Ứng phó với stress nghề nghiệp

Một phần của tài liệu Stress nghề nghiệp của người lao động trong các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn thành phố hà nội (Trang 29)

Thuật ngữ “ứng phó” trong tâm lý học có nguồn gốc từ thuật ngữ “coping” trong tiếng Anh, xuất hiện ở phương Tây và Mỹ vào những năm 50 của thế kỷ trước [dẫn theo 19]. Có nhiều cách phân chia phương thức ứng phó, nhưng có ba cách tiếp cận cơ bản sau đây:

Cách tiếp cận thứ nhất: Theo quan điểm của N. Haan, hiểu ứng phó như là một trong những cách thức tự vệ tâm lý, được sử dụng để làm giảm căng thẳng. Cách tiếp cận này các tác giả đã đồng nhất ứng phó với kết quả của nó [dẫn theo 19].

- Cách tiếp cận thứ hai: Theo tác giả Moos R.H. định nghĩa ứng phó như là một thiên hướng tương đối ổn định đáp lại những sự kiện stress theo một cách thức nhất định. Tuy nhiên, tính ổn định của các cách thức này khó được khẳng định bằng thực nghiệm nên ít được các nhà nghiên cứu ủng hộ [dẫn theo 19],[ dẫn theo 54].

- Cách tiếp cận thứ ba: Theo Lazarus và Folkman; ứng phó như một quá trình, đặc thù của nó được xác định không chỉ bởi hoàn cảnh mà còn bởi các giai đoạn của sự phát triển xung đột, sự va chạm của chủ thể với thế giới bên ngoài [dẫn theo 44], [ dẫn theo 46]. Như vậy, ứng phó không phải là hành vi chỉ xảy ra một lần mà là một loạt những phản ứng tương hỗ, xuất hiện qua thời gian, nhờ đó mà môi trường và con người chi phối lẫn nhau. Hơn nữa, ứng phó có phạm vi rộng lớn, các phản ứng cảm xúc bao gồm cả sự giận dữ và trầm cảm, có thể coi là một phần của quá trình ứng phó [19].

Cũng theo Lazarus, “ứng phó là những hành động thuộc về nhận thức và hành vi nhằm chế ngự những đòi hỏi của một sự kiện được nhận định là có tính gây stress”.

Ứng phó nghĩa là đương đầu, đối mặt trong những tình huống bất thường, những tình huống khó khăn và stress. Theo nghĩa rộng, ứng phó bao gồm tất cả các dạng tương tác của chủ thể với những yêu cầu của thế giới bên ngoài và nội tâm - nắm bắt làm chủ hay là suy giảm, làm quen hay lảng tránh khỏi những yêu cầu của hoàn cảnh có vấn đề. Những điều kiện bên ngoài - yêu cầu của hoàn cảnh, hay bên trong - đặc điểm tâm lý của chủ thể, tạo nên nội dung của cách ứng phó, làm chúng hoàn toàn khác biệt với sự thích ứng đơn giản.

Có quan điểm cho rằng: ứng phó tham gia vào hành động, khi mà tính phức tạp của nhiệm vụ vượt qua tầm năng lượng của những phản xạ thường ngày và đòi hỏi những năng lượng mới, trong khi đó sự thích ứng thường ngày đã trở nên không đủ trong hoàn cảnh mới. Hiện nay, những người đi theo lý thuyết về stress của cuộc sống (Life stress paradigm) vẫn tiếp tục khẳng định ý tưởng này.

Theo Adler, tương ứng với đường đời của con người, có thể coi ứng phó là phong cách sống của cá nhân, là sự tổng hợp những mục đích có nghĩa và cách đạt được chúng, được xác định như sự thống nhất giữa những đặc điểm nhân cách, tâm thế và hoạt động hàng ngày. Còn tương ứng với hoàn cảnh, như một thời khắc của đường đời thì có thể coi ứng phó như một sự thay đổi phong cách sống theo hoàn cảnh. Như vậy khái niệm ứng phó bao trùm một phạm vi rộng, bao gồm cả những ứng phó nội tâm trước hoàn cảnh xảy ra (suy nghĩ và tình cảm) và những hành động bên ngoài nhằm đáp lại yêu cầu của hoàn cảnh. Ở đây, ứng phó bao hàm cả nội dung của hoàn cảnh mà con người tri giác được và khả năng tâm lý của cá nhân. Ý nghĩa tâm lý của ứng phó ở chỗ: làm thế nào con người thích ứng nhanh chóng với những yêu cầu của hoàn cảnh, cho phép họ nắm bắt và làm chủ chúng, làm những yêu cầu của hoàn cảnh trở nên suy yếu, làm cho con người thoát khỏi, hoặc làm quen với chúng và bằng cách đó cải hoá được những tác động gây stress của hoàn cảnh. Nhiệm vụ chủ yếu của ứng phó là cung cấp và ủng hộ sự bền vững của con người, sức khoẻ thể chất cũng như

H. Binder (1967) cho rằng: “con người phản ứng trước tác động của sang chấn tâm lý từ bên ngoài theo nhiều phương thức khác nhau, vì những đặc tính của nhân cách đã quy đổi sự phản ứng khác nhau đó”. Theo ông, sang chấn tâm lý có tính cá thể đối với từng người cả về cường độ lẫn ý nghĩa thông tin của sang chấn [dẫn theo 1, tr.255].

Theo R. Lazarus (1981), phản ứng của nhân cách trước stress phụ thuộc vào nhận thức đánh giá stress và vào khả năng giải quyết stress của chủ thể [dẫn theo 1, tr.255]. Như vậy, theo tác giả này, stress phụ thuộc vào yếu tố nhận thức và khả năng ứng xử, hành vi ứng xử của cá nhân khi có stress. Cách mà khách thể nhìn nhận về tác nhân stress như thế nào cũng ảnh hưởng đến việc cá nhân ấy sử dụng phương thức gì để ứng phó với những stress mà cá nhân ấy gặp phải.

Khi rơi vào tình huống bất ngờ, khó khăn hay phức tạp, các cá nhân tìm cách để giải quyết, thì đó là sự ứng phó. Trong quá trình đó, con người cần phải thay đổi cả nhận thức và hành vi và chính sự nỗ lực thay đổi nhận thức và hành vi ấy sẽ giải quyết được cái “khó khăn” mà cá nhân gặp phải.

Các chiến lược ứng phó được đúc kết lại hành hai kiểu ứng phó: ứng phó nhằm giải quyết vấn đề, và ứng phó nhằm điều hòa cảm xúc [41].

Ứng phó nhằm giải quyết vấn đề có thể hiểu là các hành vi tập trung vào mấu chốt khó khăn mà cá nhân đang gặp phải. Ví dụ, khi cá nhân không thể tập trung học bài, đó là khó khăn. Giải quyết vấn đề có thể bằng hành vi (uống cà phê để tỉnh táo hơn, hay là nghỉ giải lao khoảng 10- 15 phút để lấy lại tinh thần chẳng hạn, thì những ứng phó như vậy tập chung vào giải quyết vấn đề). Cũng trong trường hợp ấy, những hành vi có thể là (gọi điện thoại cho bạn bè than thở, trò chuyện, nói rằng mình không tập trung được, để hòng nhận được sự quan tâm, đồng cảm của bạn bè, thì đây lại là dạng ứng phó tập trung vào cảm xúc hơn là vào giải quyết vấn đề.

Qua những cách hiểu về ứng phó khác nhau nêu trên, chúng tôi đồng ý nhất với định nghĩa của tác giả Lazarus, chúng tôi đưa ra cách hiểu về ứng phó với stress nghề nghiệp như sau:

Ứng phó với stress nghề nghiệp là sự cố gắng cả về hành động và tâm lý của chủ thể để kiểm soát những đòi hỏi của môi trường lao động cũng như môi trường bên trong cơ thể và các xung đột giữa công việc, môi trường lao động với những yếu tố liên quan.

Khi nói đến ứng phó với SNN, người ta có thể nói đến hành động hoặc nói đến những nhận thức, những cảm nhận…; và sự ứng phó ấy nhằm lấy lại “sự cân bằng động” vốn có nơi cá nhân, để cá nhân có thể đáp ứng, hoàn thành tốt nhất công việc mà mình giao, có thể thoải mái, vui vẻ, không áp lực mỗi khi đi làm, và phương thức ứng phó với SNN hiệu quả là phương thức được xử dụng mỗi khi cá nhân có SNN và nó giúp cá nhân lấy lại được cân bằng nhất khi đang trong môi trường nghề nghiệp, hoặc môi trường có liên quan đến nghề nghiệp, sự ứng phó với SNN ấy cũng sẽ giúp cá nhân cân bằng khi trở về với cuộc sống ngoài công việc. Một cá nhân không mệt mỏi, không căng thẳng, không áp lực, một cá nhân tự tin sống lạc quan, yêu thương gia đình, ứng xử với bạn bè, gia đình bình thường, đó là một trong những biểu hiện của chủ thế có khả năng ứng phó với stress và SNN một cách tương đối tốt. Nhóm người luôn tự tin và lạc quan sẽ ít khi vướng phải những rắc rối nào đó quá lâu. Nên mỗi khi nói đến ứng phó với SNN, không có nghĩa là ứng phó với mỗi tác nhân, điều kiện của nghề nghiệp, mà còn nói đến việc ứng phó đấy còn giúp cá nhân ổn định cuộc sống của chính mình khi đã tách ra khỏi môi trường nghề nghiệp ấy, vì đơn giản, con người là tổng hòa các mối quan hệ, không có ai không cần đi làm, cũng không có ai là không có một gia đình, một đời sống cá nhân riêng. Nên sự ứng phó với SNN cũng có thể được sử dụng khi cá nhân không trong môi trường nghề nghiệp thực sự.

Một phần của tài liệu Stress nghề nghiệp của người lao động trong các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn thành phố hà nội (Trang 29)