6. Cấu trúc luận văn
3.2.2.2. Thời gian tâm lý
Một trong những đặc điểm tự sự truyện ngắn của Bảo Ninh là trần thuật theo kiểu phi tuyến tính, xáo trộn giữa các bình diện thời gian. Thời gian được biến chuyển theo dòng nội tâm của nhân vật. Nhà văn dùng thời gian như một cách để thể hiện đời sống nội tâm nhân vật, thể hiện những ẩn ức, khát vọng của nhân vật. Nghệ thuật xử lý thời gian của Bảo Ninh trong các truyện ngắn rất linh hoạt, có khi là mở rộng, thu hẹp, dồn nén, chồng xếp. Thời gian của câu chuyện phụ thuộc vào dòng tâm trạng nhân vật, tùy theo dòng tâm trạng mà thời gian của câu chuyện được kéo về quá khứ xa xăm hay hiện tại, có khi là đồng hiện, đan xen giữa các chiều thời gian, tất cả tạo nên mạng lưới kết nối câu chuyên. Câu chuyện chỉ phụ thuộc vào những dòng tâm trạng của nhân vật, hệ thống sự kiện do đó cũng bị phân mảnh, chắp nối theo chuỗi ký ức đứt đoạn của nhân vật, tác phẩm được dệt bởi sự đan cài giữa xúc cảm và suy tưởng của nhân vật. Có thể thấy trong nhiều truyện ngắn của Bảo Ninh, kiểu đảo lộn trật tự thời gian theo dòng tâm trạng nhân vật thực sự tạo ra hiệu quả nghệ thuật.
Với thời gian tâm lý đặc biệt là hình thức thời gian đồng hiện nhà văn có thể rút ngắn thời gian kể chuyện, kết nối những câu chuyện thuộc về những khoảng thời gian khác nhau mà không bị đứt quãng, gián cách. Tất cả chỉ tuân theo sự vận động của dòng suy nghĩ, tâm trạng nhân vật. Theo Đặng Anh Đào: "Trong dòng tâm tư, quá khứ, hiện tại, tương lai xuất hiện cùng một lúc, không bị ngăn cách, liên tục như một dòng chảy, đó là hiện tượng mà người ta gọi là thời gian đồng hiện"[6,77]. Với việc sử dụng thời gian đồng hiện nhà văn có thể kể chuyện một cách linh động. Các truyện ngắn không chỉ đơn giản là những lát cắt ngắn ngủi mà đã phản ánh được những câu chuyện, những mảnh đời, những số phận của nhiều nhân vật. Thời gian đồng hiện chính là một trong những đặc điểm của truyện ngắn hiện đại. Với thủ pháp này sức khái quát
và quy mô phản ánh hiện thực của truyện ngắn được mở rộng hơn. Thời gian đồng hiện tạo nên nhiều tầng bậc trong truyện ngắn, đặt nhân vật vào những hoàn cảnh khác nhau để bộc lộ mình.
Qua những dòng hồi ức, những dòng suy nghĩ của nhân vật, biên độ thời gian được mở rộng về quá khứ, những kí ức êm đẹp cũng như đau khổ hiện lên như những thước phim khi thì êm đềm khi thì dữ dội. Bên cạnh câu chuyện của hiện tại là câu chuyện của quá khứ. Thời gian cho kí ức chiếm một phần lớn trong các truyện ngắn của Bảo Ninh. Sự xuất hiện những đoạn quay ngược thời gian trong văn bản như là một ý muốn tái hiện hiện thực, mô phỏng những xáo trộn của thế giới tinh thần và sự xáo trộn trong hành động của nhân vật. Có cái gì đó đang đảo lộn trong suy nghĩ, trong nhận thức của nhân vật. Xen lẫn với thực tại là những hồi ức về quá khứ, thời gian theo tâm lý của nhân vật quay ngược về quá khứ, thời gian mô phỏng những xáo động của tiến trình tâm lý.
Tốc độ trần thuật liên quan đến mối tương quan giữa độ dài thời gian của các biến cố trong chuyện được tính bằng năm, tháng, ngày, giờ… và độ dài thời gian của việc trần thuật được tính bằng số trang, số dòng… Tốc độ trần thuật của một số truyện ngắn như: hơn hai chục năm trời sau chiến tranh/23 trang văn bản ≈ 1 (Rửa tay gác kiếm), đã non bốn chục năm/27 trang văn bản ≈ 1,48 (Thời tiết của kí ức), hai chục năm tròn/15 trang văn bản ≈ 1,33 (Khắc dấu mạn thuyền), từ đấy tới nay ba chục năm trời/19 trang văn bản ≈ 1,57 (Ngôi sao vô danh), sau hai chục năm trời/15 trang văn bản ≈ 1,33 (Ba lẻ một)... Như vậy dựa vào tốc độ trần thuật có thể thấy cứ xấp xỉ từ 1 - 1,5 một năm sự kiện cho một trang văn bản. Có thể thấy được sự cô đúc về mặt thời gian trong các truyện ngắn. Với dung lượng của truyện ngắn không cho phép nhà văn miêu tả một cách dàn trải, chi tiết các sự kiện, diễn biến. Những đoạn tỉnh lược, lược thuật về mặt thời gian xuất hiện nhiều, thể hiện
qua những khoảng thời gian như hơn hai chục năm trời sau chiến tranh (Rửa tay gác kiếm), hai chục vụ rẫy (Trại bảy chú lùn), đã non bốn chục năm (Thời tiết của kí ức), hai chục năm tròn (Khắc dấu mạn thuyền)... Sự tỉnh lược là biểu hiện cao nhất của việc tăng tốc độ trần thuật. Trong những đoạn hồi ức quá khứ xa xưa hiện về với tốc độ kể khá nhanh, nó đã ăn sâu vào kí ức của con người không thể nào quên được. Mặc dù vậy tất cả những gì có tính chất quyết định đến số phận nhân vật, đến bước ngoặt cuộc đời nhân vật đều được trần thuật môt cách chi tiết. Những khoảng hồi tưởng chiếm phần lớn trong các truyện ngắn. Những hồi ức về tuổi thơ, về tình yêu, về chiến tranh, về đồng đội... xen lẫn với thực tại được kể lại không quá nhanh nhưng đủ để hình dung ra được một thời quá khứ xa xưa. Nhìn về quá khứ cũng là cách để nhân vật dành cho mình những khoảng lặng cần thiết để nghiền ngẫm, suy nghĩ về những việc mình đã làm, để nhìn nhận và đánh giá lại những gì được coi là giá trị tốt đẹp, từ đó trân trọng hơn quá khứ, trân trọng những gì đang có ngày hôm nay.
Trong tiểu thuyết của Bảo Ninh cũng vậy, thời gian cốt truyện tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh khoảng xấp xỉ 25 năm (từ 1965 đến đầu những năm 90 của thế kỉ 20). Như vậy ta có thể tính tốc độ trần thuật của tiểu thuyết này. Tốc độ trần thuật trung bình 302/25 ≈ 12,08 trang cho một năm sự kiện, tốc độ này là trung bình, phù hợp cho việc kết cấu tác phẩm theo dòng ý thức. Trong quá trình kể chuyện, tốc độ kể chuyện cũng thay đổi linh hoạt, tập trung vào những điểm dừng của hành động, sự kiện. Những sự kiện có ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân vật được kể lại rất chi tiết, tỉ mỉ. Như trường đoạn Kiên và Phương trong chuyến tàu hành quân vào Nam và tai nạn Phương bị cưỡng hiếp được kể trong khoảng 59 trang văn bản cho chưa đầy 2 ngày sự kiện (59/2=29,5 trang cho một ngày sự kiện). Tốc độ kể như vậy là rất chậm so với tốc độ kể chung của toàn bộ tác phẩm. Điều này chứng tỏ sự
kiện này ảnh hưởng và ám ảnh rất lớn đối với Kiên. Cũng chính từ đây, từ chuyến tàu định mệnh này, Phương và Kiên mãi mãi xa nhau, và dù có gặp lại sau chiến tranh, mỗi người cũng đã khác, không còn là Kiên và Phương của ngày xưa nữa, Phương đã khác và Kiên cũng thế. Từ chuyến tàu đó, mỗi người đã bắt đầu cho mình một cuộc sống mới.
Hồi tưởng về quá khứ là một trong những đặc điểm của văn học hiện đại. Truyện ngắn của Bảo Ninh cũng không nằm ngoài đặc điểm ấy. Trong Hà Nội lúc không giờ, nhân vật tôi từ thời điểm hiện tại ngoái nhìn lại về quá khứ. Nhớ về mùa xuân năm Giáp Thìn xa xưa ấy. Trong Rửa tay gác kiếm nhân vật từ thời điểm hiện tại nhớ về quá khứ, về với những chuỗi ngày trong quá khứ, sau hai mươi năm: "Giờ đây nhớ lại những ngày tháng cuối cùng của đời bộ đội lòng tôi vô hạn một nỗi buồn nhớ sâu lặng, kể từ ngay sau đỉnh cao hạnh phúc của ngày Chiến Thắng tới buổi chiều ngày hôm nay, ngày và đêm hòa bình lững lờ trôi chảy mà đời người thì trôi qua mau"[40,260]... Trong truyện ngắn của Bảo Ninh, cùng với dòng tâm trạng là những đoạn hồi cố của nhân vật. Nhân vật ngoái lại, nhìn về quá khứ để suy nghiệm về hiện tại và nhận thức giá trị của quá khứ, đồng thời có cái nhìn bao quát hơn về số phận và đời người trước những biến động của thời gian.
* Tiểu kết: Trong truyện ngắn của Bảo Ninh, không gian và thời gian nghệ thuật được xây dựng chủ yếu dựa trên dòng tâm trạng của nhân vật mà không tuân theo trật tự tuyến tính. Sự kết hợp không - thời gian gắn với tâm lý nhân vật tạo nên sự đa tầng bậc, linh hoạt và biến hóa cho câu chuyện. Trên nền không - thời gian ấy nhà văn có thể kể chuyện một cách linh hoạt, đi về giữa các chiều không - thời gian mà không bị phụ thuộc vào một giới hạn nào cả. Số phận nhân vật trong dòng chảy lịch sử vì thế được miêu tả và khắc họa một cách chân thực và chi tiết. Những vấn đề về chủ đề, tư tưởng của tác phẩm do đó cũng được thể hiện một cách đầy đủ hơn. Những sáng tạo của
Bảo Ninh về phương diện không - thời gian đã đóng góp không nhỏ vào sự cách tân của văn học Việt Nam thời kì Đổi mới, đồng thời thể hiện tài năng của nhà văn trong nghệ thuật kể chuyện.
KẾT LUẬN
Truyện ngắn của Bảo Ninh là sự đan xen giữa đề tài chiến tranh và tình yêu, là cuộc sống, là số phận con người trong và sau chiến tranh. Trong các truyện ngắn của mình, Bảo Ninh đã đặt nhân vật trong mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng, với vận mệnh chung của toàn dân tộc với cách nhìn mới về hiện thực, con người và chiến tranh. Chiến tranh được soi rọi dưới cái nhìn cá nhân với những cách thể hiện mới mẻ. Chiến tranh được nhìn nhận ở cả hai mặt của nó, không chỉ có vinh quang, chiến thắng mà còn có cả sự mất mát, hi sinh.
Thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn Bảo Ninh tràn ngập những hồi ức, những kỉ niệm, bàng bạc một nỗi buồn, một niềm tiếc nuối. Bảo Ninh đã tạo lập cho mình một phong cách tự sự riêng. Nhân vật của ông thường hiện lên trong dạng thức của kí ức. Kí ức dường như là cái cớ để con người tìm về quá khứ, tìm về một thời tuổi trẻ với bao niềm vui và nỗi buồn. Qua các nhân vật của mình, Bảo Ninh đã đi sâu vào khám phá số phận con người, khát vọng sống, tình yêu và hạnh phúc cá nhân.
Thông qua việc nghiên cứu nghệ thuật tự sự truyện ngắn của Bảo Ninh chúng ta có thể thấy tài năng và những sáng tạo mới mẻ về nghệ thuật tự sự của nhà văn. Trước hết, đó là sự kết hợp và dịch chuyển các kiểu người kể chuyện và điểm nhìn tự sự. Người kể chuyện và điểm nhìn tự sự trong truyện ngắn Bảo Ninh được dịch chuyển ở nhiều vị trí khác nhau một cách hết sức linh hoạt, các câu chuyện do đó được kể lại dưới những góc nhìn đa dạng, nhiều chiều. Bên cạnh đó là cách xây dựng nhân vật và cốt truyện đơn giản, bình dị mà tự nhiên. Nhân vật của Bảo Ninh hiện lên dưới nhiều dạng thức khác nhau nhưng rất chân thực và đầy chiều sâu. Cốt truyện của Bảo Ninh không cầu kì nhưng lôi cuốn, hấp dẫn người đọc bởi những tình huống éo le, bất ngờ và đậm tính triết lý, nhân văn. Cách xây dựng thời gian, không gian
tự sự bị mờ hóa, phi tuyến tính gắn liền với tâm lý của nhân vật tạo cho truyện ngắn của Bảo Ninh những dấu ấn riêng, mang đậm phong cách nghệ thuật của nhà văn.
Những sáng tạo của Bảo Ninh về phương diện nghệ thuật tự sự truyện ngắn nhằm hướng đến phản ánh hiện thực của đời sống và thế giới tâm hồn con người cùng những ám ảnh, hoài niệm của quá khứ, qua đó khái quát lên những vấn đề mang tính triết lý, nhân sinh. Truyện ngắn của Bảo Ninh là tiếng nói của những con người đi tìm giá trị và ý nghĩa của cuộc sống. Qua các yếu tố đã khảo sát trong truyện ngắn Bảo Ninh chúng tôi nhận thấy Bảo Ninh là một nhà văn có cách kể chuyện độc đáo và ấn tượng. Có thể khẳng định Bảo Ninh là một nhà văn tiêu biểu, xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại.
Truyện ngắn Bảo Ninh đã có những cách tân nghệ thuật mới mẻ, góp phần vào sự đổi mới văn xuôi Việt Nam hiện đại. Với những tìm tòi, đổi mới trong truyện ngắn của mình, nhà văn đã cho thấy những nỗ lực sáng tạo đối với sự phát triển của truyện ngắn hiện đại Việt Nam và góp phần không nhỏ vào việc cách tân nền văn học viết về chiến tranh từ sau Đổi mới. Chiến tranh được nhìn nhận dưới nhiều góc độ, phản ánh dưới nhiều chiều kích khác nhau, số phận con người trong dòng chảy lịch sử được thể hiện chân thực hơn. Bên cạnh đó, Bảo Ninh cũng đưa ra những cảnh báo về những hiểm họa để lại sau chiến tranh đối với con người, cảnh báo về sự lãng quên đối với những giá trị của quá khứ, và hơn nữa là cảnh báo về sự thờ ơ, vô cảm của con người trước hiện thực cuộc sống đang diễn ra. Những cảnh báo đó không chỉ đúng với một thời đã qua, thời hiện tại mà còn đúng với mọi thời đại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Thái Phan Vàng Anh: Ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn đương đại, Tạp chí sông Hương, số 237/2008.
2. Lại Nguyên Ân: 150 thuật ngữ văn học, NXB ĐHQG Hà Nội, 2003. 3. Nguyễn Minh Châu: Trang giấy trước đèn, NXB Khoa học Xã hội, 1994. 4. Nguyễn Minh Châu: Tuyển tập truyện ngắn, NXB Văn học, 2006.
5. Đoàn Ánh Dương: Bảo Ninh - nhìn từ thân phận truyện ngắn,
http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/lang-van/bao-ninh-nhin-tu-than-ph an-cua-truyen-ngan-1971939.html.
6. Đặng Anh Đào: Đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết phương Tây hiện đại, NXB Giáo dục, 1995.
7. Phan Cự Đệ: Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, NXB Giáo dục, 2001.
8. Phan Cự Đệ (chủ biên): Văn học Việt Nam thế kỷ XX – những vấn đề lịch sử và lý luận, NXB Giáo dục, 2005.
9. Trung Trung Đỉnh: Bảo Ninh – Thời tiết của kí ức,
http://www.tienphong.vn/van-nghe/bao-ninh-thoi-tiet-cua-ky-uc-564892.tpo 10. Hà Minh Đức (chủ biên): Lý luận văn học, NXB Giáo dục, 2000.
11. Hà Minh Đức (chủ biên): Mấy vấn đề lý luận về văn nghệ trong sự nghiệp đổi mới, NXB Sự thật, 1991.
12. Hà Minh Đức: Những thành tựu của văn học Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 7/2002.
13. Ngô Văn Đức: Ngâm khúc quá trình hình thành phát triển và thi pháp thể loại, NXB Thanh niên, 1996.
14. G.N. Pôxpêlôp (chủ biên), (Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Lê Ngọc Trà dịch và giới thiệu): Dẫn luận nghiên cứu văn học, NXB Giáo dục, 1998. 15. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên): Từ điển
thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục Việt Nam, 2010.
16. Võ Thị Hảo: Người sót lại của rừng cười, NXB Phụ nữ, 2005.
17. Đào Duy Hiệp: Phê bình văn học từ lý thuyết hiện đại, NXB Giáo dục, 2008. 18. Đỗ Đức Hiểu: Đổi mới phê bình văn học, NXB Khoa học – Xã hội, NXB
Mũi Cà Mau, 1994.
19. Đỗ Đức Hiểu: Thi pháp học hiện đại, NXB Hội nhà văn, 2000.
20. Kim Hoa: Nhà văn Bảo Ninh - Không ai một mình làm nên hạnh phúc, http://tonvinhvanhoadoc.vn/van-hoc-viet-nam/doi-song-van-hoc/2648-nha -van-bao-ninh-khong-ai-mot-minh-lam-nen-hanh-phuc.html
21. Nguyễn Thái Hòa: Những vấn đề thi pháp của truyện, NXB Giáo Dục, 1999. 22. Tô Hoài: Nghệ thuật và phương pháp viết văn, NXB Văn học, 1997. 23. Trần Quang Huy: Nước mắt đỏ, NXB Lao động, 1994.
24. Lê Minh Khuê (tập truyện ngắn): Nhiệt đới gió mùa, NXB Hội nhà văn, 2012. 25. Thụy Khuê: Tình thế của những người viết trẻ hôm nay,
http://thuykhue.free.fr/tk06/tinhthe.html.
26. Cao Kim Lan: Lý thuyết về điểm nhìn nghệ thuật của R. Scholes và R. Kellog, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 10/2008.
27. Cao Kim Lan: Mối quan hệ giữa người kể chuyện và tác giả, Tạp chí nghiên cứu văn học, số 8/2009.