So sánh nội dung và nghệ thuật bộ phận ca dao về lời tỏ tình và lời thề nguyền trong mảng ca dao tình yêu đôi lứa giữa hai miền là để tìm những điểm khác nhau trong mối quan hệ ứng xử gi
Trang 1đại học quốc gia hà nội Trờng đại học khoa học xã hội & nhân văn
- -
HOÀNG THỊ THU
TèM HIỂU QUAN HỆ NAM NỮ VÀ TèNH YấU LỨA ĐễI
QUA CÁI NHèN SO SÁNH GIỮA CA DAO BẮC BỘ VÀ CA DAO NAM BỘ
LUẬN VĂN THẠC SĨ Chuyờn ngành: Văn học dõn gian
HÀ NỘI - 2012
Trang 2Trờng đại học khoa học xã hội & nhân văn
- -
HOÀNG THỊ THU
TèM HIỂU QUAN HỆ NAM NỮ VÀ TèNH YấU LỨA ĐễI
QUA CÁI NHèN SO SÁNH GIỮA CA DAO BẮC BỘ VÀ CA DAO NAM BỘ
LUẬN VĂN THẠC SĨ Chuyờn ngành: Văn học dõn gian
Mó số : 60.22.01.25
Người hướng dẫn khoa học: TS NGUYỄN VĂN THễNG
HÀ NỘI - 2012
Trang 3LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đề tài Tìm hiểu quan hệ nam nữ và tình yêu lứa đôi qua cái nhìn so sánh giữa ca dao Bắc Bộ và ca dao Nam Bộ và toàn bộ nội
dung luận văn không phải là sự sao chép bất cứ một công trình khoa học hay luận văn nào đã được công bố trong và ngoài nước Các tài liệu sử dụng tham
khảo đã được trích nguồn đầy đủ và chính xác
Hà Nội, tháng 4/ 2012 Người viết luận văn
Hoàng Thị Thu
Trang 4Hoàng Thị Thu
Trang 5MỤC LỤC
PHẦN MỞ ĐẦU 6
1 Lí do chọn đề tài 6
2 Lịch sử vấn đề nghiên cứu 7
3 Mục đích, đối tượng, phạm vi nghiên cứu 10
4 Phương pháp nghiên cứu 11
5 Cấu trúc luận văn 11
PHẦN NỘI DUNG 13
Chương 1:TỔNG QUAN VỀ CA DAO BẮC BỘ VÀ CA DAO NAM BỘ 13 1.1 Giới thuyết các khái niệm 13
1.1.1 Nhận diện ca dao dưới góc nhìn tương quan thể loại 13
1.1.2 Nội dung của ca dao chủ yếu là trữ tình 15
1.1.3 Khái niệm “lời tỏ tình” và “lời thề nguyền” 16
1.1.3.1 Khái niệm “lời tỏ tình” 16
1.1.3.2 Khái niệm “lời thề nguyền” 17
1.2 Xác định ranh giới “Bắc Bộ” và “Nam Bộ” 17
1.2.1 Theo thay đổi địa danh và địa giới hành chính 17
1.2.2 Theo phân vùng văn hóa 20
1.2.3 Theo phân vùng văn học dân gian 22
1.2.4 Theo phân vùng ca dao 24
1.3 Một số đặc điểm tự nhiên, lịch sử, kinh tế, xã hội, văn hóa của Bắc Bộ và Nam Bộ 26
1.3.1 Đặc điểm tự nhiên, lịch sử 26
1.3.2 Đặc điểm kinh tế, xã hội 27
1.3.3 Đặc điểm tín ngưỡng, phong tục, lễ hội 29
1.3.4 Đặc điểm văn hóa, nghệ thuật 31
Trang 6Chương 2: SO SÁNH NỘI DUNG LỜI TỎ TÌNH VÀ LỜI THỀ
NGUYỀN TRONG CA DAO BẮC BỘ VÀ NAM BỘ 34
2.1 Trình bày sự giống và khác nhau 34
2.1.1 Lời tỏ tình trong ca dao Bắc Bộ và Nam Bộ 36
2.1.1.1 Lời tỏ tình phản ánh hình ảnh thiên nhiên, môi trường lao động và khung cảnh ca hát của người bình dân 37
2.1.1.2 Lời tỏ tình phản ánh xã hội, đời sống vật chất và văn hóa của người bình dân 49
2.1.1.3 Lời tỏ tình thể hiện quan niệm tình yêu của người bình dân 55
2.1.1.4 Cách thức tỏ tình 58
2.1.2 Lời thề nguyền trong ca dao Bắc Bộ và Nam Bộ 66
2.1.2.1 Lời thề nguyền thể hiện truyền thống chung thủy của
người Việt 66
2.1.2.2 Cách thức thề nguyền 69
2.2 Giải thích nguyên nhân sự giống nhau và khác nhau 75
2.2.1 Do đặc trưng thể loại 75
2.2.2 Do điều kiện tự nhiên, lịch sử, xã hội 75
2.2.3 Do giao lưu và ảnh hưởng văn hóa 77
Chương 3: SO SÁNH NGHỆ THUẬT LỜI TỎ TÌNH VÀ LỜI THỀ NGUYỀN TRONG CA DAO BẮC BỘ VÀ NAM BỘ 79
3.1 Trình bày sự giống nhau và khác nhau 79
3.1.1 Về thể thơ 79
3.1.2 Về ngữ nghĩa (văn bản tạo hình và biểu hiện) 85
3.1.3 Nghệ thuật ngôn từ 86
3.1.3.1 Cách dùng phương ngữ 86
3.1.3.2 Cách dùng từ gốc Hán và điển tích, điển cố Hán 90
3.1.4 Việc sử dụng biểu tượng, hình ảnh 97
Trang 73.1.5 Việc dùng từ xưng gọi 101
3.1.6 Về thời gian và không gian nghệ thuật 104
3.2 Giải thích sự giống nhau và khác nhau 110
3.2.1 Do đặc trưng thể loại 110
3.2.2 Do điều kiện tự nhiên, lịch sử, xã hội 110
3.2.3 Do giao lưu và ảnh hưởng văn hóa 111
PHẦN KẾT LUẬN 114
TÀI LIỆU THAM KHẢO 117
Trang 8DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT
CDNB : Ca dao dân ca Nam Bộ
KTCD : Kho tàng ca dao người Việt
H : Hà nội LBBT : Lục bát biến thể Nxb : Nhà xuất bản
TS : Tiến sĩ
tr : Trang VHDG : Văn học dân gian
Trang 9
DANH MỤC CÁC BẢNG BIỂU
1.1: Bản đồ phân vùng ca dao Việt Nam [43, tr 26] 25
2.1: Bảng phân loại ca dao theo chủ đề trong Kho tàng ca dao người Việt [41, tr 48].34 2.2: Bảng phân loại ca dao tình yêu lứa đôi trong Kho tàng ca dao người Việt
và Ca dao dân ca Nam Bộ (theo nội dung lời ca dao) 35 2.3: Bảng phân loại lời tỏ tình trong Kho tàng ca dao người Việt và Ca dao dân ca Nam Bộ (theo chủ thể trữ tình) 36 2.4: Bảng phân loại lời thề nguyền trong Kho tàng ca dao người Việt và Ca dao dân ca Nam Bộ (theo chủ thể trữ tình) 67 3.1: Bảng phân loại thể thơ trong Hát ví đồng bằng Hà Bắc và Ca dao dân ca Nam Bộ 80
Trang 10PHẦN MỞ ĐẦU
1 Lí do chọn đề tài
Ca dao là một thể loại quan trọng của văn học dân gian; là phương tiện chủ yếu phản ánh tâm tư, tình cảm của con người trong các mối quan hệ Mảng ca dao về tình yêu lứa đôi chiếm một tỷ lệ đáng kể trong kho tàng ca dao cổ truyền của người Việt Trên thế giới nói chung, ở Việt Nam nói riêng
có hàng triệu đôi trai gái yêu nhau trước khi thành vợ nên chồng, lời tỏ tình và lời thề nguyền không những biểu hiện mức độ của tình yêu mà còn mang sắc thái vùng miền rõ nét
Nam Bộ và Bắc Bộ là hai vùng đất rộng lớn và quan trọng ở hai đầu đất nước, “là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam” (lời Hồ Chủ tịch) Do vậy, giữa hai miền đất này, lời tỏ tình và lời thề nguyền bên cạnh nhiều điểm tương đồng còn có những nét khác biệt So sánh nội dung và nghệ thuật bộ phận ca dao về lời tỏ tình và lời thề nguyền trong mảng ca dao tình yêu đôi lứa giữa hai miền là để tìm những điểm khác nhau trong mối quan hệ ứng xử giữa con người với con người, như là sự tất yếu xuất phát từ bản sắc văn hóa của từng miền; còn sự tương đồng vừa là bản chất chung trong quá trình sáng tạo folklore của nhân dân mỗi miền, vừa do điều kiện lịch sử, địa lý
tự nhiên và quan hệ giao lưu văn hóa mang lại
Từ trước đến nay, ở Việt Nam, đã có nhiều tác giả, công trình, bài viết giới thiệu, nghiên cứu ca dao với một đội ngũ khá hùng hậu và đạt được kết quả đáng khích lệ Nhưng, cho đến nay, chưa có tác giả, công trình nghiên
cứu nào chuyên sâu tìm hiểu, so sánh ca dao về quan hệ nam nữ và tình yêu lứa đôi giữa ca dao Bắc Bộ và ca dao Nam Bộ
Trong khuôn khổ của luận văn, do thời gian có hạn, để tìm hiểu quan hệ nam
nữ và tình yêu lứa đôi trong ca dao, chúng tôi xin được quan tâm tới phạm vi nhỏ hơn Khi giới hạn phạm vi nghiên cứu, nội dung đã được Hội đồng bảo vệ đề cương
Trang 11luận văn tháng 4/2011 thông qua, tái khẳng định điều đó là cần thiết và quan trọng Những lời tỏ tình và lời thề nguyền chiếm số lượng lớn, nội dung phong phú, tiêu
biểu cho mảng ca dao tình yêu lứa đôi, “qua điểm để thấy diện” Vì vậy, đề tài Tìm hiểu lời tỏ tình và lời thề nguyền trong bộ phận ca dao tình yêu lứa đôi qua cái nhìn so sánh giữa ca dao Bắc Bộ và ca dao Nam Bộ được coi là đề tài mới, là
đóng góp của tác giả luận văn
2 Lịch sử vấn đề nghiên cứu
Sưu tầm, nghiên cứu về mảng ca dao cổ truyền người Việt về tình yêu lứa đôi vốn đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ
Cuốn Kho tàng ca dao người Việt do Nguyễn Xuân Kính và Phan Đăng
Nhật đồng chủ biên (tái bản năm 2001) [34] là công trình dày dặn và chuyên sâu (đã tổng hợp những lời ca dao của người Việt trên cả ba miền) Trong sách này, khối lượng tư liệu tương đương với số liệu về dân ca, ca dao của 40 cuốn sách (gồm
49 tập) đã được biên soạn từ cuối thế kỷ XVIII đến năm 1975 Tất cả có 12.487 đơn
vị Những lời ca dao thuộc chủ đề tình yêu lứa đôi còn được tập hợp riêng trong
cuốn Ca dao tình yêu lứa đôi (2 quyển) trong Tổng tập văn học dân gian người Việt, tập 16 [58] Số lời ca dao trong cuốn này được sưu tầm, biên soạn từ ca dao
tình yêu lứa đôi của 43 cuốn sách (gồm 53 tập)
Mảng ca dao Bắc Bộ chủ yếu được tập hợp thành những tập ca dao
riêng tẻ, quen thuộc của các địa phương miền Bắc như Ca dao tục ngữ Nam
Hà [13], Ca dao ngạn ngữ Hà Nội [17], Văn học dân gian Thái Bình [16]…
Chưa thực sự có công trình nào sưu tầm, biên soạn ca dao Bắc Bộ một cách
có hệ thống, đầy đủ và đồ sộ như hai cuốn trên Các soạn giả đều sắp xếp, phân loại ca dao của địa phương theo chủ đề, trong đó bộ phận ca dao tình yêu lứa đôi chiếm số lượng lớn Ngoài ra, một số công trình nghiên cứu về ca
dao Bắc Bộ, có sử dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành như: Thế ứng xử
xã hội cổ truyền của người Việt châu thổ Bắc Bộ thể hiện qua ca dao tục ngữ
Trang 12của Trần Thúy Anh [2]; Thiên nhiên thực vật ruộng vườn trong ca dao, dân
ca Bắc Bộ [75], Thiên nhiên sông nước trong ca dao dân ca Bắc Bộ [76], Thế giới biểu đạt của hiện tượng tự nhiên, thời tiết trong ca dao dân ca đồng bằng Bắc Bộ [77], Thiên nhiên trong ca dao trữ tình đồng bằng Bắc Bộ [79] của
Đặng Thị Diệu Trang…
Riêng mảng ca dao Nam Bộ, có thể coi cuốn Ca dao dân ca Nam Bộ
của các tác giả Bảo Định Giang, Nguyễn Tấn Phát, Trần Tấn Vĩnh, Bùi Mạnh Nhị [22] là công trình đầy đủ và hệ thống về ca dao, dân ca Nam Bộ Ngoài phần sưu tầm, biên soạn sắp xếp theo chủ đề, các tác giả nói trên còn có những nhận định sắc sảo về nội dung và nghệ thuật; những đánh giá chính xác
về vùng đất Nam Bộ cũng như tính vùng miền của ca dao, dân ca nơi đây
Theo Nguyễn Tấn Phát, mối quan hệ giữa ca dao Nam Bộ và ca dao cả nước
là mối quan hệ giữa tính thống nhất chung với tính địa phương (vùng, miền),
là mối quan hệ biện chứng tác động không ngừng và bồi bổ cho nhau Với mối quan hệ đó, việc tìm ra nét chung và nét riêng của ca dao Nam Bộ có ý nghĩa quan trọng, tích cực, làm giàu thêm nhận thức về ca dao, dân ca, khẳng định tính thống nhất bao trùm của nền văn hóa chung của dân tộc, đồng thời chỉ ra sự đóng góp riêng của mỗi địa phương vào kho tàng chung ấy Về mặt thể loại, chúng ta có thể phác thảo sự vận động của các thể loại văn học dân gian Việt Nam, quy luật nảy sinh và phát triển của chúng Cả Nguyễn Tấn Phát và Bảo Định Giang, trong quá trình đi tìm những sắc thái riêng của ca dao Nam Bộ, đều sử dụng phương pháp so sánh giữa ca dao ba miền trên một
số phương diện Ở chủ đề tình yêu nam nữ, sắc thái địa phương của ca dao, dân ca Nam Bộ được đặt trong cái nhìn so sánh với ca dao tình yêu lứa đôi vùng miền khác: “Cũng là tình yêu, cũng là quan hệ luyến ái, nhưng cái yêu, cái thương của các chàng trai, cô gái đồng bằng Bắc Bộ như có sự can thiệp sâu hơn của lý trí, của những chuẩn mực đạo đức có tính chất quy phạm
Trang 13chung”; “Khác với ca dao, dân ca các miền khác, ca dao, dân ca Nam Bộ thể hiện niềm thương nỗi nhớ, thể hiện tình yêu một cách bộc trực, tự nhiên hơn Phải chăng đã có một phần kỷ cương phong kiến bị phá bỏ”; “Cách biểu hiện tình cảm của miền Nam không bóng bẩy tế nhị như trong miền Bắc” [22, tr 44-47] Mặc dù mới chỉ là khơi gợi bước đầu nhưng vấn đề sắc thái địa phương trong ca dao tình yêu lứa đôi đã được bàn luận tới
Bên cạnh đó, nhiều nhà nghiên cứu đã có bài viết, công trình về các
phương diện nội dung, nghệ thuật của ca dao Nam Bộ như Từ gốc Hán, điển tích Hán trong ca dao người Việt ở Nam Bộ [8], Tìm hiểu đặc trưng ngôn ngữ của ca dao sưu tầm ở Nam Bộ [9] của Nguyễn Phương Châm, Phương ngữ Nam Bộ trong ca dao tình yêu [15] của Trần Phỏng Diều, Ý nghĩa biểu trưng của hình tượng thiên nhiên trong ca dao Nam Bộ [49], Ý nghĩa biểu trưng của
từ chỉ địa danh trong ca dao Nam Bộ [50], Xu hướng lựa chọn cái biểu đạt trong
sự hình thành các biểu trưng nghệ thuật của ca dao Nam Bộ [52], Điển tích trong ca dao Nam Bộ: tiếp nhận và cách tân [53] của Trần Văn Nam, Một số đặc điểm ngôn ngữ của ca dao, dân ca Nam Bộ [56] của Bùi Mạnh Nhị v.v…
So sánh và tìm hiểu sắc thái riêng của ca dao các vùng, miền không
phải là vấn đề mới Nguyễn Phương Châm đã có bài nghiên cứu Sự khác nhau giữa ca dao người Việt ở xứ Nghệ và xứ Bắc trên tạp chí Văn hóa dân gian năm 1997 [7] Theo ông, chủ đề tình yêu nam nữ là chủ đề quán xuyến hầu
như toàn bộ ca dao xứ Bắc và xứ Nghệ Tuy nhiên, cách thể hiện tình yêu trong lời ca dao hai vùng này rất khác nhau: trong khi ca dao tình yêu xứ Bắc mượt mà, êm dịu, giãi bày qua hình ảnh xa xôi thì ca dao tình yêu xứ Nghệ bộc trực, thẳng thắn và quyết liệt hơn
Luận án Tính thống nhất và sắc thái riêng trong ca dao người Việt ở ba miền Bắc, Trung, Nam [43] của Trần Thị Kim Liên là công trình đầy đủ so
sánh ca dao ba miền trên phương diện nội dung và nghệ thuật; biểu hiện rõ
Trang 14nhất qua các chủ đề: chủ đề yêu nước, chủ đề quan hệ tình cảm gia đình, dòng
họ, chủ đề tình yêu lứa đôi Ca dao về tình yêu lứa đôi chiếm tỉ lệ nhiều nhất
trong Kho tàng ca dao người Việt (chiếm 53%) Cách thể hiện tình yêu trong
ca dao Bắc Bộ và Nam Bộ cũng mang sắc thái riêng: “Ca dao tình yêu Bắc Bộ thường mượt mà êm dịu, cách tỏ tình bóng gió, xa xôi, tế nhị… Ca dao Nam
Bộ biểu hiện hai trạng thái hoặc nhỏ nhẹ, dịu dàng dễ thương hoặc là quyết liệt mạnh mẽ, tếu táo vui nhộn” [43, tr 120]
3 Mục đích, đối tượng, phạm vi nghiên cứu
Bộ và Nam Bộ, nhất là của nam nữ thanh niên trong tình yêu đôi lứa, khẳng định nét thống nhất và sắc thái riêng của từng miền
- Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu là những lời tỏ tình và lời thề nguyền trong ca dao tình yêu lứa đôi của người Việt ở Bắc Bộ và Nam Bộ
- Phạm vi nghiên cứu
Với đề tài Tìm hiểu quan hệ nam nữ và tình yêu lứa đôi qua cái nhìn
so sánh giữa ca dao Bắc Bộ và ca dao Nam Bộ, phạm vi nghiên cứu rất rộng tương ứng với đối tượng là những lời ca dao về quan hệ nam nữ và tình yêu
lứa đôi của người Việt ở Bắc Bộ và Nam Bộ Trong khuôn khổ của luận văn thạc sĩ, chúng tôi xin quan tâm tới phạm vi hẹp hơn nhưng mang đặc điểm
Trang 15tiêu biểu trong bộ phận ca dao tình yêu lứa đôi để so sánh giữa ca dao Bắc
Bộ và ca dao Nam Bộ, đó là những lời tỏ tình và lời thề nguyền
Như chúng ta đã biết, nội dung và hình thức lời tỏ tình và lời thề nguyền trong ca dao về tình yêu lứa đôi ở Bắc Bộ và Nam Bộ đa dạng sắc thái
và cũng rất rộng Do vậy, chúng tôi không tìm hiểu, so sánh chúng theo
“diện” mà theo “điểm ” ở một số nội dung cơ bản và hình thức chủ yếu Thuật ngữ “Ca dao Bắc Bộ” và “Ca dao Nam Bộ” mà chúng tôi đề cập đến trong luận văn đồng nghĩa với ca dao cổ truyền của người Việt ở Bắc Bộ
và Nam Bộ
Phạm vi tư liệu khảo sát trong luận văn chủ yếu:
Cuốn Kho tàng ca dao người Việt, (2 tập) do Nguyễn Xuân Kính và Phan Đăng Nhật đồng chủ biên [34]
Cuốn Ca dao tình yêu lứa đôi (Tập 16, Quyển thượng, Quyển hạ) trong Tổng tập văn học dân gian người Việt, chủ tịch Hội đồng
biên tập Nguyễn Xuân Kính [58]
Cuốn Ca dao dân ca Nam Bộ do Bảo Định Giang, Nguyễn Tấn Phát,
Trần Tấn Vĩnh, Bùi Mạnh Nhị biên soạn [22]
4 Phương pháp nghiên cứu
Ngoài việc tiếp thu thành tựu của các nhà nghiên cứu Việt Nam đi trước, chúng tôi không chỉ sử dụng phương pháp tổng hợp, phân tích, mô tả
và thống kê mà còn tiếp cận những tri thức đa ngành, liên ngành từ văn học dân gian đến kiến thức về địa lý, lịch sử và văn hóa
5 Cấu trúc luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, phần nội dung của luận văn chia làm 3 chương:
Chương 1: Tổng quan về ca dao Bắc Bộ và ca dao Nam Bộ
Trang 16Chương 2: So sánh nội dung lời tỏ tình và lời thề nguyền trong ca dao Bắc Bộ
và Nam Bộ
Chương 3: So sánh nghệ thuật lời tỏ tình và lời thề nguyền trong ca dao Bắc
Bộ và Nam Bộ
Trang 17PHẦN NỘI DUNG Chương 1 TỔNG QUAN VỀ CA DAO BẮC BỘ VÀ CA DAO NAM BỘ
1.1 Giới thuyết các khái niệm
1.1.1 Nhận diện ca dao dưới góc nhìn tương quan thể loại
Thuật ngữ “ca dao” không còn xa lạ đối với giới nghiên cứu văn học
dân gian Việt Nam Từ trước đến nay, có không ít quan niệm khác nhau của các nhà nghiên cứu tùy theo góc nhìn của mỗi tác giả
Thực tế, người bình dân không sử dụng những tên gọi mang tính khái quát cao để chỉ các hiện tượng và hoạt động ca hát Chỉ đến khi các nhà nho sưu tầm, biên soạn những câu hát dân gian thành những sách Hán Nôm vào
cuối thế kỉ XVIII đến đầu thế kỉ XX, thì tên gọi “phong dao”, “ca dao” mới
chính thức ra đời
Đến đầu thế kỉ XX, các từ “phong dao”, “ca dao” tiếp tục xuất hiện trong các sách, báo chữ quốc ngữ Tên gọi “phong dao” xuất hiện lần đầu bằng chữ quốc ngữ năm 1928 trong cuốn Tục ngữ phong dao do Nguyễn Văn Ngọc biên soạn, Nxb Vĩnh Hưng Long Từ “ca dao” xuất hiện lần đầu bằng chữ quốc ngữ năm 1931 với bài Ca dao cổ trên tạp chí Nam phong số 167, dẫn theo [37, tr 76] So với thuật ngữ “ca dao”, thuật ngữ “dân ca” xuất
hiện muộn hơn Phải đến những năm 50 của thế kỷ XX, thuật ngữ này mới
chính thức được sử dụng trong cuốn sách Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam do
Vũ Ngọc Phan biên soạn (in lần đầu năm 1956) [60]
So với “ca dao”, phạm vi phản ánh của “phong dao” nhỏ hẹp hơn,
nó phản ánh phong tục của mỗi địa phương, mỗi thời đại Dần dần tên gọi
“ca dao” được sử dụng thay thế cho “phong dao”
“Ca dao” và “dân ca” có mối quan hệ đặc biệt Nhìn chung, trong nghiên cứu văn học dân gian, thuật ngữ “ca dao” và “dân ca” được hiểu
theo các nghĩa sau đây:
Trang 181) Ca dao đồng nghĩa với dân ca (về nghĩa rộng), ca dao được dùng để chỉ chung toàn bộ những bài hát được lưu hành phổ biến trong dân gian có hoặc không có khúc điệu
2) Ca dao là danh từ chỉ thành phần ngôn từ (phần lời ca) của dân ca (không kể những tiếng đệm, tiếng láy, tiếng đưa hơi) Dân ca bao gồm phần lời (câu hoặc bài), phần giai điệu (giọng hoặc làn điệu), phương thức diễn xướng và khung cảnh ca hát
3) Ca dao là thuật ngữ để chỉ thể thơ dân gian được phổ biến rộng rãi, lưu truyền qua nhiều thế hệ, mang những đặc điểm nhất định và bền vững về phong cách Như vậy, không phải toàn bộ những câu hát của một loại dân ca nào đó được tước bớt tiếng đệm, tiếng láy, tiếng đưa hơi… thì đều là ca dao
Trang 19Thuật ngữ “ca dao” được hiểu theo nghĩa thứ nhất và nghĩa thứ hai theo Từ điển thuật ngữ văn học do Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc
Phi chủ biên, tr 22-23, dẫn theo [34, tr 11]
Cách hiểu thứ ba theo Nguyễn Xuân Kính trong Thi pháp ca dao Theo
nhà nghiên cứu này, khi trở thành một thể thơ dân gian, người ta có thể thưởng thức ca dao cổ truyền như văn học viết (đọc, ngâm, xem bằng mắt) Đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra khuynh hướng này là các nhà nho [37, tr 79]
Vũ Ngọc Phan đồng tình với cách hiểu thứ ba khi cho rằng “ca dao” là
một loại thơ dân gian có thể ngâm được như các loại thơ khác và có thể xây
dựng thành các điệu “dân ca” “Dân ca” là những bài hát có nhạc điệu nhất
định, nó ngả về nhạc nhiều hơn về mặt hình thức Cũng theo ông, hầu hết các loại dân ca đều được xây dựng trên cơ sở những câu ca dao, tục ngữ sẵn có,
tùy theo từng loại dân ca, người ta thêm vào những tiếng đệm, lót như tình bằng, tang tình, ấy mấy, v.v… tiếng đệm nghĩa như ấy ai, em nhớ, v.v… những tiếng đưa hơi như ì, ì, i ới a, hì hi v.v… Chính đặc điểm của những
tiếng đệm ấy cấu tạo nên những giai điệu riêng biệt của từng loại dân ca [60,
tr 30-31]
Việc nghiên cứu riêng về ca dao như một loại thơ dân gian với tính độc lập tương đối của nó là hợp lí và cần thiết Trong luận văn này, chúng tôi hiểu
ca dao theo nghĩa thứ hai và nghĩa thứ ba
1.1.2 Nội dung của ca dao chủ yếu là trữ tình
Nguyễn Xuân Kính cho rằng: “Dân ca, ca dao là sản phẩm văn hóa tinh thần của người lao động xưa Và như vậy, dân ca, ca dao sẽ phản ánh toàn bộ đời sống tâm tư, tình cảm và sinh hoạt của nhân dân lao động trước đây với cả hai mặt tích cực và tiêu cực, trong đó mặt tích cực là chủ yếu” [34, tr 13]
Trang 20Theo Vũ Ngọc Phan, nội dung của ca dao chủ yếu là trữ tình Trong ca dao Việt Nam, những lời về tình yêu nam nữ là nhiều hơn cả Có thể nói, ca dao đã ghi lại tất cả các chặng đường của tình yêu, các khía cạnh của tình yêu, các trạng thái tình cảm của nam nữ thanh niên [60, tr 39-41]
Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên cũng nhấn mạnh nội dung chính của
ca dao là tiếng hát trữ tình của con người, chứa đựng nhiều nét tiêu biểu của
tâm hồn và tính cách dân tộc Ca dao về tình yêu nam nữ là bộ phận phong phú nhất Tính chất phong phú của ca dao về tình yêu nam nữ trước hết thể hiện ở số lượng lời ca Nó còn thể hiện ở nội dung phản ánh phong phú mọi biểu hiện của tình yêu trong tất cả những chặng đường: giai đoạn gặp gỡ ướm hỏi nhau, giai đoạn gắn bó trao đổi những lời thề nguyền tặng vật cho nhau, giai đoạn hạnh phúc với những niềm ước mơ, những nỗi nhớ nhung, hoặc sự thất bại đau khổ với những lời than thở, oán trách… [31]
Để thể hiện được nội dung trữ tình đó, ca dao trước hết “phản ánh lịch
sử – xã hội” của người lao động, về mặt này, có thể coi ca dao dân ca Việt Nam là một kho tài liệu phong phú về phong tục tập quán ở nông thôn ngày xưa [31, tr 314]
Như vậy, bên cạnh việc phản ánh nội dung hiện thực xã hội thì chủ yếu
ca dao phản ánh tâm tư, tình cảm của người bình dân trong xã hội cổ truyền, qua đó thể hiện nét đẹp trong tâm hồn, tính cách và quan niệm sống của họ
1.1.3 Khái niệm “lời tỏ tình” và “lời thề nguyền”
1.1.3.1 Khái niệm “lời tỏ tình”
Theo Nguyễn Xuân Kính, mỗi lời ca dao là một cơ cấu tương đối trọn vẹn về nội dung, về hình thức nghệ thuật Nội dung của lời diễn đạt một tình cảm, thông báo một vấn đề, một điều cụ thể Hình thức của lời chính là từ
ngữ, nhịp điệu, vần thơ… [37, tr 82]
Trang 21Từ điển Tiếng Việt (Hoàng phê chủ biên) nêu khái niệm “tỏ tình” là
“bộc lộ, giãi bày cho người khác biết rõ” (về tình yêu của mình) [61, tr 1001] Ca dao tỏ tình (lời tỏ tình trong ca dao) là những lời ca dao có nội dung nhằm bày tỏ, bộc lộ tình yêu của chủ thể trữ tình đến đối tượng
1.1.3.2 Khái niệm “lời thề nguyền”
Từ điển Tiếng Việt (Hoàng phê chủ biên) nêu khái niệm “thề nguyền”
là “Thề để nói lên lời nguyện với nhau (nói khái quát)” [61, tr 932] Ca dao thề nguyền (lời thề nguyền trong ca dao) là những lời ca dao có nội dung phản ánh lời thề (thủy chung, gắn bó) của những người đang yêu và nguyện (tự nhủ, tự cam kết) sẽ thực hiện đúng như lời thề đó
Như đã trình bày ở trên, ca dao phản ánh những biểu hiện phong phú trong các chặng đường tình yêu của nam nữ thanh niên với cả hai mặt tích cực
và tiêu cực, mặt tích cực là chủ yếu Mảng ca dao tình yêu đau khổ tuy chiếm
số lượng không nhỏ, nhưng tính cách con người Việt Nam luôn hướng đến sự lạc quan, sự chung thủy, niềm tin tưởng, tinh thần vượt lên hoàn cảnh Yêu thương, chung thủy vốn là truyền thống của người Việt Tỏ tình và thề nguyền chính là sự thăng hoa cảm xúc trong tình yêu, nó thể hiện sự rung động, đồng điệu tâm hồn, mong ước gắn bó trọn đời, thủy chung như nhất Luận văn nhấn mạnh đến tính tích cực trong nội dung ca dao tỏ tình và thề nguyền mà không nghiên cứu những lời bội tín, vong thề (khi kiểm chứng, thực hiện lời thề đó) 1.2 Xác định ranh giới “Bắc Bộ” và “Nam Bộ”
1.2.1 Theo thay đổi địa danh và địa giới hành chính
Cách gọi Bắc Kỳ và Nam Kỳ theo khu vực địa lý – hành chính đã có từ thời Nguyễn; cách gọi đầy đủ cả ba miền Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ có từ thời thuộc Pháp, ranh giới Bắc Kỳ của hai thời kỳ khá tương đồng; ranh giới Nam Kỳ thuộc Pháp rất khác so với thời Minh Mệnh, số tỉnh thời thuộc Pháp nhiều hơn
Trang 22Dưới triều Nguyễn, về mặt tổ chức, các cấp hành chính có sự khác nhau giữa 2 thời kỳ trước và sau cải cách hành chính năm 1831-1832 Trước năm
1831, có các cấp hànhchính như sau:
1 Triều đình trung ương đặt ở Huế
2 Dưới triều đình, ở phía Bắc có Bắc Thành, ở phía Nam có Gia Định Thành
3 Dưới nữa là trấn hoặc dinh
Cuộc cải cách hành chính 1831-1832 dưới triều Minh Mệnh đã bãi bỏ Bắc Thành và Gia Định Thành, đối trấn làm tỉnh, chia cả nước thành 31 đơn
vị hành chính trực thuộc triều đình trung ương Lấy kinh đô làm trung tâm; năm Minh Mệnh thứ 16 (1835) chia đặt như sau: Quảng Nam, Quảng Ngãi thuộc Nam Trực; Quảng Trị, Quảng Bình thuộc Bắc Trực; Bình Định, Bình Thuận thuộc Tả Kỳ; Nghệ An, Thanh Hóa thuộc Hữu Kỳ; Gia Định, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên thuộc Nam Kỳ; Hà Nội, Nam Định, Sơn Tây, Bắc Ninh, Hải Dương thuộc Bắc Kỳ
Đến thời kỳ thuộc Pháp, lãnh thổ Việt Nam được chia làm 3 khu vực riêng biệt, từ địa giới phía nam tỉnh Bình Thuận trở vào gọi là Nam Kỳ, từ địa giới phía nam Bình Thuận trở ra tới địa giới phía nam tỉnh Ninh Bình gọi
là Trung Kỳ, từ địa giới phía nam tỉnh Ninh Bình trở ra tới biên giới Việt Trung gọi là Tankin (tức Bắc Kỳ) Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp, Bắc Kỳ và Trung Kỳ hợp lại gọi là Vương quốc An Nam đặt dưới chế độ bảo hộ của Pháp
Cách gọi Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ xuất hiện đầu tiên vào năm 1946 trong Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tồn tại đến năm
1959 Cụ thể, về phương diện hành chính, nước Việt Nam gồm có 3 bộ: Bắc, Trung, Nam Mỗi bộ chia thành nhiều tỉnh, mỗi tỉnh chia thành nhiều huyện, mỗi huyện chia thành nhiều xã Chính quyền địa phương gồm 4 cấp: xã, huyện, tỉnh, bộ (trước gọi là kỳ)
Trang 23Ở Bắc Bộ, ngoài Thành phố Hà Nội và Thành phố Hải Phòng còn có
27 tỉnh, đó là các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Cao Bằng, Hà Đông,
Hà Giang, Hà Nam, Hải Dương, Hải Ninh, Hòa Bình, Hưng Yên, Kiến An, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Nam Định, Ninh Bình, Phú Thọ, Phúc Yên, Quảng Yên, Sơn La, Sơn Tây, Thái Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Yên, Yên Bái
Khu vực Trung Bộ gồm có các tỉnh: Bình Định, Bình Thuận, Thành phố Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đồng Nai Thượng, Hà Tĩnh, Huế, Khánh Hòa, Kon Tum, Lâm Viên, Nghệ An, Phan Rang (Ninh Thuận), Phú Yên, Pleiku, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thanh Hóa, Thừa Thiên, Vinh – Bến Thủy
Ngoài Thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn, Nam Bộ còn bao gồm 20 tỉnh
Đó là các tỉnh Bạc Liêu, Bà Rịa, Bến Tre, Biên Hòa, Cần Thơ, Châu Đốc, Chợ Lớn, Gia Định, Gò Công, Hà Tiên, Long Xuyên, Mỹ Tho, Rạch Giá, Sa Đéc, Sóc Trăng, Tân An, Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Trà Vinh, Vĩnh Long
Theo Hiến pháp năm 1959, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phân cấp khu vực hành chính: Nước được chia thành các tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc Trung ương Thời kỳ này, cấp bộ không còn nhưng xuất hiện các khu tự trị
Sau khi thống nhất cả nước, tháng 12 năm 1975, Quốc hội Nước Việt Nam khóa V ra nghị quyết bãi bỏ cấp Khu, nhiều tỉnh nhỏ được sáp nhập lại thành tỉnh rộng lớn hơn
Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam có 58 tỉnh và 5 thành phố trực thuộc Trung ương Ngày 29 tháng 5 năm 2008, Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan, trong đó hợp nhất toàn bộ
Trang 24tỉnh Hà Tây, chuyển toàn bộ huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình về thành phố Hà Nội
Các đơn vị hành chính (tỉnh) được sắp xếp theo vùng lãnh thổ gần với
ranh giới Bắc Bộ và Nam Bộ như sau: Vùng Đồng bằng sông Hồng, bao gồm
Thành phố Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Tây (cũ), Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình Miền
Đông Nam Bộ, ngoài Thành phố Hồ Chí Minh, còn có các tỉnh Ninh Thuận,
Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng
Tàu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm có các tỉnh Long An, Đồng
Tháp, An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Kiên Giang, Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau [4]
Như vậy, về mặt địa giới hành chính, Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ là những tên gọi ra đời sau, chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, ranh giới tương đồng với các tên gọi Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ hoặc các từ “miền Bắc”,
“miền Trung”, “miền Nam”
1.2.2 Theo phân vùng văn hóa
Với quan niệm văn – sử – triết bất phân, các nhà văn, nhà sử học, nhà văn hóa thời phong kiến đã có những ghi chép về các vùng đất, tính cách con
người và thổ sản từng vùng như Dư địa chí của Nguyễn Trãi, Ô châu cận lục của Dương Văn An, Phủ biên tạp lục của Phan Huy Chú, Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức Tuy nhiên, việc phân vùng văn hóa vẫn là
khái niệm mới mẻ Các nhà văn hóa hiện đại đều xác định hệ thống tiêu chí phân
vùng như Hoàng Vinh trong Sự phân vùng văn hóa Việt Nam, Ngô Đức Thịnh trong Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa Việt Nam, Bản sắc văn hóa vùng ở Việt Nam, Đinh Gia Khánh, Cù Huy Cận trong Các vùng văn hóa Việt Nam
Trong Sự phân vùng văn hóa Việt Nam [84], khi phân vùng văn hóa,
Hoàng Vinh dựa vào các tiêu chí: về nguồn gốc lịch sử giữa các cư dân sinh
Trang 25sống trong vùng, về trình độ phát triển kinh tế – xã hội và quan hệ giao lưu, ảnh hưởng văn hóa giữa các tộc người, các bộ phận dân cư trong và ngoài vùng văn hóa Ông đồng tình với ý kiến “làng” là đơn vị trung tâm, làng là cộng đồng văn hóa tương đối độc lập và ổn định
Ngô Đức Thịnh lại phân vùng văn hóa Việt Nam với 2 cấp độ: vùng và tiểu vùng Tác giả cũng dựa trên các tiêu chí và đưa ra khái niệm vùng văn hóa: “Vùng văn hóa là một vùng lãnh thổ có những tương đồng về hoàn cảnh
tự nhiên, dân cư sinh sống ở đó từ lâu đã có những mối quan hệ nguồn gốc và lịch sử, có những tương đồng về trình độ phát triển kinh tế – xã hội, giữa họ
đã diễn ra những nơi giao lưu, ảnh hưởng văn hóa qua lại, nên trong vùng đã hình thành những đặc trưng chung, thể hiện trong sinh hoạt văn hóa vật chất
và văn hóa tinh thần của cư dân, có thể phân biệt với các vùng văn hóa khác” [73, tr 99] Tuy nhiên, ông cho rằng “dân tộc” và “làng” không thể được coi
là đơn vị phân vùng văn hóa hay thể loại văn hóa “Làng trước hết là điểm dân cư, là cơ cấu xã hội, là tế bào văn hóa bền vững của tộc người nên về bản chất và quy luật hình thành của nó khác với vùng văn hóa” [73, tr 26]
Về cơ bản, các nhà nghiên cứu văn hóa đã chia nước ta thành 7 vùng văn hóa:
1) Vùng văn hóa châu thổ Bắc Bộ (Vĩnh Phúc đến Ninh Bình)
2) Vùng văn hóa Việt Bắc (các tỉnh miền núi phía Bắc thuộc tả ngạn sông Hồng)
3) Vùng văn hóa Tây Bắc và miền Bắc Trung Bộ (các tỉnh miền núi hữu ngạn sông Hồng và các huyện miền núi Thanh, Nghệ, Tĩnh)
4) Vùng văn hóa đồng bằng duyên hải Bắc Trung Bộ (từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên)
5) Vùng văn hóa duyên hải miền Trung (từ Quảng Nam đến Bình Thuận) 6) Vùng văn hóa Trường Sơn – Tây Nguyên
Trang 267) Vùng văn hóa Nam Bộ, bao gồm 2 vùng văn hóa: Đồng Nai – Gia Định (Đông Nam Bộ) và vùng văn hóa đồng bằng sông Cửu Long (Tây Nam Bộ)
1.2.3 Theo phân vùng văn học dân gian
Theo Ngô Đức Thịnh, “làng” không phải là đơn vị phân vùng văn hóa
nên ông căn cứ vào các thể loại văn hóa để phân vùng Các vùng thể loại văn hóa gồm vùng truyền thuyết – nghi lễ, vùng dân ca, âm nhạc, vùng tín
ngưỡng, nghi lễ và lễ hội Các thể loại văn hóa này rất gần với các thể loại văn học dân gian [73]
Trong bài viết Vấn đề phân vùng văn học dân gian và ý nghĩa phương pháp luận của nó trên tạp chí Dân tộc học số 2 năm 1978 [82], Hoàng Tiến
Tựu nhấn mạnh đến tính cấp thiết cần phân vùng văn học dân gian, bởi theo ông, “đơn vị hành chính (huyện, tỉnh…) không phải khi nào cũng trùng khớp với đơn vị vùng văn học dân gian” [82, tr 3] Bên cạnh phương pháp phân kỳ nghiên cứu sự vận động thời gian, để nghiên cứu sự vận động không gian của văn học dân gian, nhà nghiên cứu cần sử dụng phương pháp phân vùng Theo ông, các tiêu chí phân vùng văn học dân gian phải là một hệ thống các tiêu chí
có quan hệ hữu cơ với nhau:
Một là: Dựa vào bản thân văn học dân gian nghĩa là sự giống nhau hoặc
gần nhau giữa các tác phẩm văn học dân gian về các phương diện: chủ đề, đề tài, thể loại, cách lưu truyền, biểu diễn…
Hai là: Sự tương đồng về mặt ngôn ngữ của nhân dân (ngôn ngữ văn
học và ngôn ngữ giao tế)
Ba là: Dựa vào hoàn cảnh lịch sử, địa lý, phong tục, tín ngưỡng và mọi
mặt đời sống của nhân dân
Hoàng Tiến Tựu chia vùng văn học dân gian (VHDG) của người Kinh các thứ bậc từ nhỏ đến lớn:
Làng Vùng VHDG Khu vực VHDG Miền VHDG
Trang 27“Trong đó, làng là đơn vị cơ sở, đơn vị tương đối hoàn chỉnh và vững chắc, có tính chất “tế bào” của vùng văn học dân gian truyền thống Việt Nam” [82, tr 6] Dựa theo hệ thống tiêu chí trên, Hoàng Tiến Tựu đề xuất phân chia khu vực văn học dân gian truyền thống của người Việt thành 3 miền:
Miền Bắc: Miền văn học dân gian phía Bắc của người Kinh từ huyện
Tĩnh Gia, Thanh Hóa trở ra Toàn miền Bắc chia làm 3 khu vực chính: 1) Khu vực I: Khu vực trung du Bắc Bộ, bao gồm các làng của người Kinh ở trung du Bắc Bộ (Vĩnh Phú, một phần Hà Sơn Bình, Bắc Thái, Hà Bắc…); 2) Khuvực II: Khu vực đồng bằng sông Hồng (hay đồng bằng Bắc Bộ) bao gồm các làng người Kinh làm ruộng ở đồng bằng sông Hồng, thuộc các tỉnh và ngoại vi các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Hải Hưng, Thái Bình, Hà Nam Ninh, một phần các tỉnh Hà Sơn Bình, Hà Bắc; 3) Khu vực III: Là khu vực sông Mã bao gồm các làng người Kinh thuộc tỉnh Thanh Hóa, và một phần phía nam Ninh Bình
Miền Trung: 1) Khu vực I: Khu vực sông Lam hay khu vực Nghệ Tĩnh
kéo dài từ Khe Nước Lạnh đến bờ bắc sông Gianh, bao gồm các làng người Kinh thuộc tỉnh Nghệ Tĩnh và huyện Quảng Trạch (Bình Trị Thiên); 2) Khu vực II: Khu vực sông Gianh – sông Hương hay khu vực Bình Trị Thiên bao gồm các làng người Kinh từ sông Gianh kéo dài đến đèo Hải Vân (về địa giới
nó gần với tỉnh Bình Trị Thiên)
Miền Nam: Miền văn học dân gian phía Nam (cũng được gọi tắt là
miền Nam) của người Kinh bao gồm các làng xã người Kinh từ phía Nam đèo Hải Vân (huyện Hòa Vang tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng trở vào; 1) Khu vực I: Khu vực Thu Bồn – Trà Khúc gồm các làng xã người Kinh tỉnh Quảng Nam –
Đà Nẵng với một số huyện tỉnh Nghĩa Bình (thuộc Quảng Ngãi); 2) Khu vực II: khu vực Nam Trung Bộ gồm các làng người Kinh từ Nghĩa Bình đến phía Đông Nam Bộ; 3) Khu vực III: khu vực đồng bằng sông Cửu Long (khu vực đồng bằng Nam Bộ)
Trang 281.2.4 Theo phân vùng ca dao
Ca dao là một thể loại quan trọng của văn học dân gian Việc phân vùng ca dao phải xuất phát từ chính đặc điểm nội tại của nó, các phương diện nội dung (đề tài, chủ đề…), nghệ thuật (thể thơ, ngôn ngữ, hình ảnh, biểu tượng…), phương thức biểu diễn, sự chi phối bởi điều kiện địa lý, lịch sử, phong tục, tập quán Theo chúng tôi, cách phân vùng ca dao trong luận án tiến
sĩ của Trần Thị Kim Liên là hợp lý (bản đồ) Tác giả luận án Tính thống nhất
và sắc thái riêng trong ca dao người Việt ở ba miền Bắc, Trung, Nam thể hiện
sự tán thành với cách phân chia của Đinh Gia Khánh, Cù Huy Cận về ranh giới miền Bắc, tức là Bắc Bộ từ Thanh Hóa trở ra Quan niệm này khác với Nguyễn Chí Bền, Chu Xuân Diên khi xác định Bắc Bộ kéo dài đến Nghệ Tĩnh, khác với Hoàng Vinh cho rằng Trung Bộ từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, khác với Hoàng Tiến Tựu khi ông cho rằng, miền Trung từ Nghệ Tĩnh trở vào đến Thừa Thiên – Huế
Cụ thể, cách phân vùng ca dao Việt Nam của Trần Thị Kim Liên như
sau: Ca dao Bắc Bộ (miền Bắc): ca dao người Việt thuộc các tỉnh châu thổ
sông Hồng, sông Mã, sông Thái Bình (bao gồm các làng người Việt từ huyện
Tĩnh Gia – Thanh Hóa trở ra) Ca dao Trung Bộ (miền Trung): từ Khe Nước Lạnh (Nghệ Tĩnh) đến Bình Thuận Ca dao Nam Bộ (miền Nam): ca dao
người Việt thuộc các tỉnh châu thổ sông Đồng Nai và Cửu Long Trong mỗi miền ca dao lại có tiểu vùng ca dao, như ca dao miền Trung có các tiểu vùng
ca dao Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên, Nam Trung Bộ Tuy nhiên, ranh giới giữa các vùng miền nhiều khi chỉ có ý nghĩa tương đối
Trang 291.1: Bản đồ phân vùng ca dao Việt Nam [43, tr 26]
Việc khác biệt khi xác định ranh giới Bắc Bộ giữa các nhà nghiên cứu, bao gồm hay không gồm Thanh Hóa – vùng đồng bằng sông Mã, bởi tính chất trung gian và nội tại của Thanh Hóa “Khu Bốn đẩy ra, khu Ba đẩy vào” Về
Trang 30mặt địa lý – tự nhiên, theo Lê Bá Thảo, tác giả cuốn Việt Nam lãnh thổ và các vùng địa lí [69] khẳng định, đồng bằng châu thổ của 2 hệ thống sông Hồng và
sông Thái Bình có đỉnh nằm ở Việt Trì và kéo dài đến Ninh Bình Trên thực
tế, phù sa sông Hồng còn bồi đắp kéo dài xuống tận vùng Nga Sơn thuộc Thanh Hóa… Thanh Hóa về mặt địa lý tự nhiên có ranh giới tiếp giáp với vùng Trung Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng, không kể rằng phía Tây Bắc giáp tỉnh Sầm Nưa thuộc Lào… Đồng bằng Thanh Hóa ở phía Nga Sơn, thực
tế là một thành tạo được phù sa sông Hồng bồi đắp, là sự lặp lại một phần đồng bằng châu thổ sông Hồng Ngô Đức Thịnh cũng cho rằng “lưu vực sông
Mã đóng vai trò như là vùng trung gian chuyển tiếp, trong đó xét về các yếu
tố văn hóa đặc trưng nó gần đồng bằng Bắc Bộ hơn là với miền Trung Bởi vậy, đây là tiểu vùng văn hóa mang tính chất chuyển tiếp” [73, tr 116]
1.3 Một số đặc điểm tự nhiên, lịch sử, kinh tế, xã hội, văn hóa của Bắc Bộ
và Nam Bộ
1.3.1 Đặc điểm tự nhiên, lịch sử
Châu thổ sông Hồng bao gồm đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông
Mã Đây là vùng văn hóa – lịch sử cổ, cái nôi hình thành dân tộc Việt, quê hương của các nền văn hóa Đông Sơn thời vua Hùng, Thăng Long thời Đại Việt và Hà Nội thời hiện đại Vào cuối thời đá mới, đầu thời kim khí, những lớp cư dân nói ngôn ngữ Môn – Khơ-me cổ đã giao tiếp về nhân chủng và văn hóa với lớp cư dân nói ngôn ngữ Tày – Thái cổ, Nam Đảo cổ… để hình thành nên những người Việt cổ (Lạc Việt) Suốt thời kỳ Bắc thuộc đã diễn ra quá trình giao lưu văn hóa giữa văn minh Đông Sơn và văn minh Trung Hoa cổ đại, vừa đồng hóa vừa chống đồng hóa giữa những kẻ đi đô hộ và người bản địa
Nếu Bắc Bộ là vùng đất cổ thì Nam Bộ là vùng đất mới, nó vừa lạ lẫm,
xa vời lại vừa thu hút, vẫy gọi con người Những người Khơ-me đến đồng bằng sông Cửu Long sớm nhất đã chọn những rẻo đất cao dọc triền sông Tiền,
Trang 31sông Hậu, nương nhờ vào thiên nhiên, trồng tỉa lúa và hoa màu để sinh sống Miền đất hoang hóa trở thành miền đất trù phú chỉ từ khi người Kinh đặt chân đến, sống xen cài với người Khơ-me và sau đó là người Hoa, người Chăm để khai khẩn đất đai Người Nam Bộ là dân tứ xứ, họ hoặc là những tội đồ bị nhà nước phát vãng vào đây hoặc là dân lưu tán, vì đói nghèo phải rời bỏ quê hương xứ sở để đi tìm đất nương thân Số ít trong họ là các lưu quan, những
kẻ giàu có nuôi hoài bão làm giàu, chiêu mộ người nghèo đi tìm đất khai phá, làm ăn Những người Kinh tới đất Nam Bộ ra đi là dứt bỏ những lề tục xưa cũ, nhất là đối với những tội đồ hoặc những người vì nghèo đói mà lưu lạc [73]
1.3.2 Đặc điểm kinh tế, xã hội
Đồng bằng Bắc Bộ là đồng bằng châu thổ lớn ở nước ta, tuy được bao bọc bởi rừng và biển vịnh Bắc Bộ nhưng nó vẫn xa rừng, nhạt biển Vì vậy,
những phương thức sống, những thói quen sinh hoạt gắn với rừng và biển của
cư dân đồng bằng Bắc Bộ thể hiện nhạt nhòa Đồng bằng châu thổ Bắc Bộ chủ yếu làm nông nghiệp một cách thuần túy, phần lớn là nông dân và nền văn hóa nông nghiệp trồng lúa Là đồng bằng châu thổ phì nhiêu nhưng chịu mật độ dân số cao hơn các vùng khác nên đồng bằng Bắc Bộ từ lâu đã đi vào hướng thâm canh cây lúa Ngoài sông ngòi thì cái ao, mặt đầm hồ là hình ảnh quen thuộc với người nông dân Người nông dân có nhiều thời gian nhàn rỗi
do nhịp điệu quy định của thời vụ canh tác nên ai cũng biết thêm nghề phụ là làm nghề thủ công: nghề gốm sứ, nghề dệt vải, dệt lụa, nghề sơn, nghề nhuộm, nghề làm giấy, nghề mộc, nghề khảm trai Ở Bắc Bộ, chợ làng đóng vai trò trao đổi kinh tế và về phương diện nào đó, nó còn là nơi trao đổi văn hóa làng xã cổ truyền Thường thường mỗi huyện có khoảng 14 đến 20 chợ, tính ra cứ 4 đến 7 làng có một chợ chung Chợ thường lập ở nơi trung tâm, ở cạnh đình, chùa làng nên hay mang tên là chợ Chùa, chợ Đình
Trang 32Đến Nam Bộ, cái dễ gây ấn tượng không chỉ ở khung cảnh thiên nhiên
mà còn ở nếp sống của con người qua cách thức sinh sống, làm ăn Ở Nam
Bộ, làm ruộng vẫn là nghề gốc, dân Nam Bộ là dân ruộng Đất rộng, người thưa, thiên nhiên trù phú, lắm cá tôm, nhiều muông thú nên con người không
đi theo hướng thâm canh, mà là khai hoang, quảng canh Người ta vẫn mệnh danh Nam Bộ là xứ sở của văn minh kênh rạch Kênh rạch tạo thành hệ thống chằng chịt, nó quy định nhịp điệu làm ăn, làm gì, đi đâu, thậm chí thờ cúng, vui chơi, người ta cũng tùy thuộc vào con nước lên hay ròng Ở xứ sở kênh rạch này, phương tiện đi lại, chuyên chở chính yếu là con thuyền; xuồng ba lá
là kiểu đặc trưng của miền kênh rạch đồng bằng sông Cửu Long Về trang phục, người nông dân Nam Bộ rất thích chiếc áo bà ba và chiếc khăn rằn Cũng do khí hậu nóng nực, sông nước nhiều cá tôm nên các món canh chua, các loại mắm ở Nam Bộ phong phú hơn hẳn các vùng miền khác
Xét về tổ chức xã hội, làng của người Kinh ở đồng bằng Bắc Bộ là làng
xã cổ truyền, tiêu biểu nhất cho thiết chế làng xã ở nước ta Về cội nguồn, làng của thời kỳ phong kiến và làng của thời hiện đại là sự phát triển mở rộng của một gia đình lớn, một gia tộc từ thưở khởi đầu Làng xã cổ truyền của người Kinh đồng bằng Bắc Bộ còn là một môi trường văn hóa, phản chiếu nền văn hóa cổ truyền của dân tộc Các hương ước, khoán ước của làng xã quy định khá chặt chẽ các mặt đời sống sản xuất, tổ chức và quan hệ xã hội, sinh hoạt tinh thần và văn hóa của những người nông dân Một trong những truyền thống đặc trưng của xã hội Việt Nam cổ truyền chính là tính cộng đồng được sản sinh và lưu giữ bền vững trong môi trường làng xã
Cư dân Nam Bộ tuy cũng sống thành làng, thành ấp nhưng nhà cửa tản mát theo bờ kênh, ruộng lúa Nhà cửa của người nông dân ở đây đơn sơ, nhà
ba gian hai chái, làm bằng tre, nứa, lợp lá dừa, phên vách Làng xóm Nam Bộ cũng như cơ cấu xã hội nông thôn không lấy gì làm bền chắc như miền Bắc
Trang 33Làng xã không có đất công để ban cấp, ai có sức khai phá thì biến thành của riêng, mua đi bán lại, người không có đất thì làm thuê, nay đây mai đó Khác với vùng đồng bằng Bắc Bộ, ở Nam Bộ, quan hệ cá nhân là chủ yếu, không có kiểu “một giọt máu đào hơn ao nước lã” Nhiều người không còn nhớ gốc tích, họ hàng, quê hương nên gia phả, lý lịch xuất thân của mỗi người cũng không được coi là quan trọng [73]
1.3.3 Đặc điểm tín ngưỡng, phong tục, lễ hội
Người Việt ở đồng bằng châu thổ Bắc Bộ chịu ảnh hưởng lớn của Tam giáo Phật giáo đại thừa đã du nhập vào Bắc Bộ ngay từ những thế kỷ đầu Công nguyên Khoảng thế kỷ thứ VI, Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) đã trở thành trung tâm đạo Phật lớn nhất nước ta lúc đó Đến thời Lý – Trần, Phật giáo phát triển rộng khắp, trở thành chỗ dựa tinh thần của các triều đại phong kiến Từ thời Lê trở đi, Phật giáo mất vai trò chủ đạo, hòa quyện với các tín ngưỡng dân gian tạo nên một thứ tôn giáo – tín ngưỡng độc đáo, đó là Phật giáo dân gian Đạo giáo nảy sinh vào cuối thế kỷ II ở Trung Quốc, du nhập vào nước ta khoảng đầu thời Bắc thuộc Khi vào nước ta, Đạo giáo hòa quyện với các tín ngưỡng dân gian, như các loại tín ngưỡng thờ Mẫu, mà biểu hiện độc đáo của nó là nghi lễ đồng bóng, các hình thức thờ cúng thần tiên (đạo Tiên), tín ngưỡng Tứ bất tử, các phương thuật kiểu Nội đạo tràng… Nho giáo du nhập mạnh mẽ vào nước ta mà trước hết là đồng bằng Bắc Bộ từ thời nhà Hán, thông qua hệ thống giáo dục thi cử Đến thời nhà Lê, Nho giáo giành được địa vị thống trị và trở thành hệ tư tưởng chính thống của chế độ phong kiến Người ta đã thống kê trong số 56 Trạng nguyên thời phong kiến thì đã có 52 người thuộc khu vực đồng bằng Bắc Bộ Trong nhân dân, Nho giáo ảnh hưởng lớn tới hệ thống giáo dục ở các làng xã, trong việc thờ cúng thành hoàng, các mối quan hệ nơi đình làng, các sinh hoạt cộng đồng, hội hè, phong tục, cúng lễ, các ứng xử gia đình và xã hội…
Trang 34Vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng ở Nam Bộ hết sức đa dạng, phức tạp Đất Nam Bộ ít chịu sự ràng buộc của những tư tưởng Nho giáo, những lề thói, khuôn phép phong kiến lỗi thời, vì đây là vùng đất mới, cư dân từ “tứ xứ” đổ
về nên nó còn là cái nôi nảy sinh những tôn giáo, tín ngưỡng mới Phong tục của người Việt ở Nam Bộ cũng có nguồn gốc từ đồng bằng Bắc, Trung Bộ nhưng tiếp biến thêm nhiều yếu tố từ phong tục người Khơ-me, người Hoa Tính cách của người Việt ở Nam Bộ cũng có nhiều nét khác biệt: cởi mở, không ưa sự ràng buộc, chuộng sự bình đẳng, trong mưu sinh thì có tinh thần mạo hiểm, đầu óc sáng tạo, nhanh nhạy với cái mới, trong ứng xử thì bộc trực, hào hiệp, trọng nghĩa, khinh tài, thích ăn chơi xả láng… Người Nam Bộ xưa ít người có học, không coi việc học hành là con đường tiến thân, đổi đời như người nông dân miền Bắc Bởi vậy, họ không phải là những người ưa sống nội tâm, chuộng suy tư, mà là những người ưa hành động Người Nam
Bộ thích ăn chơi xả láng ồn ào nhưng trong họ có sẵn một tâm trạng mang nặng âm điệu sầu tư Đó là hai mặt tâm lý của người Nam Bộ
Làm nên sắc thái văn hóa độc đáo của đồng bằng Bắc Bộ phải nói tới các lễ hội phong phú, đa dạng Người ta có thể căn cứ vào nội dung phảnánh của lễ hội để phân biệt lễ hội nông nghiệp, lễ hội tưởng niệm các anh hùng lịch sử, lễ hội gần với tôn giáo, tín ngưỡng… Có thể căn cứ vào phạm vi, quy
mô lớn nhỏ để phân thành hội làng, hội của một vùng, hội của cả nước; rồi lại căn cứ vào địa điểm mở hội để gọi đó là hội đình, hội chùa, hội đền… Hàng
trăm, hàng ngàn lễ hội của đồng bằng Bắc Bộ đều có gốc tích ban đầu là hội làng, mang đậm tính chất lễ hội nông nghiệp Hội làng gần như là những dịp
duy nhất tập trung phô diễn những sinh hoạt văn hóa cộng đồng, từ múa, hát giao duyên, hát cửa đình, sân khấu chèo, tuồng, các loại thi tài đến các trò đấu
võ, bơi thuyền, kéo co, chọi trâu, chọi gà, đấu cờ, ném còn, thổi cơm thi… Từ
Trang 35đó, nó đã hun đúc tài năng, trí thông mình, tài khéo léo, sức khỏe của các thành viên trong làng xã
Nam Bộ không thiếu những sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng, những sinh hoạt này là môi trường sản sinh và nuôi dưỡng văn hóa dân gian
Lễ hội của người Việt ở Nam Bộ cũng rất đa dạng, phong phú, bao gồm bốn loại hình lễ hội chủ yếu ở Việt Nam: lễ hội nông – ngư nghiệp, lễ hội tưởng niệm danh nhân – anh hùng dân tộc, lễ hội tín ngưỡng – tôn giáo và hỗn hợp, tất cả đều mang màu sắc riêng của Nam Bộ Trong khung cảnh xóm ấp, ngôi đình ở đây không mang dáng vẻ thật tiêu biểu Thành hoàng phần nhiều là các
vị thần vô danh được triều đình sau này phong tặng, hay bản thân các vị công thần nhà Nguyễn như Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Văn Thoại, Lê Văn Duyệt… sau khi mất được thờ cúng trong đình [73]
1.3.4 Đặc điểm văn hóa, nghệ thuật
Về nghệ thuật, đồng bằng Bắc Bộ là quê hương của các loại hình dân
ca, các hình thức sân khấu có truyền thống lâu đời, đó là các hình thức từ hát dân ca Quan họ, hát đúm, hát xoan, hát văn, hát ghẹo đến các hình thức sân khấu như chèo, tuồng, rối nước
Người Nam Bộ, dù Kinh hay Khơ-me, Chăm đều ưa thích âm nhạc và
ca hát Âm nhạc ở đây đa dạng và phức tạp Đa dạng bởi nó chứa đựng nhiều hình thức khác nhau, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ khác nhau của các bộ phận dân cư nông thôn, đô thị, các tầng lớp xã hội khác nhau Phức tạp bởi sự giao thoa, đan cài, hội tụ giữa nhiều tầng văn hóa, âm nhạc (Kinh – Khơ-me – Chăm – Tây Nguyên – Hoa) Âm nhạc Nam Bộ thể hiện rõ nét trong dân ca Nam Bộ, qua các điệu lý, điệu hò, điệu ru hát… và cũng mang sắc thái riêng Trong các điệu hò, ngoài các bài hò quen thuộc thì người Nam Bộ đã sáng tạo các điệu hò mới Nói tới nghệ thuật dân gian Nam Bộ không thể không nói tới sân khấu cải lương, hát bội, ca hát tài tử của người Kinh
Trang 36Về ngôn ngữ, sự hiện diện của chế độ giáo dục lâu đời và đội ngũ trí thức đông đảo ở vùng đồng bằng Bắc Bộ đã làm giàu vốn từ, nâng dần ngôn ngữ thường ngày thành ngôn ngữ văn học, thúc đẩy sự ra đời chữ viết, lúc đầu
là chữ Nôm, sau là chữ quốc ngữ
Theo các nhà ngôn ngữ học, tiếng Nam Bộ là một phương ngữ của tiếng Việt phổ thông, hình thành cùng với quá trình người Kinh tới đây khai thác vùng đất mới Tiếng Nam Bộ mang trong mình cội nguồn khác nhau của những người tứ xứ, nhưng đồng thời, nó cũng sản sinh thêm những từ ngữ phản ánh thế giới tự nhiên và con người nơi đất mới này Điều đáng nhấn mạnh là, phương ngữ Nam Bộ hình thành cùng với quá trình sáng tạo chữ quốc ngữ, vùng đất Nam Bộ là nơi đầu tiên gieo mầm, phát triển chữ quốc ngữ Chính môi trường ấy làm cho phương ngữ Nam Bộ sớm có được sự thống nhất về không gian, khắc phục các khác biệt địa phương, vừa phát triển nhanh từ khẩu ngữ thành ngôn ngữ văn học [73]
Tiểu kết:
Ca dao thuộc thể loại trữ tình dân gian, phản ánh đời sống tâm tư, tình cảm, sinh hoạt của nhân dân lao động ngày trước Trong đó, lời tỏ tình và lời thề nguyền chính là những bài ca tiêu biểu nhất trong kho tàng ca dao tình yêu lứa đôi của người Việt Việc phân vùng ca dao có ý nghĩa quan trọng để nghiên cứu sự chuyển động về mặt không gian và sự phát triển thể loại theo thời gian Ca dao Bắc Bộ và ca dao Nam Bộ là sản phẩm tinh thần của người lao động Việt Nam trên hai miền rộng lớn của đất nước So sánh lời tỏ tình và lời thề nguyền trong bộ phận ca dao tình yêu lứa đôi giữa các vùng, miền khác nhau để thấy được không chỉ những nét giống nhau mà còn tìm hiểu những điểm khác nhau
Như vậy, hai vấn đề luận văn cần làm rõ: thứ nhất, đó là so sánh ca dao Bắc Bộ và ca dao Nam Bộ, phân tích những điểm giống và khác nhau, lí giải
Trang 37nguyên nhân Trước đó, người viết đã giải quyết vấn đề khái niệm ca dao, xác định ranh giới “Bắc Bộ”, “Nam Bộ” Thứ hai, so sánh vấn đề gì, người viết tập trung tìm hiểu lời tỏ tình và lời thề nguyền trong bộ phận ca dao tình yêu lứa đôi, tiêu biểu cho đặc trưng trữ tình của ca dao Khi so sánh lời tỏ tình và lời thề nguyền trong bộ phận ca dao tình yêu lứa đôi giữa ca dao Bắc Bộ và ca dao Nam Bộ, chúng tôi lưu ý một số điểm:
Trước hết, khi so sánh tình yêu lứa đôi trong ca dao mỗi vùng, miền cần tránh quan điểm cực đoan, nhấn mạnh vào đặc trưng riêng biệt, cái độc đáo đến mức độc nhất vô nhị, coi trọng hoặc kì thị một bên, tránh coi ca dao Bắc Bộ – vùng đất cổ là vùng ca dao lớn, Nam Bộ là vùng ca dao nhỏ, phát sinh Các đối tượng được đem ra so sánh đều ngang bằng và có những sắc thái riêng Sự giống nhau vừa do quy luật sáng tạo folklore, đặc trưng thi pháp ca dao, cũng như điều kiện lịch sử – xã hội chung của người Việt còn sự khác nhau là tất yếu do môi trường tự nhiên, xã hội và giao lưu văn hóa vùng miền quy định
Về phương pháp, cần sử dụng cao phương pháp thống kê phân tích và phương pháp nghiên cứu liên ngành Đặc biệt, khi so sánh không thể tách rời đối tượng khỏi môi trường sản sinh ra nó, điều kiện tự nhiên, lịch sử, xã hội, tâm lý, tính cách, xu hướng thẩm mĩ vùng miền, lề lối diễn xướng, khung cảnh ca hát (làn điệu, động tác múa ) và sự phát triển của thể loại
Trang 38Chương 2
SO SÁNH NỘI DUNG LỜI TỎ TÌNH VÀ LỜI THỀ NGUYỀN
TRONG CA DAO BẮC BỘ VÀ NAM BỘ 2.1 Trình bày sự giống và khác nhau
Trong cuốn Kho tàng ca dao người Việt [34], ngoài việc tra cứu ca dao
theo chữ cái, nhóm soạn giả còn chia nội dung ca dao thành chín chủ đề lớn Trong chủ đề tình yêu lứa đôi, các tác giả chia thành lời của nam, lời của nữ,
cả nam và nữ hát một mình, nam nữ đối đáp Phần ca dao tình yêu lứa đôi sắp xếp theo hoàn cảnh thuận lợi và không thuận lợi
Theo Trần Thị Kim Liên, số lời ca dao thuộc 9 chủ đề lớn trong Kho tàng ca dao người Việt có thứ tự tỷ lệ từ cao xuống thấp như sau:
3 Những lời bông đùa khôi hài giải trí 1240 9,9%
Kho tàng ca dao người Việt 12.487 100%
2.1: Bảng phân loại ca dao theo chủ đề trong Kho tàng ca dao người Việt [41, tr 48]
Kết quả thống kê mà chúng tôi thu được cũng tương tự Số lời ca dao
ba miền về tình yêu trong cuốn Kho tàng ca dao người Việt gồm 6230 (chiếm
49,9%) trong tổng số 12.487 lời, số lượng hơn hẳn so với các chủ đề khác
Trang 39Chủ đề tình yêu lứa đôi trong Ca dao dân ca Nam Bộ được tập hợp, phân loại trong Ca dao tình yêu lứa đôi chiếm đa số: 1472 lời/ 2263 lời (chiếm 65%) Phân loại ca dao tình yêu lứa đôi trong Kho tàng ca dao người Việt và Ca dao dân ca Nam Bộ theo nội dung, chúng tôi có được kết quả như sau:
2.2: Bảng phân loại ca dao tình yêu lứa đôi trong Kho tàng ca dao người Việt
và Ca dao dân ca Nam Bộ (theo nội dung lời ca dao)
Nhận xét: Qua biểu đồ ta thấy, số lời ca dao tỏ tình và thề nguyền ở Bắc Bộ và Nam Bộ đều chiếm số lượng lớn trong ca dao tình yêu lứa đôi
Trong Kho tàng ca dao người Việt, lời tỏ tình và thề nguyền là 3082 lời/ 6230 lời (chiếm 49,5%), trong Ca dao dân ca Nam Bộ, lời tỏ tình và thề nguyền có
748 lời/ 1472 lời (chiếm 50,9 %) Đặc biệt, riêng lời tỏ tình trong ca dao hai miền đều có số lượng vượt trội (chiếm 40,8% và 43%) Điều đó thể hiện tâm hồn phong phú, giàu cảm xúc, mãnh liệt và tích cực của người bình dân Trong sự giống nhau đó, lời tỏ tình và lời thề nguyền trong ca dao hai miền có
sự khác nhau về mức độ, trai gái Nam Bộ có nhu cầu bày tỏ tình yêu nhiều hơn Bắc Bộ (43% - 40,8%), ngược lại, trai gái Bắc Bộ nói đến thề nguyền nhiều hơn (8,7% - 7,9%)
Những lời tỏ tình và lời thề nguyền không chỉ phong phú về số lượng mà còn đa dạng về mức độ Cách thể hiện tình cảm của trai gái lao động trên hai miền lúc nồng nàn, mãnh liệt, lúc nhẹ nhàng, tình tứ, khi tếu táo, hóm hỉnh…
Trang 402.1.1 Lời tỏ tình trong ca dao Bắc Bộ và Nam Bộ
Tình yêu là một thế giới muôn màu sắc, đa dạng và cũng phức tạp Trong ca dao tỏ tình có muôn vàn cách nói để chạm tới trái tim của người cần bày tỏ Nếu tình yêu là một quá trình thì tỏ tình chính là giai đoạn đầu tiên, là nơi khởi đầu kết nối hai tâm hồn đồng điệu Cái đích của tỏ tình chính là để đối phương biết được tình ý của mình Trong hoàn cảnh khác nhau, người nói cần lựa chọn cách bày tỏ với sắc thái khác nhau, có lúc gặp nhau trên đường cất lên câu hát trêu nhau, cũng có thể là gặp nhau lần đầu muốn ướm hỏi, thăm dò ý tứ, cũng có thể cảm mến, quen biết nhau từ lâu…
Dựa theo chủ thể trữ tình, chúng tôi sắp xếp, phân loại những lời tỏ tình trong ca dao tình yêu lứa đôi
Nhận xét: Thống kê cho thấy lời tỏ tình của nam giới trong ca dao Bắc
Bộ và ca dao Nam Bộ cùng có số lượng nhiều nhất, trong khi lời tỏ tình của
nam nữ đối đáp chiếm số lượng ít nhất Trong Kho tàng ca dao người Việt, lời
tỏ tình của nam là 938 lời/ 2543 lời (chiếm 36,9%), trong Ca dao dân ca Nam
Bộ, lời tỏ tình của nam là 317 lời/ 631 lời (chiếm 50,3%), gấp đôi số lời tỏ
tình của nữ (317 lời/ 141 lời) Lời tỏ tình là lời nam nữ đối đáp chỉ chiếm
11,2% (Kho tàng ca dao người Việt) và 5,7% (Ca dao dân ca Nam Bộ)