TÍN DỤNG CHIẾM TỶ TRỌNG LỚN TRONG GDP

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Đảm bảo an toàn tín dụng trong hệ thống Ngân hàng thương mại Việt Nam (Trang 68)

Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng tăng trưởng với nhu cầu vốn cao. Tuy nhiên, thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu) nước ta vẫn chưa phát triển

nên để tài trợ cho các dự án kinh tế đa phần từ tín dụng ngân hàng. Nguyễn Văn

Giàu,(2013), cho biết dư nợ tín dụng năm 2012 của Việt Nam chiếm 104% GDP (năm 2011 là 120% GDP), vốn hóa thị trường chứng khoán năm 2012 là 26% GDP. Như vậy, nếu xét về cơ cấu vốn, các ngân hàng phải sử dụng nguồn vốn huy động ngắn hạn để tài trợ các dự án trung dài hạn. Để tránh mất cân đối và thiếu hụt thanh khoản, các ngân hàng thời gian qua chạy đua nhau về lãi suất và các hình thức cạnh tranh không lành mạnh khác để có thể huy động kỳ hạn dài. Điều này có thể giúp ngân hàng tránh thiếu hụt vốn tạm thời nhưng đã gây rối loạn thị trường và ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của nhà nước.

Chính sách mở rộng tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian dài. Về mặt lý thuyết, khi tăng trưởng tín dụng cao sẽ đi đôi với tăng trưởng kinh tế cao. Tuy nhiên, khi cung tiền cho nền kinh tế tăng lên thì nguy cơ lạm phát cũng xuất hiện và gây ảnh hưởng đến nền kinh tế và hệ thống ngân hàng. Thực tế cho thấy, tăng trưởng tín dụng giai đoạn 2007-2010 là rất cao, trung bình khoảng 30%, riêng năm 2007 tăng lên tới 54% so với năm trước. Tương ứng mức tăng trưởng tín dụng thì tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) giai đoạn này cũng ở mức khá, trung bình 6.5%/năm trong điều kiện chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nếu so sánh giữa GDP và tăng trưởng tín dụng, ta thấy tăng trưởng tín dụng cao gấp gần

5 lần so với tăng trưởng kinh tế. Cũng có nghĩa là dư nợ tín dụng/GDP ngày càng chiếm tỷ trọng cao. Điều này cũng cho thấy, các doanh nghiệp lệ thuộc quá nhiều vào tín dụng. Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chính sách công, chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright (2012) cho biết theo số liệu nghiên cứu từ Fullbright, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu bình quân trọng số theo giá trị sổ sách tổng hợp từ báo cáo tài chính quí 2/2012 của 647 công ty phi tài chính niêm yết trên hai sàn chứng khoán Việt Nam đạt tới 1,53 lần. Trong khi các con số này ở thị trường niêm yết Mỹ năm 2011 là 1,2 lần và Trung Quốc là 1,06 lần. Hơn nữa, tỷ lệ này tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn cao hơn và chiếm trên 1,73 lần. Nhóm có tỷ lệ vay nợ cao nhất vẫn là khu vực xây dựng, bất động sản đạt 2,07 lần, tất nhiên là nhóm có tỷ lệ vay nợ thấp là khu vực sản xuất hàng tiêu dùng 0,8 lần và khu vực chế biến sản phẩm nông nghiệp là 1,05 lần. Tất nhiên về quy mô tuyệt đối thì không phải là quá lớn, nhưng việc dựa quá nhiều vào vốn vay ngân hàng, khi siết cho vay cùng với thị trường suy giảm, các doanh nghiệp lập tức khó thích nghi. Mặc khác, khi doanh nghiệp quá lệ thuộc vào tín dụng thì ngân hàng sẽ mở rộng tín dụng dễ dãi và đẩy lãi suất lên cao để tăng lợi nhuận. Đây là nguồn gốc của các khoản nợ xấu khi doanh nghiệp gặp khó khăn. Tín dụng chiếm tỷ trọng lớn trong GDP nên khi các NHTM gặp khó khăn, không thể đảm đương vài trò huyết mạch dẫn máu thì sẽ gây biến động kinh tế vĩ mô. Ngược lại, khi nền kinh tế có biến động như lạm phát, suy thoái cũng sẽ tác động tiêu cực lên hệ thống ngân hàng.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Đảm bảo an toàn tín dụng trong hệ thống Ngân hàng thương mại Việt Nam (Trang 68)