Gắn sản xuất an toàn với phát triển thương hiệu, nhãn mác

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tình hình đối với sản phẩm chè ở việt nam hiện nay (Trang 56)

Việc xây dựng thương hiệu, nhãn mác là tối cần thiết đối với bất cứ hàng hóa nào mà nhất là nông sản. Hiện tại đối với sản phẩm chè ở nước ta có rất nhiều vùng sản trồng chè truyền thống nổi tiếng tuy nhiên vẫn chưa có một nhãn hiệu cụ thể nào cho những loại chè này. Chúng được biết đến chủ yếu bởi tên gọi như chè Thái, chè Tân Cương,… đây mới là các loại chè gọi theo nơi chúng được sản xuất ra. Cùng với đó các đơn vị, khu sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn an toàn khác mặc dù đã được xuất khẩu sang các nước khác với giá khá cao tuy nhiên lại là theo nhãn hiệu của các công ty nước ngoài. Các công ty này nếu đăng ký sở hữu và xây dựng các nhãn hiệu chè thì lợi nhuận họ thu được từ việc làm này là rất lớn. Do vậy cần phải có các công tác xây dựng nhãn hiệu, đăng ký sở hữu trí tuệ, xây dựng chỉ dẫn địa lý, chứng nhận nhãn hiệu cho chè để ngày càng nâng cao giá trị chè Việt đồng thời người tiêu dùng nước ngoài biết đến thương hiệu chè của Việt Nam nhiều hơn. Qua đó thúc đẩy sản xuất chè trong nước, đặc biệt là mở rộng sản xuât chè theo tiêu chuẩn VietGAP.

Để làm được các điều nói trên Nhà nước cần có một kế hoạch dài hạn về việc xây dựng thương hiệu mặt hàng nông sản, chiến lược này phải là một bộ phận hợp thành quan trọng trong chiến lược tổng thể của Nhà nước đối với việc xây dựng thương hiệu cho hàng hóa Việt Nam. Bộ Thương mại kết hợp với Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn xây dựng một lộ trình với những bước đi thích hợp cho vấn đề này, và lộ trình này phải có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, các nhà khoa học và cả những nông dân trực tiếp sản xuất ra nông sản. Nhà nước cùng các cơ quan chức năng cử cán bộ hướng dẫn các cơ sở sản xuất về quy trình thủ tục đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm chè.

Các đơn vị, cơ sở sản xuất đã tiến hành áp dụng VietGAP vào sản xuất và đã được cấp giấy chứng nhận, đồng thời kết hợp với chế biến tạo ra sản phẩm chè cần chủ động đăng ký nhãn hiệu. Do các cơ sở sản xuất thường nhỏ nên việc đăng ký sở hữu nhãn hiệu nên theo vùng bằng việc kết hợp các đơn vị sản xuất nhỏ này thành đội nhóm sản xuất hoặc hợp tác xã… Kết hợp xây dựng thương hiệu với xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với các vùng chè nổi tiếng.

Việc xây dựng thương hiệu cho nông sản nói chung và chè an toàn nói riêng đỏi hỏi mất rất nhiều công sức và nguồn tài chính do vậy Nhà nước và các tổ chức tài chính cần hỗ trợ về nguồn vốn để thực hiện các hoạt động này.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tình hình đối với sản phẩm chè ở việt nam hiện nay (Trang 56)