2.1. Khái quát về Trường THPT Hà Nội – Amsterdam
2.1.1. Quá trình hình thành và phát triển trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam Amsterdam
Tuy mới thành lập gần 30 năm nhưng trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam đã trở thành một trong những trường THPT có uy tín và chất lượng hàng đầu của thủ đô và cả nước. Bắt đầu vào năm 1985, UBND Thành phố Hà Nội và Sở GD&ĐT Hà Nội đã quyết định xây dựng một mô hình trường THPT kiểu mới theo mô hình một trường chuyên toàn diện, nhằm tuyển sinh những HS có năng khiếu đặc biệt trong các môn học. Từ quyết định đó Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam đã được xây dựng với nguồn vốn chủ yếu đến từ nguồn quyên góp, ủng hộ, tài trợ của nhân dân thành phố Amsterdam Hà Lan. Và để ghi nhận công lao đóng góp của người dân thủ đô Amsterdam và thể hiện mối quan hệ hữu hảo giữa hai nước Việt Nam- Hà Lan trường đã được đặt tên theo tên thủ đô của hai nước: Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Năm học đầu tiên của trường được khai giảng vào ngày 5 tháng 9 năm 1985 với khoảng 400 HS và 50 GV. HS của trường trong khóa học đầu tiên được tuyển chọn và chuyển đến từ nhiều trường THPT khác nhau của thủ đô Hà Nội, bao gồm khối chuyên Toán của trường THPT Chu Văn An; khối chuyên Văn, chuyên Lý của trường THPT Việt Đức; khối chuyên Nga, Anh, Hóa của trường THPT Lý Thường Kiệt và khối chuyên Sinh của trường THPT Ba Đình. Và kể từ năm học đầu tiên đó, trong giai đoạn từ 1985 đến năm nay, trường đã đào tạo 29 khóa THPT và 22 khóa THCS. Trong giai đoạn này, trường PTTH chuyên Hà Nội Amsterdam đã ngày càng mở rộng và phát triển toàn diện mô hình trường chuyên gây tiếng vang lớn tại thủ đô và
trên cả nước về thành tích và chất lượng. Năm 1989, trường mở thêm khối chuyên Pháp bao gồm lớp chuyên Pháp 1 và lớp Pháp tăng cường ( là khối lớp được học một số môn hoàn toàn bằng tiếng Pháp). Năm 1992, trường mở thêm khối THCS và bắt đầu thi tuyển vào lớp 6. Và cho đến nay khối THCS vẫn giữ được uy tín cao trong ngành. Năm 1996, trường mở khối chuyên Tin. Năm 2002, trường mở thêm khối chuyên Trung, chuyên Sử và chuyên Địa. Từ số 50 GV ban đầu, Sở GD&ĐT Hà Nội đã điều thêm thêm những thầy cô giáo ưu tú ở các trường khác đến đồng thời tổ chức thi tuyển những GV có năng lực về trường. Từ đó, trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam trở thành một hệ thống đào tạo hoàn chỉnh là một trong những trường THPT và THCS đạt thành tích cao nhất của thành phố và nhà nước.
Năm 2005, chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã đến làm việc tại trường Hà Nội Amsterdam và nhận thấy sự xuống cấp về cơ sở vật chất của trường Hà Nội Amsterdam cũ và đã đồng ý dành quỹ đất 5 ha ở khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính để xây cơ sở mới cho trường. Lễ khởi công xây dựng đã diễn ra vào ngày 19 tháng 5 năm 2008. Công trình đã được phê chuẩn là một trong những công trình chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Ngày 4 tháng 9 năm 2010, trường khai giảng khóa học đầu tiên tại địa điểm mới đồng thời cũng được gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Trường mới có hệ thống cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn quốc gia và được coi là trường THPT hiện đại nhất Việt Nam vào thời điểm hiện tại.
2.1.2. Cơ cấu tổ chức và cấu trúc đào tạo của trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam
Trường được tổ chức với mô hình ban giám hiệu điều hành và quản lý chung với hiệu trưởng và các hiệu phó phụ trách chuyên môn, phụ trách đức dục và phụ trách cơ sở vật chất. Công tác giáo dục được chia thành hai khối THPT và THCS. Hệ thống giáo viên của trường được chia thành các tổ: Tổ Văn, Tổ Toán, Tổ Lý, Tổ Hoá, Tổ Ngoại Ngữ, Tổ Sinh – Thể, Tổ Xã hội. Ngoài ra, nhà trường còn có tổ hành chính bao gồm các nhóm: Nhóm Tài vụ;
Nhóm Văn phòng – Máy tính; Nhóm Thư viện – Thí nghiệm; Nhóm Y tế; Nhóm Bảo vệ - Lái xe và Nhóm Lao công - Phục vụ.
Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam đào tạo theo hai hệ: hệ THPT và hệ THCS. Cả hai hệ này đều thuộc quyền quản lý của trường Hà Nội Amsterdam và Sở GD&ĐT Hà Nội. Hệ THCS kéo dài bốn năm từ lớp 6 đến lớp 9. Nhà trường tuyển chọn HS có năng lực vào học từ lớp 6. Trong chương trình học của hệ THCS, nhà trường thực hiện đổi mới và nâng cao chương trình giáo dục cho HS các lớp: trang bị cho HS những kiến thức giáo dục phổ thông từ sách giáo khoa, đồng thời mở rộng kiến thức cho HS. Sau khi học hai năm đầu của hệ THCS (học hết lớp bảy), toàn bộ học sinh sẽ phải thực hiện kỳ thi phân loại chất lượng để được phân vào các lớp tám. Kỳ thi sẽ chia đều các HS khối bảy vào năm lớp tám: lớp chuyên toán (toán 1 và toán 2), lớp chuyên văn (văn 1) và lớp chuyên anh (anh 1 và anh 2). Trong năm học 2012 - 2013, khối THCS của trường bao gồm 20 lớp: 5 lớp mỗi khối sáu và bảy, tám và chín. Hệ THPT kéo dài ba năm từ lớp 10 đến lớp 12. HS vào lớp 10 phải trải qua kỳ thi tuyển THPT do Sở GD& ĐT tổ chức. Trong các năm học từ năm học 1985 - 1988 cho đến năm học 2011 - 2012, khối THPT được chia làm 2 hệ: Hệ chuyên và hệ không chuyên. Trong các hệ chuyên, ngoài việc học các môn học chính, HS sẽ được dạy tăng cường (số tiết, khối lượng kiến thức nhiều hơn so với các lớp còn lại) các môn chuyên trong các lớp chuyên thuộc khối THPT. Các HS chuyên giỏi sẽ được đưa vào đội tuyển học sinh chuyên và được đầu tư học môn chuyên để dự các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Khác với hệ chuyên, hệ không chuyên không có việc dạy tăng cường các môn chuyên, tuy nhiên vẫn đề cao một số môn học trong chương trình THPT. Cho đến năm học 2011 - 2012, trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam có 12 lớp chuyên: chuyên Toán, chuyên Nga, chuyên Lý, chuyên Anh, chuyên Văn, chuyên Hóa, chuyên Pháp, chuyên Trung, chuyên Sử, chuyên Địa, chuyên Sinh và chuyên Tin, 5 lớp không chuyên: Anh (Anh 2), Toán (Toán 2), Hóa (Hóa 2) và Lý (Lý 2) và 1 lớp tiếng Pháp tăng cường.
Bắt đầu từ năm học 2012 - 2013, khối THPT trường Hà Nội Amsterdam sẽ xóa bỏ hệ thống lớp không chuyên, thay vào đó là hệ thống hai lớp chuyên cân bằng về chương trình và cách thức dạy học..