6. Cấu trúc luận văn
2.1.3.1. Sự đối lập trong hoàn cảnh xuất thân
Bảo Ninh thường tạo dựng nên các cặp nhân vật có hoàn cảnh xuất thân đối ngược nhau, và để họ cố gắng bước qua những rào cản đó nhưng không thể nào vượt qua hoàn toàn, nó chỉ ở lưng chừng. Hoàn cảnh xuất thân là một trong những yếu tố quan trọng trong việc hình thành nên tính cách, suy nghĩ, hành động của nhân vật. Một trong những thành công trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của Bảo Ninh là xây dựng tính cách của nhân vật. Hoàn cảnh sống có tác động không nhỏ tới tính cách nhân vật, suy nghĩ cũng như hành động của nhân vật. Trong mỗi hoàn cảnh sống con người có những cách suy nghĩ và hành động khác nhau. Nhân vật tôi trong Thách đấu với hai người bạn học là Duyên và Hưởng hoàn toàn có những suy nghĩ khác nhau. Với hoàn cảnh xuất thân của một cậu ấm, con nhà cán bộ bìa A Tôn Đản, có chỗ dựa dẫm, nhân vật tôi buông thả việc học, tỏ ra tự cao coi thường việc học và cả những người bạn học. Trong khi đó, Duyên xuất thân trong một gia đình có hoàn cảnh mà người cha là một cựu ngụy quân, Duyên học ngày học đêm với mong muốn thay cha ngóc đầu lên, làm sáng sủa cái lý lịch của người cha. Cùng với Duyên là Hưởng, con nhà thương binh chỉ còn hai mẹ con với cuộc sống vất vả, Hưởng bận rộn với công việc đồng áng nhưng luôn là người có thành tích học tập cao nhất. Đặt các nhân vật có hoàn cảnh xuất thân trái ngược bên cạnh nhau, Bảo Ninh nhằm làm nổi bật tính cách của các nhân vật, cũng như sự lựa chọn có tính quyết định đến số phận nhân vật.
Nhân vật có những hoàn cảnh xuất thân khác nhau, điều này cũng tạo ra những khoảng cách giữa các nhân vật. Nhân vật tôi và Thủy trong Sách cấm
luôn có một khoảng cách: "Thủy vốn cùng lớp tôi từ cấp hai, mãi mới đến đầu lớp mười mới tách ra. Tôi 10A, Thủy 10C. Nhà cũng khá gần nhau, đầu phố giữa phố. Song chỉ vậy thôi, chẳng phải chỗ bạn bè. Phần vì tôi là con cái gia đình cán bộ. Còn Thủy thì con nhà tư sản, mà tư sản phản động, ông bố đã mấy lần phải đi tập trung cải tạo. Phần vì từ cuối cấp hai, là khi đã tương đối lớn, Thủy rất không được tập thể ưa"[40,326]. Nhân vật tôi và Thảo trong Bội phản cũng vậy: "Tôi thì lẽ dĩ nhiên là tôi biết Thảo, nhưng là biết thế thôi chứ thực ra chẳng quen biết gì. Cũng khó có thể xem nhau là láng giềng. Mặc dù chung số nhà. Hồi đó cha tôi tiêu chuẩn Tôn Đản, cùng với ông Lâm, cán bộ đồng cỡ, hai gia đình được trên cho hưởng trọn diện tích ngôi nhà chính, một biệt thự Tây hai tầng kiểu cách. Chúng tôi dùng cổng lớn mặt phố. Còn gia đình Thảo và năm hộ nữa thì sống ở dãy nhà phụ sân sau, họ thường đi lối cửa ngách thông ra ngõ hẻm. Đời sống của những "người sân sau" ấy chẳng khác nào như là mặt trái của ngôi biệt thự. Chỗ chui ra chui vào của cả sáu gia đình đều chật chội khổ sở, già trẻ lớn bé đóng hộp. Tất cả nấu nướng cùng một khoang bếp, tắm táp cùng một hốc tường, phơi phóng, hít thở, đấu hót, cãi cọ, chuyện gẫu, nuôi lợn, nuôi gà tất cả trong cùng một khoảnh sân tù hãm. Tất cả đều nghèo túng. Tất cả đều đầu tắt mặt tối"[40,332]. Nhân vật Tâm và Loan trong Vô cùng xưa cũ cũng có hoàn cảnh trái ngược nhau, và cũng có một khoảng cách vô hình: "Với Loan, Tâm hết sức gìn giữ một dáng vẻ nguội lạnh, hững hờ và xa cách. Đến nỗi trong suốt bao nhiêu lâu cùng nhà cùng lớp thế mà hai đứa chưa từng một lần vào chơi nhà nhau. Chạm nhau trong sân, trong bếp, nơi máy nước, nơi cầu thang, thường là Tâm giả tảng chẳng thấy, lờ đi, hoặc không thì cũng chỉ qua quýt nửa vời vài ba lời gì đó trống không. Dửng dưng, lãnh đạm một cách tồi tàn."[40,12]. Các nhân vật với những hoàn cảnh xuất thân khác nhau, thậm chí là đối lập nhau được đặt cạnh nhau để làm nổi bật lên số phận cũng như tính cách, cái nhìn cuộc sống của nhân vật. Trong
mỗi hoàn cảnh sống con người có cách ứng xử, thích nghi và những sự lựa chọn hoàn toàn khác nhau. Mà nếu không ở trong hoàn cảnh sống của nhân vật chúng ta không thể hiểu được.