6. Cấu trúc luận văn
2.2.1. Khái niệm cốt truyện
Cốt truyện là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất trong bất kì một hình thức tự sự nào, là yếu tố cơ bản cấu thành nên tác phẩm tự sự, nó giữ vai trò liên kết các chi tiết, các sự kiện thành một hệ thống. Giới nghiên cứu văn học có rất nhiều định nghĩa khác nhau về cốt truyện. Từ điển thuật ngữ văn học định nghĩa cốt truyện là: “Hệ thống sự kiện cụ thể, được tổ chức theo yêu cầu tư tưởng và nghệ thuật nhất định, tạo thành một bộ phận cơ bản, quan trọng nhất trong hình thức động của tác phẩm văn học thuộc các loại hình tự sự và kịch (…) Có thể tìm thấy qua một cốt truyện hai phương diện gắn bó hữu cơ: một mặt, cốt truyện là một phương diện bộc lộ nhân vật, nhờ cốt truyện, nhà văn thể hiện sự tác động qua lại giữa các tính cách nhân vật; mặt khác, cốt truyện còn là phương tiện để nhà văn tái hiện các xung đột xã hội. Cốt truyện vừa góp phần bộc lộ có hiệu quả đặc điểm mỗi tính cách, tổ chức tốt hệ thống tính cách, lại vừa trình bày một hệ thống sự kiện phản ánh chân thực xung đột xã hội, có sức mạnh lôi cuốn và hấp dẫn người đọc”[15,99-100].
Giáo trình Lý luận văn học thì định nghĩa: “Cốt truyện là một hệ thống các tình tiết, sự kiện, biến cố phản ánh những diễn biến của cuộc sống và nhất là các xung đột xã hội một cách nghệ thuật, qua đó các nhân vật, các tính cách hình thành và phát triển trong những mối quan hệ qua lại của chúng nhằm làm sáng tỏ chủ đề và tư tưởng tác phẩm”[10,172-173]. Cốt truyện thực hiện các chức năng rất quan trọng trong tác phẩm: "gắn kết các sự kiện, bộc lộ các xung đột, mâu thuẫn của con người, tạo ra một ý nghĩa về nhân sinh"[51,57]. M.Gorki cho rằng: “Cốt truyện như là một hệ thống các quan hệ qua lại của các nhân vật, về thiện cảm và ác cảm của chúng, đã xác định như là lịch sử của sự trưởng thành và tổ chức của một tính cách nào đó”[14,231]. B.V.Tômasepsky viết: “Tổng thể các sự kiện trong mối liên hệ qua lại nội tại
của chúng, ta sẽ gọi là cốt truyện”[14,232]. Như thế, khái niệm cốt truyện theo nghĩa khái quát nhất thì sự kiện và hành động giữ vai trò quan trọng, thiết yếu, sự kiện luôn gắn liền với hành động.
Khi đề cập tới khái niệm cốt truyện, chúng ta cần phần biệt nó với các khái niệm đi kèm như câu chuyện, sườn truyện. Khái niệm câu chuyện thường được dùng khi kể lại một sự việc nào đó đã xảy ra trong đời sống mà người kể lại là người trực tiếp chứng kiến hay nghe kể lại. Trong câu truyện trình tự của các sự kiện phải diễn ra theo trình tự trong đời sống của chúng, trình tự thời gian phải đảm bảo theo nguyên tắc tuyến tính, việc nào diễn ra trước kể trước, việc nào diễn ra sau thì kể sau. Còn trong cốt truyện thì trình tự của các sự kiện có thể bị đảo lộn. Khái niệm sườn truyện được hiểu với một phạm vi hẹp hơn khái niệm cốt truyện, sườn truyện chỉ là cái khung bao gồm các sự kiện, các biến cố chính làm mốc cho cốt truyện mà không bao gồm các tình tiết cụ thể như cốt truyện. Thông qua cốt truyện nhà văn tái hiện những xung đột xã hội, đồng thời cũng là phương diện để bộc lộ nhân vật.
Theo giáo trình Lý luận văn học thì cốt truyện có ba đặc điểm chính là: tính lịch sử - cụ thể, tính kịch, tính hoàn chỉnh. Cốt truyện của tác phẩm hết sức đa dạng. Có nhiều tiêu chí để phân chia cốt truyện. Về phương diện kết cấu và quy mô nội dung, có thể chia cốt truyện thành hai loại: cốt truyện đơn tuyến và cốt truyện đa tuyến; về phương diện hình thức kết cấu có cốt truyện đóng, cốt truyện mở...; về phương diện thời gian có cốt truyện tuyến tính, cốt truyện gấp khúc, cốt truyện khung... Sự phân chia cốt truyện là rất đa dạng và chỉ mang tính chất tương đối. Tuy nhiên dù phân chia theo phương diện nào thì mọi cốt truyện đều trải qua một tiến trình vận động có hình thành, phát triển và kết thúc. Cơ sở sâu xa của cốt truyện là một xung đột đang vận động được khúc xạ qua những xung đột nhân cách. Vì vậy, quá trình phát triển của một cốt truyện cũng giống như quá trình vận động của xung đột, bao gồm các
bước hình thành, phát triển và kết thúc. Nhìn chung: “mỗi cốt truyện thường bao gồm các thành phần: Trình bày, khai đoạn (thắt nút), phát triển, đỉnh điểm (cao trào) và kết thúc (mở nút)”[15,101]. Những thành phần chính trên đây tạo thành một cốt truyện đầy đủ. Tuy nhiên, trong thực tế văn học, không phải lúc nào cốt truyện cũng đầy đủ các thành phần đồng thời cũng không phải được trình bày theo thứ tự như trên. Cốt truyện không chỉ là câu chuyện mà còn là cái nhìn và quan niệm của nhà văn, của người sáng tác. Khi tìm hiểu và xác định các thành phần của cốt truyện, không nên phân tích một cách máy móc mà nên xem xét việc xây dựng cốt truyện tác phẩm có thể hiện được những xung đột xã hội, sự phát triển của nó có phù hợp với quy luật cuộc sống và có thể hiện được ý đồ nghệ thuật của tác giả hay không.
2.2.2. Cốt truyện trong truyện ngắn Bảo Ninh