1. Trang chủ
  2. » Luận Văn - Báo Cáo

Quan hệ chính trị Việt Nam - Hoa Kỳ giai đoạn 1995-2005

131 1,5K 2

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 131
Dung lượng 1,27 MB

Nội dung

Trước sự thay đổi to lớn của tình hình thế giới, việc cải thiện và thiết lập quan hệ bình thường với tất cả các nước lớn, các trung tâm chính trị - kinh tế hàng đầu của thế giới trở thàn

Trang 1

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

Trang 2

MỤC LỤC

MỤC LỤC 1

DẪN LUẬN 4

1 Lý do chọn đề tài 4

2 Mục đích nghiên cứu 5

3 Lịch sử nghiên cứu vấn đề 6

4 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 8

5 Phương pháp nghiên cứu 9

6 Kết cấu của luận văn 9

CHƯƠNG 1 NHỮNG NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN QUAN HỆ CHÍNH TRỊ VIỆT NAM - HOA KỲ GIAI ĐOẠN 1995 - 2005 1.1 Bối cảnh quốc tế và khu vực 11

1.1.1 Sự vận động của thế giới đầu thập niên 90 của thế kỷ XX 11

1.1.2 Sự điều chỉnh chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ sau Chiến tranh lạnh 13

1.1.3 Tình hình khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Đông Nam Á 15

1.2 Tình hình và chính sách đối ngoại của Việt Nam 21

1.2.1 Tình hình Việt Nam 21

1.2.2 Chính sách đối ngoại của Việt Nam đối với Hoa Kỳ 22

1.3 Tình hình và chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ 25

1.3.1 Tình hình Hoa Kỳ 25

1.3.2 Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ đối với Việt Nam 26

1.4 Vài nét về mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trước năm 1995 29

1.4.1 Giai đoạn trước năm 1975 29

1.4.2 Giai đoạn từ tháng 4-1975 đến 1990 34

1.4.3 Giai đoạn 1991 đến 1995 36

Trang 3

CHƯƠNG 2 THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ VIỆT NAM - HOA KỲ

(1995 – 2005)

2.1 Hoạt động ngoại giao thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển 42

2.1.1 Giai đoạn 1995 – 2000 42

2.1.2 Giai đoạn 2001 – 2005 45

2.2 Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ nhằm giải quyết hậu quả chiến tranh 55

2.2.1 Vấn đề POW/ MIA 55

2.2.2 Vấn đề chất độc da cam/dioxin 60

2.3 Vấn đề người Việt Nam định cư tại Hoa Kỳ 64

2.3.1 Quá trình hình thành cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ 64

2.3.2 Quan hệ của cộng đồng người Việt với quê hương 65

2.4 Một số vấn đề còn tồn tại trong quan hệ chính trị Việt Nam – Hoa Kỳ 69

2.4.1 Vấn đề về ý thức hệ và văn hóa 69

2.4.2 Vấn đề về dân chủ và nhân quyền 72

2.4.3 Sự khác biệt về thể chế 77

2.4.4 Di sản chiến tranh và nhóm người Việt chống lại chế độ trong nước 78

CHƯƠNG 3 ĐẶC ĐIỂM VÀ TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ VIỆT NAM – HOA KỲ TRONG NHỮNG THẬP NIÊN TIẾP THEO CỦA THẾ KỶ XXI 3.1 Thành tựu đạt được từ sự phát triển quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ 85

3.1.1 Quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ 85

3.1.2 Các quan hệ khác 88

3.2 Những đặc điểm trong quan hệ chính trị Việt Nam – Hoa Kỳ 92

3.2.1 Sự tác động của yếu tố lịch sử 92

3.2.2 Tính hai mặt của mối quan hệ chính trị Việt Nam – Hoa Kỳ 93

3.2.3 Mẫu số chung của sự gặp gỡ, hợp tác cùng phát triển giữa hai dân tộc 94 3.2.4 Quan hệ chính trị Việt Nam – Hoa Kỳ chịu sự tác động của tình hình thế giới

Trang 4

và khu vực 94

3.3 Triển vọng quan hệ chính trị Việt Nam – Hoa Kỳ 96

3.4 Khuyến nghị 103

KẾT LUẬN 112

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 115

PHỤ LỤC 122

Trang 5

DẪN LUẬN

1 Lý do chọn đề tài

Sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô tan rã (1991), trật

tự thế giới hai cực đối đầu tồn tại hơn nửa thế kỷ kết thúc, cục diện thế giới và cấu trúc quyền lực quốc tế đã có những thay đổi sâu sắc và được sắp xếp lại Thế cân bằng chiến lược trên phạm vi toàn cầu đã thay đổi Quan hệ giữa các quốc gia – dân tộc không còn bị chi phối nặng nề bởi ý thức hệ, thay vào đó là lợi ích dân tộc được đặt lên hàng đầu trong quan hệ quốc tế Trước sự thay đổi to lớn của tình hình thế giới, việc cải thiện và thiết lập quan hệ bình thường với tất cả các nước lớn, các trung tâm chính trị - kinh tế hàng đầu của thế giới trở thành một đòi hỏi tất yếu và cấp bách của hoạt động đối ngoại Việt Nam

Quá trình phát triển quan hệ với các đối tác có thực lực và tiềm năng lớn trên nhiều lĩnh vực đã đáp ứng yêu cầu nhanh chóng vượt ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế kéo dài đã nhiều năm của Việt Nam, phá thế bị bao vây cấm vận, chuẩn bị những tiền đề cần thiết cho thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước Mặt khác, việc Việt Nam tăng cường quan hệ đối tác với các nước lớn, các trung tâm kinh tế - chính trị chủ chốt trên thế giới đặc biệt là với Hoa Kỳ tạo ra mối quan hệ ràng buộc, đan xen về lợi ích của các đối tác đó đối với Việt Nam và Việt Nam có thể khai thác “Nhân tố nước lớn” trong từng mối quan hệ cụ thể tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế

Ngày 11-7-1995, Hoa Kỳ đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam Lịch sử quan hệ giữa hai nước đã bước sang một trang mới Kể từ đó, quan hệ chính trị giữa hai nước đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể

Như vậy, chỉ trong vòng 10 năm (1995 – 2005), quan hệ chính trị Việt Nam – Hoa Kỳ đã có những bước tiến đáng kể Đây là kết quả của những nỗ lực không ngừng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam Hiện nay, Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn đang tiếp tục xây dựng, củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ giữa hai nước vì

Trang 6

lợi ích chung của nhân dân hai nước Vậy, điều gì đã làm cho mối quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong giai đoạn 1995 – 2005 lại có bước phát triển đặc biệt đến như thế? Tại sao mối quan hệ này lại diễn ra như vậy? Những yếu tố nào đã chi phối nó và chúng ta có thể rút ra được từ những bài học kinh nghiệm lịch sử gì? Giải quyết được những vấn đề nêu trên có vai trò rất quan trọng đối với việc tiếp tục đẩy mạnh sự phát triển quan hệ chính trị Việt Nam – Hoa Kỳ giai đoạn 1995 – 2005

là một việc làm có ý nghĩa khoa học và thực tiễn to lớn

Về phương diện lịch sử, việc nghiên cứu mối quan hệ chính trị Việt Nam – Hoa Kỳ sẽ góp phần nêu bật tính tất yếu và ý nghĩa chiến lược của mối quan hệ này, đồng thời góp phần khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng và nhà nước

ta, giúp chúng ta hiểu rõ hơn những thành tựu về công tác đối ngoại của Đảng và nhà nước ta trong giai đoạn phát triển mới

Về thực tiễn, việc nghiên cứu này sẽ góp phần vào việc củng cố và tăng cường mối quan hệ chính trị, hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa

Kỳ trong thời gian tới

Xuất phát từ những lý do trên đây, tôi mạnh dạn chọn vấn đề “Quan hệ chính trị Việt Nam – Hoa Kỳ giai đoạn 1995 – 2005” làm đề tài nghiên cứu cho

luận văn Thạc sĩ Quan hệ Quốc tế của mình

2 Mục đích nghiên cứu

Chiến lược đối ngoại của các nước lớn, đặc biệt là Hoa Kỳ, có ảnh hưởng sâu sắc đối với hoà bình, an ninh và sự phát triển của các nước trong khu vực và trên thế giới Bất cứ nước nào cũng phải tính đến các nước lớn trong việc hoạch định chính sách đối ngoại của mình và có đối sách xử lý các vấn đề trong quan hệ với các nước lớn Những động thái trên đã và đang tác động mạnh mẽ tới Việt Nam, vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn, buộc chúng ta phải nhận thức đầy đủ và có đối sách thích hợp với xu thế chung, với từng nước lớn, đặc biệt là với Hoa Kỳ

Đối với nước ta, Hoa Kỳ là đối tác lớn và quan trọng Quan hệ với Hoa Kỳ tạo ra cho chúng ta cơ hội mới, nhưng cũng đặt chúng ta trước không ít những khó khăn và thách thức

Trang 7

Do đó việc nghiên cứu mối quan hệ chính trị Việt Nam – Hoa Kỳ trong chiến lược quốc phòng an ninh và đối ngoại có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cấp bách đối với nước ta Nó không chỉ làm rõ chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ đối với khu vực Đông Nam Á, mà còn góp phần luận chứng cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn của các đối sách trong chính sách đối ngoại của Việt Nam đối với Hoa Kỳ

Mục đích của việc nghiên cứu Quan hệ chính trị Việt Nam – Hoa Kỳ giai đoạn 1995 – 2005 là nhằm tái hiện một bức tranh toàn cảnh về quan hệ chính trị Việt Nam và Hoa Kỳ trên cơ sở tập hợp, hệ thống hóa và trình bày một cách khoa học, có chọn lọc và phân tích, qua đó cung cấp một nguồn tư liệu hữu ích cho các độc giả quan tâm đến vấn đề này Bên cạnh đó, luận văn cũng đề xuất một số kiến nghị để thúc đẩy mối quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Hoa Kỳ nhằm đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn và điều kiện của Việt Nam hiện nay

3 Lịch sử nghiên cứu vấn đề

Quan hệ chính trị Việt Nam - Hoa Kỳ (1995 - 2000) là một đề tài mới, được

dư luận quan tâm, nhưng đến nay trong giới khoa học vẫn chưa có một công trình nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này Trên thực tế, “quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ” giai đoạn sau khi bình thường hóa cũng đã được nhiều nhà nghiên cứu, các chuyên gia ngoại giao đề cập đến nhưng chỉ là từng lĩnh vực riêng biệt Mặc dù vậy, đó cũng là những tư liệu rất quan trọng

Về sách, có thể kể đến Quan hệ kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ của Đỗ Đức Định

(Nxb Thế giới, 2000); Quan hệ kinh tế của Mỹ và Nhật Bản với Việt Nam từ năm

1995 đến nay của Nguyễn Anh Tuấn và Nguyễn Thị Như Hoa (Nxb Chính trị quốc gia, 2001); The Effect of the United State Granting MFN Status to Vietnam của

Emiko Fukase - Will Martin (Nhóm nghiên cứu phát triển của Ngân hàng Thế giới,

Washington D.C., USA, 17-11-1998); Quan hệ Việt – Mỹ thời kỳ sau chiến tranh lạnh (1990-2000) của Lê Văn Quang (Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, 2005); Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ hướng về phía trước của Nguyễn Mại (Nxb Tri thức, 2008); Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ: Thực trạng và triển vọng của Trần Nam Tiến

(Nxb Thông tin và Truyền thông, 2010)… Các công trình trên chủ yếu phân tích,

Trang 8

đánh giá về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trên cơ sở tổng quan của mối quan hệ này, trong đó có đề cập đến quan hệ chính trị giữa hai nước

Về Báo, Tạp chí có những bài như Quan hệ Việt - Mỹ sau bình thường hóa

(Tạp chí Công tác tư tưởng văn hóa, số 6-1997) và Những ghi nhận sau bình thường hóa Việt - Mỹ (Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, số 1-1997) của Nguyễn Hữu Cát; Bước tiến mới quan trọng trong quan hệ Việt – Mỹ của Đỗ Lộc Diệp (Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, số 2-1998); Một số nét về quan hệ nông nghiệp giữa Mỹ và Việt Nam trong thời gian gần đây của Nguyễn Điền (Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, số 5-1997); Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ của Vũ Khoan (Tạp chí Cộng sản, số 15 (8-2000)); Hiệp định thương mại Việt - Mỹ: Cơ hội và thách thức của Bùi Đường Nghiêu (Tạp chí Châu Á - Thái Bình Dương, số 3-1999); Những bước tiến trong quan hệ hàng không Việt Nam - Mỹ (Tạp chí Hàng không Việt Nam, số 112-2000);

Mỹ - Việt Nam và quyền sở hữu trí tuệ của Steven Robinson (Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, số 3-1998); Đầu tư của Mỹ vào Việt Nam của Phạm Thị Thi (Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, số 5-2001); Vấn đề bình thường hóa quan hệ Việt Mỹ trong bối cảnh quốc

tế mới hiện nay của Vũ Văn Thư (Tạp chí Khoa học chính trị, số 6-2001); Quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ của Trần Đình Vượng (Tạp chí Kinh tế châu

Á - Thái Bình Dương, số 3-1997)

Ngoài ra còn có nhiều tin và bài viết đăng trên các báo Nhân dân, Sài Gòn giải phóng, Quốc tế, Thời báo kinh tế Việt Nam v.v… có liên quan đến đề tài Đặc biệt, mảng tài liệu từ Thông tấn xã Việt Nam như Tin hàng ngày, Tài liệu tham khảo đặc biệt, Tài liệu tham khảo chủ nhật, tài liệu tham khảo hàng tháng v.v… có ý

nghĩa rất quan trọng đối với chúng tôi Qua nguồn tư liệu của Thông tấn xã Việt Nam, chúng tôi có thể tiếp cận những quan điểm, những đánh giá của các chính khách, các học giả ở phương Tây kể cả Hoa Kỳ về các vấn đề liên quan đến quan hệ giữa chính trị Việt Nam - Hoa Kỳ trong giai đoạn 1995 - 2005

Bên cạnh đó, chúng tôi chú ý đến những bài viết, bài phát biểu, các tham luận

ở các hội nghị, hội thảo quốc tế, các cuộc trả lời phỏng vấn của báo chí của các nhà

Trang 9

lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta có liên quan đến quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, liên quan đến quan điểm đối ngoại của Việt Nam đối với Hoa Kỳ, đặc biệt là giai đoạn

1995 - 2005 v.v… Ngoài ra, chúng tôi còn tham khảo nguồn tư liệu nước ngoài như:

“The Vietnam - U.S Normalization Process, CRS Issue Brief for Congress”,

“Permanet normal trade relations for Vietnam”, “America’s Role in Asia”,… để có bức tranh toàn cảnh về quan hệ hai nước Sau cùng, chúng tôi tham khảo tư liệu từ mạng internet, đặc biệt là website chính thức của các cơ quan đối ngoại và kinh tế của hai nước như: http://www.state.gov, http://viet.vietnamembassy.us, http://vietnamese.vietnam.usembassy.gov,… Trong đó, trên website của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ, và Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ có dành hẳn một chuyên mục để để cập về quan hệ giữa Việt Nam

và Hoa Kỳ

Nhìn chung, qua tiếp cận các nguồn tư liệu, chúng tôi nhận thấy, hiện vẫn

chưa có một công trình nào nghiên cứu tập trung hoặc chuyên sâu về quan hệ chính trị Việt Nam - Hoa Kỳ giai đoạn 1995 - 2005 Do đó, trên cơ sở kế thừa những công

trình đã có, chúng tôi cố gắng phát triển thêm những gì chúng tôi tiếp cận được để

hoàn tất công trình nghiên cứu này

4 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Như tên đề tài đã xác định, đối tượng nghiên cứu của luận văn là quan hệ chính trị Việt Nam - Hoa Kỳ giai đoạn 1995 - 2005 Qua đó, luận văn tập trung

phản ánh quan hệ Việt Nam với Hoa Kỳ trên lĩnh vực chính trị Việc nghiên cứu này nhìn từ phía Việt Nam, và một số vấn đề liên quan đến chính trị như: Ngoại giao, quốc phòng, an ninh, người Việt Nam định cư ở Hoa Kỳ Trong đó có đề cập đến những vấn đề cụ thể như: Vấn đề POW/ MIA, chất độc dioxin, “Hội chứng Việt Nam”…

Về mặt thời gian, đề tài tập trung nghiên cứu mối quan hệ chính trị Việt Nam – Hoa Kỳ giới hạn trong vòng 10 năm (1995 – 2005) với hai giai đoạn cụ thể:

+ 1995 – 2000: Quan hệ chính trị Việt Nam – Hoa Kỳ đã có những bước cải thiện đáng kể trên nhiều lĩnh vực đặc biệt là việc Hoa Kỳ tuyên bố bình thường hoá

Trang 10

quan hệ ngoại giao với Việt Nam (7-1995), việc ký kết Hiệp định Thương mại giữa hai nước (7-2000) và chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton cho thấy hai nước đã bình thường hoá hoàn toàn quan hệ giữa hai nước

+ 2001 – 2005: Trên những thành tựu đã đạt được giai đoạn trước, quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là sự kiện quan trọng: Chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải (2005)

4 Phương pháp nghiên cứu

Trong quá trình thực hiện đề tài, luận văn sử dụng hai phương pháp chính là phương pháp lịch sử và phương pháp lô-gích để giải quyết những vấn đề do đề tài đặt ra Bên cạnh đó, luận văn cũng sử dụng các phương pháp liên ngành khác như các phương pháp nghiên cứu quan hệ quốc tế, thống kê, so sánh, tổng hợp… để phân tích các sự kiện một cách khoa học và có hệ thống

Tất cả các phương pháp đó đều được thực hiện trên nền tảng cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó tư tưởng

Hồ Chí Minh đóng vai trò nền tảng lý luận hàng đầu

5 Kết cấu của luận văn

Ngoài phần Dẫn luận, Kết luận, Danh mục tài liệu tham khảo và phần Phụ lục Luận văn được chia thành 3 chương:

Chương 1: Những nhân tố tác động đến quan hệ chính trị Việt Nam – Hoa Kỳ giai đoạn 1995 – 2005

Chương này giới thiệu tổng quan về bối cảnh quốc tế và khu vực, sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc, cũng như các nước trong khu vực Đông Nam Á và APEC Nhằm cung cấp cho người đọc hiểu rõ hơn những chính sách của Đảng và nhà nước Việt Nam trong thời kỳ đổi mới cũng như chiến lược toàn cầu mới của Hoa Kỳ thời kỳ sau chiến tranh lạnh Từ đó chỉ ra nguyên nhân thúc đẩy mối quan

hệ chính trị Việt Nam và Hoa Kỳ

Chương 2: Thực trạng quan hệ chính trị Việt Nam – Hoa Kỳ (1995 – 2005)

Chương này giới thiệu toàn bộ diễn biến mối quan hệ chính trị Việt Nam -

Trang 11

Hoa Kỳ Đặc biệt tập trung vào những sự kiện quan trọng của quan hệ hai nước trong giai đoạn này, cụ thể là việc hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao và các vấn đề nổi lên trong quan hệ chính trị Việt Nam và Hoa Kỳ Bên cạnh đó, chương này cũng chỉ ra những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ chính trị Việt Nam – Hoa Kỳ

Chương 3: Đặc điểm và triển vọng quan hệ chính trị Việt Nam – Hoa Kỳ trong những thập niên tiếp theo của thế kỷ XXI

Chương này phân tích những thành tựu đạt được trên cơ sở sự phát triển của quan hệ chính trị giữa Việt Nam – Hoa Kỳ, từ đó rút ra những đặc điểm của mối quan hệ này Trên cơ sở đó, nêu ra triển vọng của mối quan hệ chính trị Việt Nam – Hoa Kỳ Và từ lĩnh vực chính trị thúc đẩy các mối quan hệ khác phát triển Để từ đó

có cái nhìn khách quan và đưa ra một số kiến nghị để mối quan hệ giữa 2 nước nâng lên một tầm cao mới

Trang 12

CHƯƠNG 1

NHỮNG NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN QUAN HỆ CHÍNH TRỊ VIỆT NAM - HOA KỲ GIAI ĐOẠN 1995 – 2005

1.1 Bối cảnh quốc tế và khu vực

1.1.1 Sự vận động của thế giới đầu thập niên 90 của thế kỷ XX

Từ những năm cuối thập niên 80 đến đầu thập niên 90 của thế kỷ XX đến nay, tình hình thế giới có nhiều biến động quan trọng và phức tạp, đặc biệt là sự sụp

đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô Bản thân Hoa Kỳ và các đồng minh của mình cũng có nhiều vấn đề được đặt ra trong bối cảnh mới Những diễn tiến của bối cảnh trên là cơ sở để Hoa Kỳ điều chỉnh chiến lược toàn cầu sau chiến tranh lạnh

Thứ nhất, sự tan rã của Liên Xô, siêu cường cạnh tranh toàn diện với Hoa Kỳ

về cả ý thức hệ, kinh tế, chính trị và quân sự, sau chiến tranh lạnh Hoa Kỳ trở thành siêu cường thế giới duy nhất Sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, chủ nghĩa xã hội lâm vào khủng hoảng và về cơ bản môi trường quốc tế trở nên thuận lợi hơn với Hoa Kỳ

Mặt khác, xét trên bình diện quốc tế của thời kỳ quá độ của trật tự thế giới, với sự sụp đổ của Liên Xô và cùng với nó là sự kết thúc chiến tranh lạnh, thế đối đầu hai cực giữa 2 siêu cường không còn nữa, đã kéo theo những thay đổi trong trật

tự chính trị thế giới

Chiến tranh lạnh kết thúc đã đem lại cho Hoa Kỳ nhiều sức mạnh, Hoa Kỳ đóng vai trò khống chế trong nhiều vấn đề của thế giới Sự trỗi dậy của các trung tâm quyền lực như EU đã và đang tăng cường xu thế ngày càng độc lập trong quan

hệ với Hoa Kỳ Trung Quốc với thành tựu sau nhiều năm tiến hành cải cách vừa qua hiện đang trỗi dậy mạnh mẽ là nước có khả năng thách thức vai trò của Hoa Kỳ trong tương lai Nước Nga thời kỳ sau chiến tranh lạnh cũng đang chuyển mình, nỗ lực trên đường khôi phục lại vị trí và ảnh hưởng của mình Vì thế, một trong những vấn đề đặt ra cho chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ sau chiến tranh lạnh là ngăn chặn

Trang 13

khả năng xuất hiện một siêu cường hoặc một nhóm nước có tiềm lực liên kết với nhau thách thức vị trí siêu cường duy nhất của Hoa Kỳ

Thứ hai, việc hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp

đổ là tổn thất lớn chưa từng có của phong trào cách mạng và phong trào xã hội chủ nghĩa nói chung, chủ nghĩa xã hội hiện thực nói riêng Các nước xã hội chủ nghĩa còn lại đứng trước thách thức hết sức gay gắt So sánh lực lượng trên thế giới thay đổi theo hướng bất lợi cho phong trào cách mạng và hòa bình trên thế giới Sự tan rã của Liên Xô không thể không kéo theo những trăn trở về lý tưởng, hoang mang về niềm tin vào chủ nghĩa xã hội trong một bộ phận giai cấp công nhân, nhân dân lao động Chính trong bối cảnh đó, mô hình kinh tế thị trường và các giá trị dân chủ phương Tây trở thành sự lựa chọn của không ít quốc gia trên thế giới

Thứ ba, thời kỳ sau chiến tranh lạnh, đấu tranh giai cấp và dân tộc, các cuộc

xung đột cục bộ, xung đột tôn giáo, sắc tộc trên thế giới không dịu đi mà tiếp tục diễn ra gay gắt dưới những hình thức mới Tình hình trên ở một mức độ nào đó đe dọa an ninh của Hoa Kỳ, gây khó khăn cho việc thiết lập trật tự thế giới mới của Hoa Kỳ Song song đó thế giới đang đứng trước hàng loạt vấn đề kinh tế, xã hội, chính trị phức tạp như đói nghèo, bệnh tật, ô nhiễm… cùng với mâu thuẫn và những xung đột tôn giáo, sắc tộc, biên giới làm cho nhiều khu vực trên thế giới mất ổn định

Thứ tư, đối với bản thân Hoa Kỳ, chiến tranh lạnh kết thúc, kinh tế lâm vào

tình trạng trì trệ, sức cạnh tranh của nền kinh tế giảm, thâm thụt cán cân buôn bán ở mức báo động bởi vì trước đó là nguyên nhân quan trọng là chạy đua vũ trang tốn kém đã trực tiếp tác động đến nền kinh tế Hoa Kỳ

Về chính trị, hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu tan

rã đã làm cho Hoa Kỳ mất đi một mối đe dọa rõ ràng, cụ thể đối với sự sống còn của chủ nghĩa tư bản Hoa Kỳ đang rất cần xác định rõ những lợi ích cơ bản của mình trong tình hình mới và những thách thức chủ yếu đối với những lợi ích đó để xây dựng một chiến lược mới cho thời kỳ sau chiến tranh lạnh

Trong cuộc đấu tranh chính trị tư tưởng giữa chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa

Trang 14

tư bản vẫn tiếp tục diễn ra với những biểu hiện mới, đa dạng và phức tạp Nội dung của cuộc đấu tranh giữa hai chế độ chính trị xã hội khác nhau đã chuyển từ đối đầu mang tính toàn cầu sang chấp nhận tính đa dạng hóa chế độ chính trị, vừa hợp tác, vừa đấu tranh, cạnh tranh cùng tồn tại

Trước những thay đổi của tình hình thế giới và ở các khu vực, hầu hết các nước đều điều chỉnh chiến lược đối ngoại cho phù hợp với tình hình mới, mà nổi bật nhất là sự điều chỉnh chiến lược đối ngoại của các nước lớn Nó tác động sâu sắc đến nhiều quốc gia, dân tộc Trong bối cảnh so sánh lực lượng trên thế giới thay đổi mạnh mẽ, các nước lớn đều chú trọng điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng tăng cường mở rộng quan hệ nhằm phát huy ảnh hưởng, giành giật lợi ích về mọi mặt và tạo lập một vị thế có lợi nhất trong quá trình hình thành trật tự thế giới mới Cách thức tập hợp trở nên đa dạng, linh hoạt và cơ động hơn Lợi ích quốc gia, dân tộc có vị trí nổi trội đang qui định mục tiêu, nội dung, phương châm, chính sách đối ngoại và cách thức tập hợp của mỗi nước

1.1.2 Sự điều chỉnh chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ thời kỳ sau chiến tranh lạnh

Những điều chỉnh chính sách của các nước lớn đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương sau chiến tranh lạnh đã và đang tác động mạnh mẽ đến cục diện khu vực này nói chung và Đông Nam Á nói riêng, làm xuất hiện những phương thức tập hợp cơ động, linh hoạt nhưng cũng rất phức tạp Sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế ở khu vực này nhiều thập niên qua phụ thuộc khá nhiều vào yếu tố các nước lớn Nhìn tổng thể, các nước lớn do quyền lợi khác biệt nhau nên có nhiều mâu thuẫn ở đây Song, xu hướng chung là họ thường thỏa hiệp, phân chia lợi ích với nhau và điều đó trong nhiều trường hợp làm phương hại đến lợi ích các nước vừa và nhỏ Bởi vậy các nước vừa và nhỏ thường thực hiện chính sách duy trì quan hệ cân bằng với các nước lớn Bên cạnh đó tìm cách tận dụng cả những cơ hội nảy sinh chính từ những mâu thuẫn trong quan hệ giữa các nước lớn với nhau

Chiến lược đối ngoại của các nước lớn, đặc biệt là của Hoa Kỳ có ảnh hưởng sâu sắc đối với hòa bình, an ninh và sự phát triển của các nước trong khu vực và trên thế giới Bất kỳ nước nào cũng phải tính đến các nước lớn trong việc hoạch định

Trang 15

chính sách đối ngoại của mình và có đối sách xử lý các vấn đề trong quan hệ với các nước lớn Những động thái trên đây tác động mạnh mẽ đối với Việt Nam, vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn, buộc chúng ta phải nhận thức đầy đủ và có đối sách thích hợp với xu thế chung, và với từng nước lớn đặc biệt là với Hoa Kỳ

Chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ sau chiến tranh lạnh được định hình dưới chính quyền Tổng thống Bush (cha), thông qua việc điều chỉnh trong chiến lược

“Vượt trên ngăn chặn” Báo cáo Chiến lược an ninh quốc gia vào tháng 8/1991 đã nhấn mạnh mục tiêu của Hoa Kỳ là vượt trên ngăn chặn, tìm kiếm sự hòa nhập của Liên Xô vào hệ thống quốc tế, thúc đẩy tự do dân chủ và cải cách chính trị - kinh tế

ở Liên Xô; thiết lập trật tự thế giới mới và vai trò lãnh đạo không thể thiếu của Hoa

Kỳ Dưới chính quyền Bill Clinton, với bản đánh giá từ dưới lên trên (tháng 1993), chiến lược đối ngoại mới “Cam kết và mở rộng” của Hoa Kỳ (1995) và Chiến lược An ninh quốc gia cho thế kỷ XXI (1997) đã từng bước xác định toàn diện chiến lược an ninh để bảo vệ lợi ích quốc gia Đặc biệt vào năm 2000, Hoa Kỳ đưa ra “Chiến lược an ninh quốc gia cho thế kỷ mới” đã xây dựng một cách hệ thống, toàn diện các quan điểm chiến lược mang tính toàn cầu cho thời kỳ sau chiến tranh lạnh [22, tr.17]

9-Cũng như các chiến lược trước đó, một trong những cơ sở để xây dựng chiến lược toàn cầu sau chiến tranh lạnh của Hoa Kỳ là xác định rõ lợi ích quốc gia trên các lĩnh vực cốt yếu trong bối cảnh quốc tế mới, chiến lược an ninh quốc gia cho thế

kỷ mới xác định rõ những lợi ích sau: Một là, những lợi ích sống còn; Hai là, những lợi ích quốc gia quan trọng; Ba là, những lợi ích nhân đạo và những lợi ích khác

Như vậy sau chiến tranh lạnh, lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ được xác định trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị và an ninh Những lợi ích này nhằm đảm bảo duy trì vị trí siêu cường số 1 của Hoa Kỳ trong một thế giới có nhiều trung tâm quyền lực

Thực thi ba mục tiêu chiến lược trên Hoa Kỳ xác định rõ các đường hướng ở từng khu vực như sau:

Với châu Âu: “Xây dựng một châu Âu hòa nhập, dân chủ, thịnh vượng và hòa bình” và “phối hợp với các đồng minh và đối tác của chúng ta (Mỹ) khắp Đại

Trang 16

Tây Dương để đối phó với những thách thức toàn cầu…” [22, tr.22] Tại đây, Hoa

Kỳ tập trung xây dựng một nền kinh tế thế giới mở cửa hơn không có những trở ngại buôn bán và đầu tư xuyên Đại Tây Dương, coi “NATO là chiếc neo cam kết ở châu Âu và yếu tố quyết tử xuyên Đại Tây Dương” Để thực hiện những cam kết đối với NATO, “sẽ duy trì khoảng 100.000 quân ở châu Âu”, “duy trì các quan hệ có tính chất sống còn xuyên Đại Tây dương của chúng ta (Mỹ) và giữ vai trò lãnh đạo của Mỹ trong NATO”

Với khu vực Balkan và Đông Nam Âu: Thúc đẩy sự hòa nhập một số nền dân chủ mới vào trào lưu chính của châu Âu Với các nước vùng Ban tích: Hội nhập một

số nước như Latvia, Litva, Estonia vào cộng đồng xuyên Đại Tây Dương

Với Đông Á và Thái Bình Dương: Một cộng đồng Thái Bình Dương mới gắn lợi ích an ninh với sự tăng trưởng kinh tế, dân chủ và nhân quyền Trong đó, với Đông Nam Á, việc “phát triển các quan hệ an ninh và kinh tế tay đôi và khu vực góp phần ngăn chặn và giải quyết xung đột và mở rộng tham gia của Hoa Kỳ vào các hoạt động kinh tế của khu vực” Với lợi ích chiến lược đó, mục tiêu an ninh của Mỹ

trong khu vực được chú trọng là: Một là, Duy trì liên minh an ninh của Mỹ với Australia, Thái Lan, Philippnines; Hai là, Duy trì dàn xếp an ninh với Singapore và các nước ASEAN khác; Ba là, Khuyến khích sự nổi lên của một AESAN hùng

mạnh, liên kết có khả năng tăng cường an ninh và thịnh vượng khu vực [22, tr.22]

Như vậy, chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ sau chiến tranh lạnh được xây dựng hết sức toàn diện, bao gồm tất cả các mặt quân sự, kinh tế, chính trị tư tưởng

1.1.3 Tình hình khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Đông Nam Á

1.1.3.1 Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc

Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời vào ngày 1-10-1949 Trung Quốc được xem là một quốc gia xã hội chủ nghĩa rộng lớn với dân số đông nhất trên thế giới Tháng 12-1978, Hội nghị Trung ương 3 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã

đi vào lịch sử đất nước Trung Hoa, khi quyết định chuyển trọng tâm công tác của toàn Đảng từ chỗ coi đấu tranh giai cấp là chính sang lấy xây dựng kinh tế là nhiệm

vụ trọng tâm, mở đầu cuộc cải cách và mở cửa, dân chủ hóa đời sống chính trị và

Trang 17

xóa bỏ kinh tế kế hoạch để phát triển đất nước Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, sự đối đầu Xô – Mỹ đã chi phối hầu hết các quan hệ quốc tế Đồng thời do tính chất áp đặt của trật tự 2 cực đã tạo ra những mâu thuẫn nội bộ trong mỗi khối, đặc biệt là khi tương quan lực lượng đã thay đổi, hai cực suy yếu tương đối trong khi các đối tác khác đang lớn mạnh dần lên thì ý thức độc lập dân tộc, đòi hỏi sự bình đẳng trong quan hệ quốc tế của các nước ngày càng được nâng cao Tình hình này tác động mạnh mẽ đối với Trung Quốc Thêm vào đó, tình hình nội bộ Trung Quốc phần lớn thời gian của giai đoạn chiến tranh lạnh có nhiều bất ổn, kinh tế không phát triển Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đã có những bước điều chỉnh chiến lược đối ngoại và tư duy phát triển nền kinh tế rất linh hoạt

Từ giữa những năm 80 của thế kỷ XX, trước yêu cầu về xây dựng kinh tế, thực hiện “Bốn hiện đại hóa”, từ cuối thập kỷ 80 Trung Quốc đã củng cố quan hệ với các nước lớn, cải thiện quan hệ với các nước láng giềng và các nước trong khu vực tạo được một môi trường hòa bình, ổn định, nâng cao vai trò, vị thế của mình và thực tế cho thấy thực lực của Trung Quốc ngày càng lớn mạnh về tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế Sau hai mươi năm cải cách mở cửa nền kinh tế của Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế đặc biệt trong những năm 90 của thế kỷ XX, Trung Quốc đã thành công trong việc làm cho nền kinh tế quốc dân “Hạ cánh mềm”, ứng phó có hiệu quả với cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á…, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng và ổn định, GDP bình quân giai đoạn 1993 – 2005 tăng trưởng 9,9%/năm, nhiều năm liền là nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới Trung Quốc đã là công xưởng lớn và thị trường lớn của thế giới, với sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc, điều đó vừa là thách thức đối với kinh tế Việt Nam trong quá trình vươn ra thị trường thế giới phải đương đầu với hàng hóa và dịch vụ giá cả cạnh tranh, chất lượng tốt của nước này, vừa là cơ hội để kích thích tăng trưởng kinh tế hướng vào thị trường rộng lớn, đang gia tăng nhanh chóng nhu cầu hàng hóa và dịch

vụ, mà các nước láng giềng như Việt Nam để có cách tiếp thị tốt thì sẽ mở ra triển vọng to lớn

Trong suốt hơn thập niên qua, kể từ ngày quan hệ hai nước bình thường hóa,

Trang 18

với vị trí đặc biệt vừa là nước láng giềng, vừa là nước lớn, Trung Quốc luôn là một trong những ưu tiên chính trong chính sách đối ngoại của Việt Nam Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam hết sức quý trọng tình hữu nghị truyền thống với nhân dân Trung Quốc

1.1.3.2 Sự hình thành và phát triển của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC)

Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) được thành lập vào tháng 11-1989 trong bối cảnh xu hướng liên kết kinh tế phát triển mạnh mẽ, phát triển kinh tế, đẩy mạnh tự do hóa thương mại và đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh… trở thành những ưu tiên trong quan hệ hợp tác ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương Trong tình hình ấy, APEC ra đời và đáp ứng kỳ vọng vào các nền kinh tế khu vực là thiết lập một cơ chế hợp tác nhằm nắm bắt những cơ hội, ứng phó với những thách thức mới do những chuyển biến của tình hình thế giới và khu vực, đẩy mạnh tự do hóa thương mại và đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững của các nền kinh tế thành viên

Trong những năm qua, APEC đã trải qua nhiều cột mốc đáng nhớ, từ chỗ là diễn đàn cấp bộ trưởng, sau bốn năm hoạt động, năm 1993 tại Hoa Kỳ, APEC nâng cấp thành hội nghị cấp cao hằng năm từ chỗ chỉ có 12 thành viên, đến nay APEC đã

mở rộng gồm 21 nền kinh tế có trình độ phát triển đa dạng, không chỉ có các nền kinh tế phát triển cao như: Hoa Kỳ, Canada, Hàn Quốc, mà có cả những nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Nga… vì vậy, hợp tác APEC có những nét đặc thù dựa trên nguyên tắc “Đồng thuận, tự nguyện và không ràng buộc” Năm 1994, tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 2 tại Bogor (Indonesia), lãnh đạo các nền kinh tế APEC đưa ra tuyên bố Bogor, xác định mục tiêu và tầm nhìn dài hạn của APEC đến năm

2020 với hai dấu mốc quan trọng là thực hiện tự do hóa thương mại và đầu tư tại châu Á – Thái Bình Dương đối với các nền kinh tế phát triển vào năm 2010 và các nền kinh tế đang phát triển vào năm 2020

Hợp tác APEC với ba trụ cột là tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại, đầu tư

và hợp tác kinh tế kỹ thuật, đã giành được nhiều thành tựu to lớn APEC đã trở

Trang 19

thành một diễn đàn liên khu vực quan trọng, kết nối nhiều nền kinh tế năng động và đóng góp cho sự phồn vinh và phát triển bền vững trong khu vực cũng như trên thế giới Mặc dù phải ứng phó với những tác động sâu sắc của toàn cầu hóa, phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 – 1998, APEC vẫn đứng vững và thể hiện rõ sức sống của một khu vực phát triển năng động nhất trên thế giới Hơn 60% GDP, 50% thương mại và 70% tăng trưởng toàn cầu là có sự đóng góp của các thành viên APEC Không những thế APEC tiếp tục được đánh giá là nơi có nhiều nền kinh tế năng động nhất thế giới, có khả năng phục hồi mạnh mẽ nhất sau khủng hoảng, và được kỳ vọng sẽ là động lực của nền kinh tế toàn cầu

Trong bối cảnh chủ nghĩa khủng bố và sự gia tăng của các mối đe dọa an ninh phi truyền thống đặt ra những thách thức mới cho khu vực, sự quan tâm của APEC không chỉ giới hạn trong hợp tác kinh tế mà đã mở rộng sang vấn đề an ninh

và chính trị của khu vực Không chỉ dừng lại ở những thành tựu trong khu vực, APEC còn có nhiều đóng góp cho mang ý nghĩa toàn cầu, đặt nền móng cho sự ra đời của tổ chức Thương mại thế giới (WTO)

Thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập kinh

tế quốc tế Việt Nam chính thức gia nhập APEC năm 1998 Nhìn lại toàn bộ quá trình của APEC có thể thấy đây là một diễn đàn có đóng góp quan trọng đối với Việt Nam trên con đường hội nhập Cùng với ASEAN, APEC đã mang đến cho Việt Nam những lợi ích thiết thực cả về kinh tế, chính trị và văn hóa trong hợp tác đa phương, đồng thời là một kênh hiệu quả để đẩy mạnh hợp tác song phương với các nền kinh tế thành viên APEC

1.1.3.3 Sự phát triển của các nước khu vực Đông Nam Á

Đông Nam Á (South East Asia) là khu vực 11 quốc gia(*), nằm ở phía đông nam lục địa châu Á có diện tích 4,7 triệu km2, có chế độ nhà nước, chế độ chính trị

và trình độ phát triển kinh tế khác nhau, với số dân trên 500 triệu người Trong các nước Đông Nam Á chỉ có Lào là không tiếp xúc với biển còn lại 10 quốc gia đảo

(*) Brunei, Campuchia, Indonesia, Đông Timor, Lào, Myanmar, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam và Singapore

Trang 20

hoặc nằm trên bán đảo, có tiếp xúc với biển Đông, Ấn Độ Dương hoặc Thái Bình Dương Do đó, Đông Nam Á được xem là chiếc cầu nối đại dương, nằm ở vị trí trọng yếu, nơi nối liền các mạch giao thông giữa các châu lục và đại dương Trong bối cảnh của những thập niên sau Chiến tranh thế giới thứ hai, sự phát triển nổi bật nhất của Đông Nam Á được đánh dấu bởi sự hình thành và hoạt động của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Ngày 8-8-1967 tại Bangkok (Thái Lan), các Ngoại trưởng của 5 nước Đông Nam Á là Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines và Singapore đã tuyên bố thành lập ASEAN Sau đó là lần lượt gia nhập

tổ chức này là Brunei (1984), Việt Nam (1995), Lào và Myanmar (1997), và Campuchia (1999) Thời kỳ chiến tranh lạnh, Đông Nam Á trở thành một trong những địa bàn tranh giành ảnh hưởng chủ yếu giữa hai siêu cường là Xô – Mỹ Các nước trong khu vực, trực tiếp hay gián tiếp đều bị lôi cuốn hoặc chịu ảnh hưởng của những tính toán trong chiến lược toàn cầu của hai siêu cường Các nước Đông Nam

Á do đó đứng trước nhiều thách thức của một thế giới đối cực toàn diện

Sau Chiến tranh lạnh, xu thế đối đầu Đông - Tây không còn, song Đông Nam

Á vẫn là nơi được sự “quan tâm” của nhiều nước lớn Các nước lớn tìm cách can dự vào khu vực nhằm duy trì, bảo vệ và thúc đẩy lợi ích của họ Để bảo vệ lợi ích của mình ở khu vực, Hoa Kỳ đã và đang tăng cường duy trì, thiết lập quan hệ trên các lĩnh vực quan trọng với nhiều nước Đông Nam Á và kể cả các nước châu Á – Thái Bình Dương như Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, v.v… Chính vì vậy, cục diện chính trị Đông Nam Á thời kỳ sau chiến tranh lạnh tiếp tục có biến động theo các chiều hướng khác nhau do các yếu tố bên trong và bên ngoài tác động

Trên bình diện kinh tế, dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, nền kinh tế thế giới và khu vực phát triển cả về trình độ lẫn qui mô chưa từng thấy Kinh tế trở thành yếu tố có ý nghĩa chi phối trong các mối quan hệ quốc tế Tiến trình toàn cầu hóa, khu vực hóa cũng được thúc đẩy mạnh mẽ với sự hình thành các thiết chế, tổ chức tài chính- tiền tệ, thương mại…Sự thừa nhận và chú trọng ưu tiên phát triển kinh tế là mục tiêu hàng đầu của mỗi quốc gia là hệ quả của sự tác động đó Trong đó việc giữ môi trường hòa bình ổn định là diễu kiện

Trang 21

không thể thiếu để phát triển kinh tế

Các quốc gia Đông Nam Á với những lợi thế có được đã và đang đứng trước nhiều vận hội của tiến trình hợp tác, liên kết cùng phát triển, với nhiều ưu thế về địa

lý tự nhiên, tài nguyên, lại là địa bàn có vị trí chiến vô cùng quan trọng trong hệ thống đường hàng hải quốc tế Đây là khu vực chiến lược có quan hệ về lợi ích với tất cả các cường quốc trên thế giới

Sau Chiến tranh lạnh, diện mạo về chính trị và kinh tế cũng thay đổi so với các khu vực khác, là Vấn đề Campuchia được giải quyết bởi giải pháp toàn diện, sự cải thiện nhanh chóng quan hệ giữa các nước Đông Dương và Myanmar với ASEAN Đó là xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển được tăng cường trong khu vực Đó là sự cải thiện quan hệ giữa các nước lớn đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nước Đông Nam Á thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với các nước lớn vốn bị ngăn cách trong chiến tranh lạnh Việt Nam, Indonesia, Brunei, Singapore bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Trung Quốc Tình hình trên đã góp phần thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển Điều này cũng có nghĩa, sau chiến tranh lạnh, Đông Nam Á là một điểm nóng trước kia đã nhanh chóng trở thành địa bàn qui tụ các nỗ lực quan hệ giữa các nước Với những chuyển động tích cực trong đời sống an ninh chính trị và kinh tế ở Đông Nam Á sau chiến tranh lạnh, đã tới quá trình quan hệ hợp tác quốc tế của khu vực Biểu hiện rõ nhất là việc Hoa Kỳ, Nhật Bản, Tây Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều nước khác quan tâm và hướng tới thị trường Đông Nam Á, Thúc đẩy giao lưu chuyển vốn đầu tư, chuyển giao công nghệ buôn bán với khu vực

Những chuyển biến tích cực của các nước Đông Nam Á đã làm cho vị trí chiến lược của khu vực này phát triển mạnh mẽ Đặc điểm hàng đầu hiện nay là sự phát triển tích cực các nỗ lực hợp tác và liên kết khu vực Cũng do đó, các thành viên của hiệp hội đã và đang thu được nhiều thành quả tốt đẹp trong phát triển kinh tế- xã hội và an ninh chính trị

Trang 22

1.2 Tình hình và chính sách đối ngoại của Việt Nam

Trước tình hình đó, Ðảng và Nhà nước Việt Nam thấy rằng không còn sự lựa chọn nào khác là phải đổi mới, trước hết là đổi mới cách nghĩ, cách làm nhằm xây dựng chủ nghĩa xã hội một cách có hiệu quả hơn Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 12-1986) đã đưa ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, đặc biệt là đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế; nắm vững quy luật khách quan, lấy dân làm gốc… Nhờ vận dụng đúng đắn các quy luật thông qua các chủ trương, chính sách, sản xuất trong nước ngày càng phát triển, lưu thông ngày càng thông suốt, đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân từng bước được ổn định và nâng cao, xã hội ngày càng lành mạnh, qua đó, chế độ xã hội chủ nghĩa ngày càng được

củng cố…

Với tư duy và đường lối phát triển kinh tế mới, chúng ta đã từng bước làm cho sức sản xuất phát triển khá nhanh, cơ sở vật chất được tăng cường, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 7,5%/năm Thu nhập bình quân đầu người từ 200 USD năm 1990 tăng lên khoảng

600 USD năm 2005 Tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước đã giảm từ 30% năm 1992 xuống còn 7% năm 2005, được Liên Hiệp Quốc đánh giá là “hoàn thành sớm hơn so với kế

Trang 23

hoạch toàn cầu: giảm một nửa tỷ lệ nghèo vào năm 2015”

Sự nghiệp giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ có bước phát triển mới Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có tiến bộ Cùng với phát triển kinh tế, cơ cấu

tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị nước ta đã có nhiều đổi mới theo hướng ngày càng dân chủ hơn, năng động hơn Về quốc phòng, an ninh, chúng ta đã nhận thức ngày càng sâu sắc hơn mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ

Tổ quốc; giữa kinh tế và quốc phòng - an ninh - đối ngoại và đã kịp thời ngăn chặn, dập tắt một số vụ gây rối, bạo loạn chính trị của các đối tượng phản động trong và ngoài nước Về đối ngoại, đến năm 2001, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với

167 nước trong tổng số hơn 200 nước trên thế giới; có quan hệ thương mại với 221 nước và vùng lãnh thổ; đã tham gia Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN)

và Diễn đàn hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC)

Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, về mặt đối ngoại, Việt Nam đã và đang thúc đẩy xây dựng quan hệ hữu nghị với các nước trong khu vực, tăng cường hợp tác để duy trì một môi trường hòa bình, ổn định lâu dài phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội đất nước Từ mối quan hệ hợp tác nhiều mặt với các nước, vị thế và uy tín của Việt Nam sẽ ngày càng được đề cao trong khu vực cũng như trên trường quốc tế Trên cơ sở đường lối đối ngoại và nhu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới, Việt Nam nhận thấy Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng, có nhiều tiềm năng để Việt Nam thiết lập và mở rộng quan hệ

1.2.2 Chính sách đối ngoại của Việt Nam đối với Hoa Kỳ

Bước vào nửa cuối thập niên 90 của thế kỷ XX, trong quá trình thực hiện phương châm “đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ quốc tế với tinh thần Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”, chúng ta đặc biệt coi trong quan hệ với các nước lớn, trong đó có Hoa Kỳ Thực tế, tuyên bố của Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton này 11-7-1995 cũng như tuyên bố của Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt ngày 12-7-1995 mới chỉ là sự chính thức xác định việc bình thường hoá quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ về mặt ngoại giao Từ các tuyên bố này, đến việc bình thường hoá hoàn toàn quan hệ Việt Nam –

Trang 24

Hoa Kỳ còn cả một chặng đường dài

Xuất phát từ tình hình đó, quan điểm và chính sách của Việt Nam đối với Hoa

Kỳ sau khi bình thường hoá quan hệ ngoại giao là rất rõ ràng Thủ tướng Võ Văn

Kiệt đã tuyên bố Việt Nam: “sẵn sàng cùng chính phủ Hoa Kỳ thoả thuận một khuôn khổ mới giữa hai nước trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, cùng có lợi và phù hợp với các nguyên tắc phổ biến của luật pháp quốc tế Tôi mong rằng chính phủ và nhân dân hai nước sẽ hợp tác có hiệu quả trong việc tiếp tục giải quyết các vấn đề nhân đạo

do chiến tranh để lại ở cả hai bên, mở rộng quan hệ trên các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm, trước hết là các lĩnh vực kinh tế, thương mại, khoa học – kỹ thuật…” [77,

Trong quan hệ với Hoa Kỳ giai đoạn 1995-2000, Việt Nam tiếp tục thực hiện phương châm “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, cùng hợp tác và có lợi quan điểm của ta là tích cực, chủ động và tạo điều kiện để cùng với Hoa Kỳ nhận rõ việc phát triển quan hệ giữa hai nước là phù hợp với lợi ích của hai nước, lợi ích của khu vực và quốc tế Bên cạnh đó, phía Việt Nam cũng kiên quyết đấu tranh chống lại mọi ý đồ của Hoa Kỳ nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam để thực hiện “diễn biến hoà bình” ở Việt Nam

Bước vào thế kỷ XXI, những chuyển động của thế giới và khu vực châu Á –

Trang 25

Thái Bình Dương, đã tác động đến Việt Nam, trước hết là đến quá trình triển khai thực hiện chính sách đối ngoại, trong đó có chính sách đối với Hoa Kỳ Trong giai đoạn mới, chính sách của Việt Nam đối với Hoa Kỳ là một bộ phận trong chính sách của Việt nam đối với các nước lớn Đối với Việt Nam tư tưởng chỉ đạo trong quan

hệ với các nước lớn là tạo lập cân bằng lợi ích, một mặt thúc đẩy quá trình cải thiện,

mở rộng và phát triển với từng nước lớn, mặt khác vẫn tiếp tục giữ vững độc lập, thống nhất và định hướng xã hội chủ nghĩa, không để các nước lớn thao túng, áp đặt hoặc lôi kéo

Đại hội lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam (4- 2001) khẳng định: “Thúc đẩy quan hệ đa dạng với các nước phát triển, xuất phát từ nhận thức rằng các nước lớn, các nước phát triển đóng vai trò quan trọng trong quan hệ quốc tế nhất là trong lĩnh vực kinh tế, tuy đang chi phối quá trình toàn cầu hoá, nhưng họ cũng có nhu cầu mở rộng quan hệ hợp tác vì lợi ích của chính họ đồng thời giữa họ với nhau cũng tồn tại nhiều mâu thuẫn về lợi ích, cho nên chúng ta cần và có thể tranh thủ phát triển quan hệ đa dạng, bao gồm cả quan hệ chính phủ và phi chính phủ trên cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học, công nghệ… với các nước đó để thu hút nguồn vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý, v.v… tạo môi trường hoà bình,

ổn định lâu dài cho sự phát triển đất nước” [18, tr.121-122]

Nghị quyết Trung ương VIII (7-2003) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới), Đảng ta nêu quan điểm về “đối tác”, và “đối tượng”, xác định thúc đẩy quan hệ với các nước trung tâm lớn trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, tạo thế đan xen lợi ích giữa các nước; tránh bị rơi vào thế đối đầu, cô lập hay lệ thuộc [5, tr.44] Đây là bước phát triển mới trong chính sách của Việt Nam trong quan hệ với các nước lớn, đặc biệt, Hoa Kỳ đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của Việt Nam Về chính trị, do Hoa Kỳ đóng vai trò chi phối trong nhiều tổ chức quốc tế và trong quan

hệ với các nước nên việc phát triển quan hệ với Hoa Kỳ sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam hội nhập vào cộng đồng quốc tế Hơn nữa việc tạo lập quan hệ tốt với tất cả các nước lớn còn giúp duy trì sự ổn định, hoà bình và thịnh vượng không chỉ cho

Trang 26

Việt Nam mà cho cả khu vực Đông Nam Á

Trên cơ sở đó, Việt Nam đã thể hiện sự chủ động trong việc thúc đẩy quan hệ với Hoa Kỳ, xem Hoa Kỳ là một đối tác quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam; hướng đến việc xác định một khuôn khổ quan hệ ổn định với Hoa Kỳ [41, tr.75] Việc phát triển với quan hệ với Hoa Kỳ trong những năm đầu tiên thế kỷ XXI được xem là bước đi cần thiết để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá, thực hiện chủ trương cân bằng quan hệ với các nước lớn Việc phát triển quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đáp ứng lợi ích thiết thực của Việt Nam, đặt biệt là trong khung cảnh Việt Nam năng động đổi mới, mở rộng quan hệ quốc tế, hội nhập kinh tế quốc tế

1.3 Tình hình và chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ

1.3.1 Tình hình Hoa Kỳ

Như đã biết, Hoa Kỳ là nước rộng thứ tư trên thế giới với diện tích hơn 9,3 triệu km2 (sau Nga, Canada và Trung Quốc), rộng gấp khoảng 28 lần diện tích của Việt Nam, trong đó có tới 59% đất đai có thể canh tác Mức tăng trưởng kinh tế Hoa

Kỳ năm 1996 là 2,8%, năm 1997 là 3,7% Tổng sản phẩm quốc dân Hoa Kỳ năm

1997 là 8.000 tỷ USD và bình quân GDP trên đầu người là 28.515 USD/người/năm Xuất khẩu của Hoa Kỳ năm 1997 đạt 650 tỷ USD Trong số 1.000 công ty lớn nhất thế giới thì có tới 400 công ty là của Hoa Kỳ (chiếm 40%) Đồng đô la tiếp tục là phương tiện thanh toán chủ yếu của thế giới và Hoa Kỳ đứng đầu về tỷ lệ đóng góp

và có ảnh hưởng lớn nhất trong các tổ chức tài chính và kinh tế thế giới (18,4% ở Quỹ tiền tệ quốc tế, 14,5% ở Ngân hàng thế giới…) Điểm mạnh nữa của kinh tế Hoa Kỳ là những năm gần đây, Hoa Kỳ đã đi trước các nước tư bản tiên tiến khác trong cải cách cơ cấu kinh tế, hướng vào công nghiệp kỹ thuật cao, chuyển công nghệ và kỹ thuật cũ ra nước ngoài, nhờ đó tạo lợi thế cho Hoa Kỳ trong phân công lao động quốc tế, khôi phục được vị trí hàng đầu về sức cạnh tranh của nền kinh tế

Ưu thế của Hoa Kỳ là về khoa học và công nghệ Vào năm 1996, Hoa Kỳ có đội ngũ các nhà khoa học đông đảo nhất thế giới (trong đó có rất nhiều chuyên gia hàng đầu được giải Nobel) với 4,63 triệu nhà khoa học Tính chung, Mỹ chiếm tới

Trang 27

1/3 sản lượng bản quyền phát minh sáng chế của toàn thế giới Hàng năm, Hoa Kỳ đầu tư cho khoa học và công nghệ lên tới hơn 150 tỷ USD; đầu tư cho giáo dục và đào tạo chiếm khoảng 6,8% GDP của Hoa Kỳ Không những thế, Hoa Kỳ còn là nước đi đầu, giữ nhiều vị trí then chốt trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ như tin học, vũ trụ, ô tô, chế tạo máy, dầu lửa, dược phẩm, nông nghiệp, hóa học v.v…

Về quân sự, năm 1996, tổng số quân Mỹ cả tại ngũ và dự bị là hơn 3 triệu người, trong đó, lực lượng thường trực là 1,6 triệu gồm 18 sư đoàn thường trực, 536 tàu chiến các loại (trong đó có 31 tàu sân bay hiện đại), 34 liên đội máy bay chiến đấu chiến thuật, 228 máy bay ném bom và 3 sư đoàn lính thủy đánh bộ với 9 Bộ Tư lệnh và hơn 2.000 căn cứ quân sự rải khắp mọi nơi trên thế giới Với tư cách là một cường quốc quân sự thế giới, Hoa Kỳ luôn luôn duy trì sự có mặt của lực lượng quân sự của mình trên tuyến trước, tạo điều kiện cho Hoa Kỳ có thể nhanh chóng triển khai ở những khu vực cần thiết trên thế giới Ở châu Âu, Hoa Kỳ duy trì khoảng 100.000 quân và 700 đầu đạn hạt nhân Ở châu Á, tính đến 1993 Hoa Kỳ chỉ cắt giảm 15.000 trong số hơn 100.000 quân có mặt tại Nhật Bản, Hàn Quốc (và trước đó là Philippines)

Với thực lực hùng hậu về kinh tế, quân sự và khoa học - kỹ thuật như trên, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục triển khai chiến lược toàn cầu của mình với tham vọng lãnh đạo, chi phối toàn thế giới với tư cách là một cực, một siêu cường duy nhất sau khi Liên Xô sụp đổ và Trật tự thế giới hai cực Yalta tan rã

1.3.2 Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ đối với Việt Nam

Ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình (1993 - 1997), Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đã vạch ra một chiến lược mới mang tên “Chiến lược an ninh quốc gia

Sự cam kết mở rộng 1995 -1996” Chiến lược an ninh quốc gia “Cam kết và mở rộng” của Tổng thống B Clinton là một chiến lược toàn cầu mới của Hoa Kỳ, khá toàn diện và đầy tham vọng nhằm bảo đảm không chỉ cho sự phát triển mạnh mẽ của bản thân Hoa Kỳ (đối nội) mà còn cho vai trò lãnh đạo, chi phối thế giới của Hoa Kỳ (đối ngoại) với tư cách là siêu cường duy nhất của thời kỳ hậu chiến tranh lạnh Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trong nữa cuối thập niên 90, sau khi hai nước

Trang 28

chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (11-7-1995), cũng không nằm ngoài khuôn khổ của chiến lược “Cam kết và mở rộng”

Sau khi Liên Xô tan rã, theo quan điểm của Hoa Kỳ thì ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương dần dần xuất hiện những nguy cơ thách thức vai trò của Hoa Kỳ đối với khu vực Vì vậy, một trong những mối quan tâm lớn của Hoa Kỳ là phải đảm bảo vai trò của họ ở khu vực này Hoa Kỳ cho rằng quan hệ tốt với Việt Nam

sẽ giúp họ thực hiện được chiến lược cân bằng lực lượng và bảo vệ được những quyền lợi của Hoa Kỳ ở biển Đông Bên cạnh đó, tạo được chỗ đứng ở Việt Nam sẽ giúp Hoa Kỳ không những phần nào kềm chế được ý đồ bành trướng của các nước lớn trong khu vực mà còn giúp Hoa Kỳ mở rộng ảnh hưởng ra toàn Đông Dương, tăng cường vị trí của Hoa Kỳ ở một địa bàn mà họ đã bị buộc phải rút lui sau năm

1975 Ngoài ra, việc nhiều nước lớn mở rộng hợp tác kinh tế với Việt Nam càng thúc đẩy Hoa Kỳ không thể chậm chân trong việc thâm nhập thị trường Việt Nam Trên cơ sở đó, chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam sau khi hai nước đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao là tiếp tục đi đến bình thường hoá quan hệ một cách đầy đủ với Việt Nam, nhằm xoá bỏ những bất đồng trong nội bộ nước Mỹ xung quanh “vấn đề Việt Nam”; tạo điều kiện cho giới tư bản mới thâm nhập, kinh doanh ở thị trường Việt Nam và cạnh tranh có hiệu quả với các đối thủ khác của Mỹ trên thị trường này Đồng thời, thông qua vai trò và vị trí của Việt Nam, Mỹ muốn kiềm chế các đối thủ khác của mình, trước hết là những nước lớn trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương như Trung Quốc, Nhật, Nga v.v…, đặc biệt là Trung Quốc Riêng Hoa Kỳ muốn lợi dụng Việt Nam để kiềm chế Trung Quốc, đồng thời cũng không để Việt Nam liên kết với Trung Quốc với tư cách là hai nước xã hội chủ nghĩa

Tuy bình thường hoá quan hệ với Việt Nam với tư cách là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, nhưng Hoa Kỳ vẫn không ngừng theo đuổi mục đích đưa Việt Nam vào trong quỹ đạo của Hoa Kỳ thông qua các biện pháp “Diễn biến hoà bình” Mục tiêu này Tổng thống B Clinton công khai tuyên bố trong Tuyên bố bình

thường hoá quan hệ với Việt Nam 11-7-1995: “Bằng việc giúp đưa Việt Nam hoà

Trang 29

nhập cộng đồng các dân tộc, việc bình thường hoá còn phục vụ lợi ích của chúng ta trong việc phấn đấu cho một nước Việt Nam tự do và hoà bình ở châu Á ổn định và hoà bình” [76, tr.39] Có thể nói, những lời tuyên bố trên đây về chủ trương “Diễn

biến hoà bình” của Hoa Kỳ đối với Việt Nam đã quá rõ ràng, thậm chí công khai Với tinh thần đó, Hoa Kỳ đã nêu lên ba phương cách đẩy mạnh “Diễn biến hoà bình” ở Việt Nam là: 1- Chi phối đầu tư; 2- Ngoại giao thân thiện; 3- Khoét sâu mâu thuẫn nội bộ [51, tr.105]

Như vậy, có thể thấy rõ ý đồ mang tính chiến lược của Hoa Kỳ là thông qua việc phát triển quan hệ với Việt Nam sẽ từng bước hướng Việt Nam đi theo con đường thị trường tự do, từ đó tạo sự chuyển biến về chính trị ở việt Nam Thực tế cho thấy, Hoa Kỳ luôn luôn đòi hỏi Việt Nam cải cách nhanh hơn nữa bằng cách đẩy mạnh quá trình tư nhân hoá về kinh tế và cải cách chính trị theo hướng dân chủ hoá theo kiểu phương Tây

Sau sự kiện ngày 11-9-2001, để thích ứng với tình hình quốc tế và môi trường an ninh đã đổi thay, chính quyền G W Bush đã công bố về Chiến lược an ninh quốc gia mới của mình vào ngày 20-9-2002 Chiến lược mới có những đặc điểm nổi bật là: Duy trì bá quyền dựa trên ưu thế về sức mạnh quân sự; thực hiện chủ nghĩa đơn phương nhằm đảm bảo quyền tự do được hành động; chống khủng bố trở thành ưu tiên chiến lược đánh đòn phủ đầu; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu, thực thi thương mại tự do và dân chủ trên thế giới [10, tr 23] Trong đó, khu vực châu Á – Thái Bình Dương ngày càng có vị trí quan trọng trong chiến lược của Hoa Kỳ, trong đó Việt Nam là một quốc gia được Hoa Kỳ rất quan tâm

Nhìn chung, trong giai đoạn mới này, các mục tiêu chính sách lậu dài của Hoa

Kỳ đối với Việt Nam là đảm bảo một nước Việt Nam ổn định, an toàn, thịnh vượng

và mở cửa Mục tiêu của Hoa Kỳ là đưa Việt Nam hoà nhập toàn cầu với các quan

hệ kinh tế, thương mại có lợi cho Hoa Kỳ, từ đó tạo ra nền tảng chung để mở rộng

ra các lĩnh vực khác Trên cơ sở quan hệ tốt với Việt Nam, Hoa Kỳ thông qua vị trí

và vai trò của Việt Nam, Hoa Kỳ kềm chế các đối tác và đối thủ khác, đặc biệt là Trung Quốc Hoa Kỳ tính toán để có thể triệt để lợi dụng Việt Nam trong quan hệ

Trang 30

Hoa Kỳ - Trung Quốc, không để Việt Nam và Trung Quốc liên kết với nhau với vai trò hai nước xã hội chủ nghĩa [30, tr.220]

Bên cạnh đó, việc phát triển quan hệ với Việt Nam sẽ đem lại cho Hoa Kỳ các lợi ích chính trị, chiến lược, kinh tế đáng kể Để đảm bảo các lợi ích của mình ở Việt Nam, lãnh đạo Hoa Kỳ cho rằng phải can dự và dính líu với Việt Nam bằng cách đưa Việt Nam vào quỹ đạo phát triển chung [68, tr.7] Trên cơ sở lợi ích, Hoa

Kỳ thực sự có lợi ích kinh tế ở Việt Nam vì Việt Nam là một thị trường có tiềm năng rất lớn Theo đánh giá của Hoa Kỳ, Việt Nam được coi là một trong 10 thị trường lớn đang nổi Điều này buộc Hoa Kỳ phải chú trọng đối dự phát triển quan

hệ với Việt Nam

Từ đó, Hoa Kỳ quan tâm và có lợi ích với một Việt Nam mạnh hơn Điều này được thể hiện rõ qua lời phát biểu của Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Micheal Marine

là: “Rõ ràng, một Việt Nam phồn vinh và năng động, có vai trò lãnh đạo đóng góp vào ổn định khu vực là hết sức phù hợp với lợi ích của đất nước và nhân dân Hoa Kỳ” [12] Qua đó, có thể thấy, Việt Nam trở thành một quốc gia trọng điểm của Hoa

Kỳ trong việc phát triển quan hệ tốt với các nước phi đồng minh ở khu vực Đông Nam Á [27, tr.31-32]

Trên thực tế, do Hoa Kỳ và Việt Nam có sự khác biệt về lợi ích cơ bản nên chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam luôn mang tính hai mặt [69, tr.536] Một mặt vừa muốn cải thiện quan hệ với Việt Nam để phục vụ chiến lược của Hoa Kỳ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và dành lợi ích kinh tế cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ Mặt khác, Hoa Kỳ vẫn âm mưu tiếp tục thực hiện “diễn biến hoà bình”, thông qua “can dự” với khẩu hiệu “dân chủ và nhân quyền” để áp đặt giá trị Mỹ, thúc đẩy cải cách kinh tế, chính trị ở Việt Nam, nhằm đưa Việt Nam vào quỹ đạo của Hoa Kỳ, triệt tiêu mục tiêu và bản chất xã hội chủ nghĩa của Việt Nam

1.4 Vài nét về mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trước năm 1995

1.4.1 Giai đoạn trước năm 1975

Cột mốc đầu tiên được mở đầu cho quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ diễn ra vào năm 1787 tại Paris, thủ đô nước Pháp Đó là cuộc gặp gỡ đầy thú vị giữa Hoàng tử

Trang 31

Cảnh đang theo giám mục Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) sang cầu viện vua Pháp

và Thomas Jefferson, là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ tại Pháp Cuộc gặp gỡ này xuất phát từ mong muốn của Thomas Jefferson có được giống lúa cạn nổi tiếng đang gieo trồng trên quê hương Hoàng tử Cảnh để góp phần cải tạo môi trường sinh thái, mang lại ấm no, hạnh phúc cho người dân vùng ngập nước quê ông Đáng tiếc là, mãi tới năm 1791 Giám mục Bá Đa Lộc và Hoàng Tử Cảnh mới về tới Nam Kỳ Những lời ước hẹn giữa Hoàng Tử Cảnh và Jefferson bị

bỏ qua Cơ hội đầu tiên bị bỏ lỡ đó dự báo sự trắc trở, gập ghềnh trên con đường hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ hiểu biết lẫn nhau và làm bạn với nhau

Cột mốc thứ hai đánh dấu bởi sự xuất hiện lần đầu tiên một tàu buôn treo cờ Hoa Kỳ của Công ty Crowinshield of Salem, Massachusetts, một trong những công

ty tàu biển lớn của bang New England do thuyền trưởng J Briggs chỉ huy buôn neo tại cảng Đà Nẵng ngày 21-5-1803 Theo lời khuyên của những thuyền trưởng người Pháp đang phục vụ cho vua Gia Long ở cảng Đà Nẵng, ngày 23-5-1803, J Briggs thuê một chiếc thuyền năm tay chèo do một người Bồ Đào Nha dẫn đường đi Huế Tại đây cũng thông qua một vị thuyền trưởng người Pháp, Vua Gia Long đã cấp cho thuyền trưởng J Briggs giấy phép buôn bán tại tất cả các hải cảng nước ta Có giấy phép trong tay, J Briggs cho tàu chạy dọc bờ biển tìm chỗ buông neo buôn bán, nhưng vì gió mùa thổi mạnh, tàu không vào được các cảng biển Ngày 10-6-1803, tàu Fame rời bờ biển Việt Nam đi Manila (Philipinnes) kết thúc sự xuất hiện và sự biến đi đột ngột của chiếc tàu mang cờ Mỹ đầu tiên trên hải cảng nước ta Từ đó không thấy tái xuất hiện chiếc tàu Fame với thuyền trưởng J Briggs Một cơ hội buôn bán giữa hai nước được nhen nhóm, được khởi động bị bỏ qua Xin nhớ là giấy phép buôn bán trên tất cả các hải cảng Việt Nam mà thuyền trưởng J Briggs nhận được từ vua Gia Long được cấp vào cuối tháng 5- 1803, tức là chỉ sáu tháng sau khi Gia Long lên ngôi Thời điểm đó là hết sức thuận lợi bởi Gia Long có thái

độ hết sức mềm dẻo trong quan hệ đối ngoại, đặc biệt đối với các nước phương Tây

Tháng 12-1832, chiếc tàu Peacook chở Đặc phái viên Edmund Robert mang

theo Quốc thư của Tổng thống Hoa Kỳ Andrew Jackson và bản Dự thảo Hiệp ước

Trang 32

thương mại với Việt Nam, vì gió mùa thổi mạnh, không vào được trong cảng, nên

buông neo ngoài khơi Đà Nẵng, rồi trôi dạt về phía nam và cuối cùng ghé vào cảng Vũng Lấm, Phú Yên là cột mốc thứ ba Từ ngày 17- 1 đến ngày 8-2-1833, hai bên

đã làm việc với nhau trên tàu, nhưng do không hiểu được nhau nên quan hệ hai nước không thể phát triển

Vào tháng 2-1835 với cương vị như trước, E Robert cùng với hai con thuyền Peacook và Enterprise hướng tới bờ biển Việt Nam và cuối cùng đã buông neo ở vịnh Đà Nẵng ngày 14-5-1835 Tuy nhiên, do E Robert bị bệnh nặng nên phải về Macao chữa trị, nhưng ông đã mất trên đường Hai chuyến đi tới Việt Nam của Đặc phái viên E Robert dưới thời Tổng thống A Jackson nhằm ký kết Hiệp định thương mại và thiết lập mối quan hệ buôn bán lâu dài với nước ta đã không thành công Cơ hội tốt đẹp đó đã trôi qua bởi chính sách đóng cửa của nhà Nguyễn lúc bấy giờ

Năm 1785, trong bối cảnh thực dân Pháp đang mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, vua Tự Đức phái sứ thần Bùi Viện mang Quốc thư tới trình Tổng thống Hoa Kỳ lúc đó là Ulysses Grant để thiết lập quan hệ và yêu cầu sự giúp đỡ của Hoa Kỳ, tuy nhiên nhiệm vụ này không thành Vào những thập kỷ đầu của thế

kỷ XX, trên hành trình tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đến các thành phố New York, Boston thuộc miền Đông của Hoa Kỳ Người trân trọng tinh thần đấu tranh vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước của nhân dân Hoa Kỳ trong các thế kỷ trước đó

Trong Chiến tranh thế giới thứ II, Chủ tịch Hồ Chí Minh và phong trào do Người sáng lập và lãnh đạo đã đứng về phía Đồng minh và tích cực hợp tác với một nhóm sĩ quan thuộc tổ chức OSS được Hoa Kỳ phái đến Việt Nam để chống phát xít Nhật Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch

sử của dân tộc Việt Nam Trong phần mở đầu của bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 9-1945 khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ nói về quyền được sống, được tự do bình đẳng và mưu cầu hạnh phúc cho tất cả mọi người, và coi đó cũng là quyền của một dân tộc đã bị áp bức và nô lệ như dân tộc Việt Nam

Trang 33

2-Năm 1945, cột mốc thứ tư Sau Cách mạng Tháng Tám thành công và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, với cương vị là Chủ tịch và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ lâm thời, Hồ Chí Minh đã quan hệ trực tiếp với Chính phủ Hoa Kỳ bằng những công hàm, thư, điện gửi Tổng thống H Truman và Ngoại trưởng G Byrnes Trong tất cả các văn kiện chính thức đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò của Hoa Kỳ trong việc ủng hộ nền độc lập của Việt Nam vừa mới giành được từ tay Nhật, trong việc dàn xếp xung đột ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt trong việc ngăn chặn thực dân Pháp quay lại thiết lập nền thống trị của chúng trên đất Việt Nam, trong việc giúp vốn, công nghệ và chuyên gia cho Việt Nam phát triển đất nước

Đó là nỗ lực rất lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam trong

16 tháng, khởi đầu bằng bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống H Truman ngày 29-9-1945, khép lại buổi tiếp Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ A L Moffat ngày 7-12-1946 tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội Những

nỗ lực đó là đơn phương, không được hồi đáp Thời đó, Chính phủ Hoa Kỳ, xuất phát từ lợi ích nước mình, từ những định kiến sai lầm và thiển cận về Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã im lặng trước những đòi hỏi chính đáng của Việt Nam Một cơ hội thiết lập quan hệ giữa hai nước đã bị bỏ qua từ phía Chính phủ Hoa Kỳ Động thái đó dưới thời Tổng thống H Truman đã đẩy hai nước từ chưa hiểu nhau tới đối đầu hàng chục năm với biết bao xương máu của nhân dân hai nước

đổ xuống

Năm 1968, cột mốc thứ năm Do sức ép của dư luận tiến bộ, của phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ, cộng với sự thất bại trên chiến trường, đặc biệt sau thất bại trong Tết Mậu Thân (1968), chính quyền Hoa Kỳ của Tổng thống Johnson buộc phải tuyên bố ngừng đánh bom vô điều kiện ở miền Bắc Việt Nam (31-3-1968), ngồi vào bàn đàm phán với các điều kiện do Việt Nam đưa ra Một cục diện mới giữa Việt Nam và Hoa Kỳ xuất hiện – vừa đánh vừa đàm Ngày 10-5-1968 đã diễn ra cuộc tiếp xúc chính thức giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tại Paris Đây là sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ nói riêng

Trang 34

và trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung Cuộc đàm phán tại Paris giữa Việt Nam và Hoa Kỳ kéo dài từ tháng 5-1968 đến tháng 1-1973, với hàng trăm phiên họp công khai và bí mật, những phiên họp toàn thể và những cuộc tiếp xúc cá nhân, khi họp hai bên, lúc họp bốn bên với những cuộc đấu trí hết sức căng thẳng

Hiệp định Paris năm 1973 là cột mốc trong lịch sử quan hệ Việt Nam – Hoa

Kỳ Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris được ký kết tại trung tâm Kléber là kết quả cuối cùng của nhiều cuộc đàm phán, thương lượng diễn ra từ ngày 8-10-1972 đến 27 -1-1973, bốn bên (Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ, chính quyền Sài Gòn) đã chính thức ký kết Hiệp định Paris, Hoa Kỳ phải rút hết quân về nước Nhưng giới chính khách Hoa Kỳ vẫn chưa chịu rút lui khỏi Việt Nam, thực tế cho đến trước ngày 30-4-1975, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục dính líu và can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam Sau Hiệp định Paris 1973, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ vẫn dậm chân tại chỗ, do việc Hoa Kỳ đã trợ giúp Việt Nam Cộng hòa liên tiếp vi phạm và phá hoại hệ thống hiệp định này

Quan hệ chính trị Việt Nam – Hoa Kỳ trước năm 1975 còn thể hiện ở cặp quan hệ giữa Việt Nam Cộng hòa và Hoa Kỳ Sau hiệp định Genève (7-1954), chính quyền Ngô Đình Diệm được Hoa Kỳ giúp sức đã ngang nhiên phá hoại có hệ thống Hiệp định hòa bình, cự tuyệt hiệp thương tổng tuyển cử để thống nhất đất nước Tại miền Nam Việt Nam, chính quyền Ngô Đình Diệm đơn phương tổ chức bầu cử Quốc hội, dựng lên một chính thể gọi là “Việt Nam Cộng hòa” ở phía nam vĩ tuyến

17, lấy Sài Gòn làm thủ đô Trên thực tế, chính quyền Sài Gòn được chính phủ Hoa

Kỳ che trở và nuôi dưỡng, tạo mọi điều kiện hoạt động trên diễn đàn quốc tế Vì vậy, sau khi chính thể Việt Nam cộng hòa được tuyên bố thành lập ngày 26-10-

1956, nhiều nước tư bản chủ nghĩa đã sớm công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với chính phủ Việt Nam Cộng hòa Tuy nhiên, chính quyền Ngô Đình Diệm bị xem là chính phủ độc tài, gia đình trị Sự cai trị của chế độ Ngô Đình Diệm đã gây lên một làn sóng đấu tranh dữ dội của nhân dân miền Nam, mâu thuẫn trong nội bộ chính quyền Sài Gòn ngày càng tăng, khiến quan hệ giữa Ngô Đình Diệm và Hoa

Trang 35

Kỳ ngày càng xấu đi Ngày 1-11-1963, chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ bởi một nhóm quân nhân, và chính Hoa Kỳ đã hậu thuẫn cho nhóm lật đổ này

Kể từ đây, Việt Nam Cộng hòa phụ thuộc vào sự viện trợ của Hoa Kỳ Đỉnh cao của quan hệ mang tính lệ thuộc này là việc Hoa Kỳ đưa quân đội vào tham chiến trực tiếp tại miền Nam Việt Nam (3-1965), sự lệ thuộc của chính quyền Sài Gòn đối với Hoa Kỳ nặng tới mức chính thể này không còn là một quốc gia, một nhà nước, cũng không còn là một nền kinh tế Chính sự trợ giúp của Hoa Kỳ đã thay thế hầu như mọi lĩnh vực của quốc gia từ quân đội đến ngân sách, sản xuất tiêu dùng và cả trong lĩnh vực chính trị - ngoại giao Trên thực tế, sự tồn tại của chính thể Việt Nam Cộng hòa chỉ còn mang tính hình thức Cũng vì tính chất lệ thuộc vào Hoa Kỳ và sự yếu ớt của bản thân, nên vị trí quốc tế của Việt Nam Cộng hòa cũng mang nặng tính giả tạo, hoàn toàn do Hoa Kỳ chi phối Sự thể nghiệm rõ nhất vị trí quốc tế của chính quyền Sài Gòn là qua các hội nghị Paris

Do đó, sau khi Hoa Kỳ rút quân về nước (1973), những trợ giúp của Hoa Kỳ không thể lấp nổi những chỗ trống về mọi mặt cho chính quyền Sài Gòn và chiến thắng ngày 30-4-1975 của quân dân ta đã kết thúc sự tồn tại của chính thể Việt Nam Cộng hòa do Hoa Kỳ dựng lên ở miền Nam Việt Nam

1.4.2 Giai đoạn từ tháng 4-1975 đến 1990

Cuộc chiến tranh chống Mỹ của nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi Nước Việt Nam được thống nhất, bước vào giai đoạn khôi phục và phát triển kinh tế trong hòa bình Năm 1976 trong những tháng cuối của nhiệm kỳ của Tổng thống Gerald Ford, Hoa Kỳ đã chủ động đề nghị Việt Nam hợp tác với Hoa Kỳ tìm kiếm 2.000 lính Mỹ chết hoặc mất tích trong cuộc chiến ở Việt Nam

Khi lên nhậm chức vào tháng 1-1977, Tổng thống Jimmy Carter đã tỏ ra quan tâm đến vấn đề Việt Nam Tháng 3-1977, Carter đã cử Đặc sứ Leonard Woodcook - Chủ tịch tổng liên đoàn lao động Hoa Kỳ đến Hà Nội để bàn về quan

hệ song phương, đồng thời thể hiện thiện chí bằng tuyên bố không phủ quyết đơn xin gia nhập Liên Hiệp Quốc của Việt Nam Ngày 20-9-1977, nước ta chính thức là thành viên của tổ chức Quốc tế này

Trang 36

Từ tháng 5-1978 đến tháng 10-1978, đại diện của hai nước đã có những cuộc đàm phán, thời gian đầu diễn ra thuận lợi, nhưng đến tháng 9-1978 đã xuất hiện trở ngại và dẫn đến thất bại do lập trường của 2 bên còn có nhiều khác biệt lớn, mà theo một số các nhà nghiên cứu thì nổi lên là việc thực hiện điều 21 của Hiệp định Paris năm 1973 và thư của Tổng thống R Nixon gửi Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào tháng 2-1973, về việc Hoa Kỳ cam kết cung cấp viện trợ tái thiết cho Việt Nam Nhưng theo John Mcauliff, Giám đốc điều hành quỹ hòa giải và phát triển Hoa Kỳ thì nguyên nhân chính làm cho cuộc đàm phán không đạt kết quả là do “Ông Richard Holbrook và cựu Ngoại trưởng Cyus Vance đã nhượng bộ quan điểm cứng rắn của cố vấn an ninh quốc gia Brzezenki coi việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam sẽ ảnh hưởng tới tiến trình bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc”

Từ năm 1979, mượn cớ “Việt Nam xâm lược Campuchia” Hoa Kỳ đòi Việt Nam rút quân khỏi Campuchia Mọi mối liên hệ trực tiếp Việt Nam – Hoa Kỳ bị đình trệ Hoa Kỳ thực hiện cấm vận quốc tế đối với nước ta, gây thêm vô vàn khó khăn cho Việt Nam khi vừa thoát ra khỏi chiến tranh, chưa kịp hàn gắn các vết thương do chiến tranh để lại Từ năm 1979 đến năm 1984 giữa hai nước không có mối liên hệ nào nhằm khai thông quan hệ

Tháng 9-1985, Việt Nam và Hoa Kỳ đã tiến hành hoạt động chung tìm kiếm các quân nhân Hoa Kỳ bị mất tích ở nước ta (MIA) Tháng 1-1986, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ R Annitage và Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ P Wolforwitz sang thăm Việt Nam để bàn về các vấn đề liên quan đề POW/ MIA

Ngày 12-5-1986, Tổng thống Hoa Kỳ ký ban hành luật nới lỏng cấm vận đối với Việt Nam, viện trợ cho Việt Nam ở mức các công trình xã và huyện, ngoài viện trợ nhân đạo thuần túy

Ngày 7-4-1987, Hạ viện Hoa Kỳ thông qua dự luật trao đổi không chính thức

về văn hóa, khoa học, thể dục thể thao với Việt Nam Đây là một phần trong chương trình thúc đẩy giải quyết vấn đề MIA với Việt Nam Tháng 8-1987, Chính Phủ Hoa

Kỳ chấp nhận cung cấp viện trợ nhân đạo cho Việt Nam Trong suốt thời gian còn lại của nhiệm kỳ Tổng thống, Ronald Reagan đã có những hành động thể hiện quyết

Trang 37

tâm của Hoa Kỳ hợp tác với Việt Nam đẩy nhanh hoạt động POW/MIA

Từ ngày 1 đến 3-8-1987, Tướng John W Vessey đặc phái viên của Tổng thống Reagan thăm Việt Nam lần thứ nhất, thảo luận các vấn đề nhân đạo hai bên cùng quan tâm Tướng Vessey chuyển thư của Tổng thống Reagan gửi cho Chủ tịch nước Võ Chí Công, Chủ tịch có thư trả lời Ngày 20-1-1988, Tổng thống Reagan tuyên bố: Trong khung cảnh một giải pháp cho vấn đề Campuchia bao gồm việc Việt Nam rút hoàn toàn quân đội ra khỏi Campuchia, Hoa Kỳ sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Việt Nam trên cơ sở tiến bộ trong vấn đề MIA, trẻ lai, trại cải tạo

Ngày 26-9-1989, Việt Nam tuyên bố hoàn thành việc rút quân tình nguyện khỏi Campuchia, đã được cả thế giới hoan nghênh, tạo cơ hội mới cho việc thiết lập quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ

Từ ngày 29 đến 30-9-1989 đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ Vessey đến

Hà Nội lần thứ hai bàn về các vấn đề nhân đạo của hai bên Ngày 24-5-1990, Tổng thống G H Bush tuyên bố xem xét lại toàn bộ chính sách đối với Việt Nam vì Việt Nam đã rút hết quân tình nguyện khỏi Campuchia và chấp nhận giải pháp chính trị

về Campuchia Ngày 29-9-1990, tại New York, Ngoại trưởng Hoa Kỳ James Baker

và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã gặp mặt để bàn

về quan hệ hai nước

1.4.3 Giai đoạn 1991 đến 1995

Sau khi Việt Nam rút hết quân về nước, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã có những cơ sở phát triển mới Có thể nói, năm 1991 là năm có nhiều sự kiện khởi đầu cho quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước:

Tháng 2, Bộ Tài chính Hoa Kỳ tuyên bố kéo dài thời hạn giấy phép cho các

dự án nhân đạo ở Việt Nam từ 1 đến 2 năm, cho phép công dân Hoa Kỳ đi du lịch Việt Nam được sử dụng tới 200USD (trước đó là 100USD), văn phòng ngoại khối

Bộ Ngân khố Hoa Kỳ nới lỏng qui định việc chuyển kiều hối từ Hoa Kỳ về Việt Nam, cho phép thực hiện các giao dịch giữa ngân hàng Việt Nam với Hoa Kỳ liên quan đến kiều hối

Tháng 4-1991 Tổng thống G H Bush gởi đến Chính phủ Việt Nam bản “Lộ

Trang 38

trình” (Road map) các giai đoạn hướng tới bình thường hóa quan hệ với Việt Nam Hai bên đã thỏa thuận mở văn phòng Chính phủ Hoa Kỳ tại Hà Nội nhằm thúc đẩy việc thực hiện chương trình POW/ MIA Chính phủ Hoa Kỳ tuyên bố viện trợ nhân đạo trực tiếp cho Việt Nam 1 triệu USD, cung cấp chân tay giả cho người tàn tật thông qua cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ - USAID Tháng 6, Quốc hội Hoa Kỳ

tổ chức điều trần về việc bỏ cấm vận Việt Nam

Ngày 2-8-1991, Thượng viện Hoa Kỳ quyết định thành lập Ủy ban chuyên trách POW/MIA do Thượng nghị sĩ John Kerry làm chủ tịch Tháng 10, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm và Ngoại trưởng Hoa Kỳ James Baker đã gặp nhau tại Paris nhân hội nghị quốc tế về Campuchia, để bàn về việc thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa hai nước Hoa Kỳ tuyên bố bỏ giới hạn đi lại 25 dặm đối với cán bộ ngoại giao Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, bỏ hạn chế nhà báo, doanh nhân, cựu binh Hoa Kỳ thăm Việt Nam James Baker tuyên bố với báo chí, Hoa Kỳ

dự định thiết lập quan hệ bình thường hóa với tất cả các nước Đông Dương Các doanh nghiệp Hoa Kỳ ủng hộ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam

Từ ngày 19 đến ngày 20-4-1991, Tướng Vessey vào Việt Nam lần thứ ba bàn

về lập văn phòng MIA tại Hà Nội Ngày 25-4-1991 Hoa Kỳ tuyên bố lần đầu tiên viện trợ 1 triệu USD giúp Việt Nam về lĩnh vực chân tay giả; ngày 23-10-1991 Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm gặp Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ James Baker tại Paris nhân ký Hiệp định Paris về Campuchia

Ngày 17-11-1991, Hoa Kỳ chính thức bỏ việc hạn chế các nhóm du lịch, cựu binh, nhà báo, kinh doanh tổ chức đoàn đi Việt Nam

Tháng 11-1991 vòng đàm phán đầu tiên ở cấp Thứ trưởng ngoại giao giữa hai nước đã được tiến hành tại New York Tháng 12, Hoa Kỳ cho phép các nhà cung cấp dịch vụ tổ chức các chuyến du lịch tới Việt Nam

Năm 1992 có bước tiến trong quan hệ song phương, sau đó hai nước thành lập đội đặc nhiệm chung nhằm kiểm kê dấu tích những lính Mỹ được coi là mất tích trong chiến tranh Việt Nam bao gồm cả Lào và Campuchia Tháng 4, Chính phủ Hoa Kỳ tuyên bố cho phép các tổ chức quốc tế phi chính phủ (NGO) Hoa Kỳ viện

Trang 39

trợ nhân đạo cho Việt Nam và cho phép liên lạc bằng viễn thông với Việt Nam

Tháng 11-1992, Thượng nghị sĩ John Kerry thăm Việt Nam, chuyển thông điệp miệng của Tổng thống mới đắc cử Bill Clinton và thư của Tổng thống sắp mãn nhiệm G H Bush tới Chủ tịch nước ta, bày tỏ mong muốn của Hoa Kỳ trong việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã gởi thư phúc đáp, trong đó khẳng định Việt Nam hợp tác với Hoa Kỳ trong vấn đề POW/MIA và mong muốn bình thường hóa quan hệ giữa hai nước Cuối năm 1992, các công ty của Hoa Kỳ được phép mở văn phòng đại diện, ký hợp đồng kinh doanh với Việt Nam để có thể hoạt động sau khi lệnh cấm vận đối với Việt Nam được hủy bỏ

Năm 1993 có những sự kiện quan trọng trong quan hệ giữa hai nước Tháng

1, Ủy ban chuyên trách POW/ MIA đệ trình báo cáo cuối cùng ra Thượng viện và

ủy ban được coi đã hoàn thành nhiệm vụ Tháng 3, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Christopher tuyên bố ủng hộ Việt Nam gia nhập ASEAN, APEC Tháng 7, Chính phủ Hoa Kỳ tuyên bố không chống các nước khác giúp Việt Nam trả nợ 140 triệu USD cho Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và không ngăn cản các nước và các tổ chức tài chính quốc tế kể cả IMF và Ngân hàng thế giới (WB) cho Việt Nam vay tín dụng Tháng 9, Tổng thống Bill Clinton cho phép các công ty Hoa Kỳ được đấu thầu các

dự án do các tổ chức quốc tế tài trợ tại Việt Nam Tháng 10, nhân dịp Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phan Văn Khải tham dự khóa họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, đã có cuộc họp trao đổi với ngoại trưởng W Christopher về quan điểm giữa hai nước, tại cuộc gặp gỡ đó Hoa Kỳ coi chiến tranh giữa Hoa Kỳ với Việt Nam đã kết thúc

Năm 1994 đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong quan hệ chính trị Việt Nam – Hoa Kỳ: Ngày 3-2-1994, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton tuyên bố bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận đối với Việt Nam và lập cơ quan liên lạc giữa hai nước Tháng 5, Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được thỏa thuận về việc mở cơ quan liên lạc ở thủ đô hai nước Tháng 8, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua dự luật ngân sách cho hoạt động đối ngoại 1994 – 1995, trong đó có điều khoản bỏ một số qui định liên quan đến cấm viện trợ cho Việt Nam Tháng 10, Hạ viện Hoa Kỳ thông qua dự luật khẳng định

Trang 40

vấn đề MIA vẫn là trọng tâm của chính sách Hoa Kỳ đối với Việt Nam

Tháng 1-1995, Hoa Kỳ và Việt Nam ký Hiệp định song phương về chuyển giao tài sản ngoại giao và khiếu nại tài sản tư nhân Tháng 2-1995, hai nước mở cơ quan liên lạc của Việt Nam (1-2-1995) và của Hoa Kỳ (8-2-1995) Tháng 5-1995, Đoàn đại diện của Tổng thống Hoa Kỳ do ông H Gober và Winston Lord dẫn đầu thăm Việt Nam, khẳng định Hoa Kỳ mong muốn và quyết tâm thực hiện và bình thường hóa quan hệ với nước ta Ngày 13-6-1995, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Warren Christopher chính thức đề nghị Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Việt Nam, kiến nghị này do Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Winston Losd đề xướng sau chuyến thăm Việt Nam

Và ngày 11-7-1995, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton chính thức tuyên bố bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Việt Nam Ngay sau đó, Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt tuyên bố hoan nghênh về việc Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton

quyết định bình thường hóa quan hệ với Việt Nam: “Tuyên bố của Tổng Thống Bill Clinton công nhận ngoại giao và thiết lập quan hệ bình thường với Việt Nam là một quyết định quan trọng, phản ánh nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân Hoa Kỳ muốn khép lại quá khứ chiến tranh, xây dựng mối quan hệ bình thường, hữu nghị và hợp tác với Việt Nam Quyết định này phù hợp với xu thế phát triển hiện nay của tình hình quốc tế, góp phần tích cực vào sự nghiệp hoà bình, ổn định và phát triển ở Đông Nam Á và trên thế giớí [77]

Có thể nói, việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ là sự kiện lớn trong lịch sử quan hệ chính trị giữa hai nước Nó khép lại một quá khứ đau thương

và mở ra một tương lai phát triển cho hai nước Như Tổng thống B Clinton đã nói:

“Hãy để cho giây phút này, theo từ của Kinh Thánh, là một thời điểm để kiến tạo”

Chính phủ và nhân dân Việt Nam, như Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt đã nói, sẵn sàng cùng Chính phủ Hoa Kỳ thỏa thuận một khuôn khổ mới cho quan hệ hai nước trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, cùng có lợi và phù hợp với các nguyên tắc phổ biến của luật pháp quốc tế Từ đây, Việt Nam và Hoa Kỳ đã chính thức thiết lập quan hệ giữa hai

Ngày đăng: 23/03/2015, 13:47

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TRÍCH ĐOẠN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w