6. Cấu trúc luận văn
2.1.2.2. Nhân vật cứu rỗi
Trong những truyện ngắn của mình, Bảo Ninh luôn dành cho những nhân vật nữ một vị trí quan trọng. Họ là luồng ánh sáng soi rọi trong tác phẩm, trở thành một phần tươi đẹp trong cuộc đời người lính. Người phụ nữ đem đến cho cuộc đời người lính những cảm xúc trong trẻo, tình yêu của họ chính là sự cứu rỗi tâm hồn người lính, khiến họ sống vui vẻ, yêu đời hơn. Nhân vật nữ của Bảo Ninh được khai thác ở cả mặt hình thể và tâm hồn. Ông không
miêu tả nhân vật với những vẻ đẹp thường thấy trong văn học truyền thống mà ở vẻ đẹp hình thể, một vẻ đẹp khác thường, tràn đầy sức hút, họ mang lại niềm vui, sự cứu rỗi tâm hồn người khác nhưng họ lại mang trong mình những số phận kém may mắn. Đó là Phương, Hơ - bia, Mây, Thơm, Hiền, Hòa, Lan... (Nỗi buồn chiến tranh), Thủy (Sách cấm), Giang (Giang), Giang (Hà Nội lúc không giờ), Giang (Ngôi sao vô danh), Loan (Vô cùng xưa cũ), Diệu Nương (Gió dại), Thảo (Bội phản)...
Chiến tranh khiến cho tình yêu của con người không trọn vẹn. Người phụ nữ đã khơi dậy tình yêu trong tâm hồn người lính, nhưng những cuộc tình đó đều dang dở, không trọn vẹn. Người phụ nữ chính là người cứu rỗi và cũng chính là nạn nhân của chiến tranh. Truyện ngắn của Bảo Ninh viết nhiều về nỗi đau của tình yêu trong chiến tranh. Giữa cuộc chiến tranh đầy gian khổ, mất mát và hy sinh, tình yêu của người phụ nữ chính là điểm sáng trong cuộc đời người lính. Giữa hoàn cảnh khi mà ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh, thì tình yêu là sự ấm áp, nâng đỡ tâm hồn con người, để họ được sống những giây phút đẹp đẽ nhất của thời thanh xuân và của đời người. Bởi khi tuổi trẻ đi qua, con người ta sẽ chẳng thể nào cảm nhận được dư vị của tình yêu thời trẻ thêm một lần nào nữa. Người nữ trong sáng tác của Bảo Ninh dường như có một quyền năng đặc biệt, họ có khả năng cuốn hút người khác giới một cách kì lạ. Để rồi bất cứ ai khi gặp họ đều không thể quên và như bị hút sâu vào họ. Những người con gái trong truyện ngắn Bảo Ninh dường như chỉ là những biến thể của cùng một người, là hình dáng của cùng một người. Ta thấy trong nhiều truyện những cái tên trùng lặp (Giang, Thủy, Hạnh, Liễu, Loan... ), những dáng dấp quen thuộc: "Thoạt nhìn là người ta đã thấy ở Thủy có cái gì đó không rõ là cái gì, là lạ khang khác không y hệt mọi người. Cách để tóc, cách ăn mặc chẳng khác ai mà vẫn như có hàm một sự diêm dúa thầm lén. Da dẻ trắng trẻo mềm dịu. Cách nói, dáng đi đều nhận ra là thiếu khiêm
nhường"[40,326]; "Nhìn Loan người ta thấy rằng ở cô có cái gì là lạ khang khác không y hệt mọi người. Cách để tóc, cách ăn mặc chẳng khác ai mà vẫn như có hàm một sự diêm dúa thầm lén. Da dẻ trắng trẻo mềm dịu. Cách nói và dáng đi đều thiếu vẻ mộc mạc"[40,12]. Diệu Nương trong Gió dại có một vẻ đẹp huyền hoặc, một giọng hát lay động lòng người, một giọng hát có thể thanh lọc tâm hồn, khiến con người ta vượt thoát khỏi thực tại để có những khoảnh khắc sống thực với lòng mình: "Nhưng cô ta hát mới hay làm sao. Thật là một giọng hát tiên cô..."[40,56]; "Mặt sông A Rang đang bốc hơi nghi ngút. Gió sang sông mang theo tiếng hát. Cơ thể người lính đón nhận tiếng hát với cái rùng mình. Giai điệu bài ca như đụng khẽ vào tim anh. Trong trẻo và sáng rõ như được tắm gội trong khí mát ban mai, nhưng càng lan xa bài ca càng rung lên nỗi buồn, một nỗi buồn sâu thẳm, cao vợi và rộng lớn vô biên, dường như tiếng hát ấy chính là nỗi niềm của thảo nguyên. Thảo nguyên tự do, mênh mông vô tận, chạy hút về phương trời xa xăm, không biết đến các tuyến tiền duyên, không màng gì tới chết chóc, trận mạc, bom pháo, giết chóc"[40,56-57]. Nhưng cuộc đời Diệu Nương lại là một khúc ca buồn: "Buồn thay khúc du ca lạc loài. Nỗi sầu thương hồ hải"[40,57].
Bên cạnh những người phụ nữ, thì những người đồng đội, những người anh em cũng chính là người cứu rỗi tâm hồn đồng đội, anh em mình. Trong truyện ngắn của Bảo Ninh, nhiều khi chính người lính lại là người nâng đỡ tâm hồn, vực dậy đồng đội mình trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Họ sẵn sàng hy sinh vì nhau mà không hề toan tính, so đo. Trong Đêm trừ tịch
khi nhân vật tôi muốn bỏ cuộc, trốn chạy thì người vực dậy tinh thần, lấy lại niềm tin cho nhân vật tôi lại chính là Hành, người đã mấy lần đảo ngũ. Chiến tranh, bom đạn, chết chóc nào ai không sợ: "Nhưng mà nếu bỏ trốn, mày ạ, thì cũng thật là tội lỗi lắm lắm"; "tự đánh mất linh hồn, tội lỗi truyền đời"[40,184]. Nếu không có Hành thì có lẽ nhân vật tôi đã trở thành một kẻ
đảo ngũ. Trong những thời điểm gay cấn, khắc nghiệt nhất, khi sự sống và cái chết là mong manh, giữa hèn mọn và anh hùng chỉ còn gang tấc, những nhân vật của Bảo Ninh đã đem lại cho nhau niềm tin, sức sống để vượt qua hoàn cảnh khó khăn.
Nhân vật trong truyện ngắn của Bảo Ninh là những con người vô cùng vị tha. Họ có thể tha thứ cho lỗi lầm của người khác, mặc dù những lỗi lầm đó khiến nhân vật bị tổn thương ghê gớm, có khi mất đi tất cả những gì tốt đẹp nhất trong cuộc đời. Họ tha thứ cho người khác cũng chính là một cách để tha thứ cho bản thân mình, một cách giải thoát cho những ám ảnh, mặc cảm, những nỗi lòng còn nặng trĩu. Trong Rửa tay gác kiếm, mặc dù bị vợ phụ bạc nhưng người chồng vẫn thanh minh cho vợ, cảm thông với hành động của người vợ. Hoàn cảnh xô đẩy chứ người vợ không có lỗi, chiến tranh khiến cho người vợ phải xa chồng, phải sống trong hoàn cảnh cô đơn, luôn khao khát tình yêu. Quang tìm lý do để biện minh cho hành động của vợ mình, anh tha thứ cho hành động của vợ: "Lấy nhau mới được bảy ngày là tớ lên đường đi Bê. Như vậy là cô ấy đã phải vò võ chịu đựng những mười năm giời có lẻ chứ nào ít ỏi gì đâu, thế mà sức người thì có hạn - Quang điềm đạm lý giải một cách phân minh - Thêm nữa nhà tớ lại kề ngay một bến sông nhộn nhịp, tứ xứ thuyền bè qua lại, sự thể như thế tất phải xảy ra. Trách ai được bây giờ"[40,274]. Quang nói với nhân vật tôi: "Tớ còn phải đi tìm cô ấy. Tớ sẽ đi khắp mọi miền, sẽ đi tìm dọc theo các con sông. Khó khăn đến thế nào tớ cũng sẽ gặp được. Với lại bây giờ đã mùa khô rồi, sẽ đỡ khó khăn hơn."[40,276]. Người lính là vậy đấy. Ra đi vì tổ quốc, vì cuộc sống hòa bình của mọi người, gánh chịu bao mất mát đau thương nhưng hạnh phúc riêng của họ thì không trọn vẹn. Đau khổ tột cùng là vậy, mất mát là vậy nhưng họ không hề ích kỉ, họ vẫn bao dung, vị tha cho những con người đã phản bội lại lòng tin của họ. Tha thứ tất cả chỉ mong người có lỗi quay lại, chỉ đơn giản
vậy thôi, một khát khao hạnh phúc đơn sơ, nhỏ nhoi nhưng sao mà khó khăn quá đỗi.
Nhân vật Tư trong Hữu khuynh, chịu hoàn cảnh cô độc bởi chính những người hàng xóm đang sống bên cạnh anh gây ra: "Gia đình chẳng còn ai. Ông già mất trong ngục thất thời Diệm. Bà già qua đời không bao lâu sau ngày anh bị bắt. Hai người chị và cậu em trai nằm cả ngoài nghĩa trang liệt sĩ cùng với gần trọn hết đội du kích. Thân thích ruột rà, đồng chí đồng đội tất cả đã hi sinh, chỉ còn lại mỗi mình anh và chỉ còn lại những kẻ thù."[40,214]. Tư không oán trách, không thù hằn, không muốn trả thù ai cả mà: "Gắng gỏi làm ăn, thản nhiên vô sự sống cuộc sống muôn đời của nhà nông"[40,215]. Nhưng trong lòng Tư vẫn còn canh cánh một nỗi niềm, và rồi người cứu rỗi tâm hồn Tư lại chính là Ngà, người con gái đã cứu sống anh và cũng đã phản bội anh, chỉ điểm để anh bị bắt. Khi hiểu rõ nguyên do sự phản bội của Ngà cũng chính là lúc Tư tự giải thoát cho chính mình, cho những ngổn ngang sâu trong lòng bấy lâu nay, anh trở về với chốn quê hương lâu vậy nhưng đến bây giờ thì mới thực sự là trở về: "Lòng người thiết tha mong được sớm bắt đầu thời đại mới, với niềm hy vọng là từ đây sẽ mãi mãi không cùng chuỗi dài miên man ngày lành tháng tốt"[40,229]. Ngà ra đi giải thoát cho mình và cũng là để giải thoát cho Tư, những con người vẫn còn nặng lòng với nhau và không thể bắt đầu một cuộc sống mới khi mà lòng còn nặng trĩu với những kỉ niệm, với những lỗi lầm trong quá khứ giờ đây đã tìm thấy hướng đi cho mình.