Sự đa tầng bậc người kể chuyện

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Bảo Ninh ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 28)

6. Cấu trúc luận văn

1.1.2.3. Sự đa tầng bậc người kể chuyện

Đa phần các truyện ngắn của Bảo Ninh được trần thuật từ ngôi thứ nhất. Mỗi truyện kể được kể ở một ngôi nhất định, nhưng cũng có lúc tác giả đan xen giữa các ngôi kể. Có thể thấy Bảo Ninh vận dụng xen kẽ các ngôi kể một cách khá nhuần nhuyễn và linh hoạt tạo sự đa dạng, phong phú trong nghệ thuật tự sự. Sự đan xen các ngôi kể đồng thời với việc luân phiên, đan xen điểm nhìn tạo cho tác phẩm có nhiều tầng ý nghĩa, làm cho tự sự không diễn

ra theo một quan điểm duy nhất mà được thể hiện dưới nhiều góc độ, dưới quan điểm của nhiều nhân vật. Điều đó làm tăng khả năng khái quát hiện thực của truyện ngắn. Người kể chuyện luân phiên nhau, điểm nhìn tự sự do đó cũng thay đổi theo. Trong Tiếng vĩ cầm của quân xâm lăng, câu chuyện ban đầu được kể ở ngôi thứ nhất với người kể chuyện xưng tôi, kể lại câu chuyện mà mình được nghe từ ông già chủ sạp báo. Nhân vật tôi là người dẫn dắt câu chuyện, xây dựng bối cảnh gặp gỡ giữa tôi và nhân vật, sau đó tôi đã trao quyền kể chuyện cho ông già tự kể lại câu chuyện của mình. Câu chuyện được ông già kể lại dưới dạng thức tự kể về những gì mà mình đã trải nghiệm, đã chứng kiến. Đó là câu chuyện về cuộc đời ông, về những người hàng xóm người Pháp, về tình yêu với cô gái Pháp bị mù chưa kịp nhen nhóm thì đã bị dập tắt vì cuộc xâm lăng của người Pháp... Đan xen vào đó là những cảm nhận, những suy nghĩ của người kể chuyện xưng tôi và người kể chuyện Me xừ.

Trong Gọi con, thông qua hình thức những bức thư của người mẹ. Câu chuyện được chuyển từ người kể chuyện ngôi thứ ba sang ngôi thứ nhất. Những bức thư chính là những nỗi niềm của người mẹ, là câu chuyện của người mẹ kể ra. Những cảm xúc, nỗi lòng của người mẹ thương con vì thế trở nên chân thực hơn bao giờ hết, khiến người đọc không khỏi xót xa và đồng cảm: ""Người ta bảo là ở rừng thì dù nhọc mệt thế nào cũng chớ có ngủ trưa, vì bị ngã nước đấy con ạ. Hại sức lắm, mà mẹ thì ở xa chẳng lo được cho con... Mẹ lại thường hay nghĩ đến cái tính liều của con. Con ơi, có báo động dù chưa tiếng tàu bay vẫn phải tăng xê xuống ngay. Tránh voi chẳng xấu mặt nào. Thương mẹ thương cha con phải tự thương xót lấy mình con nhé...""[40,488]; "Trước kia, đối với mẹ, sinh con trai hay con gái đều quý. Nhưng bây giờ nhìn cảnh bom đạn mù trời, mẹ nghĩ giá hồi đó con sinh ra được mang phận con gái thì hơn. Thời loạn thân gái cũng chẳng sướng gì, nhưng dù sao nếu phận gái thì chắc không đến nỗi bây giờ con biệt vô âm tín.

Mẹ biết chắc con còn sống, nhưng giờ đây con ở phương nào vậy con? Sao con lại có thể im lặng lâu như thế hở con? Không một bức thư, không một tin tức nhắn nhe nào cho mẹ, sao thế hở con, Nghĩa ơi?"[40,492]. Chỉ có tình thương của người mẹ dứt ruột đẻ con ra thì mới có những tiếng gọi con như đứt từng khúc ruột, đau đớn, xót xa đến vậy.

Trong truyện ngắn của Bảo Ninh, nhà văn thường trao quyền kể chuyện cho nhân vật để họ tự kể lại câu chuyện. Truyện ngắn của Bảo Ninh không nhiều nhân vật nhưng đó là những nhân vật gây được ấn tượng mạnh đối với người đọc. Khi trao quyền kể chuyện cho nhân vật, nhà văn đều có dụng ý nghệ thuật, để nhân vật tự thể hiện nỗi niềm, tự bộc lộ mình. Đôi khi nhà văn đan xen lời kể chuyện của người kể chuyện và nhân vật. Người kể chuyện do đó có điều kiện thâm nhập sâu vào thế giới tâm hồn của nhân vật. Và đôi khi người kể chuyện cũng đối thoại với độc giả tạo nên sự đa thanh, nhiều tầng bậc cho câu chuyện. Trong truyện Thời tiết của kí ức, người kể chuyện ở ngôi thứ ba nhưng quyền kể chuyện lần lượt được trao cho các nhân vật Định, Phúc, Hoàng... Và chỉ đến cuối truyện người kể chuyện xưng tôi mới xuất hiện thông qua đoạn trữ tình ngoại đề. Còn trước đó người kể chuyện xưng tôi hoàn toàn ẩn mình đi, không can hệ gì đến các sự kiện, diễn biến của câu chuyện: "Tôi muốn nói, lẽ đời là vậy đấy. Bởi vì là một nỗi đau nên quá khứ còn sống mãi. Và bởi nỗi đau quá khứ còn sống mãi nên về sau ta mới có được một quãng đời êm lặng, một nếp sống bình yên, một tư duy thư thả, một tấm lòng khoan thứ và một cảm giác có hậu với cuộc đời cùng số phận"[40,114]. Sự đa tầng bậc của người kể chuyện với những điểm nhìn khác nhau làm cho câu chuyện trở nên sinh động, đa chiều, tạo nên tính đa thanh cho các truyện ngắn của Bảo Ninh.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Bảo Ninh ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)