6. Cấu trúc luận văn
3.2.1. Khái niệm thời gian nghệ thuật
Trong tác phẩm tự sự, thời gian nghệ thuật đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện chủ đề, tư tưởng của tác phẩm, góp phần tạo nên thế giới nghệ thuật của tác phẩm, bên cạnh đó thời gian nghệ thuật cũng góp phần thể hiện những cảm xúc, tư tưởng của nhà văn. D.X Likhatrốp nhận xét: “Thời gian với tư cách là sự kiện nghệ thuật. Chính việc nghiên cứu thời gian nghệ thuật có ý nghĩa lớn để hiểu bản chất thẩm mỹ của nghệ thuật ngôn từ”[62,135]. Theo Từ điển thuật ngữ văn học thì: "Phạm trù thời gian nghệ thuật cung cấp một cơ sở để phân tích cấu trúc bên trong của hình tượng văn học, cũng như nghiên cứu loại hình các hiện tượng nghệ thuật trong lịch
sử"[15,323]. Trong Ngâm khúc quá trình hình thành phát triển và thi pháp thể loại, Ngô Văn Đức cho rằng: "Thời gian nghệ thuật là hình thức nội tại của hình thức của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó"[13,219].
Thời gian nghệ thuật được thể hiện trong tác phẩm với độ dài, với nhịp độ nhanh hay chậm, với chiều thời gian là hiện tại, quá khứ, tương lai. Trần Đình Sử trong Giáo trình Dẫn luận thi pháp học đưa ra định nghĩa: "Thời gian nghệ thuật là thời gian mà ta có thể thể nghiệm được trong tác phẩm nghệ thuật với tính liên tục và độ dài của nó, với nhịp độ nhanh hay chậm, với các chiều thời gian hiện tại, quá khứ hay tương lai. Thời gian nghệ thuật do được sáng tạo ra nên mang tính chủ quan, gắn với thời gian tâm lý. Nó có thể kéo dài hay rút ngắn thời gian thực tế. Nó có thể đảo ngược hay vượt tới tương lai. Nó có thể dừng lại. Thời gian nghệ thuật là hình tượng nghệ thuật, sản phẩm sáng tác của tác giả bằng các phương tiện nghệ thuật nhằm làm cho người thưởng thức cảm nhận được: hoặc hồi hộp đợi chờ, hoặc thanh thản vô tư, hoặc đắm chìm vào quá khứ"[50,57].
Thời gian nghệ thuật mang tính chủ quan, nó thể hiện quan niệm, tư tưởng của nhà văn. Trần Đình Sử viết: “Thời gian nghệ thuật là một biểu tượng, một tượng trưng, thể hiện một quan niệm của nhà văn về cuộc đời và con người"[50,57]. Thời gian nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của nhà văn, nó cũng là một hình tượng nghệ thuật kiến tạo nên thế giới nghệ thuật của mỗi nhà văn. Thời gian nghệ thuật được tạo dựng theo chủ ý của tác giả, nên mang tính tự do, chủ quan: "Cũng như không gian nghệ thuật, sự miêu tả, trần thuật trong văn học nghệ thuật bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn nhất định trong thời gian. Và cái được trần thuật bao giờ cũng diễn ra trong thời gian, được biết qua thời gian trần thuật. Sự phối hợp của hai yếu tố thời gian này tạo thành thời gian nghệ thuật, một hiện tượng ước lệ chỉ có trong thế giới nghệ thuật (...) thời gian nghệ thuật gắn liền với tổ chức bên trong của hình
tượng nghệ thuật. Khi nào ngòi bút nghệ sĩ chạy theo diễn biến sự kiện thì thời gian trôi nhanh, khi nào dừng lại miêu tả chi tiết thì thời gian chậm lại" [15,322]. Tùy từng thời kì lịch sử và giai đoạn khác nhau mà mỗi tác giả có những quan niệm và cách cảm thụ thời gian khác nhau. Bên cạnh đó, "Gắn với phương thức, phương tiện thể hiện, mỗi thể loại văn học có kiểu thời gian nghệ thuật riêng."[15,323].
Thời gian nghệ thuật là một trong những phạm trù quan trọng nhất của tự sự học. Việc tổ chức thời gian tự sự trong tác phẩm sẽ chi phối rất nhiều đến nghệ thuật tự sự của tác phẩm. Trong văn học hiện đại, các nhà văn đã có rất nhiều thể nghiệm trong việc tổ chức thời gian tự sự tạo nên sự đa thanh, phức điệu cho tác phẩm, đồng thời tạo được sự cuốn hút nơi người đọc.
3.2.2. Thời gian nghệ thuật trong truyện ngắn Bảo Ninh
3.2.2.1. Thời gian sự kiện lịch sử gắn với những sự kiện đời tư.
Thời gian hiện thực là thời gian gắn liền với những sự kiện xảy ra trong đời sống hằng ngày có tác động đến số phận nhân vật. Thời gian hiện thực được tính bằng mốc sự kiện tạo nên diễn biến của mạch truyện. Thời gian của các sự kiện lịch sử cũng chính là mốc sự kiện để nhân vật hồi tưởng. Những sự kiện lịch sử ấy đánh dấu sự thay đổi cuộc sống, vận mệnh của con người và dân tộc. Cùng với những sự kiện lịch sử, những vấn đề của cá nhân, xã hội được hiện lên một cách rõ nét. Người đọc có thể hình dung ra thật cụ thể về cuộc sống, về những gì diễn ra trong các giai đoạn lịch sử của dân tộc từ đó có được những cái nhìn chân thực về con người và lịch sử dân tộc.
Những sự kiện lịch sử gắn với những sự kiện đời tư có ảnh hưởng tới cuộc sống, tâm lý của nhân vật xuất hiện nhiều trong các truyện ngắn của Bảo Ninh: "Định cư ở Hà Nội từ năm 54 nhưng mà cha mẹ tôi có lẽ chỉ thực sự sống nhập mình hoàn toàn vào đời sống Hà Nội từ sau năm 75. Suốt hai chục năm ròng trước 30 tháng Tư trong đời sống gia đình như luôn canh cánh nỗi
buồn thương khôn xiết. Ngày Tết ngày lễ, mặc dù đã cố giấu, mặc dù không bộc lộ nhưng tâm trạng của cha tôi mẹ tôi, và nói chung của những người lớn trong dòng họ, của các chú các bác đồng hương với gia đình tôi dường như lại còn buồn hơn tâm trạng những ngày thường. Nhất là từ sau tết bính Thân, 1956"[40,429]. Trong truyện ngắn của mình, Bảo Ninh thường gắn các mốc sự kiện lịch sử với những biến cố có tính chất quyết định đến cuộc đời, số phận nhân vật: "Ngày trước, tại khu phố tôi dân tình phần đa là con chiên nhưng họ đã ra đi gần hết trong cuộc di cư năm 54. Chỉ còn lại duy nhất gia đình ông Phao Lồ, nhà trong cùng một cái ngõ sâu hút"[40,177]; "Năm 54, đã mừng cho tương lai của các con. Ngỡ rằng bao nhiêu nỗi khổ của đất nước, thời cha mẹ đã gánh, các con sẽ lớn lên, vui sống trong hòa bình. Nào ngờ nạn nước chưa dứt. Lại đến lượt thời các con."[40,8]... Sự kiện lịch sử luôn có những tác động tới vận mệnh con người, có khi là thay đổi cả một số phận đời người. Số phận con người gắn liền với những biến đổi của lịch sử. Cuộc sống, tình yêu, gia đình, ước mơ của con người dưới tác động của lịch sử đều có những thay đổi nhất định. Chỉ một sự kiện nhỏ thôi mà khiến cuộc sống của biết bao con người bị đảo lộn: "Từ năm 56, không chỉ niềm hy vọng mong manh về hiệp thương tổng tuyển cử đã hoàn toàn tiêu tan mà từ năm ấy tin dữ từ khắp các địa phương miền Nam dội ra Bắc ngày một thêm dồn dập, cào xé lòng người: chính sách tố cộng, luật 10/59, đàn áp, bắt bớ, giết chóc, thảm sát... Hôm hay tin vụ thảm sát Phú Lợi, cả nửa Hà Nội mà trước nhất là tất cả cán bộ và bộ đội tập kết chít khăn tang. Tôi thấy người ta khóc ròng trong đoàn biểu tình, khóc khi đang đi trên đường phố, trên tàu xe, trong lớp học, các bà các chị òa khóc giữa chợ"[40,430]. Bảo Ninh thường đặt những sự kiện lịch sử gắn liền với số phận nhân vật. Nhân vật chịu ảnh hưởng của lịch sử: yêu thương, gặp gỡ, chia ly, hạnh phúc, khổ đau... Những sự kiện đời tư
được gắn liền với những sự kiện lịch sử. Những mốc thời gian lịch sử là những mốc thời gian xảy ra những sự kiện lịch sử của dân tộc, vui có, buồn có nhưng tựu chung lại tất cả những sự kiện lịch sử ấy đều có tác động tới cuộc sống của con người. Không chỉ là một người, hai người, một gia đình mà là rất nhiều người, nhiều gia đình bị tác động mạnh mẽ của dòng chảy lịch sử. Mỗi mốc thời gian sự kiện lịch sử là một mốc đánh dấu bước ngoặt của số phận, cuộc đời con người. Bảo Ninh đặc biệt quan tâm đến số phận con người trong dòng chảy lịch sử. Mỗi con người là một số phận với những vui buồn hạnh phúc khác nhau. Mỗi người mỗi cảnh. Những số phận không ai giống ai.
Ngược dòng thời gian Bảo Ninh đưa người đọc trở về với những sự kiện lịch sử, với những năm tháng chiến tranh đầy đau thương nhưng rất đỗi anh hùng của dân tộc: "Tuy nhiên, đau thương vô bờ những năm 56, 57, 58, 59 ấy không nhận chìm ý chí con người vào tuyệt vọng, trái lại đã làm thành sức mạnh vô bờ (...) Từ sau tết Canh Tý, 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng ra đời và cao trào Đồng Khởi bùng cháy khắp làm bừng sáng niềm vui sống, niềm hy vọng trong lòng mỗi người, mỗi gia đình cán bộ tập kết (...) Khác với lứa chúng tôi về sau này lên đường đi Bê công khai trong những năm cao đỉnh của chiến tranh, những cán bộ tập kết trở về Nam lượt đầu tiên những năm đầu 60 đã ra đi âm thầm, bí mật, chịu đựng vô vàn những hy sinh lớn lao mà lặng lẽ, và phần lớn đã phải hy sinh hạnh phúc riêng"[40,430-431].
Nói đến các sự kiện lịch sử của đất nước Bảo Ninh muốn cho người đọc thấy được những năm tháng gian khổ, hy sinh, mất mát và khổ đau khi đất nước chìm trong chiến tranh, để nhận thức được những giá trị của ngày hòa bình hôm nay. Bảo Ninh đã đem đến và thể hiện một cách tiếp cận mới, một cái nhìn mới khi tiếp cận lịch sử, các vấn đề về đề tài chiến tranh, của quá khứ, đó là cái nhìn đa chiều, gắn với một tinh thần nhân bản và mang đậm tính suy tư, triết luận.