Các chuyên gia kinh tế ví vốn tín dụng như dòng máu chảy đến các bộ phận nuôi cơ thể là nền kinh tế, còn nợ xấu là cục máu đông xuất hiện ngăn dòng chảy này. Hiện cục máu đã phình to và gây tắc nghẽn khiến nền kinh tế ngày càng xanh xao. Do đó, xử lý nợ xấu là vấn đề cấp bách hiện nay của các NHTM nhằm khơi thông nguồn vốn lưu động từ các tài sản đóng băng, tạo thanh khoản cho ngân hàng. Xử lý nợ xấu để tạo điều kiện ngân hàng mở rộng giải ngân vốn tín dụng, hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, ổn định kinh tế vĩ mô.
Các ngân hàng cần có biện pháp xử lý ngay các khoản nợ xấu còn tồn đọng, ngăn ngừa các khoản nợ xấu mới phát sinh để giảm tỷ trọng nợ xấu trong dư nợ. Qua đó giảm chi phí do quản lý nợ xấu trong đó có chi phí trích lập dự phòng rủi ro để tăng hiệu quả kinh doanh. Ngân hàng kiểm soát việc tăng trưởng tín dụng phải phù hợp với quy mô vốn và năng lực quản trị. Tập trung vào phát triển chất lượng thay cho số lượng và tăng trưởng tín dụng nóng như thời gian qua. Ưu tiên
phát triển các danh mục cho vay được xem là có tiềm năng, trong đó tập trung vào các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, lĩnh vực ưu tiên phát triển của chính phủ trong từng thời kỳ như nông nghiệp, thủy sản, tài trợ mặt hàng xuất khẩu, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Giới hạn tốc độ tăng trưởng tín dụng đối với những danh mục cho vay được coi là gây rủi ro đáng kể, nguồn gốc tạo ra các khoản vay có vấn đề như vay đầu cơ chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản… Cho vay kinh doanh bất động sản tại các ngân hàng trong thời gian qua phần nhiều là dựa vào tài sản thế chấp mà không dựa vào nguồn thu nhập trả nợ của khách hàng. Các ngân hàng cần hạn chế điểm yếu này bằng cách yêu cầu khách hàng chuyển nguồn thu nhập qua ngân hàng để theo dõi thu hồi nợ, thực hiện chuyên môn hóa trong hoạt động cho vay bất động sản để ngân hàng có cơ sở giám sát, điều chỉnh hoạt động cho vay kịp thời. Mặc khác, nguồn vốn cho vay vào kinh doanh bất động sản chủ yếu là trên một năm. Do đó, để hạn chế rủi ro thiếu hụt thanh khoản vì chênh lệch kỳ hạn, các ngân hàng cần có kế hoạch ưu tiên huy động nguồn vốn trung dài hạn như trả lãi suất huy động cao hơn lãi suất ngắn hạn. Như vậy sẽ khuyến khích người dân gởi lâu dài và nguồn vốn sẽ ổn định hơn để đáp ứng cho các khoản dư nợ bất động sản.
Giảm bớt sự lệ thuộc vào nguồn thu nhập từ lãi và các khoản phí tín dụng nhằm phân tán rủi ro cho ngân hàng. Trong hoạt động của ngân hàng hiện đại, ngoài tín dụng thì các sản phẩm dịch vụ khác cũng mang lại phần lớn lợi nhuận cho ngân hàng. Các nguồn thu từ dịch vụ phi tín dụng như dịch vụ thẻ thanh toán, dịch vụ chuyển tiền, kinh doanh ngoại hối, các dịch vụ mới có nhiều tiềm năng như dịch vụ quản lý giữ hộ tài sản, cho thuê ngăn tủ sắt, các dịch vụ trọn gói cho khách hàng cao cấp. Đây là nguồn thu được các ngân hàng đánh giá là mang tính ổn định cao và ít rủi ro. Ngân hàng có thể phát triển các sản phẩm mới kết hợp giữa sản phẩm tín dụng với dịch vụ tư vấn quản trị tài chính, tư vấn chiến lược kinh doanh và kết hợp sản phẩm bảo hiểm. Việc tư vấn cho khách hàng giúp cả ngân hàng và khách hàng phát hiện sớm các vấn đề rủi ro khi cấp phát tín dụng, giúp ngân hàng thu thêm một khoản chi phí và gắn kết mối quan hệ giữa hai bên.
Sản phẩm tín dụng gắn kết bảo hiểm (bảo hiểm tiền vay nếu người vay tiền bị mất, bảo hiểm cháy nổ tài sản đảm bảo..) giúp ngân hàng chuyển rủi ro cho công ty bảo hiểm khi người vay tiền gặp rủi ro...
NHTM có các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp: trên cơ sở đánh giá tình hình tài chính và lịch sử trả nợ của khách hàng, ngân hàng xem xét các biện pháp hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn tạm thởi. Các giải pháp như: cơ cấu lại thời gian trả nợ đảm bảo thời gian vay phù hợp chu kỳ sản xuất kinh doanh, miễn giảm một phần vốn lãi cho khách hàng, tạo điều kiện để khách hàng được tiếp tục vay tiền để duy trì hoạt động kinh doanh, có nguồn thu nhập trả nợ, thường xuyên kiểm tra giám sát vốn vay để đảm bảo vốn được sử dụng đúng mục đích, kịp thời phát hiện các dấu hiệu khó khăn của khách hàng để có biện pháp hỗ trợ.
Các ngân hàng bán nợ xấu có tài sản đảm bảo cho công ty mua bán nợ xấu của nhà nước (VAMC), các công ty mua bán nợ xấu tư nhân để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, giảm rủi ro tín dụng, làm lành mạnh hóa tình hình tài chính và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Sử dụng nguồn quỹ từ trích lập dự phòng để xử lý rủi ro nợ xấu theo quy định. Chuyển nợ thành vốn góp của doanh nghiệp vay. Cơ cấu lại các khoản nợ. Đồng thời xử lý nhanh tài sản đảm bảo để thu hồi nợ đối với các khoản nợ xấu có thể thu hồi.Thông thường ngân hàng cho vay tối đa 70% giá trị tài sản đảm bảo (bất động sản, hàng hóa, xe ô tô, máy móc thiết bị). Nếu trừ đi các khoản như : chi phí thi hành án, giảm giá do yếu tố kinh tế, tài sản thì giảm giá do các ngân hàng bán tài sản thu nợ ồ ạt…thì ngân hàng vẫn có thể thu hồi được dư nợ gốc và phần lãi phát sinh.