0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (113 trang)

Khái niệm nhân vật

Một phần của tài liệu NGHỆ THUẬT TỰ SỰ TRONG TRUYỆN NGẮN BẢO NINH ( LUẬN VĂN THS. VĂN HỌC ) (Trang 38 -38 )

6. Cấu trúc luận văn

2.1.1. Khái niệm nhân vật

Nhân vật là một trong những vấn đề quan trọng của văn học. Văn học không thể thiếu nhân vật, đó là phương tiện để nhà văn thể hiện tư tưởng cũng như ý đồ nghệ thuật của mình. Nhân vật là một hình tượng nghệ thuật mang tính ước lệ. Nhân vật giữ vai trò quan trọng trong việc thể hiện chủ đề, tư tưởng của tác phẩm, đồng thời thông qua nhân vật nhà văn thể hiện quan điểm của mình về con người và cuộc sống. Nhà văn Tô Hoài cho rằng: "Nhân vật là nơi duy nhất tập trung hết thảy, giải quyết hết thảy trong một sáng tác"[22,62].

Lại Nguyên Ân định nghĩa nhân vật là: "Hình tượng nghệ thuật về con người, một trong những dấu hiệu về sự tồn tại toàn vẹn của con người trong nghệ thuật ngôn từ. Bên cạnh con người, nhân vật văn học có khi còn là các con vật, các loài cây, các sinh thể hoang đường được gán cho những đặc điểm giống với con người"[2,249]. Nhân vật văn học có thể có tên hoặc không có tên, được miêu tả một cách chi tiết hoặc thoáng qua. Theo Từ điển thuật ngữ văn học thì nhân vật văn học là: "Con người cụ thể được miêu tả trong tác phẩm văn học. Nhân vật văn học có thể có tên riêng (Tấm, Cám, chị Dậu, anh Pha), cũng có thể không có tên riêng (...) Khái niệm nhân vật có khi được sử dụng như một ẩn dụ, không chỉ một con người cụ thể nào cả, mà chỉ một hiện tượng nào đó trong tác phẩm"[15,235]. Nhân vật văn học: "Là phương thức nghệ thuật nhằm khai thác những nét thuộc đặc tính con người, nhân vật có ý nghĩa trước hết ở các loại văn học tự sự và kịch, ở sân khấu, điện ảnh, điêu khắc, hội họa, đồ họa. Các thành tố tạo nên nhân vật gồm: hạt nhân tinh thần của cá nhân, tư tưởng, các lợi ích đời sống, thế giới cảm xúc, ý chí, các hình

thức ý thức và hành động"[2,249-250]. Nhân vật là "phương tiện cơ bản để nhà văn khái quát hiện thực một cách hình tượng"[10,126]. Thông qua nhân vật nhà văn thể hiện những quan điểm, nhận thức của mình về hiện thực xã hội và con người. Nhân vật văn học cũng chính là cầu nối giữa văn học và cuộc sống. Hà Minh Đức cho rằng: "Nhà văn sáng tạo nhân vật để thể hiện nhận thức của mình về một cá nhân nào đó, về một loại người nào đó, về một vấn đề nào đó của hiện thực"[11,126].

Nhân vật là một trong những yếu tố hàng đầu của truyện ngắn, là sự thể hiện quan niệm của nhà văn về con người. Truyện ngắn ngoài khả năng tái hiện đời sống xã hội còn có khả năng đi sâu khám phá những vấn đề về số phận con người. Mỗi nhân vật thể hiện một quan niệm cá nhân của nhà văn. "Nhân vật văn học còn thể hiện quan niệm nghệ thuật và lý tưởng thẩm mĩ của nhà văn về con người. Vì thế, nhân vật luôn gắn chặt với chủ đề của tác phẩm"[15,236]. Nhân vật đóng vai trò quan trọng trong tác phẩm, là phát ngôn cho tư tưởng của nhà văn.

Nhân vật thể hiện quan điểm, tư tưởng của nhà văn về cuộc đời. Tìm hiểu nhân vật là tìm hiểu những vấn đề và quan điểm mà nhà văn muốn truyền tải thông qua nhân vật. Nhân vật là tấm gương phản ánh cuộc sống, tuy nhiên không thể đồng nhất nhân vật với con người thực ngoài đời. "Nhân vật văn học là một đơn vị nghệ thuật đầy tính ước lệ, không thể đồng nhất nó với con người có thật trong đời sống"; "Chức năng cơ bản của nhân vật văn học là khái quát tính cách của con người"[15,235]. Trong 150 thuật ngữ văn học, Lại Nguyên Ân cũng cho rằng: "Nhân vật văn học là một đơn vị nghệ thuật, nó mang tính ước lệ, không thể bị đồng nhất với con người có thật, ngay cả khi tác giả xây dựng nhân vật với những nét rất gần với nguyên mẫu có thật. Nhân vật văn học là sự thể hiện quan niệm nghệ thuật của nhà văn về con người; nó có thể được xây dựng chỉ dựa trên cơ sở quan niệm ấy. Ý nghĩa của

nhân vật văn học chỉ có được trong hệ thống một tác phẩm cụ thể. Vai trò và đặc trưng của nhân vật văn học bộc lộ rõ nhất trong phạm vi vấn đề "nhân vật và tác giả""[2,250]. Tùy mục đích biểu hiện mà nhà văn có thể miêu tả nhân vật một cách chi tiết hoặc sơ lược. Đó không phải là sự mô phỏng một cách cứng nhắc con người ngoài đời thực mà đó là những nhân vật đã được nghệ thuật hóa để phù hợp với ý đồ tư tưởng, nghệ thuật của nhà văn.

2.1.2. Nhân vật trong truyện ngắn Bảo Ninh

Một phần của tài liệu NGHỆ THUẬT TỰ SỰ TRONG TRUYỆN NGẮN BẢO NINH ( LUẬN VĂN THS. VĂN HỌC ) (Trang 38 -38 )

×