6. Cấu trúc luận văn
3.1.2.2. Không gian tâm lý
Trong các truyện ngắn của Bảo Ninh tồn tại không gian của những giấc mơ. Trong tiểu thuyết cũng như trong truyện ngắn của mình, không gian giấc mơ được sử dụng một cách hữu hiệu trong việc thể hiện chủ đề, tư tưởng tác phẩm cũng như khắc họa đời sống tinh thần nhân vật. Không gian đó là nơi con người có thể bộc lộ bản thân mình, những ẩn ức, dự cảm cũng như khát
vọng thầm kín một cách tự nhiên và chân thực nhất. Đó là không gian của tiềm thức, ám ảnh và cả những mặc cảm của con người.
Thông qua không gian giấc mơ nhà văn có thể lý giải những ám ảnh về quá khứ, tội lỗi cũng như số phận của nhân vật. Không gian giấc mơ là không gian ảo, là không gian để nhân vật tự bộc lộ mình thể hiện những ẩn ức, khát khao thầm kín. Nhân vật tôi trong Hà Nội lúc không giờ với những giấc mơ nhiều lần được lặp đi lặp lại: "Tôi trông thấy chính tôi, chứ không phải Trung, đang ghì xiết lấy chị Giang, khi thì giữa đông nghịt biển người dưới chân gò Đống Đa, khi thì trong ánh sáng lúc canh khuya của lửa bếp trước sân nhà. Sững sờ, tôi cảm được cặp vú của chị áp lún vào lồng ngực tôi và căng trĩu trong lòng bàn tay tôi. Một mình tôi góc rừng hoang mà tôi chạm được vào đôi môi của chị, hít thở được hương thơm của làn da và mái tóc chị. Lúc bấy giờ, tôi biết những cơn mê lú như vậy là tội lỗi và sẽ chỉ gây nên cho tôi những thương tổn tinh thần trầm trọng. Không muốn phải chịu đựng những đau đớn vô ích, do đó tôi đã cố cưỡng, song con người ta ai mà có thể đưa tay ra cản lại mộng mị?"[40,565-566]. Nhân vật Quang trong Rửa tay gác kiếm
mặc dù luôn tỏ ra cứng rắn, bình tĩnh trước mặt mọi người nhưng khi về đêm thì: "Đêm đêm, giữa canh khuya, Quang chỉ toàn nằm mộng thấy kẻ bội bạc, anh nấc lên tên cô ta và vừa rên ư ử vừa nói lảm nhảm. Có đêm tôi nghe thấy trong màn anh vẳng ra tiếng khóc thút thít sụt sịt."[40,274]. Chỉ trong giấc mơ Quang mới dám sống thực với bản thân mình, với nỗi nhớ nhung người vợ bội bạc, với nỗi đau đè nặng trong tim. Nhân vật Khương thì khác, hiện hữu trong những giấc mơ của anh là những đau đớn cả về thể xác và tinh thần: "Và bây giờ, hàng đêm, trong giấc ngủ, Khương như thể lần hồi duyệt lại các vết thương, lần lượt, từ đầu, từng vết thương một, từng nỗi đau. Bác sĩ của trại cho rằng không có gì đáng sợ, những cơn thống giác trong tiềm thức sẽ dần dần bị ngăn lại. Song ai mà biết chắc được. Khi đang mở mắt thao láo thì còn
đủ sức gắng gượng quên đi mọi sự nhưng đã ngủ thiếp đi rồi thì ai mà có thể đưa tay ra cản lại mộng mị"[40,268]. Tất cả đã trở thành nỗi ám ảnh ăn sâu vào tiềm thức của nhân vật. Không gian trong giấc mơ đã phản ảnh một cách chân thực thế giới tâm hồn con người.
Cùng với không gian giấc mơ là kiểu không gian đồng hiện. Với kiểu không gian này tạo nhiều tầng bậc ý nghĩa cho truyện ngắn, nhà văn đặt nhân vật vào những hoàn cảnh khác nhau. Hiển hiện trong không gian đó là những hình ảnh của quá khứ, hiện tại và cả những khát vọng về tương lai. Với mỗi kiểu không gian thì nhân vật lại được soi chiếu dưới những góc độ khác nhau, thể hiện rõ nội tâm của nhân vật, đời sống tinh thần và tình cảm của nhân vật. Trong truyện của Bảo Ninh rất dễ để bắt gặp những không gian đồng hiện như thế này: "Nhưng sau chiến tranh, khi mà cái sức tưởng tượng tội lỗi ấy không còn trong tôi nữa thì tôi lại hiểu rằng ra những tội lỗi trong mơ ngày đó chính là hình bóng của mối tình đầu không có thật của tôi (...) Và thậm chí mối tình đầu không hề có thật ấy vẫn còn tiếp tục là một trong những nguồn sáng giúp tôi từ sau ngày trở về biết yên lòng vui sống, biết vững tâm mà mạnh dạn vượt qua được những năm dài gian lao thời hậu chiến... - Tuần sau chị sẽ vào lại Sài Gòn. - Giang nói, thở dài. - Và chắc phải ở hẳn lại. Anh Vinh thì đã vào từ mấy năm rồi. Anh ấy thích Sài Gòn. Chị thì cứ dùng dằng. Lần này, anh ấy ra tối hậu thư, hoặc vào với chồng con, hoặc... (...) Chúng tôi đứng ngoài ban công. Buổi tối mùa xuân lạnh lẽo, lất phất mưa phùn. Ban công khá rộng, song chỉ để vài chậu cây"[40,566]. Đó là không gian của quá khứ và hiện tại, giữa thực và hư, tất cả đều được đan xen, đồng hiện trong dòng tâm trạng nhân vật. Thế giới nội tâm nhân vật cũng được biểu hiện dưới nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau.
Không gian tâm linh cũng là một kiểu không gian cần chú ý trong các truyện ngắn Bảo Ninh. Thông qua thế giới tâm linh nhà văn có thể thể hiện
hiện thực dưới một dạng thức khác, phản ánh được nhiều vấn đề của hiện thực. Trong không gian tâm linh ấy tồn tại những bóng ma, những ảo ảnh ma mị, huyền hoặc. Thế giới tâm linh phản ánh sự bất an, nỗi ám ảnh của con người. Điển hình là hình ảnh những bóng ma thường xuyên xuất hiện trong giấc mơ của người lính sau chiến tranh: "tôi cũng thường nằm mơ thấy những tên Mỹ. Không phải tất cả những âm hình trong mơ đều là anh em đồng đội. Có những giấc mơ thật kỳ lạ, trong đó chỉ toàn gặp những bóng ma quân thù. Chúng lững thững đi xuyên qua tường, êm như ru bước vào phòng, lượn sát đầu giường tôi nằm"[40,270]; những bóng ma ấy "Phần đa chỉ nhè nhẹ diễu lướt qua, nhưng cũng có vài bóng nấn ná dừng lại, hé cửa màn ra, và phà hơi thở lạnh toát, cúi sát xuống, như thể nhận mặt tôi"[40,270]. Thế giới tâm linh là ảo, nhưng nó lại phản ánh hiện thực theo một cách khác, nó thể hiện những ẩn ức bên trong nhân vật, những ám ảnh trong tiềm thức mà chỉ khi con người rơi vào trạng thái vô thức nó mới bắt đầu trỗi dậy.
Cuốn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh cũng được xây dựng theo lối kết cấu dòng ý thức vì vậy không gian tâm tưởng chiếm một dung lượng khá lớn trong tác phẩm. Không gian đó chứa đựng những xung đột nội tâm dữ dội của nhân vật Kiên. Đó là không gian tràn ngập bóng tối của tâm hồn, của nỗi buồn chiến tranh, của tình yêu, của môi trường sống ngột ngạt… Trong hồi ức của Kiên không gian mưa và bóng đêm luôn trở đi trở lại, cái không gian rất dễ bộc lộ, rất dễ cảm nhận những xúc cảm dữ dội, sâu lắng. Không gian trong Nỗi buồn chiến tranh là không gian đan xen giữa hiện tại và quá khứ trong cuộc đời nhân vật, người đọc nhìn thấy một dạng không gian đứt gãy của các hồi ức chiến tranh, của tâm trạng con người. Không gian không tuân theo một trình tự lôgic nào ngoài lôgic tâm lý nhân vật, cùng với những mảnh vụn của tâm trạng là sự đứt gãy của không gian. Sự mở rộng các chiều không gian phụ thuộc vào trí nhớ cũng như tâm lý của
Kiên. Không gian trở thành biểu tượng cho hành trình đi tìm lại quá khứ của nhân vật. Nỗi buồn chiến tranh phá vỡ kết cấu trần thuật tuân theo không gian, thời gian tự nhiên, tạo nên kết cấu trần thuật theo không gian, thời gian tâm lý. Tiểu thuyết truyền thống khi sắp xếp tình tiết thường tuân theo không gian, thời gian tự nhiên. Còn tiểu thuyết dòng ý thức như Nỗi buồn chiến tranh lấy dòng ý thức và hoạt động tâm lí của nhân vật Kiên làm sợi dây kết cấu xuyên suốt tác phẩm, đó là không gian đứt gãy, gấp khúc của những mảnh vụn kí ức, của dòng tâm tưởng.
Xu thế của văn xuôi sau 1975 là thể hiện sự đan xen, xáo trộn những không gian đối lập giữa thực và ảo, giữa hiện tại và quá khứ... Với kiểu không gian này nhà văn có thể thể hiện được sự xáo trộn, mâu thuẫn giằng xé trong tâm hồn nhân vật. Ở các truyện ngắn như Bí ẩn của làn nước, Thời tiết của kí ức, Rửa tay gác kiếm, Khắc dấu mạn thuyền... thế giới nội tâm nhân vật được biểu hiện dưới nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau, khung cảnh chiến tranh và tình yêu hiện lên chân thực và sinh động. Không gian tâm lý đã đem đến cho các truyện ngắn của Bảo Ninh một phong cách nghệ thuật đặc sắc.