6. Cấu trúc luận văn
1.1.2.2. Người kể chuyện ngôi thứ ba
Tìm hiểu truyện ngắn của Bảo Ninh, bên cạnh những truyện ngắn được kể theo ngôi thứ nhất còn một nhóm những truyện được kể theo ngôi thứ ba. Với người kể chuyện ngôi thứ ba, người kể chuyện không bị phụ thuộc vào thế giới của các nhân vật trong truyện. Người kể chuyện chỉ đóng vai trò quan sát nhân vật, dẫn dắt câu chuyện, đứng sau hành động để quan sát và kể lại, không trực tiếp tham gia vào các biến cố, sự kiện, tình tiết truyện. Với người kể chuyện ngôi thứ ba, điểm nhìn của người kể chuyện hầu hết là từ bên ngoài, mang tính khách quan.
Với người kể chuyện ngôi thứ ba, người kể chuyện có thể kể về nhiều chuyện, nhiều người một cách khách quan và tự do nhất. Với ngôi kể này người kể chuyện có thể quan sát và phản ánh các vấn đề của cuộc sống một cách đa diện, nhiều chiều, thể hiện số phận nhân vật một cách chân thực. Người kể chuyện đứng độc lập, khách quan kể và miêu tả mọi việc trong tác phẩm. Truyện ngắn Bi kịch con khỉ được kể dưới dạng người kể chuyện ngôi thứ ba. Giọng kể của người kể chuyện mang tính khách quan. Ban đầu cuộc sống của chú khỉ trong vườn bách thú cũng không đến nỗi nào: "Thiên hạ vui thích ném quà cho nó, khoái chí xem nó phô diễn những trò con khỉ của nó. Khỉ ta dẫu dư thừa thức ăn, trở nên trơn lông đỏ da hơn bao giờ hết, nhưng
không vì thế mà chây ì, vẫn nhiệt tâm phục vụ, vẫn tận tâm múa may nhảy nhót... Nhưng hạnh phúc ngắn ngủi, ngày vui chóng tàn, thiên hạ dần dần chán ngấy con khỉ"[40,525]. Sau đó cuộc sống của con khỉ dần dần trở thành địa ngục: "Loài khỉ có bao nhiêu trò nhố nhăng thì nó đã diễn cho người ta xem tất cả rồi. Bây giờ đến lượt con người dở trò với nó. Thoạt đầu chỉ là do hờ hững mà người ta quên cho nó ăn, nhưng về sau thì là một sự bỏ đói cố tình để hành hạ và chơi khăm nó"; "Bây giờ chỉ có vỏ chuối, lõi ngô với giấy kẹo, lá bánh, những lời chửi rủa và nước bọt xả vào qua song sắt. Không ai thực sự là người chủ xướng trò mới mẻ này, bởi vì đây chính cống là một cuộc hành lạc tập thể. Mọi người đều cực kỳ háo hức chờ xem con vật bị bạc đãi một cách bất ngờ như vậy sẽ rũ xuống ra sao..."[40,525-526]. Mặc dù bị hành hạ nhưng con khỉ không tuyệt vọng, nó vẫn sống. Cho đến một ngày cô bé ăn mày ở cửa ga xuất hiện, một "con điên" như cách nói của mọi người: "Chính nó đã phá đám việc của mọi người. Nó quét dọn khoảnh đất quanh chuồng. Nó kiếm cây gậy dài buộc chổi tre để quét cả bên trong chuồng. Nó chia cho con khỉ một nửa những thứ nó xin được. Thì ra con nhãi này không chỉ là ngây độn mà là một con điên thực thụ, người ta bảo nhau thế..."[40,528]. Nhưng kết cục của câu chuyện thật bi thảm. Cô bé đã tự tử sau khi bị con người, chính những đồng loại của mình hành hạ, làm nhục như đối với con khỉ. Con khỉ cũng bắt chước cô bé và tự tử theo, dù trước đó tất cả sự hành hạ của bọn người kia không làm nó tuyệt vọng. Ở đây người kể chuyện hoàn toàn đứng ngoài câu chuyện, không tham gia vào các sự kiện, biến cố của câu chuyện. Người kể chuyện chỉ kể lại câu chuyện như nó diễn ra một cách hoàn toàn khách quan. Với người kể chuyện ngôi thứ ba người đọc hoàn toàn không bị ép buộc vào một lối nghĩ chủ quan nào cả, người đọc có thể thấy được nội dung của câu chuyện mà nhà văn muốn truyền tải một cách khách quan, không hề gượng ép. Con khỉ và cô bé không chết bởi sự đói khổ mà
chết bởi chính sự tàn nhẫn, vô cảm của con người, bởi không còn niềm tin vào tình cảm và lòng nhân của con người khi mà họ đối xử với đồng loại của mình như một con vật.
Với cách trần thuật từ ngôi thứ ba, người kể chuyện là người biết hết mọi chuyện và giữ vai trò duy nhất trong miêu tả, kể chuyện cũng như dẫn chuyện. Người kể chuyện không tham gia vào biến cố sự kiện của câu chuyện, không bị hạn chế bởi không gian, thời gian nào. Truyện ngắn Vô cùng xưa cũ
được trần thuật từ ngôi thứ ba. Người kể chuyện hầu như nắm giữ mọi diễn biến của câu chuyện, nắm được suy nghĩ và nội tâm nhân vật. Người kể chuyện có thể dễ dàng di chuyển điểm nhìn từ bên ngoài vào bên trong nhân vật để miêu tả những giấc mơ thầm kín của Tâm về Loan và những hồi ức, những suy nghĩ về cha mẹ và những kỉ niệm tuổi học trò. Truyện ngắn Quay lưng với người kể chuyện ngôi thứ ba người đọc không chỉ nắm được diễn biến của câu chuyện mà còn thấy được những suy nghĩ, cảm nhận của nhân vật mặc dù người kể chuyện không tham gia vào bất cứ sự kiện nào của câu chuyện. Câu chuyện về cuộc đời Vinh và cuộc sống của những người trong khu nhà Z1, Z2, về tình yêu của Vinh và Hạnh, về sự "quay lưng" oái oăm của số phận, của hai khu nhà Z1, Z2... cứ thế hiển hiện lên trong tâm trí người đọc. Những suy nghĩ của Vinh cũng được thể hiện rõ nét: "Dần dần anh đã hiểu ra là mình không tài nào mà có thể quên được Hạnh. Không bao giờ tự dứt được ra khỏi ám ảnh những ngày hạnh phúc ấy"[40,453].
Gọi con là câu chuyện đầy xúc cảm về tình thương của người mẹ đối với con. Câu chuyện được kể với người kể chuyện ngôi thứ ba. Qua những hồi ức của Tân và những lá thư mà mẹ Tân để lại có thể thấy được tình thương của người mẹ đối với những đứa con to lớn đến nhường nào. Nỗi niềm của người mẹ chẳng ai hiểu, có lẽ chỉ có tấm lòng những người mẹ thương con mới thấu hiểu được. Tân chỉ có thể hiểu được mẹ mình, biết được
nỗi niềm của mẹ, về sự buồn rầu suốt bao năm tháng của mẹ khi đọc được những dòng thư mà mẹ gửi cho Nghĩa, đứa con trai mà bà luôn mong ngóng nhưng không bao giờ còn có thể gặp lại. Bao đau thương, nhớ nhung bà mẹ giấu kín trong lòng, không muốn ai phải bận tâm với nỗi lòng của mình: "Có những người con sáng giá như anh chị em Tân, mẹ là một bà mẹ hạnh phúc hơn bao bà mẹ khác. Nào ngờ mẹ không hề biết thế là hạnh phúc. Gương mặt mẹ suốt bao năm trời đến tận khi nhắm mắt xuôi tay luôn lẳng lặng một vẻ chờ đợi âm thầm, rụt rè và vô vọng. May thay, cũng giống như những bức thư mãi mãi ở yên dưới đáy rương bên đầu giường mẹ, nỗi đau lòng của mẹ không bao giờ thốt nên lời, người ta không biết tới. Nông nỗi thương tâm bất động của một người già có cái đáng quí là không làm ai phải để ý, bởi để ý tới thì không khỏi đau thắt trong lòng và không sao mà có thể bình tâm để yên ổn sống một cách dễ chịu cho nổi"[40,492-493].
Truyện ngắn của Bảo Ninh đa phần được trần thuật từ ngôi thứ nhất, tuy nhiên người kể chuyện ngôi thứ ba vẫn được nhà văn chú ý khai thác sử dụng khi thể hiện những vấn đề thế sự, nhân sinh. Với người kể chuyện ngôi thứ ba, câu chuyện sẽ trở nên chân thực và khách quan hơn. Bởi nó không phải được kể bởi một con người cụ thể nào cả, nhà văn có thể dễ dàng di chuyển điểm nhìn từ nhân vật này sang nhân vật khác tạo nên sự đa diện, đa chiều cho tác phẩm.