Liên kết người sản xuất với doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tình hình đối với sản phẩm chè ở việt nam hiện nay (Trang 54)

Tạo mối liên kết giữa người sản xuất chè và các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình liên kết. Theo cách này, các doanh nghiệp sẽ là đóng vai trò chủ yếu trong việc tìm kiếm thị trường cũng như đảm bảo nguồn đầu vào cho quá trình sản xuất, thương mại của các doanh nghiệp này. Các tổ chức, hộ sản xuất có trách nhiệm thực hiện đúng quy trình sản xuất chè theo VietGAP để cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp kinh doanh chè. Hiện nay mối liên kết giữa người sản xuất và các doanh nghiệp (người tiêu thụ) còn rất kém, làm cho việc thực hiện VietGAP kém hiệu quả vì khó giải quyết đầu ra.

Một số doanh nghiệp vừa sản xuất chè vừa kinh doanh chè đã thực hiện theo mô hình này và đạt hiệu quả như công ty chè Phú Bền ở Phú Thọ. Các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh chè cần học tập mô hình này. Ở đây nhà doanh nghiệp muốn đảm bảo nguồn nguyên liệu chè để xuất khẩu ra các thị trường cao cấp cần tạo cho mình vùng sản xuất chè an toàn và ổn định. Muốn vậy cần đưa ra lợi ích cho người dân ở vùng chè để họ sản xuất theo yêu cầu của doanh nghiệp mà cụ thể là sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Các doanh nghiệp thực hiện hỗ trợ cho các hộ sản xuất vật tư đầu vào như giống chè, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật. Đồng thời ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm chè với các hộ sản xuất. Các hộ nông dân một khi đã được đảm bảo tiêu thụ đầu ra họ sẽ có trách nhiệm hơn trong việc thực hiện các yêu cầu của quy trình sản xuất chè theo VietGAP.

Các doanh nghiệp mở rộng tìm kiếm thị trường quốc tế nhất là các thị trường cao cấp như Nhật Bản, Mỹ, các nước châu Âu nhằm đảm bảo thị trường tiêu thụ ổn định. Tại các thị trường này yêu cầu về mặt chất lượng rất cao do vậy các doanh nghiệp cũng cần cập nhật các thông tin quy định về các tiêu chuẩn an toàn để cung cấp cho người sản xuất chè, từ đó đảm bảo sản phẩm đáp ứng được yêu cầu thị trường.

Các hộ nông dân nhỏ lẻ trong vùng sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP hợp thành một đội nhóm sản xuất hoặc một hợp tác xã để tạo điều kiện dễ dàng hơn trong việc liên kết, ký hợp đồng với các doanh nghiệp thu mua, chế biến.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tình hình đối với sản phẩm chè ở việt nam hiện nay (Trang 54)