1. Trang chủ
  2. » Luận Văn - Báo Cáo

Pháp luật về quản lý chất thải y tế ở việt nam

101 761 2

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 101
Dung lượng 1,7 MB

Nội dung

- Luận văn thạc sỹ y học “Đánh giá thực trạng quản lý và ảnh hưởng của chất thải y tế bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ lên môi trường xung quanh” của tác giả Trần Duy Tạo năm 2002; - Luận

Trang 1

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BỘ TƯ PHÁP

TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI

ĐÀO HUYỀN TRANG

PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI Y TẾ Ở VIỆT NAM

LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC

Chuyên ngành: Luật kinh tế

Trang 2

LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi và được thực hiện với sự hướng dẫn khoa học của giảng viên TS Lưu Ngọc Tố Tâm

Các nội dung nghiên cứu, kết quả trong đề tài này là trung thực và chưa công bố dưới bất kỳ hình thức nào trước đây Mọi tham khảo, số liệu trong các bảng biểu phục vụ cho việc phân tích, nhận xét, đánh giá được chính tác giả thu thập từ các nguồn khác nhau có ghi rõ tên tác giả, tên công trình, thời gian công

bố trong phần tài liệu tham khảo và chú dẫn cuối trang Ngoài ra, trong luận

văn còn sử dụng một số nhận xét, đánh giá cũng như số liệu của các tác giả khác,

cơ quan tổ chức khác đều có trích dẫn và chú thích nguồn gốc

Nếu phát hiện có bất kỳ sự gian lận nào tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm

về nội dung luận văn của mình

Hà Nội, ngày 01 tháng 08 năm 2016

Xác nhận của giảng viên hướng dẫn

Tác giả

ĐÀO HUYỀN TRANG

Trang 3

Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành đến gia đình, bạn bè đã luôn ở cạnh động viên và giúp đỡ tôi trong quá trình học tập và thực hiện đề tài nghiên cứu của mình

Cuối cùng tôi xin kính chúc quý thầy, cô dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công trong sự nghiệp cao quý

Do thời gian thực hiện luận văn có hạn, năng lực bản thân còn hạn chế đồng thời phạm vi nghiên cứu của đề tài khá rộng nên luận văn chắc chắn không tránh khỏi

thiếu sót Tôi rất mong nhận được sự góp ý của quý thầy cô để luận văn thêm hoàn chỉnh

Trang 4

MỤC LỤC

LỜI NÓI ĐẦU 1

CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ CHẤT THẢI Y TẾ VÀ PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI Y TẾ 7

1.1 Những vấn đề chung về chất thải y tế 7

1.1.1 Khái niệm chất thải y tế 7

1.1.2 Ảnh hưởng của các loại chất thải y tế 11

1.1.3 Hiện trạng của chất thải y tế 14

1.2 Những vấn đề chung về pháp luật quản lý chất thải y tế 18

1.2.1 Khái niệm pháp luật quản lý chất thải y tế 18

1.2.2 Vai trò của pháp luật trong việc quản lý chất thải y tế 21

1.2.3 Nội dung của pháp luật về quản lý chất thải y tế 23

1.3 Kinh nghiệm xây dựng pháp luật về quản lý chất thải y tế của một số quốc gia trên thế giới 27

1.3.1 Kinh nghiệm của Mỹ 27

1.3.2 Kinh nghiệm của Nhật Bản 28

1.3.3 Kinh nghiệm của Trung Quốc 29

TIỂU KẾT CHƯƠNG 1 33

CHƯƠNG 2: CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT CỤ THỂ VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI Y TẾ Ở VIỆT NAM 34

2.1 Các quy định pháp luật cụ thể về trách nhiệm của chủ nguồn thải, chủ thu gom, vận chuyển, chủ lưu giữ, xử lý trong quản lý chất thải y tế 35 2.1.1 Đối với chủ nguồn chất thải y tế 35

2.1.2 Đối với chủ thu gom, vận chuyển chất thải y tế 39

2.1.3 Đối với chủ lưu giữ, xử lý chất thải y tế 42

2.1.4 Trách nhiệm đánh giá tác động môi trường của chủ các dự án liên quan đến xử lý chất thải y tế 46

2.2 Các quy định pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường liên quan đến chất thải y tế 49

Trang 5

2.3 Trách nhiệm pháp lý của các chủ thể thực hiện các hành vi vi phạm

pháp luật có liên quan đến quản lý chất thải y tế 52

2.3.1 Trách nhiệm hành chính 52

2.3.2 Trách nhiệm dân sự 56

2.3.3 Trách nhiệm hình sự 59

2.4 Quy định của pháp luật về trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong quản lý chất thải y tế ở Việt Nam 61

2.4.1 Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền chung 61

2.4.2 Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền chuyên môn 64

TIỂU KẾT CHƯƠNG 2 67

CHƯƠNG 3: MỘT SỐ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ 68

QUẢN LÝ CHẤT THẢI Y TẾ Ở VIỆT NAM 68

3.1 Sự cần thiết phải hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý chất thải y tế ở Việt Nam 68

3.2 Những yêu cầu đặt ra đối với việc hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý chất thải y tế 73

3.3 Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về quản lý chất thải y tế ở Việt Nam 75

3.4 Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về quản lý chất thải y tế ở Việt Nam 81

3.4.1 Giải pháp về kinh tế tài chính 82

3.4.2 Cần tăng cường xã hội hóa công tác xử lý chất thải y tế 84

3.4.3 Giải pháp về khoa học công nghệ 85

3.4.4 Giải pháp về hợp tác quốc tế 87

TIỂU KẾT CHƯƠNG 3 89

KẾT LUẬN 90

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 91

PHỤ LỤC 96

Trang 6

LỜI NÓI ĐẦU

1 Tính cấp thiết của đề tài

Quản lý chất thải nói chung và chất thải y tế nói riêng đang là một vấn đề khá bức xúc trong công tác bảo vệ môi trường tại Việt Nam hiện nay Khi dân số Việt Nam đang ngày càng gia tăng, kinh tế ngày càng phát triển thì những tác động tiêu cực đến môi trường cũng ngày càng nhiều Môi trường ô nhiễm dẫn đến gia tăng các dịch bệnh và số người nhập viện tăng cao hằng năm từ đó dẫn đến sự quá tải trong các bệnh viện đồng thời cũng kéo theo số lượng chất thải y tế tăng lên đáng kể Chất thải y tế có chứa những mầm bệnh, hóa chất và rất nhiều các nguy cơ khác gây hại cho sức khỏe cộng đồng và môi trường sống Nếu không được xử lý đúng cách, chất thải y tế có thể gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng và lâu dài Trong thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông cũng liên tục đưa tin về các bệnh viện gây ô nhiễm môi trường vì xử lý chất thải không đúng cách hoặc trực tiếp xả nước thải chưa xử lý

ra môi trường, gây rất nhiều bức xúc cho dư luận như trường hợp của bệnh viện đa khoa tư nhân Lê Ngọc Tùng, bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước Điều này cho thấy công tác quản lý chất thải y tế cũng chưa thực sự được quan tâm sát sao, sự phối hợp của các cơ quan từ trung ương đến địa phương chưa đạt được hiệu quả dẫn đến các tổ chức, cá nhân lợi dụng, vi phạm pháp luật Hành vi vi phạm chỉ được phát hiện khi đã gây hậu quả nghiêm trọng trong một thời gian nhất định và làm môi trường bị ô nhiễm nặng nề

Các cơ quan chức năng cũng đã ban hành rất nhiều các văn bản quy phạm từ luật tới các văn bản dưới luật điều chỉnh về vấn đề quản lý chất thải y tế, tuy nhiên qua thực tiễn thi hành cũng bộc lộ khá nhiều bất cập và kẽ hở khiến cho công tác quản lý chất thải y tế chưa hiệu quả và triệt để Hiện nay, trên thế giới, các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Liên minh châu Âu… đã có những đầu tư và quan tâm tới vấn đề xây dựng hệ thống pháp luật về quản lý chất thải y tế và đã đạt được những hiệu quả nhất định, đảm bảo không xảy ra ô nhiễm môi trường xung quanh các cơ sở

y tế và nơi xử lý chất thải

Vì vậy, quản lý và xử lý an toàn chất thải y tế nhằm giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường và hạn chế các tác động xấu tới sức khỏe con người là một trong những vấn đề cấp bách trong công tác bảo vệ môi trường ở nước ta trong giai đoạn hiện nay Để góp phần thực hiện hiệu quả công tác quản lý chất thải y tế thì giải pháp pháp lý đóng một vai trò vô cùng quan trọng Tuy nhiên, pháp luật về quản lý chất thải y tế ở nước ta vẫn chưa thực sự hoàn thiện, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn trên và

Trang 7

với mong muốn có những phân tích và góp ý hoàn thiện về hệ thống pháp luật quản

lý chất thải y tế, tôi quyết định chọn đề tài: “Pháp luật về quản lý chất thải y tế ở Việt Nam” để làm đề tài luận văn tốt nghiệp

Trong quá trình làm luận văn, mặc dù đã có nhiều cố gắng và nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của giảng viên hướng dẫn nhưng vì kiến thức lý luận còn hạn chế

và phương pháp làm một nghiên cứu khoa học chưa thành thục nên luận văn sẽ không tránh khỏi những thiếu sót Tôi rất mong nhận được sự chỉ bảo và góp ý của quý thầy

cô để luận văn được hoàn thiện hơn

2 Tình hình nghiên cứu đề tài

Pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và pháp luật quản lý chất thải y tế nói riêng đã được nghiên cứu tại Việt Nam trong suốt thời gian qua Một số công trình nghiên cứu tiêu biểu về chất thải, chất thải nguy hại và chất thải y tế đã được công bố là:

 Đề tài khoa học:

- Đề tài nghiên cứu khoa học của Bộ Y tế, “Mô tả thực trạng ô nhiễm môi trường do chất thải y tế, các giải pháp xử lý chất thải y tế và triển khai mô hình quản

lý chất thải y tế tại bệnh viện, trung tâm y tế huyện”, do PGS.TS Đào Ngọc Phong

(chủ nhiệm đề tài), Cơ quan chủ trì Đại học Y Hà Nội năm 2007;

 Sách:

- Cù Huy Đấu – Trường Đại học kiến trúc Hà Nội, “Thực tiễn quản lý chất thải rắn y tế ở Việt Nam” – Tuyển tập các báo cáo khoa học hội nghị môi trường Việt Nam, Hà Nội năm 2004;

- Nguyễn Huy Nga, Tổng quan tình hình quản lý chất thải rắn y tế ở Việt Nam

- Bảo vệ môi trường trong các cơ sở y tế, Nxb Y học, Hà Nội năm 2004;

 Luận án, luận văn, khóa luận:

- Luận án tiến sỹ y học “Thực trạng quản lý chất thải y tế tại các bệnh viện huyện tỉnh Hải Dương” của tác giả Trần Thị Minh Tâm năm 2005;

- Luận án tiến sỹ luật học “Xây dựng và hoàn thiện pháp luật quản lý chất thải nguy hại” của tác giả Vũ Thị Duyên Thủy năm 2009;

Trang 8

- Luận văn thạc sỹ y học “Đánh giá thực trạng quản lý và ảnh hưởng của chất thải y tế bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ lên môi trường xung quanh” của tác giả Trần Duy Tạo năm 2002;

- Luận văn thạc sỹ “Điều tra, đánh giá tình hình quản lý chất thải rắn nguy hại của Việt Nam và đề xuất một số giải pháp quản lý có hiệu quả” của tác giả Nguyễn Hòa Bình năm 2004;

- Luận văn thạc sỹ luật học “Pháp luật về quản lý chất thải nguy hại và thực tiễn áp dụng trên địa bàn Hà Nội” của tác giả Lê Phương Linh năm 2012;

- Luận văn thạc sỹ “Thực trạng quản lý và đề xuất mô hình quản lý chất thải y

tế của các bệnh viện quy mô cấp huyện tại Quảng Ninh” của tác giả Nguyễn Ngọc Ly năm 2013;

- Luận văn thạc sỹ y học “Nghiên cứu thực trạng và một số yếu tố liên quan đến quản lý chất thải y tế tại bệnh viện đa khoa trung ương Thái Nguyên” của tác giả Hoàng Thị Liên năm 2013;

- Luận văn thạc sỹ khoa học “Đánh giá hiện trạng chất thải rắn y tế trên địa bàn thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An” của tác giả Nguyễn Thị Tiến năm 2014;

- Khóa luận tốt nghiệp “Một số vấn đề pháp lý về quản lý chất thải y tế tại Hà Nội” của tác giả Phạm Kim Thoa năm 2004;

- Khóa luận tốt nghiệp “Hiện trạng quản lý chất thải y tế tại huyện Hàm Thuận Nam tỉnh Bình Thuận” của tác giả Nguyễn Ngọc Long năm 2006;

- Khóa luận tốt nghiệp “Đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp quản lý chất thải nguy hại ở TP Hồ Chí Minh” của tác giả Nguyễn Thị Ánh Tuyết năm 2008;

- Khóa luận tốt nghiệp “Đánh giá thực trạng quản lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Nam Định” của tác giả Ngô Hưng Long năm 2009;

- Đồ án tốt nghiệp “Đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp quản lý chất thải rắn y tế tại bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh” của tác giả Trần Mỹ Vy năm 2011;

- Khóa luận tốt nghiệp “Đánh giá thực trạng công tác quản lý chất thải rắn y tế tại bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp Hải Phòng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý” của tác giả Nguyễn Thị Dáng năm 2012;

Trang 9

- Khóa luận tốt nghiệp “Đánh giá thực trạng thu gom, xử lý rác thải và nước thải y tế tại bệnh viện C tỉnh Thái Nguyên” của tác giả Nguyễn Việt Dũng năm 2012;

- Khóa luận tốt nghiệp “Pháp luật về quản lý chất thải nguy hại ở Việt Nam” của tác giả Nguyễn Thị Phượng năm 2012

3 Đối tƣợng nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của luận văn là hệ thống các quy định pháp luật về quản

lý chất thải y tế ở Việt Nam

Phạm vi nghiên cứu của luận văn: Luận văn đề cập đến các quy định pháp luật

về quản lý chất thải y tế dưới góc độ pháp luật kinh tế, với cái nhìn cụ thể của pháp luật môi trường Nội dung chính mà luận văn đi sâu nghiên cứu bao gồm: khái niệm, vai trò của pháp luật về quản lý chất thải y tế; các quy định cụ thể về trách nhiệm của các chủ thể trong việc quản lý chất thải y tế như chủ thu gom, chủ vận chuyển, chủ lưu giữ, xử lý chất thải và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, những giải pháp để hoàn thiện pháp luật về quản lý chất thải y tế ở Việt Nam

4 Mục tiêu nghiên cứu của luận văn

Mục tiêu nghiên cứu của luận văn là tìm hiểu, phân tích, đánh giá về chất thải

y tế, quá trình quản lý chất thải y tế và các quy định pháp luật liên quan đến quá trình quản lý chất thải y tế tại Việt Nam Trên cơ sở đó luận văn sẽ đưa ra một số giải pháp

Trang 10

phù hợp để hoàn thiện pháp luật đồng thời nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về quản lý chất thải y tế

5 Các câu hỏi nghiên cứu của luận văn

Để đạt được mục tiêu trên, luận văn tập trung giải quyết những câu hỏi sau:

- Chương 1: Luận văn giải quyết những câu hỏi như: Khái niệm chất thải y tế

? Tác hại của chất thải y tế đối với môi trường và đời sống cộng đồng như thế nào ? Hiện trạng chung về chất thải y tế hiện nay ? Ngoài những vấn đề chung về chất thải

y tế, tại chương này tác giả còn nghiên cứu các vấn đề chung của pháp luật về quản lý

chất thải y tế Với phần này, luận văn trả lời những câu hỏi sau: Khái niệm pháp luật

về quản lý chất thải y tế ? Vai trò của pháp luật trong việc quản lý chất thải y tế như

thế nào ?

- Chương 2: Những câu hỏi được giải quyết trong phần này bao gồm: Trách

nhiệm của các tổ chức, cá nhân (chủ nguồn thải, chủ vận chuyển, chủ lưu giữ, xử lý chất thải) trong quá trình quản lý chất thải y tế, bao gồm cả trách nhiệm pháp lý khi vi phạm là gì ? Các cơ quan nào có trách nhiệm quản lý trong lĩnh vực này và trách

nhiệm cụ thể của từng cơ quan được quy định như thế nào ?

- Chương 3: Tại chương này, luận văn sẽ trả lời các câu hỏi sau: Tại sao phải

hoàn thiện các quy định về quản lý chất thải y tế ? Những giải pháp nào sẽ giúp hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về quản lý chất thải y tế ở Việt Nam ?

6 Các phương pháp nghiên cứu

Trong phạm vi nghiên cứu của luận văn người viết chủ yếu sử dụng các phương pháp nghiên cứu cơ bản sau:

- Sử dụng phương pháp phân tích, phương pháp tổng hợp, so sánh, kết hợp lí luận chung với thực tế;

- Thu thập tài liệu, thông tin từ sách, báo, tạp chí, những nghiên cứu khoa học đồng thời tìm hiểu thực tế để kiểm chứng và nhìn nhận vấn đề đúng đắn và đầy đủ hơn;

- Vận dụng phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, bao gồm phương pháp duy vật biện chứng, phương pháp duy vật lịch sử để góp phần làm sáng tỏ vấn đề;

Trang 11

7 Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận văn

- Ý nghĩa khoa học của luận văn:

Luận văn góp phần hệ thống những khái niệm, lý luận về quản lý chất thải tế Đồng thời, phân tích, đánh giá một cách khoa học những ưu điểm cũng như những tồn tại hạn chế của quy định của pháp luật hiện hành về quản lý chất thải y tế Luận văn xây dựng được một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về quản lý chất thải y

tế ở Việt Nam hiện nay Hơn nữa, các kết quả nghiên cứu của luận văn có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho các cơ sở đào tạo và nghiên cứu luật học

- Ý nghĩa thực tiễn của luận văn:

Một số kiến nghị của luận văn có giá trị tham khảo đối với các cơ quan xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và pháp luật về quản lý chất thải y tế nói riêng

8 Bố cục của luận văn

Ngoài phần lời nói đầu, kết luận, mục lục, danh mục tài liệu tham khảo, phần nội dung chính của luận văn có kết cấu gồm 3 chương:

- Chương 1: Những vấn đề chung về chất thải y tế và pháp luật về quản lý

chất thải y tế

- Chương 2: Các quy định pháp luật cụ thể về quản lý chất thải y tế ở Việt

Nam

- Chương 3: Một số giải pháp hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý

chất thải y tế ở Việt Nam

Trang 12

CHƯƠNG 1 NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ CHẤT THẢI Y TẾ VÀ PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI Y TẾ

1.1 Những vấn đề chung về chất thải y tế

1.1.1 Khái niệm chất thải y tế

Chất thải nói chung và chất thải y tế nói riêng đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho hầu khắp tất cả các quốc gia trên thế giới Xã hội ngày càng phát triển kéo theo nhu cầu được chăm sóc y tế cũng ngày càng tăng Các hoạt động của cơ sở y tế làm phát sinh chất thải, loại chất thải này được gọi chung là chất thải y

tế Để hiểu cụ thể hơn khái niệm chất thải y tế, trước hết cần làm rõ về khái niệm chất thải

 Khái niệm chất thải:

Hiện nay có nhiều cách định nghĩa khác nhau về chất thải tùy thuộc vào cách tiếp cận theo góc độ ngữ nghĩa hay góc độ pháp lý

Theo định nghĩa tại Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ do nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành năm 2004 thì “chất thải là rác và các vật bỏ đi sau một quá trình sử dụng” Theo đó, chất thải là rác và những vật bị bỏ đi, không dùng đến sau quá trình

sử dụng Theo cách hiểu này, chất thải chỉ bao gồm các vật chất rắn, chứ không bao gồm khí thải và nước thải

Theo quy định tại Khoản 12 Điều 3 Luật bảo vệ môi trường năm 2014: “Chất thải là vật chất được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác” Theo định nghĩa này, chất thải bao gồm các đặc điểm:

- Thứ nhất, chất thải phải là vật chất,

Vật chất là một phạm trù rất rộng, nó bao hàm tất cả các dạng thực thể tồn tại bên ngoài ý thức của con người và độc lập với ý thức đó Như vậy, với định nghĩa này thì chất thải có thể tồn tại ở dưới dạng rắn, lỏng, khí hoặc các dạng khác

- Thứ hai, vật chất đó được thải ra từ quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác,

Trang 13

“Được thải ra” được hiểu là các vật chất được đưa ra khỏi quá trình sản xuất,

kinh doanh, dịch vụ, hoặc sinh hoạt Trong những hoạt động này, vật chất “được thải ra” khi chủ sở hữu không đưa vào khai thác giá trị và công dụng của vật chất đó nữa Đây là hành vi từ bỏ quyền sở hữu của chủ sở hữu khi vật chất đã hết giá trị sử dụng

Như vậy, vật chất đó có phải là chất thải hay không phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí chủ quan của chủ sở hữu Tuy nhiên, phải loại trừ trường hợp do đặc thù trong hoạt động của mình, chủ sở hữu phải thải bỏ vật chất và hoạt động thải bỏ này mang tính chất bị động đối với chủ sở hữu cũng như đối với đối tượng khác Một vật chất

sẽ tồn tại dưới dạng chất thải từ khi chủ sở hữu hoặc người sử dụng hợp pháp thải ra cho đến khi nó được đưa vào sử dụng ở một chu trình sản xuất hoặc chu trình sử dụng khác

Vật chất này được sản sinh ra từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt, hoặc các hoạt động khác của con người như: hoạt động du lịch, khoa học…

Tùy vào các tiêu chí khác nhau, chất thải có thể được phân chia thành các loại như sau:

- Căn cứ vào nguồn phát sinh: có thể chia thành 3 loại: chất thải sinh hoạt, chất thải y tế, chất thải công nghiệp;

- Căn cứ vào trạng thái tồn tại của chất thải có thể chia thành: chất thải rắn, chất thải lỏng, chất thải khí và các chất thải ở dạng khác;

- Căn cứ vào độ độc hại của chất thải, chia thành 2 loại: chất thải thông thường

và chất thải nguy hại

 Khái niệm chất thải nguy hại:

Theo chương trình môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP): Chất thải nguy hại là các chất thải (không bao gồm các chất phóng xạ) có khả năng phản ứng hóa học hoặc có khả năng gây độc, gây cháy, ăn mòn, có khả năng gây nguy hại cho sức khỏe con người hay môi trường khi tồn tại riêng lẻ, hoặc khi tiếp xúc với các chất khác

Theo luật Bảo tồn và Phục hồi tài nguyên Mỹ (RCRA): Chất thải nguy hại là chất thải rắn hoặc tổ hợp các chất thải rắn do lượng hoặc nồng độ hay do đặc tính vật

lý, hoá học hoặc truyền nhiễm mà chúng có thể: (1) Tạo ra hoặc góp phần đáng kể vào việc tăng khả năng tử vong hay là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nguy kịch không thể cứu chữa; (2) Tạo ra sự nguy hại đến sức khỏe con người hoặc môi trường trong khi xử lý, bảo quản, vận chuyển

Trang 14

Theo định nghĩa tại Luật Kiểm soát chất thải nguy hại, chất thải hạt nhân và các chất gây độc của Philipin năm 1990: Chất thải nguy hại là các loại vật liệu có khả năng gây nguy hiểm cho con người, động vật, có khả năng gây độc, ngộ độc, ăn mòn,

dị ứng, nhạy cảm cao, gây cháy nổ

Nhìn chung, định nghĩa chất thải nguy hại ở các nước tuy có khác nhau về cách diễn đạt, nhưng bản chất đều nhấn mạnh đến tính chất độc hại của loại chất thải này đến môi trường và sức khỏe con người

Ở Việt Nam, lần đầu tiên khái niệm chất thải nguy hại được đề cập đến một cách chính thức tại Quy chế quản lý chất thải nguy hại ban hành kèm theo Quyết định

số 155/1999/QĐ-TTg ngày 16/7/1999 của Thủ tướng Chính phủ Tại Khoản 2 Điều 3

Quy chế quy định: “Chất thải nguy hại là chất thải có chứa các chất hoặc hợp chất

có một trong các đặc tính gây nguy hại trực tiếp (dễ cháy, dễ nổ, làm ngộ độc, dễ ăn mòn, dễ lây nhiễm và các đặc tính gây nguy hại khác) hoặc tương tác với các chất khác gây nguy hại đến môi trường và sức khỏe con người”

Đến năm 2014, định nghĩa này đã được sửa đổi và hoàn thiện hơn với cách

diễn đạt rất ngắn gọn tại Khoản 13 Điều 3 Luật bảo vệ môi trường năm 2014 “Chất thải nguy hại là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây ngộ độc hoặc có đặc tính nguy hại khác”

Khi đối chiếu khái niệm chất thải nguy hại ở hai văn bản pháp luật trên, có thể

dễ dàng nhận thấy về mặt hình thức thì khái niệm chất thải nguy hại trong Luật Bảo

vệ môi trường 2014 đã rút gọn đi rất nhiều về số lượng câu, chữ, cách diễn đạt cũng

rõ ràng hơn và súc tích hơn Tuy nhiên, điều đó vẫn không làm giảm hay sai lệch phần nội dung mà khái niệm muốn đề cập đến:

Một là, chất thải nguy hại là một loại chất thải do đó nó mang đầy đủ các đặc

điểm của chất thải

Hai là, chất thải nguy hại có các đặc tính lý, hóa hoặc sinh học có thể gây

nguy hại trực tiếp hay gián tiếp khi tương tác với các chất khác hoặc cơ thể sống như

dễ cháy, dễ nổ, làm ngộ độc, dễ ăn mòn, dễ lây nhiễm và các đặc tính gây nguy hại khác

Có nhiều tiêu chí để phân loại chất thải nguy hại như: phân loại theo chất thải công nghiệp; phân loại theo loại nguy hại; theo nhóm hóa học; theo thành phần hóa học ban đầu; theo tình trạng vật lý… Chất thải nguy hại được phân loại theo các

Trang 15

nhóm nguồn hoặc dòng thải chính như: Chất thải từ ngành thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, dầu khí và than; chất thải từ ngành sản xuất hóa chất vô cơ, hữu cơ; chất thải từ ngành luyện kim; chất thải từ ngành sản xuất vật liệu xây dựng và thủy tinh; chất thải từ ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; chất thải từ ngành y tế và thú y; chất thải từ các cơ sở tái chế, xử lý, tiêu hủy chất thải, xử lý nước cấp sinh hoạt và công nghiệp…

 Khái niệm chất thải y tế:

Với tư cách là cơ quan chuyên môn quản lý về lĩnh vực chất thải y tế, các văn bản do Bộ y tế ban hành liên quan đến vấn đề quản lý chất thải y tế đều đưa ra những định nghĩa về chất thải y tế Những định nghĩa này có sự khác biệt nhất định ở từng văn bản

Trước đây, chất thải y tế được định nghĩa là vật chất ở thể rắn, lỏng và khí được thải ra từ các cơ sở y tế bao gồm chất thải y tế nguy hại và chất thải thông

thường (Khoản 1 Điều 3 Quy chế quản lý chất thải y tế ban hành kèm theo Quyết định 43/2007/QĐ-BYT) Hiện nay, theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư liên

tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 có hiệu lực ngày 01/04/2016,

thay thế cho Quy chế quản lý chất thải y tế năm 2007 định nghĩa “Chất thải y tế là chất thải phát sinh trong quá trình hoạt động của các cơ sở y tế, bao gồm chất thải y

tế nguy hại, chất thải y tế thông thường và nước thải y tế

Hai khái niệm đã có sự khác biệt, khi ở Quy chế quản lý chất thải y tế năm

2007 thì định nghĩa theo trạng thái tồn tại của chất thải y tế “là vật chất ở thể rắn, lỏng, khí”, còn tại Thông tư liên tịch 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT thì định nghĩa chất thải y tế có phần chuẩn xác hơn khi xác định chất thải y tế trước hết phải “là chất thải” sau đó mới đưa ra nguồn phát sinh và tính chất của chất thải y tế

Qua định nghĩa tại Thông tư liên tịch 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT, có thể thấy chất thải y tế có những đặc điểm sau:

Thứ nhất, chất thải y tế là một loại chất thải vì vậy nó mang đầy đủ các đặc điểm của một chất thải như “là vật chất” và “được thải ra” từ quá trình hoạt động

của các cơ sở y tế

Thứ hai, bản thân chất thải y tế cũng được chia làm nhiều nhóm bao gồm chất thải y tế nguy hại, chất thải y tế thông thường và nước thải y tế:

Chất thải y tế nguy hại là chất thải y tế chứa yếu tố lây nhiễm hoặc có đặc tính

nguy hại khác vượt ngưỡng chất thải nguy hại, bao gồm chất thải lây nhiễm và chất

thải nguy hại không lây nhiễm (Khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch số

58/2015/TTLT-BYT-BTNMT)

Trang 16

Chất thải y tế thông thường là chất thải y tế không chứa các yếu tố lây nhiễm

hoặc có đặc tính nguy hại khác vượt ngưỡng chất thải nguy hại

Khoản 7 Điều 2 Nghị định số 80/2014/NĐ-CP của Chính Phủ ban hành ngày 6/8/2014 về thoát nước và xử lý nước thải định nghĩa: “Nước thải là nước đã bị thay đổi đặc điểm, tính chất do sử dụng hoặc do các hoạt động của con người xả vào hệ

thống thoát nước hoặc ra môi trường” Từ đó, có thể hiểu nước thải y tế là nước đã bị

thay đổi đặc điểm, tính chất do sử dụng hoặc do hoạt động của con người trong các

cơ sở y tế, được xả vào hệ thống thoát nước hoặc ra môi trường

1.1.2 Ảnh hưởng của các loại chất thải y tế

Chất thải y tế phát sinh chủ yếu là từ các cơ sở y tế như: bệnh viện, trung tâm vận chuyển cấp cứu, phòng khám sản phụ khoa, nhà hộ sinh, phòng khám ngoại trú, trung tâm lọc máu, nhà xác ; các trung tâm xét nghiệm và nghiên cứu y sinh học, cơ

sở sản xuất dược phẩm; ngân hàng máu

Chất thải y tế có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đối với cả con người, sinh vật và môi trường nếu như không được xử lý đúng cách Việc tiếp xúc với các chất thải y tế có thể gây nên bệnh tật hoặc tổn thương cho con người và sinh vật Đó là do trong chất thải y tế có thể chứa đựng các yếu tố truyền nhiễm, chất độc hại, các loại hóa chất, dược phẩm nguy hiểm, các chất thải phóng xạ và các vật sắc nhọn

Tất cả các cá nhân tiếp xúc với chất thải y tế là những người có nguy cơ chịu tác động xấu từ loại chất thải này, có thể bao gồm những người làm việc trong các cơ

sở y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, những người ở ngoài các cơ sở y tế làm nhiệm vụ vận chuyển, xử lý chất thải y tế và những người trong cộng đồng bị phơi nhiễm với chất thải do hậu quả của sự sai sót trong khâu quản lý chất thải

 Ảnh hưởng của chất thải lây nhiễm:

Các vật thể trong thành phần của chất thải rắn y tế có thể chứa đựng một lượng rất lớn bất kỳ tác nhân vi sinh vật bệnh truyền nhiễm nào Các tác nhân gây bệnh này

có thể xâm nhập vào cơ thể người thông qua: da (qua một vết thủng, trầy sước hoặc vết cắt trên da), các niêm mạc (màng nhầy), đường hô hấp (do xông, hít phải), đường tiêu hóa Có một mối liên quan đặc biệt giữa sự nhiễm khuẩn do HIV và virut viêm gan B, C, đó là những bằng chứng của việc lan truyền các bệnh truyền nhiễm qua đường chất thải y tế Những virut này thường lan truyền qua vết tiêm hoặc các tổn thương do kim tiêm có nhiễm máu người bệnh Trong các cơ sở y tế, tính đề kháng

Trang 17

của vi khuẩn đối với các loại thuốc kháng sinh và các hóa chất sát khuẩn cũng có thể góp phần tạo ra những mối nguy cơ do sự quản lý yếu kém các chất thải y tế

Đồng thời việc xả nước thải bừa bãi như xả chung nước thải lây nhiễm vào

hệ thống nước thải thông thường có thể tiềm ẩn yếu tố gây bệnh trong nguồn nước như các loại vi khuẩn Salmonella, tụ cầu, liên cầu Nếu nguồn nước này không được

xử lý triệt để mà thải thẳng ra nguồn tiếp nhận, từ đó có thể gây ra một số bệnh như: tiêu chảy, lỵ, thương hàn, viêm gan A… cho những người sử dụng nguồn nước này

 Ảnh hưởng của chất thải sắc nhọn:

Độ tập trung của các tác nhân gây bệnh và các vật sắc nhọn bị nhiễm các vi sinh vật gây bệnh (đặc biệt là những mũi kim tiêm qua da) hầu như là những mối nguy cơ tiềm ẩn sâu sắc đối với sức khỏe trong các loại chất thải y tế Các vật sắc nhọn có thể không chỉ là những nguyên nhân gây ra các vết cắt, vết đâm thủng mà còn gây nhiễm trùng các vết thương nếu nó bị nhiễm các tác nhân gây bệnh Như vậy, những vật sắc nhọn được coi là một loại rác thải rất nguy hiểm bởi nó gây những tổn thương kép: vừa gây tổn thương lại vừa lây truyền các bệnh truyền nhiễm Những vấn

đề đáng lưu tâm là sự nhiễm trùng có thể được lây truyền bởi sự xâm nhập qua da của các tác nhân gây bệnh, ví dụ như nhiễm khuẩn huyết do virut Các loại kim tiêm đã tiêm qua da là một phần quan trọng của loại hình chất thải sắc nhọn và là mối nguy hiểm đặc biệt bởi chúng thường bị dính máu bệnh nhân

Chất thải y tế sắc nhọn nếu không được thu gom đúng cách, bị rơi vãi ra ngoài môi trường có thể gây tổn thương hoặc gây ra cái chết cho những động vật vô tình dẫm phải hoặc ăn phải loại chất thải này

 Ảnh hưởng của chất thải hóa học và dược phẩm:

Nhiều loại hóa chất và dược phẩm được sử dụng trong các cơ sở y tế là những mối nguy cơ đe dọa sức khỏe con người (các độc dược, các chất gây độc gen, chất ăn mòn, chất dễ cháy, các chất gây phản ứng, gây nổ, gây shock phản vệ ) Các loại chất này thường chiếm số lượng nhỏ trong chất thải y tế, với số lượng lớn hơn có thể tìm thấy khi chúng quá hạn, dư thừa hoặc hết tác dụng cần vứt bỏ Chúng có thể gây nhiễm độc do tiếp xúc cấp tính và mãn tính, gây ra các tổn thương như bỏng Sự nhiễm độc này có thể là kết quả của quá trình hấp thụ hóa chất hoặc dược phẩm qua

da, qua niêm mạc, qua đường hô hấp hoặc đường tiêu hóa Việc tiếp xúc với các chất

dễ cháy, chất ăn mòn, các hóa chất gây phản ứng (formaldehyd và các chất dễ bay hơi

Trang 18

khác) có thể gây nên những tổn thương tới da, mắt hoặc niêm mạc đường hô hấp Các tổn thương phổ biến hay gặp nhất là các vết bỏng

Các chất thải hóa chất được thải thẳng vào hệ thống cống thải có thể gây nên các ảnh hưởng bất lợi tới hoạt động của hệ thống xử lý nước thải sinh học hoặc gây ảnh hưởng độc hại tới hệ sinh thái tự nhiên nhận được sự tưới tiêu bằng nguồn nước này Những vấn đề tương tự như vậy cũng có thể bị gây ra do các sản phẩm của quá trình bào chế dược phẩm bao gồm các kháng sinh và các loại thuốc khác, do các kim loại nặng như thủy ngân, phenol và các dẫn xuất

Các chất khử trùng là những thành phần đặc biệt quan trọng của nhóm này, chúng thường được sử dụng với số lượng lớn và thường là những chất ăn mòn Cũng cần phải lưu ý rằng những loại hóa chất gây phản ứng có thể hình thành nên các hỗn hợp thứ cấp có độc tính cao, sẽ rất nguy hiểm cho những người chẳng may tiếp xúc

 Ảnh hưởng của chất thải y tế gây độc tế bào:

Nguy cơ chất thải y tế gây độc tế bào gồm nhiều loại thuốc điều trị chống ung thư Chúng có thể kích thích hay gây tổn thương cục bộ trên da và mắt; cũng có thể gây chóng mặt, buồn nôn, đau đầu và viêm da Nhân viên bệnh viện, đặc biệt là những người chịu trách nhiệm thu gom chất thải loại này có thể bị phơi nhiễm các thuốc điều trị chống ung thư do hít thở hoặc hấp thu các hạt lơ lửng trong không khí qua đường hô hấp Ngoài ra, các thuốc gây độc tế bào như thuốc chống ung thư cũng

có thể hấp thu qua da, qua đường tiêu hóa do thực phẩm vô tình bị nhiễm bẩn

 Ảnh hưởng của chất thải phóng xạ:

Nguy cơ chất thải phóng xạ dùng trong y tế cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiếp xúc Cách thức tiếp xúc và thời gian tiếp xúc với chất thải phóng xạ là các yếu tố quyết định, ảnh hưởng đối với sức khỏe được biểu hiện bằng các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn cho đến các vấn đề bị đột biến về gen sau này

Cây cối, rau củ được trồng trên đất có nhiễm độc từ chất thải y tế có chứa phóng xạ thì khả năng sống cũng rất thấp hoặc có thể trở thành tác nhân gián tiếp đưa phóng xạ vào cơ thể con người khi con người sử dụng những rau củ quả này

Ngoài ra, nguy cơ chất thải y tế còn ảnh hưởng đến môi trường không khí vì

sự ô nhiễm không khí được tăng lên do phần lớn chất thải nguy hại đều được thiêu đốt ở trong điều kiện không lý tưởng, không đạt yêu cầu Việc thiêu đốt chất thải y tế không đủ nhiệt độ trong khi rác thải đưa vào quá nhiều trong lò đốt sẽ gây ra nhiều

Trang 19

bụi và khói đen Nếu đốt chất thải y tế đựng trong các túi nhựa nylon PCV cùng với các loại dược phẩm nhất định có thể tạo ra hơi axít, thường là HCl và SO2 Trong quá trình đốt, các dẫn xuất halogen như F, Cl, Br, I ở nhiệt độ thấp có thể hình thành nên chất dioxin và furan là những chất vô cùng độc hại ngay cả ở nồng độ thấp Ngoài ra, các kim loại nặng dễ bay hơi như thủy ngân cũng có thể phát tán, thải ra theo khí thoát của lò đốt Một số phương pháp xử lý khác như chôn lấp có thể phát sinh các chất gây ô nhiễm cho môi trường không khí như: CH4, H2S…1 Hơn nữa, chất thải y tế nếu được tập trung quá nhiều tại một địa điểm mà lại gần khu dân cư thì cũng gây mất mỹ quan và kéo theo đó là ruồi nhặng, chuột bọ ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của cộng đồng dân cư xung quanh đó

1.1.3 Hiện trạng của chất thải y tế

Các cơ sở y tế là nguồn phát sinh ra các loại chất thải y tế vì vậy số lượng cơ

sở y tế và số giường bệnh trên cả nước có xu hướng tăng dần qua các năm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự gia tăng của chất thải y tế

Qua số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê có thể thấy rõ sự gia tăng đáng

kể của số lượng cơ sở y tế và số giường bệnh qua các năm 2003, 2009 và 2014:

Bảng 1 : Số lượng cơ sở y tế trên cả nước

Bệnh viện điều dưỡng và phục hồi chức năng 77,0 43,0 61,0

1 Bộ Y Tế (2015) - Cục quản lý môi trường y tế - Dự án hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện, “Sổ tay hướng dẫn

quản lý chất thải y tế trong bệnh viện” Nxb Y học, Hà Nội;

Trang 20

Bệnh viện điều dưỡng và phục hồi chức năng 10,8 4,9 6,7

Trạm y tế của cơ quan, xí nghiệp 8,3 5,0 5,0

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tổng số cơ sở y tế và số giường bệnh từ năm 2003 đến năm 2014 đã tăng thêm

449 cơ sở và 102,9 nghìn giường bệnh Đây là một tỉ lệ gia tăng không nhỏ, kéo theo

tỉ lệ gia tăng chất thải y tế trên phạm vi cả nước và ở một số địa phương

Theo thống kê của Cục quản lý môi trường y tế thuộc Bộ y tế, tính đến năm

2015, cả nước có 13.674 cơ sở y tế các loại, trong đó có 1.253 bệnh viện; 1.037 cơ sở thuộc hệ dự phòng; 100 cơ sở đào tạo; 180 cơ sở sản xuất thuốc và 11.104 trạm y tế

xã Chỉ tính riêng khối bệnh viện, mỗi ngày phát thải khoảng 450 tấn chất thải rắn, trong đó có khoảng 47 tấn chất thải rắn y tế nguy hại Tổng lượng nước thải y tế từ các bệnh viện khoảng 125.000 m3/ngày đêm2 Về khí thải y tế nguy hại, số lượng phát sinh không nhiều, chủ yếu phát sinh từ các cơ sở y tế có các phòng thí nghiệm phục vụ công tác nghiên cứu và đào tạo y dược

Theo số liệu thống kê từ các tỉnh thành trên cả nước thì khối lượng chất thải y

tế phát sinh qua các năm 2014 – 2015 là rất lớn và có sự chênh lệch rõ ràng giữa các địa phương Cụ thể, khối lượng chất thải y tế phát sinh tại một số tỉnh thành như sau:

Chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội, qua khảo sát của Sở Y tế, lượng rác thải rắn y tế từ hoạt động khám chữa bệnh của các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố trong năm 2015 là khoảng 3 triệu kg chất thải thông thường và 548.320 kg chất thải y tế nguy hại3

Trang 21

http://infonet.vn/ha-noi-Năm 2015 thành phố Hồ Chí Minh có 10 bệnh viện thuộc quản lý trực tiếp của

Bộ Y tế và 30 bệnh viện từ hạng 1-2, 24 trung tâm y tế quận huyện, 25 bệnh viện tư nhân, 12.780 cơ sở khám chữa bệnh, phòng mạch tư thuộc quản lý của Sở Y tế Bình quân mỗi ngày tất cả các đơn vị y tế trên địa bàn thành phố thải ra khoảng 9 tấn rác y

tế Tất cả các đơn vị y tế thuộc quản lý của Sở Y tế đều được chỉ đạo ký hợp đồng với Công ty Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh để chuyên chở và xử lý rác y tế4

Điều tra của Trung tâm Quan trắc môi trường Bắc Kạn năm 2015 cho thấy, trung bình mỗi ngày các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh thải ra khoảng gần 1.000kg chất thải rắn và gần 300m3 nước thải Chất thải chủ yếu phát sinh từ các cơ sở y tế tuyến huyện (chiếm 40,7% tổng lượng chất thải rắn và 41,06% tổng lượng nước thải) Do

đa phần có quy mô nhỏ, chủ yếu khám, kê đơn thuốc và sử dụng những thủ thuật đơn giản nên các phòng khám tư nhân có lượng chất thải phát sinh ít nhất (chiếm 6,7% tổng lượng chất thải rắn và 10,84% tổng lượng nước thải)5

Theo số liệu thống kê về tình hình quản lý chất thải y tế của tỉnh Kon Tum, khối lượng chất thải rắn y tế phát sinh từ các cơ sở y tế trong toàn tỉnh Kon Tum năm

2015 như sau: Cơ sở khám, chữa bệnh là các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện:

Lượng chất thải rắn phát sinh trong ngày là 1.863 kg/ngày (trong đó: chất thải nguy hại là 310.5 kg/ngày; chất thải thông thường là 1.552,5 kg/ngày) Cơ sở là các phòng khám đa khoa: Lượng chất thải rắn phát sinh trong ngày là 216 kg/ngày (trong đó:

Chất thải nguy hại là 36 Kg/ngày; chất thải thông thường là 180 kg/ngày) Cơ sở là các trạm y tế xã, phường, thị trấn: Lượng chất thải rắn phát sinh trong ngày là 612 kg/ngày (trong đó: chất thải nguy hại là 102 kg/ngày; chất thải thông thường là 510kg/ngày) Như vậy, toàn tỉnh Kon Tum có tổng khối lượng chất thải rắn khoảng 2.691kg/ngày; trong đó, có 448,5 kg chất thải y tế nguy hại/ngày6

Theo kết quả khảo sát từ các bệnh viện của tỉnh Bình Định cuối năm 2014, mỗi ngày các bệnh viện trong tỉnh phát sinh khoảng trên 4,5 tấn chất thải y tế trong

đó có 0,603 tấn chất thải nguy hại (chiếm 13,14%) Lượng chất thải y tế phát sinh trung bình là 1,2-1,4kg/giường bệnh/ngày, trong đó có 0,2-0,3 kg/giường bệnh/ngày

là chất thải nguy hại Mức độ xả chất thải nguy hại nhiều nhất là Bệnh viện Đa khoa

4 Nguồn: minh, ngày truy cập: 13/07/2016

https://sites.google.com/site/vanphongtcmt/thong-tin-ve-cac-chi-cuc-bao-ve-moi-truong/tp-ho-chi-5 Xem: Cần quan tâm xử lý chất thải y tế (Kỳ 1) Nguồn: quan-tam-xu-ly-chat-thai-y-te-ky-1-157/, ngày truy cập: 14/7/2016

http://conganbackan.vn/news/Tin-tuc-trong-tinh/Can-6

Nguồn:http://www.kontum.gov.vn/tintuc/Lists/Posts/Post.aspx?List=2fa21aca-fe02-41ba-bc47-77d530847b32&ID=12110, ngày truy cập: 14/7/2016

Trang 22

tỉnh (0,3 kg/giường/ngày) Nhìn chung, khối lượng chất thải nguy hại trên giường bệnh trong ngày của các bệnh viện trong tỉnh thải ra ở mức trung bình so với cả nước Năm 2015, tính trung bình tổng khối lượng chất thải y tế các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện là khoảng 3.790kg/ngày, trong đó lượng chất thải y tế nguy hại là 532kg/ngày Mỗi trung tâm y tế dự phòng tuyến tỉnh xả thải trung bình 1,5-2,5 kg chất thải nguy hại/ngày, mỗi trung tâm y tế dự phòng tuyến huyện xả thải trung bình 0,4 - 0,5 kg chất thải nguy hại/ngày, mỗi phòng khám đa khoa khu vực xả thải trung bình 01 - 03 kg chất thải nguy hại/ngày, mỗi phòng khám tư nhân và trạm y tế xã xả thải trung bình 0,1 - 0,15 kg /ngày7

Lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh cũng có sự biến động ở từng loại cơ sở

y tế khác nhau Các bệnh viên đa khoa trung ương thường là nơi tập trung số lượng bệnh nhân lớn, điều trị nhiều loại bệnh khác nhau vì vậy nên khối lượng chất thải y

tế, đặc biệt là chất thải y tế nguy hại cũng phát sinh nhiều nhất, xếp sau là các bệnh viện chuyên khoa trung ương và bệnh viện đa khoa cấp tỉnh Có thể thấy rõ điều này qua bảng thống kê của Bộ Y tế giai đoạn 2005 – 2010:

Bảng 3: Sự biến động về khối lƣợng chất thải y tế nguy hại phát sinh tại các loại

cơ sở y tế khác nhau

Đơn vị tính: kg/giường bệnh/ngày

Bệnh viện chuyên khoa trung ương 0,23 – 0,29 0,28 – 0,35

Bệnh viện chuyên khoa tỉnh 0,17 – 0,29 0,21 – 0,35

Nguồn: Bộ Y tế, 2010

Trong khi tỷ lệ bệnh viện thực hiện phân loại chất thải rắn y tế chiếm 95,6% thì chỉ có 50% các bệnh viện phân loại, thu gom chất thải rắn y tế đạt yêu cầu theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải y tế

Qua các số liệu cụ thể có thể thấy khối lượng chất thải y tế phát sinh trên cả nước là rất lớn và có xu hướng tăng dần qua các năm Vì vậy, công tác quản lý chất thải y tế cần phải được quan tâm và ngày càng hoàn thiện

http://syt.binhdinh.gov.vn/newsdetail.php?newsid=1237&id=71, ngày truy cập: 14/07/2016

Trang 23

1.2 Những vấn đề chung về pháp luật quản lý chất thải y tế

1.2.1 Khái niệm pháp luật quản lý chất thải y tế

 Khái niệm quản lý chất thải

Công ước Basel 1989 về kiểm soát vận chuyển qua biên giới các phế thải nguy

hiểm và việc tiêu hủy chúng, quy định: “Quản lý là việc thu thập, vận chuyển và tiêu hủy các phế thải nguy hiểm hoặc các phế thải khác bao gồm cả việc giám sát các địa điểm tiêu hủy”

Với định nghĩa này, quản lý chất thải là khái niệm để chỉ một tổ hợp các hoạt động bao gồm thu thập, vận chuyển, tiêu hủy phế thải và giám sát các địa điểm tiêu hủy Chiểu theo Công ước Basel thì phế thải được hiểu là các chất hoặc các đồ vật mà người ta tiêu huỷ, có ý định tiêu huỷ hoặc phải tiêu huỷ chiếu theo các điều khoản của luật lệ quốc gia

Định nghĩa này bộc lộ một số hạn chế như: cách hiểu về phế thải chỉ bao gồm các loại chất thải rắn có thể tiêu hủy, chứ chưa bao gồm nước thải và khí thải không thể tiêu hủy; hơn nữa tổ hợp những hoạt động được liệt kê trong khái niệm “quản lý” cũng chưa thực sự nêu được đầy đủ các hoạt động từ khâu phát sinh đến khâu xử lý, tiêu hủy chất thải, làm cho khái niệm “quản lý” bị bó hẹp, chưa toàn diện

Ở Việt Nam, khái niệm quản lý chất thải được định nghĩa lần đầu tiên tại Thông tư liên tịch số 1590/1997/TTLT-BKHCNMT-BXD ngày 03/04/1997 về các biện pháp cấp bách trong quản lý chất thải rắn ở các đô thị và khu công nghiệp, theo

đó “Quản lý chất thải là các hoạt động nhằm kiểm soát toàn bộ quá trình từ khâu sản sinh chất thải đến thu gom, vận chuyển, xử lý (tái sử dụng, tái chế), tiêu huỷ (thiêu đốt, chôn lấp ) chất thải và giám sát các địa điểm tiêu huỷ chất thải”

Định nghĩa này có sự tiếp thu từ định nghĩa quản lý của Công ước Basel, tuy nhiên các nhà làm luật đã bổ sung thêm các hoạt động từ khâu phát sinh đến thu gom, vận chuyển, xử lý, tiêu hủy chất thải và giám sát địa điểm tiêu hủy chất thải Thêm nữa, định nghĩa đã sử dụng từ “chất thải” nghĩa là bao gồm tất cả các loại vật chất ở mọi dạng trạng thái tồn tại bị thải bỏ chứ không bó hẹp như cách hiểu “phế thải” ở Công ước Basel

Hiện nay theo Luật bảo vệ môi trường 2014, quản lý chất thải là quá trình phòng ngừa, giảm thiểu, giám sát, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải (Khoản 15 Điều 3) Theo đó, quản lý chất thải có một số đặc điểm sau đây:

Thứ nhất, quản lý chất thải là một “quá trình”, tức là quản lý chất thải không

phải là một hành động đơn lẻ mà nó bao gồm nhiều hoạt động khác nhau để thiết lập nên một chu trình khép kín

Trang 24

Thứ hai, quản lý chất thải nhằm mục đích “phòng ngừa” và “giảm thiểu” chất

thải, điều này hướng tới việc hạn chế chất thải ngay từ lúc chất thải chưa phát sinh nhằm giảm áp lực cho các khâu xử lý về sau và tránh ô nhiễm môi trường do hệ thống

nhận thấy là định nghĩa đã bổ sung hoạt động “phòng ngừa” và “giảm thiểu” vào

công tác quản lý chất thải Đây là một điểm tích cực bởi những hoạt động này diễn ra trước khi chất thải phát sinh, nhằm hạn chế tối đa sự phát sinh của chất thải Định nghĩa cũng đã đề cập đến hoạt động phân loại chất thải trong quá trình quản lý và

thay vì sử dụng từ “tiêu hủy”, định nghĩa đã sử dụng từ “xử lý chất thải” Đây là một

sự thay đổi hợp lý bởi lẽ hiện nay đã có rất nhiều công nghệ xử lý chất thải khác nhau được đưa vào sử dụng chứ không chỉ còn là 2 phương pháp đơn thuần là thiêu đốt và chôn lấp như trước kia Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã xây dựng được một định nghĩa về quản lý chất thải khá hoàn thiện và toàn diện

 Khái niệm quản lý chất thải y tế:

Khoản 3 Điều 3 Quy chế quản lý chất thải y tế năm 2007 định nghĩa: “Quản lý chất thải y tế là hoạt động quản lý việc phân loại, xử lý ban đầu, thu gom, vận chuyển, lưu giữ, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý, tiêu hủy chất thải y tế và kiểm tra, giám sát việc thực hiện”

Có thể thấy định nghĩa liệt kê một loạt các hoạt động trong công tác quản lý chất thải y tế nhưng theo một thứ tự khá lộn xộn chứ không tuần tự từ khâu phát sinh

đến khi chất thải được xử lý Cụ thể là hoạt động “giảm thiểu” chất thải lại được đưa

ra sau các khâu phân loại, xử lý ban đầu, thu gom, vận chuyển, lưu giữ, trong khi đáng nhẽ giảm thiểu chất thải phải là khâu đầu tiên của quá trình quản lý chất thải

Khắc phục những hạn chế này, Thông tư liên tịch số BTNMT của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên môi trường ngày 31/12/2015 Quy định về

58/2015/TTLT-BYT-quản lý chất thải y tế đã định nghĩa: “Quản lý chất thải y tế là quá trình giảm thiểu, phân định, phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải y tế và giám sát quá trình thực hiện” (Khoản 3 Điều 3)

Theo khái niệm này, quản lý chất thải y tế có những đặc điểm sau:

Thứ nhất, quản lý chất thải y tế là một mảng của quản lý chất thải nói chung vì

vậy nó cũng mang các đặc điểm của quản lý chất thải Trước hết, quản lý chất thải y

Trang 25

tế cũng là một “quá trình”, là tập hợp của nhiều hành động khác nhau theo một trật

tự nhất định

Thứ hai, quản lý chất thải y tế có mục đích nhằm “giảm thiểu” lượng phát

sinh chất thải y tế ngay từ nguồn phát sinh

Thứ ba, quản lý chất thải y tế bao gồm các hoạt động là “phân định, phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải y tế và giám sát quá trình thực hiện” Đây là một chu trình khép kín để chất thải y tế luôn luôn được kiểm soát, quản

lý từ khi phát sinh đến khi được tái chế hoặc xử lý bằng phương pháp thích hợp

Định nghĩa này đã sắp xếp tuần tự các hoạt động trong quá trình quản lý chất

thải y tế và rút gọn một số từ ngữ như gộp hoạt động “xử lý, tiêu hủy chất thải y tế” vào chỉ còn là “xử lý chất thải y tế”, bỏ cụm từ “tái sử dụng” là hợp lý bởi chất thải

y tế có những đặc thù nhất định, khó có thể tái sử dụng được mà chỉ có thể tái chế

hoặc xử lý triệt để Định nghĩa mới đã bám khá sát định nghĩa về quản lý chất thải tại

Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 tạo nên một cách hiểu thống nhất từ luật đến văn bản dưới luật, từ văn bản quy định chung đến văn bản chuyên ngành trong lĩnh vực môi trường nói chung và quản lý chất thải nói riêng Định nghĩa này có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng các hoạt động cụ thể của công tác quản lý chất thải

y tế

 Khái niệm pháp luật quản lý chất thải y tế:

Bất cứ lĩnh vực nào cũng cần có sự điều chỉnh của các quy phạm pháp luật để định hướng hoạt động đó, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tất cả các chủ thể và hướng tới mục tiêu chung của cộng đồng Trong lĩnh vực quản lý chất thải y tế cũng không ngoại lệ Hiện nay, pháp luật chưa có một định nghĩa chi tiết về khái niệm pháp luật quản lý chất thải y tế Từ những phân tích và khái niệm có liên quan đã được pháp luật quy định, tác giả xin đưa ra định nghĩa về pháp luật quản lý chất thải y

tế như sau:

Pháp luật quản lý chất thải y tế là một hệ thống các quy phạm pháp luật điều chỉnh mối quan hệ giữa các chủ thể liên quan đến hoạt động quản lý chất thải y tế với nhau và với các cơ quan quản lý Nhà nước về chất thải y tế trong toàn bộ quá trình quản lý chất thải y tế từ khi chất thải y tế phát sinh cho đến khi được xử lý, tái chế, nhằm hướng tới mục tiêu quản lý toàn diện chất thải y tế, bảo vệ môi trường sống và sức khỏe cộng đồng

Từ định nghĩa này, có thể nhận thấy pháp luật quản lý chất thải y tế có những đặc điểm sau:

Trang 26

Thứ nhất, pháp luật quản lý chất thải y tế là một hệ thống các quy phạm pháp

luật Tức là, pháp luật quản lý chất thải y tế không phải chỉ có một văn bản nhất định

mà nó tồn tại trong một hệ thống các văn bản quy phạm từ Hiến pháp đến Luật Bảo

vệ môi trường, các Nghị định hướng dẫn luật của Chính Phủ và các Thông tư của các

Bộ thực hiện công tác quản lý chuyên môn như Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và môi trường Các văn bản này đều mang tính bắt buộc áp dụng đối với các chủ thể liên quan đến công tác quản lý chất thải y tế

Thứ hai, pháp luật quản lý chất thải y tế điều chỉnh mối quan hệ giữa các chủ

thể liên quan đến hoạt động quản lý chất thải y tế với nhau và với các cơ quan quản lý Nhà nước về chất thải y tế Các chủ thể liên quan đến hoạt động quản lý chất thải y tế bao gồm: chủ nguồn thải, chủ thu gom, chủ vận chuyển, chủ lưu giữ, xử lý tiêu hủy chất thải và một số chủ thể khác… Các cơ quản quản lý Nhà nước về chất thải y tế bao gồm: cơ quan có thẩm quyền chung (Chính Phủ, Ủy ban nhân dân các cấp), cơ quan có thẩm quyền chuyên môn (Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và môi trường, Sở Y tế, Sở Tài nguyên môi trường và các phòng ban chuyên môn cấp dưới) Pháp luật quản lý chất thải y tế quy định và điều chỉnh mối quan hệ giữa các chủ thể này để công tác quản lý chất thải y tế được thống nhất từ lúc phát sinh đến khi được xử lý và đảm bảo đều có sự giám sát, kiểm tra, định hướng của cơ quan quản lý Nhà nước

Thứ ba, pháp luật quản lý chất thải y tế bao gồm các quy định pháp luật quản

lý chất thải y tế từ khi chất thải y tế phát sinh cho đến khi chất thải y tế được xử lý hoặc tái chế Các hoạt động quản lý chất thải y tế bao gồm: giảm thiểu, phân định, phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải y tế và giám sát quá trình thực hiện

Thứ tư, pháp luật quản lý chất thải y tế hướng tới mục tiêu quản lý toàn diện

chất thải y tế, bảo vệ môi trường sống và sức khỏe cộng đồng Pháp luật quản lý chất thải y tế đặt ra các quy định, yêu cầu đối với từng khâu của quá trình quản lý chất thải

y tế từ giảm thiểu, phân định, phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển đến tái chế, xử

lý chất thải y tế và giám sát quá trình thực hiện các công đoạn này Đây là một sự quản lý toàn diện, hạn chế tối đa tác động xấu của chất thải y tế, nhằm hướng tới mục tiêu chung của cộng đồng là được sống trong một môi trường trong lành, không dịch bệnh và có sức khỏe tốt

1.2.2 Vai trò của pháp luật trong việc quản lý chất thải y tế

Pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và pháp luật về quản lý chất thải y

tế nói riêng là công cụ hữu hiệu để quản lý và bảo vệ môi trường Thời gian qua pháp

Trang 27

luật về bảo vệ môi trường và quản lý chất thải y tế ở nước ta đã từng bước được xây dựng và hoàn thiện, góp phần điểu chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến lĩnh vực môi trường Như vậy ta có thể đánh giá vai trò của pháp luật trong việc bảo vệ môi trường và quản lý chất thải y tế ở Việt Nam hiện nay cụ thể như sau:

Thứ nhất, pháp luật là công cụ thực hiện được chủ trương chính sách của Nhà

nước, quy định hợp lý quyền và nghĩa vụ của các bên có liên quan, điều tiết được mối quan hệ giữa các chủ thể trong quá trình quản lý chất thải y tế Pháp luật đã định hướng hành vi của các chủ thể quản lý chất thải y tế theo hướng có lợi cho môi trường, đảm bảo các hành vi đó không xâm hại tới môi trường, hạn chế những tác hại, ngăn chặn suy thoái và ô nhiễm môi trường

Thứ hai, pháp luật quy định các chế tài ràng buộc các chủ thể quản lý chất thải

y tế phải đáp ứng được những đòi hỏi của pháp luật để bảo vệ môi trường Trong thực

tế các chủ thể quản lý chất thải y tế khi tham gia hoạt động kinh tế xã hội thường chỉ chú ý tới lợi ích của mình mà bỏ qua lợi ích chung của môi trường, cộng đồng, bỏ qua nghĩa vụ phải thực hiện với môi trường và không tự giác thực hiện trách nhiệm bảo

vệ môi trường Chẳng hạn, khi thực hiện nghĩa vụ đánh giá tác động môi trường đối với các dự án xử lý chất thải y tế, các chủ dự án thường không thấy trước lợi ích của mình, cho rằng lập báo cáo tốn kém tiền của, thời gian, công sức do đó luôn tìm cách lẩn tránh nghĩa vụ pháp lý với môi trường Khi đó, chế tài mà pháp luật quy định đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của chính tổ chức, cá nhân và lợi ích chung lâu dài của xã hội

Các chế tài đó không chỉ là biện pháp trừng phạt vi phạm pháp luật về quản lý chất thải y tế, ngăn ngừa, giáo dục cải tạo chủ thể vi phạm mà còn răn đe chủ thể khác để họ tự giác tuân theo các quy phạm pháp luật về quản lý chất thải y tế, qua đó ngăn ngừa và hạn chế tác động xấu do con người gây ra cho môi trường Vì thế, pháp luật quy định các chế tài hành chính, dân sự, hình sự để buộc các tổ chức, cá nhân trong quá trình quản lý chất thải y tế phải thực hiện đầy đủ và đúng các quy định pháp luật

Thứ ba, pháp luật quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các cơ

quan quản lý nhà nước về chất thải y tế Như ta đã biết, tất cả các lĩnh vực đời sống

xã hội đều cần phải có sự quản lý của nhà nước và chất thải y tế cũng không là ngoại

lệ Pháp luật đã có vai trò to lớn trong việc tạo ra cơ chế hoạt động cho các tổ chức,

cơ quan quản lý chất thải y tế Việc ban hành các văn bản pháp luật tạo ra cơ sở pháp

lý để các cơ quan này thực hiện các chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình, đảm

Trang 28

bảo hoàn thành tốt công tác quản lý Nhà nước đối với quản lý chất thải y tế Pháp luật cũng phân chia nhiệm vụ giữa các cơ quan, tránh việc quản lý chồng chéo, đồng thời tao ra sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa các cơ quan, nâng cao hiệu quả của quản

lý Nhà nước về chất thải y tế

Thứ tư, thông qua pháp luật mà các quy chuẩn môi trường sẽ được các tổ chức,

cá nhân tuân thủ nghiêm ngặt khi quản lý chất thải y tế Đồng thời các quy chuẩn môi trường cũng là cơ sở pháp lý cho việc xác định các hành vi vi phạm luật và truy cứu trách nhiệm với những hành vi đó

Mục tiêu chung nhất của quản lý chất thải y tế là nhằm giảm thiểu và tiến tới

xử lý hoàn toàn chất thải y tế, đặc biệt là chất thải y tế nguy hại Mục tiêu cuối cùng

là làm sạch môi trường và bảo vệ sức khỏe người dân Pháp luật quản lý chất thải y tế

là cơ sở để các cá nhân, tổ chức, các cơ quan Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong quản lý chất thải y tế

Muốn đạt được một nền kinh tế thịnh vượng thì con người phải sống khỏe, môi trường phải trong lành, đó là một phần của quan điểm phát triển bền vững Trên

cơ sở nhận thức sâu sắc tác hại của chất thải y tế tới môi trường và sức khỏe, chúng ta cần xây dựng và hoàn thiện phương tiện quản lý chất thải y tế một cách hữu hiệu nhất

để ngăn ngừa và giảm thiểu nguồn ô nhiễm nguy hiểm này

1.2.3 Nội dung của pháp luật về quản lý chất thải y tế

Pháp luật là công cụ hữu hiệu để quản lý mọi mặt của đời sống trong đó có vấn

đề môi trường và quản lý chất thải y tế Hiện nay, khi kinh tế ngày càng phát triển, môi trường bị ô nhiễm do nhiều loại chất thải từ chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt, chất thải điện tử đến chất thải y tế thì vấn đề quản lý, kiểm soát các loại chất thải này càng cần được coi trọng Chất thải y tế là một trong những loại chất thải phổ biến nhưng lại có chứa nhiều yếu tố nguy hại, vì vậy để quản lý hiệu quả loại chất thải này, pháp luật cần có những quy định rất chi tiết cụ thể

Thứ nhất, nội dung quy định của pháp luật về trách nhiệm của các tổ chức, cá

nhân trong quản lý chất thải y tế:

Quản lý chất thải y tế là một tổ hợp của các hoạt động từ khâu phòng ngừa, giảm thiểu chất thải y tế đến khi chất thải y tế phát sinh và được xử lý Quá trình quản

lý này có sự tham gia và chịu trách nhiệm của nhiều chủ thể khác nhau như chủ nguồn thải, chủ thu gom, vận chuyển, chủ lưu giữ xử lý chất thải y tế

Trang 29

Chủ nguồn chất thải y tế chính là các cơ sở y tế, đây là chủ thể làm phát sinh chất thải y tế và cũng là một trong các chủ thể của quá trình quản lý chất thải y tế Biện pháp tốt nhất để hạn chế sự ảnh hưởng của chất thải y tế đến môi trường đó là giảm thiểu ngay tại nguồn Chủ nguồn thải có trách nhiệm hạn chế tối đa sự phát sinh của chất thải y tế, giảm lượng chất thải y tế tại nguồn, sử dụng các sản phẩm có thể tái chế, tái sử dụng và kiểm soát chặt chẽ quá trình thực hành, phân loại chất thải Để công tác xử lý chất thải y tế đạt hiệu quả và tiết kiệm thì hoạt động phân loại chất thải

y tế ngay tại nguồn là điều rất quan trọng Các chất thải y tế cần được phân chia thành chất thải y tế thông thường, chất thải y tế nguy hại và có gắn mác ký hiệu từng loại chất thải theo quy định của pháp luật để có những biện pháp xử lý hay tái chế phù hợp Chủ nguồn chất thải y tế cũng có trách nhiệm định kỳ 06 tháng báo cáo với Sở Tài nguyên và môi trường bằng văn bản về việc lưu giữ chất thải y tế tại cơ sở của mình Khi lưu giữ chất thải y tế tạm thời trước khi được đem đi xử lý, chủ nguồn thải phải đảm bảo khu vực lưu giữ tại cơ sở đạt được những yêu cầu của pháp luật như khu vực lưu giữ phải có mái che, nền đảm bảo không bị ngập lụt tránh chất thải bị rò

bị rơi, rò rỉ chất thải trong quá trình thu gom Chủ thu gom chất thải y tế cũng cần phải đảm bảo tần suất thu gom nhất là với các loại chất thải y tế lây nhiễm phải thu gom ít nhất 01 lần/ngày để tránh tình trạng chất thải y tế bị tràn ra khỏi thiết bị chứa

và tiếp xúc quá lâu tại những nơi đông người như phòng bệnh nhân, phòng khám của bác sĩ, có thể làm phát tán mầm bệnh hoặc gây ngộ độc, tổn thương khi tiếp xúc Sau khi được thu gom, chất thải y tế sẽ được vận chuyển đến nơi để xử lý Quá trình vận chuyển, chủ thể vận chuyển có trách nhiệm đảm bảo phương tiện chuyên dụng để vận chuyển chất thải y tế, xác định tuyến đường, thời điểm vận chuyển để hạn chế ảnh hưởng đến khu chăm sóc người bệnh và khu vực khác trong cơ sở y tế Trong quá trình vận chuyển chất thải y tế từ cơ sở y tế đến cơ sở xử lý chất thải y tế, khi xảy ra tràn đổ, cháy, nổ chất thải y tế hoặc các sự cố khác thì phải thực hiện ngay các biện pháp ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo quy định của pháp luật

Trang 30

Ngoài ra, trong quá trình quản lý chất thải y tế còn có chủ lưu giữ, xử lý chất thải y tế Chủ thể này cũng cần phải đảm bảo có khu vực, thiết bị lưu giữ đúng quy định của pháp luật và có sự phân chia khu vực cho từng loại chất thải y tế Chủ lưu giữ, xử lý chất thải y tế cần đảm bảo thời gian và điều kiện lưu giữ, tránh để chất thải

bị tồn đọng, ùn ứ gây ra tình trạng phân hủy, phát tán mùi và các chất độc hại ra môi trường Có nhiều phương án xử lý chất thải y tế đó là xử lý theo mô hình cụm cơ sở y

tế, xử lý tại cơ sở xử lý chất thải tập trung có hạng mục xử lý chất thải y tế hoặc xử lý chất thải y tế tại hệ thống, thiết bị xử lý trong khuôn viên cơ sở y tế Dù lựa chọn phương án xử lý nào thì các chủ thể xử lý chất thải y tế cũng cần ưu tiên lựa chọn các công nghệ xử lý chất thải không đốt, thân thiện với môi trường và bảo đảm xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường

Để cho quá trình quản lý chất thải y tế được thống nhất và đạt hiệu quả trên phạm vi cả nước, cơ quan quản lý Nhà nước về quản lý chất thải y tế ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường với các quy chuẩn liên quan trực tiếp đó

là quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn y tế và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị hấp chất thải y tế Quy chuẩn kỹ thuật môi trường sẽ định ra mức giới hạn của các thông số về chất lượng môi trường xung quanh, hàm lượng của các chất gây ô nhiễm có trong chất thải, các yêu cầu kỹ thuật và quản lý, như vậy hoạt động quản lý chất thải y tế sẽ được đưa vào khuôn khổ thống nhất

Pháp luật không chỉ bao gồm các quy định quản lý từ khi cơ sở y tế làm phát sinh chất thải y tế hay các cơ sở xử lý chất thải y tế đi vào hoạt động mà còn có các quy định nhằm đánh giá, dự báo trước tác động của các dự án này đến môi trường thông qua việc yêu cầu các chủ dự án lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) Chủ dự án có trách nhiệm lập báo cáo ĐTM trước khi được cấp phép triển khai dự án Chủ dự án có thể tự thực hiện hoặc thuê đơn vị tư vấn thực hiện báo cáo ĐTM theo quy định của pháp luật Sau khi báo cáo được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chủ đầu tư có trách nhiệm lập kế hoạch quản lý môi trường của dự án theo đề xuất của báo cáo ĐTM và niêm yết công khai thông tin tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện tham vấn

Các chủ thể trong quá trình quản lý chất thải y tế, nếu thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật tùy vào mức độ nghiêm trọng thì đều có thể phải chịu các trách nhiệm pháp lý bao gồm: trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự và trách nhiệm hình sự

Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý chất thải y tế

Trang 31

bị áp dụng một trong các hình thức phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền, ngoài ra còn có các hình thức xử phạt bổ sung Còn đối với trách nhiệm dân sự thì các chủ thể

vi phạm phải chịu trách nhiệm khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường cùng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do gây ra sự cố môi trường trong quá trình quản lý chất thải y tế Căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành có thể thấy rằng, biện pháp áp dụng trách nhiệm dân sự trong lĩnh vực quản lý chất thải y tế chủ yếu là trách nhiệm bồi thường vật chất Điều đặc biệt trong quá trình áp dụng trách nhiệm dân sự trong lĩnh vực này là khi chủ thể đã gây thiệt hại thì trách nhiệm dân sự có thể được áp dụng cho chủ thể ngay cả khi chủ thể gây ô nhiễm, suy thoái hoặc sự cố môi trường không có lỗi Trong quá trình quản lý chất thải y tế, cả cá nhân và pháp nhân thương mại có thể trở thành tội phạm nếu thực hiện các hành vi nguy hiểm cho môi trường được quy định trong hệ thống pháp luật hình sự

Thứ hai, nội dung quy định của pháp luật về trách nhiệm của các cơ quan nhà

nước có thẩm quyền trong quản lý chất thải y tế:

Các cơ quan quản lý Nhà nước trong quản lý chất thải y tế từ trung ương đến địa phương bao gồm các cơ quan có thẩm quyền chung và các cơ quan có thẩm quyền chuyên môn

Cơ quan có thẩm quyền chung, thống nhất quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong đó có quản lý chất thải nói chung và chất thải y tế nói riêng

Cơ quan có thẩm quyền chung ở trung ương quyết định các chính sách, chủ trương nhằm thực hiện hiệu quả công tác quản lý chất thải y tế trên phạm vi cả nước Cở quan có thẩm quyền chung ở địa phương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên ngành trong hoạt động quản lý chất thải y tế trên địa bàn mình quản lý

Các cơ quan quản lý chuyên môn ở trung ương có trách nhiệm phối hợp, bảo đảm tính chủ động, kịp thời và hiệu quả trong các nhiệm vụ: xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải y tế; lập kế hoạch sử dụng kinh phí

sự nghiệp môi trường cho hoạt động bảo vệ môi trường ở các cơ sở y tế; thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật; xử lý các cơ sở y tế gây ô nhiễm nghiêm trọng và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật Ở địa phương, các cơ quan

có thẩm quyền chuyên môn chịu trách nhiệm hướng dẫn các cơ sở y tế thực hiện quản

lý chất thải y tế theo đúng yêu cầu và quy định của pháp luật; phối hợp kiểm tra, thanh tra các cơ sở y tế trên địa bàn mình quản lý về việc thực hiện quy định của pháp luật về quản lý chất thải y tế; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế trên địa bàn Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền chuyên

Trang 32

môn ở địa phương còn là đầu mối tổ chức đào tạo, truyền thông, phổ biến pháp luật

về quản lý chất thải y tế cho các cơ sở y tế và chịu trách nhiệm báo cáo kết quả quản

lý chất thải y tế trên địa bàn mình quản lý cho cơ quan quản lý chuyên môn ở cấp trung ương

1.3 Kinh nghiệm xây dựng pháp luật về quản lý chất thải y tế của một số quốc

gia trên thế giới

Vấn đề quản lý chất thải y tế đã và đang trở thành mối quan tâm của người dân

và các nhà lập pháp ở nhiều quốc gia trên thế giới Để hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật về quản lý chất thải y tế của mình, Việt Nam cũng cần có sự học hỏi, rút kinh nghiệm của một số quốc gia đã quản lý khá tốt chất thải y tế như Mỹ, Nhật Bản… và một quốc gia láng giềng, có điều kiện địa lý, tập quán khá tương đồng với nước ta và

đã có những thành công nhất định trong xây dựng pháp luật về quản lý chất thải y tế như Trung Quốc

1.3.1 Kinh nghiệm của Mỹ

Mỹ là một quốc gia phát triển trên thế giới, tại Mỹ quản lý chất thải được thiết lập và vận hành bởi hai đối tượng chính: chủ nguồn thải và chủ hành nghề quản lý chất thải Giữa hai đối tượng này có một hợp đồng kinh tế, theo đó chủ nguồn thải trả phí dịch vụ cho chủ hành nghề xử lý, tiêu hủy chất thải theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền Chính phủ phát triển và điều tiết thị trường này thông qua các công cụ chính sách và hệ thống giám sát, cưỡng chế

Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật theo dõi chất thải y tế vào năm 1988, trong

đó yêu cầu Cục Bảo vệ môi trường (EPA) triển khai chương trình theo dõi trong hai năm Sau đó, các bang và cơ quan chính quyền liên bang chịu trách nhiệm quy định

và hướng dẫn quản lý chất thải y tế Hầu hết 50 bang đã ban hành quy định riêng về quản lý chất thải y tế Các cơ quan chính quyền liên bang chịu trách nhiệm ban hành các hướng dẫn kỹ thuật như Tiêu chuẩn phơi nhiễm nghề nghiệp với vi sinh vật gây bệnh qua đường máu của Cục Sức khỏe và an toàn nghề nghiệp; Hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn trong cơ sở y tế của Trung tâm kiểm soát bệnh và Các thực hành môi trường tốt nhất cho cơ sở y tế của EPA

Mỹ cũng đã tham gia Công ước Basel về chất thải nguy hại, Công ước Stockholm về chất thải hữu cơ khó phân hủy (POPs), Công ước Minamata về thủy ngân và đã đạt được những kết quả đáng kể trong giảm thiểu chất thải hữu cơ kho phân hủy và thủy ngân

Trang 33

Tại Mỹ, vào năm 1988, Cục bảo vệ môi trường ước tính có khoảng 80% chất thải bệnh viện được thiêu đốt Để hạn chế phát thải hữu cơ khó phân hủy như dioxin

và furan, Mỹ đã kiểm soát chặt chẽ các lò đốt bằng việc ban hành những tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt và loại bỏ những lò đốt quy mô nhỏ trong cơ sở y tế Ở Mỹ, số lượng lò đốt chất thải rắn y tế đã giảm mạnh từ 2.373 vào năm 1995 xuống còn 54 lò trong năm 2010 và còn 33 lò trong năm 20138 Để hạn chế việc thiêu đốt, Mỹ đã xây dựng cơ chế khuyến khích áp dụng công nghệ không đốt như khử khuẩn bằng hơi nước (lò hấp), khử khuẩn bằng vi sóng, khử khuẩn bằng hóa chất, công nghệ tan chảy hay plasma… Trong năm 1997, một khảo sát của Hiệp hội Công nghiệp Môi trường

Mỹ thống kê hơn 1.500 công nghệ không đốt được lắp đặt để xử lý chất thải rắn trên nước Mỹ

Mỹ đã có nhiều quy định kiểm soát phát thải thủy ngân, trong đó có Hướng dẫn loại bỏ thủy ngân trong các bệnh viện vào năm 2002 của Cục bảo vệ môi trường Ngành y tế Mỹ về cơ bản đã loại bỏ các thiết bị y tế chứa thủy ngân Hiện nay, hầu như không thể mua được nhiệt kế thủy ngân ở Mỹ Đây là những quy định pháp luật nhằm hạn chế phát thải chất thải y tế nguy hại có chứa thủy ngân, tránh đầu độc môi trường và con người khi tiếp xúc

1.3.2 Kinh nghiệm của Nhật Bản

Nhật Bản cũng là một quốc gia có nền kinh tế rất phát triển và Chính phủ cùng với người dân Nhật Bản đặc biệt rất coi trọng và có ý thức trong vấn đề bảo vệ môi trường và quản lý chất thải, trong đó có chất thải y tế Theo số liệu của Cục Y tế và Môi sinh Nhật bản thì hàng năm quốc đảo này thải ra khoảng 450 triệu tấn rác thải (không tính rác thải phóng xạ) Trong tổng số trên 36% là tái chế được, số còn lại được xử lý bằng cách đốt hoặc chôn tại các nhà máy xử lý rác Tính ra phí tổn chi phí rác tính theo đầu người khoảng 300 nghìn yên Nhật (khoảng 2500USD)9

Ở Nhật Bản, quy định đầu tiên về quản lý chất thải lây nhiễm được ban hành năm 1992, bổ sung thêm vào Luật Tiêu hủy chất thải đã có từ năm 1970

8US Environmental Protection Agency Hospital/Medical/Infectious Waste Incinerators

Nguồn: (https://www3.epa.gov/ttn/atw/129/hmiwi/rihmiwi.html), ngày truy cập 26/07/2016.

http://www.vysajp.org/news/v%E1%BA%A5n-d%E1%BB%81-x%E1%BB%AD-ly-rac- cho-vi%E1%BB%87t-nam/, ngày truy cập 26/07/2016

Trang 34

th%E1%BA%A3i-%E1%BB%9F-nh%E1%BA%ADt-m%E1%BB%99t-kinh-nghi%E1%BB%87m-qui-bau-Khung pháp lý về quản lý chất thải y tế của Nhật Bản có những điểm quan trọng là: Quy định về nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ nguồn thải và chủ hành nghề quản lý chất thải y tế; Quy định về trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước và cơ chế phối hợp; Hệ thống đăng ký, cấp phép, thanh tra và chế tài xử lý

vi phạm; Các tiêu chuẩn/yêu cầu về quy trình vận hành, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất, lưu giữ hồ sơ, theo dõi và báo cáo; Cơ chế tài chính, bao gồm phí dịch vụ, huy động nguồn lực và hợp tác công tư trong quản lý chất thải y tế

Ngoài các văn bản quy phạm pháp luật, Nhật Bản còn ban hành các hướng dẫn

kỹ thuật trong quản lý chất thải y tế như Hướng dẫn quản lý chất thải lây nhiễm Các văn bản hướng dẫn kỹ thuật này là định hướng để các cơ sở y tế thực hiện đúng quy trình quản lý chất thải y tế, đảm bảo không xảy ra sự cố gây ô nhiễm môi trường

Ở Nhật Bản, hầu hết chất thải rắn y tế hiện đang được xử lý bởi các nhà máy

xử lý tập trung Năm 2006, Nhật Bản có khoảng 296 công ty xử lý chất thải lây nhiễm, ký hợp đồng cung ứng dịch vụ với 98% bệnh viện, trong khi đó, có ít hơn 0,8% số bệnh viện tự xử lý Có 6% công ty xử lý chất thải rắn y tế sử dụng công nghệ tan chảy

Năm 2000, Nhật Bản đã ban hành Luật mua sắm xanh, trong đó hạn chế sản xuất và mua sắm thiết bị, chế phẩm y tế chứa thủy ngân Nhiệt kế và huyết áp kế điện

tử đã cơ bản thay thế cho thiết bị chứa thủy ngân nên các thiết bị y tế chứa thủy ngân

đã giảm mạnh Nhu cầu thủy ngân cho chất hàn răng almagam khoảng 5.200 kg vào năm 1970 đã giảm xuống 700 kg vào năm 1999; 100 kg vào năm 2006 và khoảng 20

kg vào năm 201010

1.3.3 Kinh nghiệm của Trung Quốc

Trung Quốc là quốc gia có dân số đông vào bậc nhất trên thế giới, vì vậy quản

lý chất thải nói chung và chất thải y tế nói riêng luôn là vấn đề khó khăn và được chú trọng đầu tư tại quốc gia này Cùng với sự tăng trưởng vượt bậc về kinh tế xã hội thì Trung Quốc cũng phải đối mặt với các vấn đề môi trường gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân, các dịch bệnh liên tục bùng phát từ đó dẫn tới việc số lượng người đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh ngày càng tăng làm phát sinh một khối

10Japan Ministry of Environment (2013) Lessons from Minamata Disease and Mercury management in Japan Nguồn: ( https://www.env.go.jp/chemi/tmms/pr-m/mat01/en_full.pdf), truy cập ngày 26/7/2016.

Trang 35

lượng lớn chất thải y tế, đòi hỏi phải có những quy định chặt chẽ để kiểm soát loại chất thải này

Trung Quốc đã ban hành Quy định kiểm soát chất thải y tế vào năm 2003 sau khi xảy ra dịch SARS Năm 2004, Trung Quốc phê duyệt Kế hoạch quốc gia xây dựng các cơ sở xử lý chất thải nguy hại và chất thải y tế tập trung

Các văn bản pháp lý quy định quản lý chất thải y tế bao gồm các giải pháp cho

hồ sơ vận chuyển chất thải nguy hại, danh mục phân loại chất thải y tế, giải pháp quản lý chất thải từ các cơ sở y tế, giải pháp xử lý vi phạm hành chính trong quản lý chất thải y tế

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã ban hành một số tiêu chuẩn và hướng dẫn kỹ thuật như Tiêu chuẩn kỹ thuật cho lò đốt chất thải rắn y tế, Tiêu chuẩn kỹ thuật cho phương tiện vận chuyển chất thải rắn y tế, và đang thử nghiệm tính năng kỹ thuật cho Tiêu hủy chất thải rắn y tế tập trung

Từ năm 2004, Trung Quốc đã phê duyệt và triển khai Kế hoạch quốc gia xây dựng các cơ sở xử lý chất thải nguy hại và chất thải y tế tập trung, trong đó có 331 cơ

sở xử lý chất thải rắn y tế tập trung Đến cuối năm 2012, Trung Quốc đã xây dựng

272 cơ sở xử lý chất thải rắn y tế tập trung ở các tỉnh, thành phố Trong số đó, có 137

cơ sở lựa chọn công nghệ thiêu đốt và 135 cơ sở lựa chọn công nghệ không đốt Tỷ lệ

số cơ sở xử lý chất thải rắn y tế áp dụng công nghệ không đốt ở Trung Quốc đã hơn 50%, cho thấy công nghệ không đốt đã trở thành lựa chọn chủ yếu ở nước này11

Trung Quốc cũng đã tham gia Công ước Basel về chất thải nguy hại và Công ước Minamata về thủy ngân nhưng việc triển khai cụ thể trong hệ thống y tế trên toàn quốc mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu, ngành y tế Trung Quốc cũng đã bước đầu loại bỏ thiết bị y tế có chứa thủy ngân

Ngoài Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc thì còn có rất nhiều các quốc gia khác trên thế giới đã xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật riêng để điều chỉnh vấn đề quản

lý chất thải y tế như Hàn Quốc, Anh, Đức, Ấn Độ…

11 Xem: Lê Minh Sang (2016), “Kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới trong quản lý chất thải y tế” Nguồn: http://tapchimoitruong.vn/pages/article.aspx?item=Kinh-nghi%E1%BB%87m-c%E1%BB%A7a- m%E1%BB%99t-s%E1%BB%91-qu%E1%BB%91, ngày truy cập: 16/07/2016

Trang 36

 Kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam

Với sự phát triển trình độ lập pháp của các quốc gia trên thế giới và hiệu quả thực tiễn khi thi hành, Việt Nam cần dựa trên các điều kiện về kinh tế xã hội, ý thức cộng đồng cũng như kỹ thuật lập pháp ở nước ta để có thể tiếp thu một cách chọn lọc các phương thức xây dựng pháp luật quản lý chất thải y tế một cách phù hợp nhất Có thể rút ra một số kinh nghiệm cho Việt Nam như sau:

Thứ nhất, cần xây dựng, ban hành một văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh toàn diện vấn đề quản lý chất thải y tế, tránh để tình trạng các quy định rải rác ở nhiều văn bản khác nhau, gây khó khăn trong thực tiễn áp dụng

Tại Mỹ, Nhật Bản hay Trung Quốc để có thể quản lý tốt vấn đề chất thải y tế, các nước này đều ban hành một văn bản quy phạm để điều chỉnh toàn diện vấn đề này Tại các văn bản này đều xác định rõ ràng các vấn đề sau: đối tượng điều chỉnh, nguyên tắc quản lý chất thải y tế, trách nhiệm của các chủ thể trong quá trình quản lý chất thải y tế, sự phối hợp quản lý của hệ thống các cơ quan Nhà nước trong quản lý chất thải y tế, Biện pháp khắc phục sự cố môi trường ô nhiễm môi trường, chế tài áp dụng đối với những chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý chất thải y tế… Việc ban hành một văn bản thống nhất và toàn diện sẽ giúp cho việc thi hành pháp luật trên thực tiễn được thuận lợi và chính xác hơn, giúp cho các cơ sở y tế, cơ

sở xử lý chất thải cũng như cơ quan quản nhà nước nắm bắt và thực hiện đầy đủ các trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật

Thứ hai, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường và hướng dẫn

kỹ thuật đối với quá trình quản lý chất thải y tế

Bên cạnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, thì các nước Mỹ, Nhật Bản hay Trung Quốc đều chú trọng đến việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường và hướng dẫn kỹ thuật trong quá trình quản lý chất thải y tế Đây là một hướng đi đúng đắn, bởi các quy chuẩn, tiêu chuẩn này sẽ đặt ra các thông số mục tiêu, nhằm kiểm soát, định hướng cho các hoạt động của quá trình quản lý chất thải y tế Các văn bản hướng dẫn kỹ thuật sẽ chỉ ra con đường để các cơ sở y tế hay cơ sở xử lý chất thải y tế đi đúng hướng khi thực hiện khâu thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tái chế,

xử lý chất thải y tế nhằm đạt được những quy chuẩn, tiêu chuẩn mà cơ quan quản lý nhà nước đã đề ra

Thứ ba, tăng cường triển khai, giám sát thực hiện các quy định về kiểm soát lò đốt chất thải y tế, khuyến khích hệ thống xử lý chất thải tập trung, giảm thiểu chất thải y tế có chứa thủy ngân

Trang 37

Mỹ và Nhật Bản đã tham gia và triển khai rất hiệu quả các công ước quốc tế ở đất nước mình như kiểm soát chất lượng lò đốt chất thải y tế, xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế tập trung, loại bỏ thành công các thiết bị y tế có chứa thủy ngân… theo tinh thần của công ước quốc tế Stockholm, công ước Basel, công ước Minamata Việc tăng cường kiểm soát các lò đốt chất thải y tế nhằm giảm sự phát sinh ô nhiễm môi trường thứ phát do các lò đốt chất thải nhỏ lẻ sử dụng công nghệ lạc hậu, thô sơ gây ra Đặt ra mục tiêu tiến tới loại bỏ hoàn toàn các lò đốt không đạt yêu cầu

kỹ thuật và hướng tới xây dựng được các hệ thống xử lý chất thải y tế tập trung, được đầu tư công nghệ hiện đại và hoạt động dưới sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước

Mặt khác, nhận thấy thủy ngân là một chất độc hại có thể gây ra nhiều tác động xấu, vì vậy các quốc gia này đã nhanh chóng triển khai thực hiện công ước Minamata

về thủy ngân ở đất nước mình để tiến tới loại bỏ các dụng cụ y tế có chứa thủy ngân nhằm hạn chế ảnh hưởng của thủy ngân đến môi trường và sức khỏe cộng đồng

Thứ tư, nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường của các chủ thể quản lý chất thải y tế và cộng đồng dân cư

Ngoài việc học hỏi về kinh nghiệm lập pháp, chúng ta có thể học hỏi các phương thức quản lý chất thải y tế của các nước đó, đặc biệt để giải quyết tận gốc vấn

đề chất thải y tế gây ô nhiễm môi trường thì việc học hỏi những cách thức để nâng cao ý thức, nhận thức, trách nhiệm cho các chủ thể tham gia quá trình quản lý chất thải y tế, cộng đồng dân cư là rất cần thiết Tại Nhật Bản, vấn đề ý thức, trách nhiệm đối với môi trường của người dân và các chủ thể tham gia quản lý chất thải y tế là rất tốt

Đây thực sự là những điều cần thiết để Việt Nam học hỏi trong giai đoạn hiện nay để góp phần làm hoàn thiện hơn quá trình quản lý chất thải y tế ở nước ta

Trang 38

TIỂU KẾT CHƯƠNG 1

Qua phân tích chúng ta đã phần nào hiểu rõ hơn các khái niệm về chất thải, chất thải nguy hại và chất thải y tế cũng như những nội dung cơ bản của pháp luật về quản lý chất thải y tế Mặt khác, chúng ta cũng hiểu được nguồn phát sinh và những ảnh hưởng, tác động nguy hại như thế nào của chất thải y tế đến môi trường và sức khỏe cộng đồng nếu không được xử lý đúng cách Hiện nay, vấn đề chất thải nói chung và chất thải y tế nói riêng đang được cộng đồng hết sức quan tâm, bởi lẽ khi kinh tế càng phát triển, đời sống nâng cao, người dân càng quan tâm tới một môi trường sống trong lành, nhưng thực tế thì không ít các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh nằm gần các khu dân cư và đang gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại những nơi này Ý thức được tầm quan trọng của việc quản lý chất thải y tế, Bộ y tế và các cơ quan chức năng khác đã ban hành một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật nhằm kiểm soát hiệu quả chất thải y tế từ lúc phát sinh đến khi được xử lý, cũng như quy định cụ thể được trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác quản lý chất thải y tế Để tìm hiểu rõ hơn các quy định pháp luật cụ thể về quản lý chất thải y tế, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu Chương 2 của luận văn

Trang 39

CHƯƠNG 2 CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT CỤ THỂ VỀ QUẢN LÝ

CHẤT THẢI Y TẾ Ở VIỆT NAM

Hiện nay, vấn đề bảo vệ môi trường và quản lý chất thải y tế đang trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của các Chính Phủ Tại Việt Nam, khi kinh

tế xã hội phát triển thì những tác động xấu đến môi trường của các loại chất thải nói chung và chất thải y tế nói riêng cũng ngày càng lớn Chất thải y tế là loại chất thải có chứa nhiều yếu tố nguy hại nhưng lại đang có xu hướng gia tăng đáng kể, vì vậy rất cần một hành lang pháp lý để quản lý hiệu quả loại chất thải này Hiện nay, pháp luật

về quản lý chất thải y tế ở nước ta bao gồm một hệ thống văn bản từ luật tới các văn bản dưới luật điều chỉnh về vấn đề này Các văn bản đang còn hiệu lực và quy định trực tiếp hoạt động quản lý chất thải y tế bao gồm:

- Luật bảo vệ môi trường năm 2014;

- Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính Phủ ban hành ngày 24/4/2015 Về quản lý chất thải và phế liệu;

- Thông tư liên tịch số 48/2014/TTLT-BYT-BTNMT của Bộ y tế và Bộ tài nguyên môi trường ban hành ngày 22/12/2014 Hướng dẫn phối hợp thực hiện quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường đối với cơ sở y tế;

- Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên môi trường ban hành ngày 31/12/2015 Quy định về quản lý chất thải y tế;

- Chỉ thị số 05/CT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành ngày 6/7/2015 Về việc tăng cường quản lý chất thải y tế trong bệnh viện…

Những văn bản này đã điều chỉnh được các vấn đề cơ bản trong quản lý chất thải thải y tế như: trách nhiệm của chủ nguồn thải, chủ thu gom, vận chuyển, chủ lưu giữ, xử lý trong quản lý chất thải y tế; trách nhiệm báo cáo đánh giá tác động môi trường của chủ các dự án liên quan đến xử lý chất thải y tế; quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường liên quan đến chất thải y tế; trách nhiệm pháp lý của các chủ thể thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến quản lý chất thải

Trang 40

y tế và trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong quản lý chất thải

y tế ở Việt Nam

2.1 Các quy định pháp luật cụ thể về trách nhiệm của chủ nguồn thải, chủ thu

gom, vận chuyển, chủ lưu giữ, xử lý trong quản lý chất thải y tế

2.1.1 Đối với chủ nguồn chất thải y tế

Chủ nguồn thải là các tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc điều hành cơ sở phát sinh chất thải theo quy định tại Khoản 19 Điều 3 Nghị định 38/2015/NĐ-CP của Chính Phủ ban hành ngày 24/4/2015 về quản lý chất thải và phế liệu

Chủ nguồn thải chất thải y tế chính là các cơ sở y tế bao gồm: cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở y tế dự phòng; cơ sở đào tạo và cơ sở nghiên cứu có thực hiện các xét nghiệm về y học theo quy định tại Khoản 7 Điều 3 Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên môi trường ban hành

ngày 31/12/2015 Quy định về quản lý chất thải y tế Các cơ sở y tế phải thực hiện

trách nhiệm của chủ nguồn thải theo quy định của pháp luật, bao gồm:

Thứ nhất, giảm thiểu chất thải y tế tại nguồn:

Biện pháp tốt nhất để hạn chế sự ảnh hưởng của chất thải y tế đến môi trường

là giảm thiểu ngay tại nguồn Giảm thiểu chất thải y tế là “các hoạt động làm hạn chế tối đa sự phát thải chất thải y tế” theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 Thông tư liên tịch

58/2015/TTLT-BYT-BTNMT của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên môi trường ban hành ngày 31/12/2015 Quy định về quản lý chất thải y tế

Trước đây tại Khoản 4 Điều 3 Quy chế quản lý chất thải y tế ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 30/11/2007 đã quy

định: “Giảm thiểu chất thải y tế là các hoạt động làm hạn chế tối đa sự phát thải chất thải y tế, bao gồm: giảm lượng chất thải y tế tại nguồn, sử dụng các sản phẩm có thể tái chế, tái sử dụng, quản lý tốt, kiểm soát chặt chẽ quá trình thực hành và phân loại chất thải chính xác” Hiện nay, khi Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-

BTNMT của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên môi trường ban hành ngày 31/12/2015 Quy định về quản lý chất thải y tế có hiệu lực thì các biện pháp giảm thiểu phát sinh chất thải y tế vẫn được coi trọng và có sự sắp xếp thứ tự ưu tiên để các cơ sở y tế có thể thực hiện hiệu quả việc giảm thiểu chất thải từ nguồn Các biện pháp được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên như sau:

- Lắp đặt, sử dụng các thiết bị, dụng cụ, thuốc, hóa chất và các nguyên vật liệu phù hợp, bảo đảm hạn chế phát sinh chất thải y tế

Ngày đăng: 19/03/2018, 17:17

Nguồn tham khảo

Tài liệu tham khảo Loại Chi tiết
1. Đỗ Thanh Bái (2007), Quản lý chất thải y tế - vấn đề đáng quan tâm, Tạp chí bảo vệ môi trường (9), Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Quản lý chất thải y tế - vấn đề đáng quan tâm
Tác giả: Đỗ Thanh Bái
Năm: 2007
2. Lê Huy Bá (chủ biên) (2006), Độc học môi trường, tập 2 phần chuyên đề, Nxb. Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh Sách, tạp chí
Tiêu đề: Độc học môi trường, tập 2 phần chuyên đề
Tác giả: Lê Huy Bá (chủ biên)
Nhà XB: Nxb. Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh
Năm: 2006
4. Bộ Tài nguyên và môi trường (2009), Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường
Tác giả: Bộ Tài nguyên và môi trường
Năm: 2009
8. Bộ Y tế (2015) - Cục quản lý môi trường y tế - Dự án hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện, Sổ tay hướng dẫn quản lý chất thải y tế trong bệnh viện (Ban hành kèm theo Quyết định số 105/QĐ-MT ngày 03/7/2014 của Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế), Nxb. Y học, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Sổ tay hướng dẫn quản lý chất thải y tế trong bệnh viện (Ban hành kèm theo Quyết định số 105/QĐ-MT ngày 03/7/2014 của Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế)
Nhà XB: Nxb. Y học
9. Bộ Y tế (2015) – Cục quản lý môi trường y tế - Dự án hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện, Chương trình và tài liệu đào tạo liên tục – Quản lý chất thải y tế cho cán bộ quản lý, Nxb. Y học, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Chương trình và tài liệu đào tạo liên tục – Quản lý chất thải y tế cho cán bộ quản lý
Nhà XB: Nxb. Y học
11. PGS.TS Nguyễn Thế Chinh (chủ biên) (2003), Giáo trình kinh tế và quản lý môi trường, Trường đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Giáo trình kinh tế và quản lý môi trường
Tác giả: PGS.TS Nguyễn Thế Chinh (chủ biên)
Năm: 2003
12. Cù Huy Đấu – Trường Đại học kiến trúc Hà Nội (2004), Thực tiễn quản lý chất thải rắn y tế ở Việt Nam – Tuyển tập các báo cáo khoa học hội nghị môi trường Việt Nam, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Thực tiễn quản lý chất thải rắn y tế ở Việt Nam – Tuyển tập các báo cáo khoa học hội nghị môi trường Việt Nam
Tác giả: Cù Huy Đấu – Trường Đại học kiến trúc Hà Nội
Năm: 2004
13. Nguyễn Văn Động (2002), Những vấn đề cơ bản của môn học lý luận Nhà nước và pháp luật, NXB Công an nhân dân, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Những vấn đề cơ bản của môn học lý luận Nhà nước và pháp luật
Tác giả: Nguyễn Văn Động
Nhà XB: NXB Công an nhân dân
Năm: 2002
14. Hội bảo vệ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam (2004), Việt Nam môi trường và cuộc sống, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Việt Nam môi trường và cuộc sống
Tác giả: Hội bảo vệ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam
Nhà XB: NXB Chính trị quốc gia
Năm: 2004
15. Healthcare Waste in Asia: Intuition & Insights (2008), Asian Institute of Technology, Printed in Thailand Sách, tạp chí
Tiêu đề: Healthcare Waste in Asia: Intuition & Insights (2008)
Tác giả: Healthcare Waste in Asia: Intuition & Insights
Năm: 2008
16. Kinh tế chất thải trong phát triển bền vững, Dự án kinh tế chất thải, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Kinh tế chất thải trong phát triển bền vững, Dự án kinh tế chất thải
Nhà XB: Nxb. Chính trị quốc gia
17. Nguyễn Đức Khiển (2003), Quản lý chất thải nguy hại, Nxb. Xây dựng, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Quản lý chất thải nguy hại, N
Tác giả: Nguyễn Đức Khiển
Năm: 2003
29. Ảnh hưởng của chất thải rắn y tế lên sức khỏe cộng đồng. Nguồn: http://hiendaihoa.com/cong-nghe-moi-truong/thuc-trang/anh-huong-cua-chat-thai-ran-y-te-len-suc-khoe-cong-dong.html, truy cập ngày 1/5/2016 Link
30. Không để chất thải y tế nguy hại lọt ra ngoài; Nguồn:http://www.giaoducsuckhoe.soctrang.gov.vn/index.php/tin-t-ng-h-p/1115-qu-n-ly-ch-t-th-i-y-t-sai-quy-trinh-gay-o-nhi-m-nghiem-tr-ng, truy cập ngày 2/5/2016 Link
32. Chất thải y tế nguy hại: Cần chấm dứt kiểu quản lý trên giấy tờ; Nguồn: http://vmpec.com.vn/42436-chat-thai-y-te-nguy-hai-can-cham-dut-kieu-quan-ly-tren-giay-to.html, truy cập ngày 2/5/2016 Link
33. Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quản lý chất thải y tế. Nguồn: http://nioeh.org.vn/ Default_Nioeh_P2.aspx?mnid=46&cid=d5de814c-2994-4e8b-a190-5788162732ce&id=35b26f6f-3c87-420d-b880-9d62441f00e4, truy cập ngày 4/5/2016 Link
36. Chất thải y tế và sự nguy hại; Nguồn: http://suckhoedoisong.vn/chat-thai-y-te-va-su-nguy-hai-n9402.html, truy cập ngày 10/5/2016 Link
37. Bệnh viện đa khoa Lê Ngọc Tùng bị phạt 1,4 tỷ đồng; Nguồn: http://quochoitv.vn/dan-sinh/2015/9/benh-vien-da-khoa-tu-nhan-le-ngoc-tung-bi-phat-1-4-ty-dong/81033, truy cập ngày 10/5/2016 Link
39. Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước đối mặt án phạt gần 1,8 tỷ đồng; Nguồn: http://moitruongvadoisong.vn/2016/02/02/benh-vien-da-khoa-binh-phuoc-doi-mat-phat-gan-18-ty%CC%89-dong/, truy cập ngày 11/5/2016 Link
44. Điểm mới về đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường trong luật bảo vệ môi trường năm 2014, Nguồn:http://laocai.gov.vn/sites/sotnmt/thongtinchuyenganh/moitruong/Trang/20150707164555.aspx, ngày truy cập: 18/5/2016 Link

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w