Khái niệm điểm nhìn

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Bảo Ninh ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 31)

6. Cấu trúc luận văn

1.2.1. Khái niệm điểm nhìn

Điểm nhìn trần thuật là một khái niệm văn học được nghiên cứu rất nhiều trên thế giới cũng như ở Việt Nam dưới nhiều góc độ khác nhau. Trong văn học, điểm nhìn trần thuật được hiểu là: "Vị trí từ đó người trần thuật nhìn ra và miêu tả sự vật trong tác phẩm"[15,113].

Đào Duy Hiệp trong Phê bình văn học từ lí thuyết hiện đại định nghĩa: "Tiêu cự hóa (focalisation): tiêu cự hóa thực chất là điểm nhìn trần thuật, được Genette đưa ra từ 1972 trong Figure III, có nguồn gốc từ tiếng Latinh:

focus nghĩa là: tiêu điểm (foyer - Pháp). "Tiêu cự hóa cho phép xác định được, từ bên trong của một cảnh hoặc của một truyện kể, như thế nào và qua ai mà các sự kiện hoặc miêu tả được nhìn". Genette phân biệt ra ba loại tiêu cự hóa:

tiêu cự hóa zéro (cái nhìn biết tuốt); tiêu cự hóa bên trong (focalisation interne) - tức là nhìn "với" nhân vật; tiêu cự hóa bên ngoài (focalisation externe) - các biến cố được thuật lại trung tính, khách quan. Thông báo bị giới hạn ở bên ngoài: độc giả không hề biết được thế giới bên trong cũng như những suy nghĩ của nhân vật"[17,231-232]. Điểm nhìn trần thuật được coi như một tiêu chí để nhận diện người kể chuyện: "Nó cho phép làm rõ từ đâu và như thế nào, mà trong một tác phẩm văn học, các sự kiện, các nhân vật, các đối tượng... lại được nhìn thấy (nhận ra). "Truyện kể được tạo nên từ nơi bắt đầu điểm nhìn""[17,106].

Vai trò của điểm nhìn trong tác phẩm tự sự là vô cùng quan trọng, mỗi truyện kể đều xuất phát từ một điểm nhìn nhất định và bởi một người kể chuyện nào đó. Điểm nhìn trần thuật có mối quan hệ chặt chẽ với người kể chuyện, như một tiêu chí để nhận diện người kể chuyện. Khái niệm điểm nhìn chỉ được nghiên cứu một cách toàn diện và sâu sát khi nó được gắn với ngôi kể của người kể chuyện. Điểm nhìn và người kể chuyện là hai khái niệm

không thể tách rời. Điểm nhìn phản ánh mối quan hệ giữa người kể chuyện và đối tượng được người kể chuyện kể lại.

Người ta có thể phân chia điểm nhìn thành điểm nhìn không gian và thời gian, điểm nhìn tâm lý, điểm nhìn bên trong hay bên ngoài... Về cơ bản, người ta chia điểm nhìn trần thuật thành ba kiểu: điểm nhìn toàn tri, điểm nhìn bên ngoài và điểm nhìn bên trong.

Điểm nhìn toàn tri là kiểu điểm nhìn trong đó người kể chuyện miêu tả, tái hiện đời sống chủ yếu từ ngôi thứ ba, người kể chuyện biết tuốt. Điểm nhìn của người kể chuyện có mặt ở khắp mọi nơi, nắm bắt được hầu như diễn biến của câu chuyện cũng như số phận các nhân vật. Đây là kiểu điểm nhìn cổ điển nhất, thường xuất hiện trong văn học truyền thống. Người kể chuyện vừa nắm được các sự kiện khách quan đồng thời cũng thấu hiểu những bí mật thầm kín nhất của tất cả các nhân vật, nắm bắt toàn bộ câu chuyện từ diễn biến sự kiện đến nội tâm nhân vật. Bên cạnh việc miêu tả sự việc, người kể chuyện còn có thể bình luận về những sự việc đó, nêu suy nghĩ, cảm nhận về những sự việc đã diễn ra.

Điểm nhìn bên trong là nhân vật tự nói về suy nghĩ của mình, là sự quan sát nhân vật từ cảm nhận nội tâm của mình, trần thuật qua cái nhìn của một tâm trạng cụ thể, từ đó giúp tái hiện một cách sâu sắc đời sống nội tâm của nhân vật. Điểm nhìn bên trong được biểu hiện bằng hình thức tự quan sát, tự thú nhận của nhân vật tôi hoặc bằng hình thức người kể chuyện dựa vào cảm giác, tâm hồn nhân vật để biểu hiện cảm nhận của mình.

Điểm nhìn bên ngoài là điểm nhìn khách quan nhất, người kể chuyện đứng từ ngoài để quan sát câu chuyện. Nó hướng đến đối tượng là những biểu hiện, những hành động bên ngoài của nhân vật, tâm lý nhân vật không được phân tích mà để người đọc tự cảm nhận, người kể chuyện để cho người đọc tự do bình luận về các hành động của nhân vật.

Sự phân biệt trên đây hoàn toàn mang tính tương đối vì hầu như không có tác phẩm nào chỉ sử dụng một điểm nhìn. Trong thực tế sáng tác, đặc biệt là các sáng tác hậu hiện đại, thay vì sử dụng một điểm nhìn cố định từ đầu đến cuối tác phẩm, các nhà văn sử dụng nhiều điểm nhìn, di chuyển linh hoạt các điểm nhìn để tạo nên tính đa thanh, phức điệu cho tác phẩm.

1.2.2. Điểm nhìn tự sự trong truyện ngắn Bảo Ninh

Trong truyện ngắn Việt Nam hiện đại, bên cạnh những tác phẩm xây dựng điểm nhìn quen thuộc là những hình thức xây dựng điểm nhìn mới. Một trong những hiện tượng nổi bật là sự di chuyển, đan xen các điểm nhìn tự sự. Việc di chuyển điểm nhìn tự sự giúp cho nhà văn có thể khám phá và chiêm nghiệm cuộc sống từ nhiều góc độ khác nhau. Vì thế dịch chuyển điểm nhìn là một thủ pháp được nhiều nhà văn hiện đại sử dụng. Trong nhiều truyện ngắn của Bảo Ninh, bên cạnh việc di chuyển điểm nhìn từ người kể chuyện sang nhân vật thì điểm nhìn còn được di chuyển hết sức linh hoạt từ nhân vật này sang nhân vật khác, đôi khi có sự nhòe mờ giữa điểm nhìn của người kể chuyện và điểm nhìn nhân vật. Sự dịch chuyển điểm nhìn giúp cho việc nhìn nhận và đánh giá ý nghĩa của tác phẩm trở nên đa chiều, phong phú hơn. Nhà văn có thể đưa ra các quan điểm, chính kiến khác nhau bằng việc di chuyển điểm nhìn vào những nhân vật khác nhau để mỗi nhân vật có thể tự nói lên quan điểm, thái độ của mình và để cho các nhân vật cùng có quyền phát ngôn, cùng đối thoại. Nhà văn để cho các điểm nhìn đan xen vào nhau, nhân vật do đó được soi chiếu từ nhiều góc độ, toàn diện hơn về chân dung, tính cách, số phận để từ đó khái quát lên những vấn đề có tính triết lý.

Trong các sáng tác của Bảo Ninh, điểm nhìn bên trong và bên ngoài thường không tách rời mà có sự di chuyển, phối hợp, luân phiên. Trong quá trình kể chuyện điểm nhìn cũng được di chuyển từ người kể chuyện sang nhân vật, từ nhân vật này sang nhân vật khác, làm tăng khả năng bao quát và

đánh giá của tác phẩm. Trong Tiếng vĩ cầm của quân xâm lăng, điểm nhìn được di chuyển từ người kể chuyện xưng tôi sang cho nhân vật ông già Me xừ, tiếp đó theo dòng hồi ức và tâm trạng của ông già mà điểm nhìn cũng được di chuyển, đan xen giữa quá khứ và hiện tại. Xen vào những lời kể của Me xừ về quá khứ, về những người Pháp, về tuổi trẻ của ông, về tình yêu mong manh của ông và cô gái Pháp... là những lời trần thuật của người kể chuyện, vừa dẫn chuyện, vừa quan sát xung quanh, vừa nêu lên những cảm nhận của mình về Me xừ và những gì ông đang kể. Điểm nhìn giữa nhân vật và người kể chuyện do vậy cứ luân phiên, đan xen vào nhau, đồng thời cũng di chuyển ở nhiều vị trí từ trong ra ngoài và ngược lại theo cái nhìn của nhân vật và người kể chuyện. Sự dịch chuyển điểm nhìn giúp người đọc có thể nắm bắt được những sự việc diễn ra bên ngoài vừa thấu hiểu được những diễn biến bên trong nhân vật.

Truyện ngắn Bảo Ninh sử dụng linh hoạt và phối hợp các điểm nhìn trần thuật một cách rất đặc sắc. Hầu hết các truyện ngắn của Bảo Ninh có sự di chuyển điểm nhìn đều xuất phát từ ngôi kể thứ nhất. Tìm hiểu truyện ngắn Bảo Ninh có thể thấy nhà văn sử dụng khá nhiều điểm nhìn từ bên trong nhân vật, dưới dạng hồi tưởng quay về quá khứ, các sự kiện trong quá khứ được trình bày, kể lại ở thời hiện tại làm cho câu chuyện như đang xảy ra trước mắt độc giả. Rửa tay gác kiếm là truyện ngắn được kể dưới dạng người kể chuyện ngôi thứ nhất hồi tưởng về quá khứ, điểm nhìn do vậy cũng xuất phát từ điểm nhìn của người kể chuyện, nhân vật xưng tôi. Điểm nhìn của người kể chuyện và nhân vật khi này đã có sự nhòe mờ, người kể chuyện cũng chính là nhân vật tôi. Điểm nhìn trần thuật theo dòng tâm trạng nhân vật từ thời điểm hiện tại di chuyển về quá khứ. Câu chuyện mở đầu với những dòng tự sự của nhân vật tôi về gia đình, bạn bè, về anh em, đồng đội: "Khi đón tôi từ mặt trận trở về, cha mẹ còn chưa hưu trí vậy mà bây giờ cha mẹ đã ngoài bảy mươi. Anh

em ruột thịt mỗi người mỗi phương và thấm thoắt luống tuổi cả rồi. Con trai tôi tết này đã bằng tuổi tôi ngày nhập ngũ. Vợ tôi, vốn được tiếng là trẻ lâu nhưng bởi nắng mưa sóng gió sinh kế đoạn trường nay cũng không còn được trẻ như mấy năm trước nữa. Tôi lặn lội kiếm sống, trải nhiều nghề, rốt cuộc thành nhà văn, song văn chương gì tôi, viết lách đã chẳng bao nhiêu lại chẳng ra thế nào, chỉ tổ ngày một thêm lạc lõng và ngày một thêm bơ phờ. Thời gian và cuộc sống nhận chìm tôi."[40,260-261]; "Anh em đồng đội kiến giả nhất phận, hàng năm trời không lần sum họp, không khỏi quên dần mất nhau."[40,261]... Tiếp đó theo dòng tâm trạng nhân vật, điểm nhìn di chuyển về quá khứ, về với toàn cảnh Tân Sơn Nhất của một ngày cuối tháng tư xa thẳm thuở xưa, về những ngày sống trong trại an dưỡng, về những người đồng đội, những người bạn học... Và rồi cuối cùng điểm nhìn vẫn quy chiếu, hướng vào bên trong nhân vật tôi, với những suy tư, chiêm nghiệm về quá khứ, hiện tại và tương lai. Có thể thấy hiện tượng di chuyển điểm nhìn trong truyện ngắn Bảo Ninh cuối cùng đều hướng vào bên trong nhân vật để nhà văn có thể khám phá và thể hiện số phận nhân vật. Câu chuyện vì thế giàu cảm xúc hơn và thế giới nội tâm nhân vật được khai thác một cách sâu sắc.

Điểm nhìn trần thuật trong các truyện ngắn của Bảo Ninh được di chuyển rất linh hoạt. Nhà văn biết cách điều tiết và dịch chuyển điểm nhìn ở các vị trí khác nhau. Mỗi vị trí đều có những thành công nhất định nhưng nổi bật nhất là điểm nhìn bên trong, đây là kiểu điểm nhìn xuất hiện nhiều trong truyện ngắn của Bảo Ninh. Lợi thế của việc sử dụng điểm nhìn này là rất thuận lợi cho việc khắc họa thế giới nội tâm nhân vật. Với phương thức xây dựng điểm nhìn như vậy, Bảo Ninh đã đóng góp tích cực cho nền văn học Việt Nam hiện đại một phong cách viết mới, lối viết hiện thực nhưng vẫn mang đậm các yếu tố trữ tình. Thế giới hiện thực vẫn hiện lên qua từng trang truyện nhưng đồng thời thế giới tâm hồn nhân vật cũng được khai thác một

cách đầy chiều sâu.

Sự di chuyển và đan xen các điểm nhìn giúp cho nhà văn có nhiều cách tiếp cận và thể hiện tư tưởng nghệ thuật của mình. Nhà văn có thể đi từ câu chuyện này sang câu chuyện khác, từ thế giới tâm hồn của nhân vật này sang nhân vật khác với những trạng thái cảm xúc khác nhau mà không bị giới hạn bởi không gian, thời gian nào. Sự di chuyển điểm nhìn giúp nhà văn có cái nhìn đa diện, nhiều chiều về con người và sự việc, giúp cho việc thể hiện sự phức tạp của cuộc sống muôn mầu. Tất cả được soi chiếu dưới những góc nhìn khác nhau. Thế giới tâm hồn của nhân vật vừa được bộc lộ bởi chính nhân vật, vừa được soi chiếu bởi các nhân vật khác. Câu chuyện do đó mà trở nên phong phú và khách quan hơn.

Một đặc điểm nổi bật trong truyện ngắn của Bảo Ninh đó là sự di chuyển, đan xen điểm nhìn giữa các chiều không gian, thời gian quá khứ, hiện tại. Xen kẽ câu chuyện hiện tại là những câu chuyện thời quá khứ. Với lối trần thuật theo dòng ý thức, nhân vật có thể di động điểm nhìn hết sức linh hoạt, không tuân theo một trật tự nào cả mà chỉ tuân theo trật tự của dòng tâm lý. Trong cùng một nhân vật bằng việc di chuyển điểm nhìn cho nhân vật tự kể, trong những thời gian và không gian khác nhau giúp cho việc thể hiện tính cách và số phận nhân vật được biểu hiện hiệu quả, đồng thời mở rộng khả năng bao quát, đánh giá của tự sự, làm tăng hiệu quả biểu đạt của tác phẩm, lời văn trần thuật trở nên khách quan, có sức hấp dẫn người đọc. Điều đó cũng góp phần làm cho tư tưởng, chủ đề tác phẩm trở nên sinh động, gợi lên nhiều liên tưởng ở người đọc.

*Tiểu kết: Việc tìm hiểu người kể chuyện và điểm nhìn tự sự trong truyện ngắn Bảo Ninh góp phần không nhỏ vào việc khẳng định sự độc đáo, hấp dẫn trong nghệ thuật tự sự của nhà văn. Bên cạnh một số truyện được trần thuật từ ngôi thứ ba thì đa phần các truyện ngắn của Bảo Ninh được trần thuật

từ ngôi thứ nhất. Với người kể chuyện ngôi thứ nhất, nhà văn có thể tái hiện quá trình tâm lý, các trạng thái tinh thần phong phú của con người, tạo cho người đọc cảm giác chân thực, độ tin cậy cao và thái độ đồng cảm cùng với những lời giãi bày tâm sự của nhân vật với sự chân thành và đáng nhớ. Cùng với đó nhà văn Bảo Ninh cũng rất linh hoạt trong việc kể chuyện khi tạo nên sự đa tầng bậc của người kể chuyện trong quá trình kể chuyện. Các câu chuyện do đó trở nên phong phú và đa dạng hơn.

Trong các truyện ngắn của mình, Bảo Ninh không sử dụng điểm nhìn trần thuật một cách cứng nhắc mà luôn có sự di chuyển một cách linh hoạt, đầy biến hóa. Nhà văn luôn có ý thức di chuyển điểm nhìn trần thuật giữa các nhân vật để tạo nên một cái nhìn đa chiều về hiện thực và con người. Điểm nhìn trần thuật được di chuyển liên tục từ nhân vật này sang nhân vật khác, khi là điểm nhìn bên trong, khi là điểm nhìn bên ngoài và ngược lại, điểm nhìn di chuyển giữa các chiều không gian và thời gian... Với cách tổ chức điểm nhìn như vậy, Bảo Ninh đã thể hiện được tài năng trong việc kể chuyện, dẫn chuyện của mình, và đặc biệt là khả năng thâm nhập sâu vào đời sống nội tâm nhân vật để phản ánh được những góc khuất trong tâm hồn nhân vật.

CHƢƠNG 2: NHÂN VẬT VÀ CỐT TRUYỆN TỰ SỰ TRONG TRUYỆN NGẮN BẢO NINH

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Bảo Ninh ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)