6. Cấu trúc luận văn
2.1.2.3. Nhân vật tự nhận thức
Văn học sau 1975 chú trọng đi vào chiều sâu của cuộc sống. Bảo Ninh là nhà văn với cái nhìn, suy nghiệm của cá nhân về lịch sử, về thân phận con người. Trong tiểu thuyết cũng như truyện ngắn của ông, đằng sau mỗi câu chuyện, mỗi hoàn cảnh được đề cập đến là khát vọng về hạnh phúc cá nhân và tình yêu đôi lứa. Đó cũng chính là khát vọng chung của cả dân tộc sau những
mất mát, hy sinh vì chiến tranh, vì chia ly, khổ đau. Chiến tranh đã đi qua, với độ lùi thời gian, nhà văn chứng kiến những thay đổi của thời hậu chiến, những hậu quả do chiến tranh gây ra và ông đã thể hiện nó trong những truyện ngắn của mình. Thông qua số phận các nhân vật, nhà văn thể hiện quan niệm, cái nhìn cũng như những suy ngẫm về chiến tranh và thân phận con người. Bản thân nhà văn cũng là một người lính, trải qua trận mạc và cũng sống trong thời hậu chiến. Hơn ai hết, Bảo Ninh thấu hiểu và thể hiện sâu sắc những số phận con người.
Kiểu nhân vật tự ý thức là một phương tiện để nhà văn thể hiện những nhận thức và lý giải những vấn đề về cuộc sống và con người. Nhân vật của Bảo Ninh thường đưa ra những suy nghĩ, triết lý của riêng mình: "Tôi cũng nghe nói vậy. Song, vào "Mùa hè đỏ lửa" thì có riêng gì cô ta mới ra thân tàn ma dại, tôi nghĩ. Cũng như cỏ cây, số phận con người mà bị khói lửa chiến tranh ngốn thì chỉ thoáng chốc thôi là thành tro than"[40,57]; "Thời của chiến tranh và của cách mạng lay trời, thời của những đau thương vô hạn, những mất mát vô bờ, thời của chủ nghĩa anh hùng tuyệt đỉnh, của sức chịu đựng vô cùng, thời của tình yêu và của lòng quả cảm"[40,556]...
Bảo Ninh đặt nhân vật vào những tình huống để nhân vật tự nhận ra chân lý, sự thật. Trong quá trình tự nhận thức đó nhân vật đối thoại với chính mình, với các nhân vật khác, với những khối mâu thuẫn. Nhận vật tự nhận thức và phán xét hành động của chính mình, đối diện với chính bản thân mình, đó là con người đang tìm về với bản ngã. Đối thoại của nhân vật tự nhận thức trong truyện ngắn của Bảo Ninh chủ yếu là đối thoại trong tâm tưởng, nó thể hiện cách nghĩ, quan điểm cũng như thái độ của nhân vật trước những sự việc trong cuộc sống. Kiểu nhân vật tự nhận thức cũng thường dằn vặt, day dứt trong mặc cảm tội lỗi, tự tìm cho mình niềm an ủi để chịu đựng và vượt qua. Trong quá trình tự nhận thức, nhân vật của Bảo Ninh thường hướng tới những
cái thanh tao, hướng thiện. Nhân vật đấu tranh với những tư tưởng không đẹp trong bản thân để hướng tới cái đẹp, cái cao cả hơn.
Các nhân vật trong truyện ngắn của Bảo Ninh nhận thức, suy nghiệm về số phận của bản thân, của dân tộc, nhân vật tự nhận thức về thế hệ mình, thời đại mình: "Cõi trời Nam sau công cuộc Thống Nhất dẫu còn nửa hoang tàn nhưng đã mở ra biết bao nhiêu là triển vọng huy hoàng của tương lai xán lạn. Chặng đường đi tới tương lai còn xa vời vợi nhưng mà tuổi đời của hầu hết anh em chúng tôi, những chiến binh của sư đoàn chiến thắng còn dư đủ để được sống tới ngày chạm tay vào tương lai tốt đẹp"[40,282]. Với cái nhìn bình tĩnh hơn sau chiến tranh, nhân vật có cái nhìn khách quan hơn, bình tĩnh hơn về những gì diễn ra trong chiến tranh: "Chỉ có điều, khi đã mang nặng trên vai dĩ vãng chiến tranh nặng nghìn năm tuổi thì dù còn đang trẻ đến đâu, đối với chúng tôi phần đời đáng sống nhất đã sống rồi. Nếu rồi đây không may phải sống đời bất hạnh thì chúng tôi sẽ tự nhủ lòng rằng không sao cả bởi có thấm thía gì đâu, bởi có nỗi khổ nào của ngày hôm nay sánh bằng những đau khổ đã trải qua trong chiến tranh, và trái lại, mai đây dù được sống sung sướng thế nào chúng tôi cũng biết chẳng hạnh phúc nào bằng hạnh phúc ngày đã qua. Chiến tranh và đồng đội, ấy là tình yêu của chúng tôi, lớp trẻ trưởng thành lên trong hầm trú ẩn và làm nên ý nghĩa cuộc đời mình trong trận mạc"[40,282]; "Chúng tôi đã từng đông đảo biết bao và hùng mạnh biết bao. Và chúng tôi không phải chỉ là một đạo quân, chúng tôi còn là cả một sự nghiệp lớn lao, một sự đồng lòng vĩ đại. Giờ đây, mỗi người mỗi ngả, bèo dạt mây trôi, song lòng dạ không đổi thay, lý tưởng chiến đấu suốt thời trai trẻ sẽ còn sáng mãi đến trọn đời anh em chúng tôi"[40,277-278]. Những con người trải qua trận mạc với bao mất mát, đau thương, họ nếm trải muôn vàn khổ đau nhưng giờ đây khi hòa bình tới, tấm lòng, lý tưởng và niềm tin của họ vẫn còn nguyên vẹn. Suy nghĩ, chiêm nghiệm nhận thức lại quá khứ, nhận thức lại
chính bản thân mình cũng là để nhìn nhận và trân trọng quá khứ, trân trọng những gì đã trải qua, những gì đã phải đánh đổi bằng xương máu, bằng sự hy sinh, mất mát của anh em, đồng đội và cả của những người thân yêu của họ.