.600 người. Năm 2006 giá trị sản lượng hàng hóa và dịch vụ của các trang trại đạt 147.174.498.000 9 đồng, bình quân 96.255.394 đồng/trang trại. Bình quân giá trị sản lượng/ha canh tác của các trang trại đạt từ 35 - 50 triệu đồng/ha [18]. Đến cuối tháng 12/2006, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ tỉnh Nghệ An hiện có 259 trang trại chăn nuôi đạt tiêu chuẩn quy định chung của cả nước. Trong đó có 126 trang trại chăn nuôi bò, 71 trang trại chăn nuôi lợn, 22 trang trại chăn nuôi gà và 40 trang trại chăn nuôi trâu. Ngoài ra còn có 980 hộ chăn nuôi theo mô hình gia trại (có quy mô từ 10 - 19 con trâu, 20 - 90 con dê, 10 con lợn nái, 20 - 90 con lợn thịt và 1000 - 2000 con gà). Số lượng trang trại tại các huyện miền Tây Nghệ An chiếm 55,2%, còn lại là các huyện vùng đồng bằng. Trong đó các trang trại chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò, dê) phân bố chủ yếu tại các huyện vùng Trung du và miền núi, các trang trại chăn nuôi lợn, gia cầm lại tập trung tại các huyện đồng bằng. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Lưu Công Hòa, Giám đốc Trung tâm Giống chăn nuôi Nghệ An, tình hình chăn nuôi trang trại tại Nghệ An giai đoạn từ 2000 đến 2006 vẫn còn bộc lộ một số bất cập sau đây: Thứ nhất sự phát triển trang trại còn thiếu sự quy hoạch tổng thể và lâu dài, các trang trại đều xây dựng manh mún, thiếu sự đầu tư, hỗ trợ cơ sở hạ tầng nên chưa hình thành được các liên vùng sản xuất hàng hóa; diện tích trang trại chỉ dừng ở mức 1- 2ha/trang trại. Thứ hai khả năng tiếp cận nguồn vốn của chủ trang trại lại rất hạn chế là do nguồn tài sản thế chấp của các trang trại là đất đai nhưng giá trị đất đai tại những nơi đầu tư chăn nuôi thường có giá trị thấp. Thứ ba trình độ chuyên môn, kinh nghiệm sản xuất của hầu hết các chủ trang trại còn hạn chế [9]. 1.2.2. Huyện Nam Đàn Trong những năm gần đây, đặc biệt là từ khi ban hành NQ 06-NQ/HU của Ban chấp hành (BCH) huyện uỷ Nam Đàn, kinh tế trang trại trên địa bàn huyện phát triển khá nhanh cả số lượng, quy mô và chất lượng. Nhiều mô hình trang trại sản xuất, kinh doanh kết hợp nông-lâm nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động nông nghiệp. 10