Kiểm tra, đánh giá là một khâu vô cùng quan trọng trong Quản lý giáo dục. Chính vì vậy việc kiểm tra hoạt động bồi dưỡng HSG đã được nhà trường đặc biệt chú trọng. Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn sẽ là người chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra chung toàn bộ hoạt động bồi dưỡng HSG. Và Phó hiệu trưởng sẽ phân công cho các tổ trưởng chuyên môn chịu trách nhiệm về đội tuyển của môn mình, theo sát tình hình bồi dưỡng của đội tuyển thông qua GV lãnh đội, theo dõi sát việc bồi dưỡng HSG của GV như việc
thực hiện kế hoạch, nội dung, phương pháp giảng dạy đã đề ra. Hàng tháng tổ trưởng sẽ có kiểm tra, ký duyệt giáo án, bài giảng chuyên đề của GV, dự giờ để giúp GV, đặc biệt là các GV trẻ rút kinh nghiệm, điều chỉnh kịp thời nội dung, phương pháp dạy có hiệu quả và các biện pháp rèn kĩ năng làm bài cho học sinh.
Với câu hỏi khảo sát trên tổng số 50 GV: “Trong quá trình giảng dạy bồi dưỡng học sinh giỏi, ông (bà) có thường xuyên báo cáo tình hình với Tổ trưởng chuyên môn, Ban Giám hiệu và trao đổi tình hình với các giáo viên khác?” đã thu được kết quả như sau:
Bảng 2.8: Đánh giá mức độ giáo viên tham gia bồi dưỡng HSG trao đổi tình hình với BGH và các giáo viên khác
Mức độ Số giáo viên Tỷ lệ %
Thường xuyên, định kỳ 44 88%
Thỉnh thoảng 6 12%
Trừ khi được hỏi đến 0 0%
Không bao giờ 0 0%
Nhìn vào kết qủa thống kê trên có thể thấy rằng đa số GV có sự trao đổi thường xuyên với Ban giám hiệu và qua đó Ban giám hiệu có thể nắm được tình hình cụ thể, sẵn sàng đưa ra các giải pháp xử lý khi cần thiết, quản lý chặt chẽ mọi hoạt động, diễn biến của công tác Bồi dưỡng HSG.
Còn đối với HS, GV lãnh đội có kế hoạch kiểm tra HS trong quá trình bồi dưỡng bằng nhiều hình thức khác nhau: HS làm bài kiểm tra viết hàng tháng hoặc sau mỗi chuyên đề, HS tự nghiên cứu và trình bày trước GV và các HS khác, tổ chức trao đổi về các chuyên đề. Việc kiểm tra đó nhằm đánh giá kết quả học tập của học sinh, trên cơ sở đó giáo viên đánh giá được năng lực, kiến thức của HS, từ đó điều chỉnh nội dung và phương pháp dạy sao cho đạt hiệu quả cao nhất.