[12] Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đạt được như đã nêu trên, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở ở xã Nhơn Hải vẫn còn một số tồn tại: chất lượng một bộ phận cán bộ, côn
Trang 1TRƯỜNG ĐẠI HỌC QUY NHƠN
LÊ CÔNG TRÌNH
NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG
CỦA HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ Ở CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN XÃ NHƠN HẢI, THÀNH PHỐ
Trang 2Đề án này là công trình nghiên cứu của cá nhân tôi, được thực hiện
dưới sự hướng dẫn khoa học của thầy giáo PGS.TS Đoàn Thế Hùng Các số
liệu, những kết luận nghiên cứu được trình bày trong đề án này hoàn toàn trung thực
Tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm về lời cam đoan này
Trang 3Để có thể hoàn thành đề án thạc sĩ một cách hoàn chỉnh, bên cạnh sự nỗ lực cố gắng của bản thân còn có sự hướng dẫn nhiệt tình của quý thầy (cô) giáo, cũng như sự động viên ủng hộ của gia đình và bạn bè trong suốt thời gian học tập, nghiên cứu và thực hiện đề án thạc sĩ
Xin chân thành bày tỏ lòng biết ơn đến thầy giáo PGS.TS Đoàn Thế Hùng, người thầy đã nhiệt tình hướng dẫn, giúp đỡ và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho tôi hoàn thành đề án này Xin chân thành cảm ơn đến toàn thể giảng viên Khoa Lý luận chính trị - Luật và Quản lý Nhà nước, Phòng Đào tạo Sau Đại học – Trường Đại học Quy Nhơn đã tận tình truyền đạt những kiến thức quý báu, cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho tôi trong suốt quá trình học tập, nghiên cứu và hoàn thiện đề án
Cuối cùng, tôi xin chân thành cảm ơn đến gia đình, các anh, chị và các bạn đồng nghiệp đã hỗ trợ cho tôi rất nhiều trong suốt quá trình học tập, nghiên cứu và thực hiện đề tài đề án thạc sĩ một cách hoàn chỉnh
Xin chân thành cảm ơn!
Quy Nhơn, ngày tháng năm 2024
Tác giả
Trang 4
LỜI CAM ĐOAN LỜI CẢM ƠN DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT MỞ ĐẦU 1
1 Lý do lựa chọn đề tài 1
2 Tổng quan tình hình nghiên cứu đề tài 2
3 Mục tiêu nghiên cứu 4
4 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 4
5 Nội dung nghiên cứu 5
6 Phương pháp nghiên cứu 5
7 Đóng góp của đề án 5
8 Kết cấu của đề tài 6
Chương 1 NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ CƠ SỞ Ở VIỆT NAM 7
1.1 Khái niệm và đặc điểm hệ thống chính trị cơ sở 7
1.2 Cấu trúc của hệ thống chính trị cơ sở Error! Bookmark not defined.5 1.3 Tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở 188
1.4 Những yếu tố tác động đến quá trình tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở ở xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định 28
Chương 2 THỰC TRẠNG TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ CƠ SỞ Ở XÃ NHƠN HẢI, THÀNH PHỐ QUY NHƠN, TỈNH BÌNH ĐỊNH 32
2.1 Khái quát về xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định 32
2.2 Thực trạng tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở ở xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định 35
Trang 5ở xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định 38
Chương 3 PHƯỚNG HƯỚNG, GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ CƠ SỞ Ở XÃ NHƠN HẢI, THÀNH PHỐ QUY NHƠN, TỈNH BÌNH ĐỊNH 59
3.1 Phương hướng nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị cơ sở ở
xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định 59 3.2 Những giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị cơ sở ở
xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định 62
KẾT LUẬN 86 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 88
QUYẾT ĐỊNH GIAO TÊN ĐỀ TÀI ĐỀ ÁN THẠC SĨ (BẢN SAO)
Trang 6Chữ viết đầy đủ Chữ viết tắt
CNH, HĐH HTCT HTCTCS HTCT TBCN HTCTXHCN HĐND
KT-XH MTTQ QP-AN QS,QP
TT, ATXH TCCSĐ UBND XHCN
Trang 7MỞ ĐẦU
1 Lý do lựa chọn đề tài
Hệ thống chính trị được cấu thành bởi ba bộ phận, gồm: tổ chức đảng,
tổ chức chính quyền, tổ chức mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội Ba bộ phận này có mối quan hệ mật thiết, gắn bó với nhau và mỗi bộ phận có vai trò, vị trí riêng được thể hiện trong cơ chế tổ chức và phương thức hoạt động của từng bộ phận Với vai trò, vị trí và tầm quan trọng của cơ sở, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, coi việc đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở là một nhiệm
vụ quan trọng, nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền và phát huy quyền làm chủ của nhân dân
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá IX) về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở ở xã, phường, thị trấn, hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở ở xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng Hệ thống chính trị cơ sở hoạt động gắn bó và vận hành khá đồng bộ Thực hiện dân chủ, kỷ cương và pháp chế xã hội chủ nghĩa trên các lĩnh vực có nhiều tiến bộ; quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, vai trò giám sát của nhân dân thông qua Mặt trận
và các tổ chức chính trị - xã hội đối với các hoạt động của Nhà nước được đề cao [12]
Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đạt được như đã nêu trên, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở ở xã Nhơn Hải vẫn còn một số tồn tại: chất lượng một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ xã chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính
Trang 8trị - xã hội trên một số nội dung chưa rõ, chậm được đổi mới; chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cơ sở …[12]
Xuất phát từ thực tế trên và từ thực tiễn công tác, bản thân tôi chọn đề
án: “Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở ở xã Nhơn
Hải, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định” để làm đề án tốt nghiệp thạc sĩ
ngành chính trị học
2 Tổng quan tình hình nghiên cứu đề tài
Do vị trí và tầm quan trọng của hệ thống chính trị nói chung, hệ thống chính trị cơ sở nói riêng, khi nước ta bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng ta luôn quan tâm đến việc xây dựng, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị, trong đó có hệ thống chính trị cơ sở, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa
Thời gian qua, vấn đề nghiên cứu về nâng cao hiệu quả hoạt động của
hệ thống chính trị cơ sở đã có rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học đề cập đến vấn đề này ở nhiều khía cạnh khác nhau
Qua tìm hiểu của bản thân tôi, trong số các bài viết đã đăng trên các tạp chí đã được công bố, các luận văn liên quan đến các vấn đề nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở thì có rất nhiều công trình, bài viết có những đóng góp, những lý giải, những kiến nghị hết sức sâu sắc, có giá trị lý luận và thực tiễn cao như:
2.1 Sách chuyên khảo, tham khảo, đề tài nghiên cứu khoa học
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (2024), sách chuyên khảo “Xây dựng
hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật, Hà
Nội Cuốn sách thể hiện sự chỉ đạo, lãnh đạo toàn diện mang tầm chiến lược của người đứng đầu của Đảng ta đối với những vấn đề quan trọng của đất
Trang 9nước, song cũng rất sâu sát, quyết liệt, trách nhiệm và tâm huyết, cùng với sự định hướng, gợi mở các giải pháp rất cụ thể của đồng chí đối với các ngành, các lĩnh vực, các địa phương
- GS.TS Đinh Xuân Lý (2020), giáo trình Hệ thống chính trị Việt Nam,
nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội Giáo trình hệ thống chính trị Việt Nam phân tích, luận giải các quan niệm về hệ thống chính trị Việt Nam, những vấn đề lý luận, nguyên tắc trong nghiên cứu bộ máy chính trị, hệ thống chính trị từ buổi đầu dựng nước đến năm 2019; Tổng quan các bộ máy chính trị Việt Nam thời kỳ dựng nước đến năm 1884, và từ sau năm 1945
2.2 Các đề tài nghiên cứu khoa học, luận án, luận văn
- GS, TS Trần Đình Hoan làm Chủ nhiệm đề tài (2022), Đề tài khoa học cấp nhà nước, giai đoạn 2000 - 2002 của Ban Tổ chức Trung ương -
Những vấn đề lý luận và thực tiễn về đánh giá, quy hoạch, luân chuyển cán
bộ lãnh đạo, quản lý trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước
- Nguyễn Việt Giao (2018), “Văn hóa chính trị đối với đội ngũ cán bộ công chức huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội”, luận văn Thạc sĩ chuyên ngành
Chính trị học
- Nguyễn Tiến Toàn (2019), “Vai trò của hệ thống chính trị cấp cơ sở trong quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà nội hiện nay”, luận án Tiến sĩ chuyên ngành Chính trị học
- Nguyễn Thị Ngọc Hạnh (2020), “Tổ chức và hoạt động hệ thống chính trị cơ sở từ thực tiễn quận Hải Châu, thành phố Đà Nằng”, luận văn
Thạc sĩ chuyên ngành Luật học
2.3 Một số bài viết đăng trên các tạp chí
- Nguyễn Thị Mai (Tạp chí Cộng sản, số 7/2021), Phát huy vai trò hệ thống chính trị cơ sở trong quản lý thủ đô giai đoạn hiện nay
Trang 10- TS Đinh Văn Thụy (Tạp chí điện tử Lý luận chính trị, số 3/2023),
Nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cấp xã hiện nay
- Thượng tá, Thạc sĩ Lê Ngọc Bảo (Tạp chí Quốc phòng Việt Nam, số
7/2023), Một số giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở trên địa bàn Tây Nguyên
3 Mục tiêu nghiên cứu
3.2 Nhiệm vụ nghiên cứu
Để thực hiện mục đích nghiên cứu nêu trên, đề án sẽ thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Làm rõ những vấn đề lý luận về tổ chức và hoạt động của hệ thống
chính trị cơ sở ở Việt Nam
- Phân tích thực trạng tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở
ở xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định
- Đề xuất phương hướng và một số giải pháp chủ yếu nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở ở xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định trong thời gian tới
4 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1 Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của Đề án là hoạt động của hệ thống chính trị cơ
Trang 11sở ở xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định
5 Nội dung nghiên cứu
- Tiến hành đánh giá cụ thể, chi tiết về thực trạng hoạt động hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn
- Đề xuất nội dung, lộ trình kế hoạch công tác nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định
- Đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động chính trị ở cơ
sở trên địa bàn xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định
- Xây dựng lộ trình thời gian để thực hiện và kiểm nghiệm tính hiệu quả, khả thi của đề án trong thực tiễn
6 Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp nghiên cứu lý luận: Trên cơ sở phương pháp luận chủ nghĩa Mác – Lênin, đề án sử dụng phương pháp nghiên cứu của khoa học chuyên ngành và liên ngành Trong đó chú trọng các phương pháp kết hợp logic và lịch sử, phân tích, tổng hợp; tổng kết thực tiễn
7 Đóng góp của đề án
Kết quả nghiên cứu đề án nhằm củng cố luận chứng khoa học, giúp cho cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể các địa phương trong cả nước trước
Trang 12hết là trên địa bàn xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh
8 Kết cấu của đề tài
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục, đề án kết cấu gồm 3 chương:
- Chương 1 Những vấn đề lý luận về tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở ở Việt Nam
- Chương 2 Thực trạng tổ chức và hoạt động hệ thống chính trị cơ sở ở
xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định
- Chương 3 Phương hướng, giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của
hệ thống chính trị cơ sở ở xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định
Trang 13Chương 1 NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ CƠ SỞ Ở VIỆT NAM
1.1 Khái niệm và đặc điểm hệ thống chính trị cơ sở
1.1.1 Khái niệm hệ thống chính trị
Hệ thống chính trị là một bộ phận của kiến trúc thượng tầng, một cấu trúc hệ thống ổn định bao gồm các thể chế có quan hệ với nhau về mục tiêu, chức năng trong việc ra quyết định chính trị, trong việc thực thi quyền lực chính trị
Khái niệm hệ thống chính trị được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, theo nghĩa phổ biến nhất hệ thống chính trị của một quốc gia là một cấu trúc của xã hội bao gồm các tổ chức chính trị đặc trưng của xã hội (Nhà nước, các đảng phái chính trị, các tổ chức chính trị xã hội…) tồn tại và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật chính thức hiện hành, cùng với tổng thể các mối quan hệ chính trị ràng buộc, gắn kết các tổ chức đó thành một chỉnh thể, thông qua đó giai cấp cầm quyền thực hiện quyền lực chính trị của mình trong xã hội [10]
Hệ thống chính trị nói chung xuất hiện khi có nhà nước, nhưng khái niệm hệ thống chính trị xuất hiện gắn với tư bản chủ nghĩa, với sự ra đời của nhà nước tư sản, trong chế độ chiếm hữu nô lệ, chế độ phong kiến đã có nhà nước nhưng không tồn tại hệ thống chính trị mà chỉ có cơ quan quyền lực do giai cấp chủ nô, phong kiến nắm giữ với bản chất là bộ máy quyền lực, quan liêu, tập trung quyền lực, vào giai cấp bóc lột, hệ thống chính trị với đầy đủ ý nghĩa trong xã hội loài người xuất hiện trong chế độ tư bản chủ nghĩa Vì vậy, việc ra quyết định chính trị, thực thi quyền lực chính trị không chỉ do nhà nước thực hiện mà còn có vai trò của đảng cầm quyền, vai trò của các nhóm lợi ích chính trị - tạo thành hệ thống chính trị Tuy nhiên, nhà nước vẫn giữ vai trò cơ bản, quan trọng nhất
Trang 14Trong mọi xã hội có giai cấp, quyền lực của chủ thể cầm quyền được thực hiện bằng một hệ thống thiết chế và tổ chức chính trị nhất định, đó là hệ thống chính trị Hệ thống chính trị là tổng thể các đảng phái chính trị, cơ quan, tổ chức nhà nước, đoàn thể xã hội và mối quan hệ giữa các lực lượng
đó, chi phối sự tồn tại và phát triển đời sống chính trị của một quốc gia, thể hiện bản chất của một quốc gia, con đường phát triển của quốc gia đó
Hệ thống chính trị ở nước ta là hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa là tổng thể các tổ chức của hệ thống bao gồm: Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị đoàn thể xã hội hoạt động trong mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản nhằm củng cố và tăng cường nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân; Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là công cụ đặc biệt của Đảng vì chỉ Nhà nước mới thực hiện quyền lực; thực hiện các mối quan
hệ các đoàn thể nhằm thực thi dân chủ xã hội chủ nghĩa
Trong chế độ xã hội chủ nghĩa, xét về thực chất hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa ra đời khi giành được chính quyền, Đảng Cộng sản trở thành đảng cầm quyền Tuy nhiên, do cuộc đấu tranh giai cấp gay go, quyết liệt trong suốt thời kỳ quá độ, nên thuật ngữ “Hệ thống chính trị” không được sử dụng, mà dùng khái niệm “hệ thống chuyên chính vô sản”, nói lên tính chất đấu tranh một mất một còn giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản
Khái niệm hệ thống chính trị được Đảng ta chính thức đưa ra từ Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ sáu (khóa VI) vào tháng 3/1989
và chính thức sử dụng trong văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII (1991) thay thế cho khái niệm chuyên chính vô sản đã được sử dụng trước đó
Hệ thống chính trị trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là một chỉnh thể bao gồm Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cùng với các tổ chức chính trị xã hội hợp pháp, hoạt động
Trang 15theo một cơ chế nhất định nhằm từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm mọi quyền lực thuộc về nhân dân và thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, xã hội công bằng, văn minh Hệ thống chính trị nước ta vận hành theo cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ Đây không chỉ đơn giản là sự thay đổi tên gọi mà là một bước đổi mới quan trọng trong tư duy chính trị của Đảng ta Hệ thống chính trị hiện nay là
sự kế thừa và phát triển các thành tựu về tổ chức và hoạt động của hệ thống chuyên chính vô sản trong các giai đoạn trước đổi mới, đồng thời phản ánh một hiện thực mới về chính trị trong điều kiện đổi mới kinh tế - xã hội ở nước
ta hiện nay
Ở nước ta hiện nay, mô hình tổng thể hệ thống chính trị được xác định gồm có: Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội là Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Việt Nam…
Trong đó Đảng cộng sản Việt Nam vừa là một bộ phận một thành viên, vừa là hạt nhân lãnh đạo hệ thống chính trị; Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là trụ cột hệ thống chính trị, là tổ chức thực thi quyền lực, thể hiện và thực hiện ý chí, quyền lực của nhân dân, Mặt trận tổ quốc Việt Nam là liên minh chính trị của các đoàn thể nhân dân và các cá nhân tiêu biểu của các giai cấp và tầng lớp xã hội, các dân tộc tôn giáo, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; các tổ chức chính trị - xã hội đại diện và thực thi quyền làm chủ nhân dân, tham gia xây dựng và giám sát hoạt động của Đảng, Nhà nước, tham gia vào quản lý Nhà nước, quản lý xã hội
Về cơ bản, khái niệm hệ thống chính trị ở Việt Nam là một chỉnh thể bao gồm Nhà nước, Đảng Cộng sản cầm quyền, các tổ chức chính trị - xã hội
Trang 16hợp pháp của nhân dân và mối quan hệ tác động qua lại cùng với sự vận hành của các yếu tố đó nhằm bảo đảm quyền lực của nhân dân
1.1.2 Đặc điểm cơ bản của hệ thống chính trị Việt Nam
- Hệ thống chính trị mang bản chất giai cấp công nhân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo Mục đích của hệ thống chính trị ở Việt Nam là nhằm lãnh đạo nhân dân thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa
- Hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay mang những đặc điểm của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội Do đó hệ thống chính trị đang trong quá trình hoàn thiện về tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động và đội ngũ cán bộ
- Trong cấu trúc của hệ thống chính trị ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là yếu tố cấu thành của hệ thống chính trị, vừa là hạt nhân lãnh đạo hệ thống chính trị Do đó, Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật Cán bộ, đảng viên của Đảng phải chấp hành hiến pháp, pháp luật Mặt khác, hệ thống chính trị do Đảng thành lập, mang bản chất giai cấp công nhân, phục vụ lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc,
do đó Đảng đồng thời lãnh đạo hệ thống chính trị Mọi tổ chức trong hệ thống chính trị hoạt động theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm phấn đấu vì mục tiêu chung là xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh
- Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là trung tâm quyền lực của hệ thống chính trị Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật
- Các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội là cơ sở chính trị của Đảng, Nhà nước; thông qua đó quyền làm chủ của nhân dân lao động được phát huy
Trang 17Trong quá trình vận hành, mọi thành viên của hệ thống chính trị hoạt động với chức năng riêng Song hệ thống chính trị là một chỉnh thể, mọi thành viên chỉ tồn tại với tư cách là một bộ phận của một cấu trúc chung, tác động theo cùng một phương, cùng tạo thành một tổng hợp lực hướng vào một mục đích chung
Mọi thành viên của hệ thống chính trị có quyền hạn, chức trách và nhiệm vụ riêng Nhưng những quyền hạn, chức trách, nhiệm vụ ấy không đối lập nhau Chúng vừa có tính đối thoại, trao đổi, tranh luận, vừa có tính hợp tác tương hỗ, trong đó mỗi thành viên hoạt động tương đối độc lập, nhưng lại thống nhất với các thành viên khác trên một nền chung là cùng vì lợi ích của toàn thể, của cả quốc gia, dân tộc
Tính thống nhất của hệ thống chính trị không cho phép tuyệt đối hóa vị trí, vai trò của bất cứ một thành viên nào trong hệ thống; mặt khác lại đòi hỏi phải khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản và quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân Chỉ có như thế mới xây dựng được một xã hội dân chủ, trong đó mọi năng lực sản xuất vật chất và tinh thần của các tầng lớp, giai cấp
xã hội đều được phát huy; đồng thời bảo đảm cho xã hội có một nền tảng vững chắc là sự liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; và cũng chỉ như thế mới loại trừ được sự độc quyền, chuyên chế, vừa loại trừ được mọi hình thức chính trị đa nguyên và dân chủ cực đoan
Hệ thống chính trị là phương tiện của nhân dân để thực hành dân chủ
Do vậy, mỗi tổ chức thành viên của hệ thống chính trị trước hết phải là một thiết chế dân chủ
1.1.3 Khái niệm hệ thống chính trị cơ sở
Hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn được tổ chức và hoạt động theo một cơ chế bảo đảm thực hiện quyền lực của nhân dân địa phương dưới sự
Trang 18lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng xã, phường, thị trấn, hệ thống đó bao gồm các
tổ chức: Đảng bộ các xã, phường, thị trấn; chính quyền (hội đồng nhân dân và
ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn); Mặt trận và các đoàn thể (Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh)
Hệ thống chính trị cơ sở - theo tinh thần Văn kiện Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, là hệ thống chính trị ở cấp xã (xã,
phường, thị trấn) Hệ thống chính trị cơ sở cũng bao gồm 3 bộ phận cấu
thành: Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân ở xã Mỗi bộ phận tồn tại với vai trò, chức năng riêng và có quan hệ mật thiết với nhau, tạo thành hệ thống, quản lý và điều hành mọi hoạt động ở xã về các lĩnh vực của
đời sống
Hệ thống chính trị cơ sở có một vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong việc tổ chức, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tăng cường đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động mọi khả năng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo, giữ vững ổn định chính trị -xã hội để thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh Cơ sở
là cấp thấp nhất, cấp cuối cùng nhìn theo cấp độ quản lý từ trên xuống hoặc từ dưới lên Là cấp thấp nhất nhưng cơ sở lại là tầng sâu nhất mà sự vận hành của thể chế chính trị từ cấp vĩ mô phải tác động đến Cơ sở là địa chỉ quan trọng nhất vì xét đến cùng là nơi quyết định mà mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phải tìm đến, đó là dân, lòng dân, ý dân, trí tuệ, sáng tạo của dân
Từ những vấn đề cơ bản trên đây có thể quan niệm Hệ thống chính trị
cơ sở là một bộ phận của hệ thống chính trị nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức ở các xã, phường, thị trấn, gồm tổ chức cơ sở đảng, chính quyền cơ sở, Mặt trận Tổ quốc hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp,
Trang 19pháp luật của nhà nước, có chức năng, nhiệm vụ thực hiện quyền lực chính trị, đại diện quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở; xây dựng xã, phường thị
trấn vững mạnh
1.1.4 Đặc điểm hệ thống chính trị cơ sở
- Hệ thống chính trị cơ sở là cấp thấp nhất của hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay trong hệ thống 4 cấp gồm: cấp Trung ương, cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cấp huyện, thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh và cấp xã, phường, thị trấn trực thuộc huyện
- Hệ thống chính trị cơ sở thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với nhân dân; là nơi triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cấp trên
- Hệ thống chính trị cơ sở là cầu nối giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ trương, nhiệm vụ của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cấp trên đều do cấp cơ sở chuyển tải, thông tin, triển khai thực hiện, tổ chức thành các phong trào trong các tầng lớp nhân dân Do đó thông qua hệ thống chính trị cơ sở, nhân dân phản ánh với Đảng, Nhà nước về chủ trương, đường lối, chính sách, về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, về cán bộ của Đảng, Nhà nước để
từ đó đề ra các chỉ thị, nghị quyết, chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn cuộc sống, phù hợp với lợi ích chính đáng của nhân dân, sắp xếp, bố trí cán
bộ, khen thưởng, kỷ luật cán bộ Tuy nhiên không nên hiểu hệ thống chính trị
cơ sở chỉ là khâu trung gian đơn thuần, bởi vì hệ thống chính trị cơ sở ngoài các chức năng cầu nối còn có nhiều chức năng khác, trong đó có nhiệm vụ trực tiếp phục vụ nhân dân cơ sở trên tất cả các lĩnh vực
- Hệ thống chính trị cơ sở có vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc
Trang 20đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương Theo phân cấp, hệ thống chính trị
cơ sở là nơi triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ trương, nhiệm vụ của cấp trên để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý, huy động, sử dụng các nguồn lực về đất đai, tài nguyên khoáng sản, lao động, tài chính nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch; xây dựng nông thôn mới; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội
- Hệ thống chính trị cơ sở có vai trò quan trọng trong việc ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, giữ gìn an ninh, quốc phòng ở địa phương Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị cơ
sở, có khi xảy ra xung đột lợi ích giữa các nhóm dân cư với nhau, giữa người dân với cán bộ, chính quyền Những mâu thuẫn, xung đột có khi lên đến đỉnh điểm dễ dẫn tới bất ổn, điểm nóng làm mất ổn định ở cơ sở Bên cạnh đó các thế lực thù địch, những phần tử xấu, cơ hội luôn tìm cách chống phá ở cơ sở
Do đó hệ thống chính trị cơ sở phải thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình,
dự báo sát đúng, chủ động kiểm soát mọi tình huống, khi có vấn đề phức tạp xảy ra phải kịp thời xử lý dứt điểm, nhanh gọn, đúng quy định; đồng thời báo cáo lên cấp trên để có sự lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời
- Hệ thống chính trị cơ sở là nơi triển khai thực hiện quy chế dân chủ
cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh khối đoàn kết toàn dân Do đó mọi việc cần phải đảm bảo nguyên tắc dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhân dân
- Các yếu tố của hệ thống chính trị cơ sở vừa chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của các yếu tố hệ thống chính trị cấp trên, vừa cụ thể hóa nhiệm vụ cấp trên; đồng thời chủ động đề ra nhiệm vụ của cấp mình phù hợp với điều kiện ở cơ
sở Do đó nhiệm vụ của hệ thống chính trị cơ sở rất nặng nề, khó khăn, phức
Trang 21tạp Nếu không bố trí, sắp xếp, tổ chức thực hiện khoa học thì rất khó hoàn thành nhiệm vụ, trong khi năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ còn có những mặt hạn chế và điều kiện để thực hiện còn nhiều khó khăn
- Điều kiện hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở hiện nay còn nhiều khó khăn Chế độ, chính sách của cán bộ còn bất cập Cơ sở vật chất nhiều nơi thiếu thốn, xuống cấp, không đồng bộ, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai
1.2 Cấu trúc của hệ thống chính trị cơ sở
1.2.1 Khái niệm cấu trúc hệ thống chính trị cơ sở
Cấu trúc của hệ thống chính trị không chỉ là hệ thống các tổ chức và các quan hệ về tổ chức mà còn là hệ thống các cấp độ và các quan hệ về cấp
độ nhìn theo hai chiều vận động từ dưới lên và từ trên xuống
Cấu trúc của hệ thống chính trị cơ sở được tổ chức ở xã, phường, thị trấn bao gồm: tổ chức cơ sở đảng (đảng bộ xã), chính quyền cơ sở (gồm Hội đồng nhân dân cấp xã và ủy ban nhân dân cấp xã), Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân cấp xã (gồm Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội Cựu chiến binh) được tổ chức hoạt động theo Hiến pháp, pháp luật của nhà nước gắn bó hữu cơ với nhau Mỗi bộ phận hợp thành
hệ thống chính trị cơ sở có chức năng nhiệm vụ khác nhau, song có mối quan
hệ mật thiết với nhau, đều vận hành theo cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân lao động làm chủ
Có các cấp độ của từng tổ chức (Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể) quy định vị trí vai trò chức trách, thẩm quyền của các cấp, của cấp trên với cấp dưới trong phạm vi một tổ chức với sự tác động của bộ máy tương ứng với từng cấp Hệ thống chính trị được cấu thành bởi các tổ chức nêu trên củng có các cấp độ này, biểu hiện thành quan hệ tác động qua lại giữa Trung
Trang 22ương với địa phương cơ sở
Giữa các tổ chức lại hình thành quan hệ tác động lẫn nhau trong hệ thống và trong từng cấp độ Cụ thể, ở Trung ương là quan hệ giữa đảng với nhà nước, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể Ở cấp tỉnh là quan hệ giữa Đảng bộ tỉnh với chính quyền tỉnh, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể cấp tỉnh Ở cấp xã, phường, thị trấn là quan hệ giữa Đảng bộ xã với chính quyền, Mặt trận cùng các đoàn thể xã
1.2.2 Mối quan hệ giữa các bộ phận cấu thành hệ thống chính trị cơ
sở
Quan hệ giữa tổ chức cơ sở đảng với Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ở các xã, phường, thị trấn Tổ chức cơ sở Đảng vừa là tổ chức lãnh đạo, vừa là tổ chức thành viên, là một bộ phận của hệ thống chính trị ở cơ sở Tuy nhiên, địa vị thành viên của tổ chức cơ sở đảng trong hệ thống chính trị ở
cơ sở không bao hàm ý nghĩa tổ chức cơ sở Đảng là một tổ chức bình đẳng, ngang hàng với các tổ chức khác trong hệ thống chính trị ở cơ sở, nhưng cũng không bao hàm ý nghĩa tổ chức cơ sở đảng là một tổ chức đứng trên hệ thống chính trị ở cơ sở, thao túng hệ thống theo ý chí chủ quan của mình Tổ chức
cơ sở Đảng lãnh đạo HĐND, UBND nhưng cũng luôn tôn trọng và đề cao vị trí, vai trò, phát huy tính chủ động, sáng tạo của HĐND, UBND cấp xã Tổ chức cơ sở Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật, phục tùng pháp luật của nhà nước, tôn trọng luật tổ chức HĐND, UBND cấp xã như là một điều kiện bảo đảm cho HĐND, UBND cấp xã hoạt động đúng Hiến pháp, pháp luật
HĐND, UBND cấp xã quan hệ với tổ chức cơ sở Đảng là quan hệ vừa mang tính phụ thuộc, vừa mang tính độc lập Tính phụ thuộc được xác định bởi vai trò lãnh đạo và địa vị cầm quyền của Đảng; tính độc lập được xác định trên các phương diện sau:
Trang 23- HĐND, UBND cấp xã là tổ chức công quyền, thực hiện ý chí quyền lực của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân Vì vậy HĐND, UBND cấp xã không thuần túy là công cụ của tổ chức cơ sở Đảng để thực hiện sứ mệnh giai cấp, mà HĐND, UBND cấp xã là công bộc của nhân dân, giải quyết các nhu cầu kinh tế, xã hội ở địa phương
- Quyền lực của tổ chức cơ sở Đảng và HĐND, UBND cấp xã đều được ủy quyền từ nhân dân Trong đó, quyền lực của tổ chức cơ sở Đảng thể hiện thông qua phương thức lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng đối với hệ thống chính trị cơ sở Tổ chức cơ sở Đảng không thực hiện quyền lực của HĐND, UBND cấp xã mà trên cơ sở phân công, phối hợp và kiểm soát lẫn nhau, theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thống nhất quyền lực trong quản lý kinh tế, xã hội ở cơ sở trong khuôn khổ luật pháp và dưới quyền lực của pháp luật
Quan hệ giữa tổ chức đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân cơ sở: là quan hệ lãnh đạo và phục tùng Tổ chức đảng ở xã, phường, thị trấn lãnh đạo bằng Nghị quyết thông qua các hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy, Bí thư Đảng ủy, các đảng ủy viên và người đứng đầu Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân Thông qua các báo cáo của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân cơ sở, Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy chỉ đạo hoạt động, hoặc tỏ thái độ đồng tình hay không đồng tình với các biện pháp, chủ trương của Ban Chấp hành các đoàn thể Bí thư Đảng ủy có quyền thay mặt Đảng ủy, thường vụ có ý kiến chỉ đạo, chỉ thị, đôn đốc đảng ủy viên, người đứng đầu các đoàn thể nhân dân Sự lãnh đạo của tổ chức đảng với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân thông qua chủ trương, quan điểm thể hiện trong nghị quyết Đại hội đảng bộ, nghị quyết Đảng ủy; bằng công tác cán bộ; bằng các chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra
Quan hệ giữa HĐND, UBND với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể
Trang 24nhân dân ở cơ sở: là mối quan hệ quản lý điều hành bằng pháp luật, kế hoạch với chấp hành; quan hệ hiệp thương phối hợp công tác, tạo điều kiện để cùng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật và đặt dưới sự lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng xã, phường, thị trấn Mặt trận tổ quốc là cơ sở chính trị nhà nước ta Mặt trận Tổ quốc tập hợp lực lượng, động viên các tầng lớp nhân dân trong việc xây dựng chính quyền và thực hiện các chương trình, mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ và HĐND đề ra
Quan hệ giữa hệ thống chính trị ở cơ sở với quần chúng nhân dân Đây
là mối quan hệ giữa cơ quan đại diện cho quyền làm chủ và nhân dân là người làm chủ ở cơ sở, quyết định tác dụng và hiệu quả của hệ thống chính trị cơ sở trong đời sống xã hội, trong phát triển cộng đồng và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa Trong tác phẩm Dân vận (15/10/1949), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ:
“Nước ta là nước dân chủ Bao nhiêu lợi ích đều vì dân Bao nhiêu quyền hạn đều của dân Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân, sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân, chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra, đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.[7]
1.3 Tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở ở Việt Nam
Tính đến tháng 04/2023, Việt Nam có 10.598 đơn vị hành chính cấp xã
chức năng, nhiệm vụ, cách tổ chức và phương thức hoạt động khác nhau, các thành viên của hệ thống chính trị cơ sở thống nhất cùng hướng tới các mục tiêu chung Trong đó, Đảng là bộ phận hạt nhân, giữ vai trò lãnh đạo của hệ thống; chính quyền là lực lượng chủ đạo, giữ vai trò quản lý, điều hành và Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội là tổ chức đại diện quyền làm chủ của các tầng lớp nhân dân Tổ chức đảng cơ sở vừa là hạt nhân lãnh đạo hệ thống chính trị, lãnh đạo chính quyền và là cầu nối giữa nhân dân với chính
Trang 25quyền cơ sở Chính quyền cơ sở là cơ quan quyền lực nhà nước trực tiếp quản
lý, tổ chức đời sống mọi mặt ở địa phương, phát huy mọi tiềm năng nhân tài, vật lực ở địa phương phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội Mặt trận Tổ quốc
và các đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương là cầu nối giữa nhân dân với tổ chức đảng và chính quyền cơ sở, đại biểu cho lợi ích của các tầng lớp nhân dân, là hậu thuẫn của Đảng và chính quyền ở địa phương
1.3.1 Tổ chức và hoạt động của các bộ phận cấu thành hệ thống chính trị cơ sở
Tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở được biểu hiện cụ thể qua tổ chức và hoạt động của các bộ phận cấu thành hệ thống chính trị cơ sở:
- Tổ chức cơ sở đảng (đảng bộ cơ sở) là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở, trực tiếp thực hiện vai trò lãnh đạo hệ thống chính trị cơ sở
và lãnh đạo hệ thống chính trị cơ sở và lãnh đạo mọi mặt đời sống xã hội ở cơ
sở Căn cứ Điều 23 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa XIII), tổ chức cơ
sở Đảng ở cấp xã có chức năng nhiệm vụ chủ yếu sau:
+ Một là: Chấp hành đường lối chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước ở cơ sở; đề ra chủ trương, nhiệm vụ chớnh trị của đảng bộ, chi bộ và lãnh đạo thực hiện có hiệu quả
+ Hai là: Xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch vững mạnh về chính trị,
tư tưởng và tổ chức; thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, thực hiện tự phê bình và phê bình, giữ gìn kỹ luật
và tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng; thường xuyên giáo dục, rèn luyện quản lý cán bộ, đảng viên, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, trình độ kiến thức, năng lực công tác cho cán bộ đảng viên ở cơ sở làm công tác phát triển đảng viên
+ Ba là: Lãnh đạo xây dựng chính quyền, các tổ chức kinh tế, hành
Trang 26chính quốc phòng, an ninh và các đoàn thể chính trị - xã hội trong sạch vững mạnh, chấp hành đúng pháp luật và phát huy quyền làm chủ của nhân dân
+ Bốn là: Liên hệ mật thiết với nhân dân, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân; lãnh đạo nhân dân tham gia xây dựng và thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước
+ Năm là: Kiểm tra, giám sát việc thực hiện, bảo đảm các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và pháp luật của Nhà nước được chấp hành nghiêm chỉnh; kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên chấp hành Điều lệ Đảng
- Bộ máy chính quyền cơ sở: bao gồm HĐND, UBND xã Theo luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 thì:
+ HĐND xã là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho
ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên Hội đồng nhân dân xã có chức năng, nhiệm vụ là quyết định và giám sát Trong chức năng quyết định, HĐND quyết định những vấn đề trên các mặt kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội, an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội… Đối với việc xây dựng chính quyền xã, HĐND xã có trách nhiệm quyền hạn: bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm đối với chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, chủ tịch, phó chủ tịch và các thành viên khác của UBND xã; bãi nhiệm đại biểu HĐND; bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định, Chỉ thị trái pháp luật của UBND xã; bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu Trong chức năng giám sát, HĐND giám sát hoạt động của chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND xã, giám sát việc thực hiện nghị quyết của HĐND, việc tuân thủ pháp luật của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và của công dân ở địa phương Xem xét báo cáo của chủ tịch HĐND, UBND cấp xã, xem xét việc trả lời chất vấn theo quy định của pháp luật Trong quá trình thực hiện chức năng giám
Trang 27sát, chủ tịch HĐND, Đại biểu HĐND có quyền yêu cầu các cơ quan nhà nước hữu quan, tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức kinh tế cung cấp tài liệu thông tin cần thiết; khi có sai phạm thì có quyền yêu cầu các cơ quan tổ chức đó xem xét, xử lý theo thẩm quyền, HĐND xã thực hiện chức năng, quyền hạn của mình chủ yếu thông qua các kỳ họp (2 lần/1 năm), qua hoạt động thường xuyên của chủ tịch và phó chủ tịch HĐND, qua hoạt động của các đại biểu HĐND theo luật định
+ UBND do HĐND bầu ra, là cơ quan chấp hành của HĐND, cơ quan hành chính ở địa phương, chịu trách nhiệm chấp hành Hiến pháp, pháp luật và các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của HĐND Như vậy, UBND xã là cơ quan hành chính nhà nước ở cơ sở Với tư cách đó, UBND có chức năng, nhiệm vụ thực hiện quản lý nhà nước trên địa bàn xã, tổ chức thực hiện những Nghị quyết và quyết định của HĐND cùng cấp về kế hoạch, ngân sách, tài chính; về quản lý nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, thủy lợi; về tiểu thủ công nghiệp; về giao thông; về thương mại dịch vụ; về văn hóa giáo dục; về quốc phòng an ninh; về thi hành pháp luật; về xây dựng chính quyền và quản lý địa giới hành chính
- Mặt trận Tổ quốc cơ sở: Căn cứ theo điều 2, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc ở cơ sở được xác định là: tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân; tuyên truyền, động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật, giám sát hoạt động của chính quyền cơ sở, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức cơ sở; tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân để phản ánh, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền cơ sở; tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân; cùng chính quyền địa phương chăm
lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; tham gia phát triển tình
Trang 28hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân nước láng giềng, tăng cường đối ngoại nhân dân Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, Mặt trận tổ quốc ở cơ sở còn có một nhiệm vụ quan trọng đó là giám sát và phản biện xã hội Thông qua việc thực hiện chức năng này Mặt trận tổ quốc thực hiện quyền giám sát việc đề ra các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, tổ chức thực hiện các mục tiêu xây dựng, phát triển kinh tế xã hội và trong thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa ở cơ sở của tổ chức đảng, chính quyền địa phương đúng hay sai, hiệu quả hay không hiệu quả Từ đó kiến nghị với tổ chức đảng, chính quyền ở cơ sở điều chỉnh cho phù hợp Hiện nay, trong quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở, Mặt trận tổ quốc ở cơ sở còn có nhiệm vụ trực tiếp tổ chức cho nhân dân xây dựng các công trình dân sinh do nhân dân tự nguyện đóng góp kinh phí
Hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong thực hiện các chính sách kinh tế, xã hội ở cơ sở; tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, nhà nước và các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên vai trò đó được cụ thể như sau:
- Một là, lãnh đạo quản lý, tổ chức thực hiện thắng lợi, mọi đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật nhà nước ở cơ sở Trong hệ thống chính trị ở
cơ sở, Đảng bộ, chi bộ cơ sở là hạt nhân lãnh đạo toàn diện các mặt công tác ơ
cơ sở, chính quyền ở cơ sở tổ chức thực hiện mọi đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của nhà nước, các mục tiêu kinh tế văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh; thực hiện việc quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn theo thẩm quyền được giao Hệ thống chính trị ở cơ sở có chức năng, nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước đến từng cộng đồng dân cư, từng hộ gia đình và công dân trên địa bàn; giúp cho mọi tổ chức và cá nhân hiểu rõ và nắm bắt kịp thời đường
Trang 29lối, chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước Trên cơ sở đó giáo vụ, vận động, tổ chức cho các tầng lớp nhân dân tuân thủ và chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước
- Hai là phát huy vai trò các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tham gia quản lý xã hội Hiện nay, đời sống kinh tế xã hội ở cơ sở đang tiếp tục phát
triển nhưng vẫn đang xen, tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, bức xúc cần giải quyết; những mâu thuẩn trong cộng đồng dân cư, giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với cộng đồng, giữa công dân với doanh nghiệp, giữa công dân với chính quyền địa phương… đã và đang tồn tại trong đời sống cộng đồng ở
cơ sở Để giải quyết vấn đề này đòi hỏi HTCTCS là cấp trực tiếp nắm bắt những vấn đề và với chức năng, nhiệm vụ của mình sẽ là cấp đầu tiên giải quyết những vấn đề nêu trên, trong đó chất lượng hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả quản lý của nhà nước, vào trình độ quản lý xã hội của toàn bộ hệ thống chính trị ở cơ sở Thông qua việc giải quyết tốt những vấn đề thực tiễn từ cơ sở, sẽ góp phần củng cố mối quan hệ vững chắc giữa quần chúng nhân dân với Đảng, với chính quyền địa phương, tăng cường mối quan hệ đoàn kết máu thịt giữa đảng với nhân dân, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được giữ vững, tạo lập sự ổn định vững chắc, để thúc đầy sự nghiệp đổi mới và phát triển ở cơ sở
- Ba là, trực tiếp tập hợp, quy tụ và giải quyết tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, nơi xuất phát điểm của mọi đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước Hệ thống chính trị ở cơ sở là cơ sở là cầu
nối giữa quần chúng nhân dân với Đảng và nhà nước Đối với những nguyện vọng, yêu cầu chính đáng của người dân nếu không thuộc chức năng, nhiệm
vụ, thẩm quyền giải quyết của mình, những bức xúc của địa phương hoặc nảy sinh trong quá trình lãnh đạo, quản lý, tổ chức điều hành liên quan đến đời sống nhân dân ở cơ sở hoặc thông qua sự phản ánh của nhân dân, của cử tri
Trang 30thì hệ thống chính trị ở cơ sở sẽ thông tin phản ánh, kiến nghị lên cấp trên giải quyết Muốn vậy, cán bộ cơ sở phải là những người hiểu biết tình hình đang diễn ra tại cơ sở, nắm được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, những đòi hỏi bức xúc mà cuộc sống nhân dân đặt ra
- Bốn là, hệ thống chính trị ở cơ sở là nơi trực tiếp quản lý, rèn luyện
và tạo nguồn cán bộ, lực lượng nòng cốt quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, nước ta cần phải xây dựng đội ngũ cán bộ không chỉ có trình độ và tư duy năng động sáng tạo, mà trước hết phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, gần dân, hiểu dân Bởi
lẽ, hệ thống chính trị tồn tại và hoạt động không vì mục đích tự thân mà vì sự
ổn định và phát triển của xã hội, vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân, để nhân dân thực sự làm chủ vận mệnh của mình Toàn bộ tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị nước ta trong giai đoạn mới là nhằm xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân Vì vậy, đội ngũ cán bộ phải có uy tín để tập hợp đông đảo quần chúng thành một khối đoàn kết vững chắc, xây dựng địa phương vững mạnh, toàn diện Hệ thống chính trị ở cơ sở là nơi cán bộ được tôi luyện và trưởng thành từ thực tiễn Đội ngũ cán bộ là lực lượng nòng cốt của mọi tổ chức, nếu thực hiện tốt vai trò này, sẽ khắc phục căn bệnh cố hữu là sự giáo điều trong đường lối, chính sách do hệ quả của việc thiếu thực tiễn, trong một bộ phận cán bộ, công chức tạo ra khi họ đảm nhiệm các vị trí liên quan đến hoạch định
và chỉ đạo chiến lược Chủ động bố trí lực lượng cán bộ trẻ được đào tạo cơ bản vào làm việc trong bộ máy hệ thống chính trị ở cơ sở vừa tạo điều kiện cho họ rèn luyện, vừa tạo sự bức phá trong suy nghĩ và hành động của đội ngũ cán bộ ở cơ sở, khắc phục tình trạng “đầu ra” của đội ngũ cán bộ cấp trên là
“đầu vào” của đội ngũ cán bộ cơ sở vốn vẫn còn tồn tại hiện nay
Trang 31- Năm là, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức nhân dân đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch.Các thế lực thù địch không ngừng lợi dụng tình hình trong và
ngoài nước để gây rối, chống phá, kích động gây mất an ninh chính trị, trật tự
an toàn xã hội Trong công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo,
và sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, thúc đẩy nhân dân đời sống được nâng lên rõ rệt Bên cạnh đó cũng không tránh khỏi sự choáng ngợp, hụt hẫng, dễ mất định hướng trong hội nhập và phát triển trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội Vì vậy hơn lúc nào hết đòi hỏi các cấp, các ngành ra sức xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức nhân dân đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, duy trì sự ổn định chính trị, định hướng đúng đắn cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… là rất quan trọng và mang tính quyết định
1.3.2 Hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở
Hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở là kết quả cuối cùng của quá trình hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, đó là hiệu quả tổ chức và hoạt động của hệ thống Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị
- xã hội ở cơ sở Hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở được thể hiện trên các mặt cụ thể sau:
Xét về tổng thể đánh giá hệ thống chính trị cơ sở ở xã, phường, thị trấn hoạt động hiệu quả, hệ thống chính trị cơ sở hoạt động hiệu quả phải đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau:
Một là, hệ thống chính trị phải thực thi tốt quyền lực chính trị ở cơ sở Từng tổ chức trong hệ thống chính trị phải thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao Theo đó, đối với tổ chức Đảng phải thực sự là hạt nhân chính trị đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện nhiệm vụ chính trị ở địa phương
Trang 32và phải có khả năng xử lý, giải quyết những vấn đề phức tạp, khó khăn xảy ra
ở cơ sở Chính quyền cơ sở phải đảm bảo vai trò quản lý, điều hành thông suốt, đồng bộ, không buông lỏng công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực theo phân cấp quản lý ở địa phương Các đoàn thể chính trị - xã hội phát huy tốt chức năng tuyên truyền, vận động, tập hợp, thu hút đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng tổ chức đảng, chính quyền ở cơ sở vững mạnh; không hoạt động theo kiểu hành chính hóa
Hai là, từng tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn bộ hệ thống chính trị vận hành thông suốt, đồng bộ, không chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ Có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, cụ thể giữa từng tổ chức và các bộ phận trong từng tổ chức; có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, đồng
bộ giữa các tổ chức với nhau; có sự phân định rõ chức năng của hai cơ quan
do cùng một chủ thể cán bộ thực hiện đó là giữa vai trò bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân cấp xã; giữa vai trò của bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã; giữa vai trò lãnh đạo của cấp ủy với công tác quản lý, điều hành của chính quyền; phát huy vai trò giám sát của các đoàn thể nhân dân; đảm bảo các tổ chức trong hệ thống chính trị, các cá nhân được giao quyền có thể kiểm soát quyền lực và phối hợp hoạt động với nhau, chống xu hướng lạm dụng quyền lực, bao biện làm thay, lấn sân, buông lỏng quản lý
Ba là, một hệ thống chính trị vững mạnh phải phát huy tốt dân chủ ở cơ
sở đi đôi với giữ gìn kỷ luật kỷ cương phép nước Phát huy tốt dân chủ sẽ tranh thủ được trí tuệ, nguồn lực của người dân, phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân để triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị Nếu phát huy tốt dân chủ, sáng tạo được sự ổn định để phát triển; ngược lại vi phạm quyền làm chủ nhân dân sẽ làm mất lòng tin của nhân dân, hệ thống chính trị mất
Trang 33chỗ dựa từ nhân dân Đồng thời phải giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương phép nước, kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật để đảm bảo công bằng xã hội và đảm bảo cho nền dân chủ ở cơ sở thực sự phát huy tác dụng
Bốn là, đội ngũ cán bộ đảm bảo số lượng, cơ cấu, đạt chuẩn về chất lượng Tùy theo yêu cầu của từng chức danh, đội ngũ cán bộ phải có trình độ, chuyên môn nhất định Mặt khác trình độ, bằng cấp phải tương xứng với năng lực thực tiễn của cán bộ Đối với cán bộ cơ sở, phải thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao và đủ sức giải quyết những vấn đề phức tạp xảy ra tại cơ sở
Xét về hiệu quả hoạt động của từng tổ chức trong hệ thống chính trị, hiệu quả hoạt động được đánh giá dựa trên các tiêu chí sau:
- Đối với tổ chức Đảng: Là hiệu quả của việc của vận hành bộ máy hoạt động của Đảng bao gồm tổng thể các lĩnh vực giáo dục chính trị, tư tưởng; tổ chức – xây dựng Đảng; kiểm tra, giám sát; dân vận; thể hiện qua uy tín ngày càng nâng cao của Đảng và niềm tin của người dân, của xã hội vào sự lãnh đạo của Đảng đối với các chủ trương, chính sách của Đảng…
- Đối với chính quyền cơ sở: Là hiệu quả của sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế…ở địa phương; chất lượng của hệ thống cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình hoạt động; kết quả của quá trình giải quyết, xử lý công việc cho tổ chức, và công dân, hay nói cách khác là hiệu quả của quá trình thực hiện các dịch vụ công thể hiện thông qua sự hài lòng của khách hàng - tổ chức, công dân - đối với hoạt động của bộ máy chính quyền ở cơ sở…
- Đối với Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội: Là kết quả của công tác tập hợp, vận động nhân dân tham gia vào các tổ chức của mình; kết quả của công tác củng cố, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc ở
Trang 34cơ sở…
1.4 Những yếu tố tác động đến quá trình tổ chức và hoạt động hệ thống chính trị cơ sở ở xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn
1.4.1 Sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã
Những năm qua, việc xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh được các cấp ủy từ tỉnh ủy, thành ủy ủy, và đảng ủy xã luôn quan tâm lãnh đạo và tổ chức thực hiện chu đáo Các cấp ủy tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kịp thời những vướng mắc nảy sinh trong quá trình hoạt động của chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, cố gắng khắc phục khó khăn mà trước hết đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tận tụy, trách nhiệm xây dựng địa phương, cơ sở vững mạnh Trong đó tập trung xây dựng, đổi mới phương thức hoạt động, sáng tạo, năng động trong cách nghĩ, cách làm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực tế của địa phương
1.4.2 Nhân dân Nhơn Hải mà trước hết là các đoàn viên, hội viên trong các tổ chức đoàn thể phát huy tốt truyền thống cách mạng, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ở địa phương; tích cực tham gia lao động sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao thể hiện được là tính tiên phong gương mẫu để nhân dân noi theo, góp phần cho sự phát triển toàn diện của địa phương trong thời
Trang 35hoạch mục tiêu quốc gia, kế hoạch phát triển ở địa phương đã mang lại hiệu quả thiết thực, hộ nghèo giảm còn 0,05% đến cuối năm 2023 [12]
1.4.3 Một số cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân, chưa nhận thức đúng vai trò, chức năng, nhiệm vụ của hệ thống chính trị cơ sở trên địạ bàn xã Nhơn Hải; chưa thấy công việc xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh trên địạ bàn xã Nhơn Hải hiện nay là nhiệm vụ chiến lược quan trọng đến vận mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ
Do đó, chưa qui tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp trong xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở Chưa có sự đầu tư thích đáng về nhân lực, trí lực, vật lực
để đảm bảo cho hệ thống chính trị cơ sở hoạt động hiệu quả cao nhất Công tác phối hợp giữa các tổ chức dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ cơ sở chưa có sự ăn khớp, nhịp nhàng Mặt khác năng lực, trình độ một số cán bộ xã còn hạn chế, chưa biết và chưa khai thác hết sức dân để tham gia phong trào hành động cách mạng ở địa phương
1.4.4 Tình hình thế giới và khu vực luôn có những chuyển biến phức tạp khó lường
Chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, hoạt động can thiệp lật đổ, ly khai tranh chấp về lãnh thổ biên giới, biển, đảo… Đối với xã Nhơn Hải, các thế lực thù địch luôn thực hiện “âm mưu diễn biến hòa bình” bạo loạn lật đổ, sử dụng chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, lợi dụng các vấn đề “tôn giáo”, “dân tộc”, “biên giới” để gây nên phức tạp tình hình Trong thời gian gần đây hoạt động truyền đạo trái pháp luật, truyền bá văn hóa độc hại diễn biến khá phức tạp Mặt khác các thế lực thù địch lợi dụng những tác động mặt trái của cơ chế thị trường để làm tha hóa, biến chất, thúc đẩy quá trình “tự chuyển biến” trong đội ngũ cán bộ trong
hệ thống chính trị ở cơ sở
Trang 361.4.5 Phẩm chất, đạo đức, lối sống của không ít cán bộ xã giảm sút, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiển đặt ra dẫn đến uy tín của cấp ủy, chính quyền ở địa phương đối với nhân dân được giảm sút
Trình độ năng lực của một bộ phận cán bộ sơ sở ở xã Nhơn Hải còn nhiều hạn chế, đội ngũ cán bộ cơ sở chỉ đào tạo trình dộ trung cấp lý luận chính trị - cả về chuyên môn nghiệp vụ và kiến thức quản lý nhà nước còn nhiều Chế độ chính sách cán bộ ở cơ sở vẫn chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay, chưa thể hiện được sự khuyến khích động viên cho cán bộ xã, phường, thị trấn tâm huyết với công việc, điều này cũng làm cho chất lượng hoạt động HTCTCS của xã Nhơn Hải không cao
*
* * Cấp cơ sở là cấp trực tiếp nhất trong hệ thống 4 cấp quản lý hành chính của nước ta hiện nay Hệ thống chính trị cơ sở có một vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong việc tổ chức, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tăng cường đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động mọi khả năng phát triển kinh
tế - xã hội, đảm bảo, giữ vững ổn định chính trị -xã hội để thực hiện thắng lợi
sự nghiệp đổi mới Chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ
sở có ảnh hưởng rất lớn đến tình cảm, thái độ, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước Khẳng định vị trí, vai trò của cơ sở cũng chính là khẳng định nguyên lý về vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong hoạt động sáng tạo lịch sử Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở gắn liền với sự hoàn thiện hệ thống chính trị về tổ chức, hoạt động, cơ chế phối hợp của 3 yếu tố cấu thành; cũng như
Trang 37kết quả đạt được của quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cải cách thể chế ở cơ sở Việc nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở phải đồng bộ cả 3 bộ phận cấu thành hệ thống chính trị là: tổ chức Đảng,
chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội
Trang 38Chương 2 THỰC TRẠNG TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ CƠ SỞ Ở XÃ NHƠN HẢI, THÀNH PHỐ QUY NHƠN,
TỈNH BÌNH ĐỊNH 2.1 Khái quát về xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định
2.1.1 Tình hình địa lý dân cư
Nhơn Hải là xã bán đảo thuộc bán đảo Phương Mai, nằm về phía Đông Bắc thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định Phía Đông và Nam giáp biển Đông, phía Tây giáp dãy núi Phương Mai Nhơn Hải cách thành phố Quy Nhơn 10 km theo đường biển về hướng Bắc, chiều dài từ đất liền đến núi Eo Vượt (giáp xã Nhơn Lý) đến Mũi Đèn thôn Hải Minh (tượng Trần Hưng Đạo) chừng 10 km, chiều ngang từ bờ biển vào đến Bãi Rỗi chừng 3 km, với tổng diện tích tự nhiên là 12 km2
Tổng thể tự nhiên của Nhơn Hải khá đơn giản, nơi đây là một vùng bán đảo, phần lớn diện tích tự nhiên là đồi núi trọc, còn lại hai dãy cát ven biển là điểm dân cư Xã Nhơn Hải có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh quốc phòng, là một trong những xã được Trung ương chọn là xã trọng điểm về quốc phòng – an ninh của cả nước
Xã Nhơn Hải nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phát triển du lịch biển của tỉnh Bình Định, với diện tích tự nhiên 12 km2, dân số năm 2022 là 5.806 người, mật độ dân số 483,83 người/km2 Toàn xã có 3 thôn, với 44 tổ an ninh nhân dân; đồng bào theo đạo chiếm hơn 7% dân số, trong đó đạo Phật có đông tín đồ nhất, chiếm 6% dân số, đạo Thiên Chúa Giáo chiếm 2% dân số, 100% dân số đều người dân tộc Kinh, không có người dân tộc thiểu số [12]
Đảng bộ xã Nhơn Hải có 09 chi bộ trực thuộc, với 104 đảng viên,
Trang 39chiếm 0,02% dân số trong xã, trong đó: có 03 chi bộ thôn; 02 chi bộ Trường học, chi bộ Y tế, chi bộ Quân sự và chi bộ Công an, chi bộ Hợp tác xã dịch vụ
du lịch thủy sản 100% thôn đã thành lập Chi bộ
2.1.3 Tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội
Từ thế kỷ thứ IX thời Chiêm Thành, ở Hải Minh và Hải Giang đã có dân cư Chăm sinh sống Tại Lăng ông thôn Hải Minh hiện còn một phù điêu khắc họa người phụ nữ Chăm đang múa Trong ngôi chùa thôn Hải Giang còn tượng khắc họa một tu sĩ Chăm ngồi trong thư thế trầm tư thiền định Ngoài
ra, ở đền Tam Tòa chân núi Phương Mai còn đền thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, con thứ 8 của vua Lý Thái Tổ, người đã có công giúp nhân dân Chăm ổn định tình hình đất nước Đây là biểu tượng tốt đẹp về mối tình đoàn kết Việt - Chăm
Mùa xuân năm 1471, do bị người Chiêm Thành thường xuyên quấy phá nên Vua Lê Thái Tông đích thân cầm quân đánh phá thành Thị Nại, chiếm được thành Chà Bàn, sát nhập vùng đất Đèo Cù Mông trở ra vào Thừa Thiên - Quảng Nam Thời kỳ 1471 - 1799, nơi đây thuộc huyện Tuy Viễn phủ Hoài Nhơn (năm 1602 đổi thành phủ Quy Nhơn)
Cũng trong thời kỳ này, những cư dân Việt (người Kinh) đầu tiên trong
Trang 40quá trình tìm nơi thuận tiện để sinh sống làm ăn đã đến đây lập nghiệp Họ là những người đi ghe bầu từ các tỉnh phía Bắc và các huyện ven biển của tỉnh Bình Định như: Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát vào chủ yếu sống bằng nghề làm biển và trồng lúa nước (thôn Hải Giang)
Trong quá trình hình thành nên vùng đất Nhơn Hải đã phải trải qua nhiều thế hệ cùng góp công cải tạo, chung lưng đấu cật, vật lộn với thiên nhiên Trong đó, ghi nhận công lao buổi ban đầu khai phá nên Nhơn Hải của một số dòng tộc lớn Quá trình hình thành nên tầng lớp dân cư người Việt ở Nhơn Hải gắn liền với quá trình các xóm: San Hô, Đồng Mai, Vũng Tàu, Bến Rỗi gọi là Làng Mai, sau là Làng Phương Mai
Đầu năm 1948 được đặt tên là xã Phước Hải thuộc huyện Tuy Phước, gồm 4 thôn Hải Đông, Hải Nam, Hải Giang, Hải Khẩu Cuối năm 1951, đầu năm 1952 xã Phước Hải được sát nhập vào Thị xã Quy Nhơn Đến giữa năm
1953 tách ra và chuyển giao về huyện Tuy Phước
Trong thời kỳ Mỹ - ngụy, năm 1970 xã lại được sát nhập vào Thị xã Quy Nhơn với tên gọi là khu phố Trung Hải Tháng 8/1972, khu Trung Hải được đổi tên thành phường Trung Hải thuộc quận Nhơn Bình, thành phố Quy Nhơn Sau ngày Quy Nhơn được giải phóng, tháng 4/1975 phường Trung Hải được đổi tên thành xã Nhơn Hải có 4 thôn: Hải Đông, Hải Nam, Hải Giang và Hải Minh thuộc Thị xã Quy Nhơn Tháng 02/1979, để tiện việc quản lý hành chính thôn Hải Minh được chuyển giao về cho phường Hải Cảng Ngày nay,
xã Nhơn Hải bao gồm 3 thôn: Hải Đông, Hải Nam, Hải Bắc
Thu nhập bình quân đầu người tính đến cuối năm 2022 ước khoảng 60 triệu đồng/người/năm Kinh tế của địa phương có nhiều chuyển biến rõ nét Tốc độ kinh tế năm sau luôn cao hơn năm trước, chuyển dịch cơ cấu về kinh
tế, cơ cấu lao động theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng CN-TTCN,
TM-DV