Ngày nay ứng dụng CNTT trong Y tế đã góp phần giải quyết được nhiều vấn đề trong công tác Y tế một cách hữu hiệu. Công nghệ thông tin tại VN đã thâm nhập vào nhiều lĩnh vực của Y tế, làm thay đổi diện mạo hoạt động chăm sóc sức khoẻ, đặc biệt là việc ứng dụng CNTT Y tế vào các bệnh viện. Các thiết bị y khoa điện tử giúp chẩn đoán chính xác, máy xét nghiệm, các thiết bị điện tâm đồ, điện não đồ .. được số hoá, phần mềm quản lý bệnh viện giữ vai trò quan trọng giúp cho các bệnh viện giảm đi một khối lượng lớn công việc của ngành Y tế. Tuy vậy việc ứng dụng phần mềm quản lý bệnh viện tại các bệnh viện trên toàn quốc còn mang tính tản mạn và tự phát. Hậu quả của việc này là các phần mềm không đồng bộ, không có tính thống nhất, giá thành cao, gây lãng phí và tốn kém[34],[49].
CNTT Y tế ở nước ta có nhiều khó khăn, thách thức và đồng thời cũng có nhiều triển vọng. Đòi hỏi CNTT Y tế Việt nam phải từng bước đuổi kịp và tránh tụt hậu so với các nước khác trong khu vực và trên thế giới, yêu cầu phải xây dựng được phần mềm quản lý Y tế và các phần mềm ứng dụng khác trong Y tế có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu. Thuận lợi và triển vọng lớn của CNTT Y tế nước ta là việc rút kinh nghiệm và kế thừa các thành tựu của các nước đi trước trong kỹ thuật ứng dụng CNTT Y tế [35].
Theo khảo sát của Vụ điều trị năm 2005 cho thấy chỉ có 5% bệnh viện có trang bị phần mềm quản lý bệnh viện, tuy nhiên có những phần mềm không thật sự là phần mềm quản lý bệnh viện đúng nghĩa, mà chỉ là các modul rời rạc. Đến năm 2012 đã có hơn 65% bệnh viện toàn quốc ứng dụng phần mềm báo cáo thống kê của bệnh viện, 20% bệnh viện đã xây dựng hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện đồng bộ và ứng dụng thành công tin học hóa quản lý bệnh viện và đã đạt hiệu quả đáng kể trong công tác quản lý bệnh viện. Tuy vậy trình độ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện ở Việt Nam còn thấp so với nhiều ngành khoa học khác và còn kém xa các nước trung bình tiên tiến trong
20
khu vực, việc ứng dụng CNTT trong ngành Y tế chỉ mới dừng lại ở mức độ tính toán, ít phục vụ cho chuyên môn kỹ thuật của bệnh viện [1], [34], [40].
Nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhằm tăng cường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong các hoạt động của xã hội đã được cụ thể hóa qua Nghị định 64/2007/NĐ-CP của Chính phủ về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, Quyết định 32/2006/QĐ- TTG của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch phát triển viễn thông Internet, Quyết định 43/2008/QĐ – TTg về phê duyệt kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước để góp phần nâng cao chất lượng bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân[19], [20].
Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-BYT ngày 25 tháng 02 năm 2009 và công văn số: 5842/BYT- K2ĐT về việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong ngành Y tế [20]. Năm 2011 Bộ Y Tế ban hành quyết định số 2360/QĐ-BYT về việc phê duyệt kế hoạch ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin của Bộ Y tế giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015[21]. Ngay trong năm 2012, Bộ Y Tế tập trung triển khai một số dự án ưu tiên nhằm tăng cường ứng dụng CNTT phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khoẻ nhân dân như xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu Bộ Y Tế, đăng ký vốn cho cho dự án “Bệnh án điện tử và quản lý hệ thống khám chữa bệnh”, xây dựng chuẩn CNTT trong Ngành Y Tế, nâng cao năng lực hệ thống thông tin Y tế[1].