9. CẤU TRÚC CỦA LUẬN VĂN
3.2.1. Đổi mới công tác quy hoạch đội ngũ TTCM trường TCCN
3.2.1.1. Mục tiêu của giải pháp:
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 BCH TW Đảng khoá VIII đã khẳng định: “Quy hoạch cán bộ là một nội dung trọng yếu của công tác cán bộ, bảo đảm
cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động có tầm nhìn xa, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.“ ( 21, Tr 82).
Chính vì vậy, công tác quy hoạch đội ngũ TTCM có ý nghĩa rất to lớn. Nó nhằm mục đích làm cho công tác tuyển chọn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đội ngũ TTCM ở các trường TCCN được chủ động, đồng thời, nhờ có công tác quy hoạch mà yêu cầu về nâng cao chất lượng đội ngũ TTCM, cũng như nâng cao chất lượng giáo dục trước mắt cũng như lâu dài có thể được đảm bảo và ngày càng nề nếp hơn.
3.2.1.2. Nội dung của giải pháp:
Quy hoạch cán bộ là sự chuẩn bị xây dựng đội ngũ cán bộ làm cơ sở để bố trí, sắp xếp cán bộ theo kế hoạch, dự kiến ban đầu và liên quan chặt chẽ đến các khâu của công tác cán bộ như đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ... Trong công tác cán bộ, quy hoạch cán bộ là một nội dung trọng yếu được Ðảng ta rất coi trọng. Quy hoạch cán bộ nhằm tạo ra sự chủ động, tránh tình trạng bị động, hụt hẫng; nó thể hiện tầm nhìn chiến lược trong công tác cán bộ. Quy hoạch cán bộ cũng nhằm đảm bảo tính kế thừa vững chắc, liên tục giữa các thế hệ cán bộ, giữ gìn đoàn kết nội bộ và sự ổn định của hệ thống chính trị. Bám sát các quan điểm của Đảng, trong những năm qua, các cấp ủy đảng ở các cơ sở giáo dục đã chủ động đẩy mạnh công tác quy hoạch. Nhờ vậy chất lượng các khâu của công tác cán bộ từng bước đi vào nề nếp, ổn
định; góp phần đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ, do đó chất lượng đội ngũ cán bộ không ngừng được nâng lên.
Quy hoạch đội ngũ TTCM là một việc làm mang tính chiến lược, nó thể hiện được tầm nhìn của người HT trong công tác tổ chức. Để quy hoạch chính xác, người HT phải dự báo được quy mô phát triển, sự biến động về số lượng HS, đội ngũ GV nhà trường trong thời điểm hiện tại và tương lai (từ 5 đến 10 năm). Quan trọng nhất là phải tính đến việc xây dựng đội ngũ kế cận cho số lượng TTCM cần phải thay thế. Tiếp tục bồi dưỡng cho TTCM đang đảm nhiệm chức vụ; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục và vững vàng giữa các thế hệ TTCM của nhà trường. Đồng thời, người HT phải tập trung vào các vấn đề cụ thể:
- Phải đánh giá đúng đội ngũ TTCM, muốn vậy phải nhìn nhận khách quan, công tâm, biện chứng cả quá khứ, hiện tại và tương lai đối với mỗi cá nhân TTCM. Việc đánh giá không phải chỉ để khen chê mà điều quan trọng hơn là có hướng sử dụng và bồi dưỡng đội ngũ. Từ đó sẽ có quy hoạch và sắp xếp cán bộ hợp lý.
- Quy hoạch đội ngũ TTCM phải gắn chặt với việc đào tạo bồi dưỡng đội ngũ TTCM. Nếu chỉ có quy hoạch mà không đào tạo, bồi dưỡng những TTCM đã quy hoạch thì dẫn đến tình trạng TTCM khó trưởng thành, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ giáo dục và đào tạo.
- Công tác quy hoạch cán bộ thực chất là để có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng đội ngũ TTCM, giúp họ trưởng thành nhanh chóng theo đúng yêu cầu của công tác giáo dục hiện đại. Việc đào tạo, bồi dưỡng phải có mục đích, mục tiêu cụ thể và yêu cầu nhiệm vụ rõ ràng. Việc đào tạo, bồi dưỡng chung chung không đáp ứng được yêu cầu của công tác quy hoạch.
Phải có kế hoạch để làm tốt công tác quy hoạch đội ngũ TTCM, HT phải là người chủ trì đào tạo đội ngũ TTCM kế cận để bồi dưỡng họ phát triển
sớm đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao. Chính vì vậy, Hội nghị TW ba khoá VIII đã đề ra yêu cầu: " Cán bộ chủ trì phải điều hành thực hiện quy
hoạch chung về công tác cán bộ, đồng thời trực tiếp bồi dưỡng người kế cận thay mình. Trong một năm, phải có ít nhất một lần kiểm điểm việc thực hiện quy hoạch của mình và kiểm tra việc thực hiện quy hoạch của cấp dưới để kịp thời bổ sung, điều chỉnh".
- Phải có kế hoạch định kỳ để kiểm tra, tổng kết và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cán bộ nói chung và đội ngũ TTCM nói riêng. Công tác kiểm tra tổng kết sẽ góp phần thúc đẩy việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ TTCM. Từ đó sẽ khắc phục được các thiếu sót để nâng cao chất lượng công tác quy hoạch đội ngũ TTCM.
Để làm tốt công tác quy hoạch đội ngũ TTCM ở các trường TCCN phải hiểu đúng, làm đúng và có những biện pháp hiệu quả và thiết thực.
3.2.1.3. Cách thức thực hiện giải pháp:
Trên cơ sở các yêu cầu của công tác quy hoạch đội ngũ TTCM, phải có cách thức, quy trình, biện pháp tiến hành hợp lý thì mới đạt được hiệu quả và chất lượng.
- Trước hết phải có các căn cứ khoa học đúng đắn để xây dựng quy hoạch đội ngũ TTCM, phải xuất phát từ nhiệm vụ của từng đơn vị, đánh giá đúng đội ngũ TTCM và dự kiến đúng khả năng phát triển của đội ngũ này để xây dựng quy hoạch.
- Việc đánh giá đúng nhiệm vụ của TTCM là rất cần thiết, trên cơ sở yêu cầu đó, sẽ đòi hỏi phải có đội ngũ TTCM đáp ứng được những yêu cầu đặt ra. Từ đó đánh giá đúng chất lượng TTCM và khả năng phát triển của TTCM là công việc rất quan trọng. Đánh giá chất lượng TTCM phải bảo đảm tính khách quan, cơ sở khoa học và phải nhìn đúng thực trạng và khả năng
phát triển lâu dài của từng cá nhân TTCM. Phải tránh các hiện tượng đánh giá không công tâm chỉ mang tính chủ quan, cảm tình.
- Khi tổ chức xây dựng đội ngũ TTCM phải phối hợp giữa dự kiến của BGH, sự chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, Hội đồng nhà trường với đề xuất của các Khoa, Tổ bộ môn.
- Từ các căn cứ tổng quát sẽ phải tiến hành phân tích thông qua kế hoạch.
3.2.1.4. Điều kiện thực hiện giải pháp:
- Vấn đề quy hoạch cán bộ là một vấn đề phức tạp. Để thực hiện công
tác quy hoạch được tốt cần có sự tác động làm thay đổi về nhận thức, tư duy và phương thức tổ chức thực hiện. Vì vậy phải có phương pháp, cách tiến hành đúng đắn, khoa học, hợp lý.
- Phải làm tốt công tác dự báo qui mô phát triển của nhà trường qua các kế hoạch trung và dài hạn;
- Căn cứ vào qui mô phát triển để xây dựng qui hoạch đội ngũ TTCM theo từng khoa, từng ngành, từng giai đoạn phát triển và đúng theo cơ cấu;
- Xây dựng qui hoạch phải vừa động vừa mở, mỗi chức danh phải có hai người trở lên, sau qui hoạch phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra, đánh giá định kì một cách dân chủ, công khai;
- Chuẩn bị các nguồn lực để thực hiện qui hoạch, nhất là điều kiện tài chính, cơ sở vật chất kĩ thuật và sự chỉ đạo, tạo điều kiện của cơ quan quản lí cấp trên.