Xây dựng nhân vật kì ảo qua ngôn ngữ đối thoại

Một phần của tài liệu Yếu tố kỳ ảo trong truyện ngắn ngô tự lập (Trang 71)

6. CẤU TRÚC L‎UẬN VĂN

3.2.2. Xây dựng nhân vật kì ảo qua ngôn ngữ đối thoại

Ngôn ngữ đối thoại trong truyện ngắn Ngô Tự Lập có vị trí đặc biệt trong nghệ thuật xây dựng nhân vật. Bởi ngoài chức năng giao tiếp, đối thoại thì ngôn ngữ nhân vật trong truyện ngắn Ngô Tự Lập còn bộc lộ tính cách và bản chất nhân vật. Ngôn ngữ đối thoại mang đến chiều sâu tâm hồn và đối thoại nội tại.

Thông qua những phát ngôn đối thoại khác thường, nhà văn đã đặc tả thành công chất kì ảo cho nhân vật.

Chuyện chim vàng là một ví dụ. Cuộc gặp gỡ kì lạ giữa bà thằng Dần

và mụ lão, những lời đối thoại khác thường tạo cho câu chuyện một không gian nửa hư nửa thực:

“ – Bà là ai, bà cần gì, hay bà từ chỗ thằng Hậu tôi? – Tôi hỏi cho có chuyện nhưng cũng là để che đậy vẻ lúng túng.

(…)

Tôi chẳng quen ai có tên là Hậu cả nhưng tôi có thứ còn quý hơn vàng. Âm thanh cuối cùng từ miệng mụ ta khiến tôi rùng mình thực sự. Tôi quyết định mềm mỏng để hoãn binh.

Hình như bà từ xa tới. Chắc bà đang đói bụng? (....) Đột nhiên mụ bảo:

Trước đây tôi cũng có một đứa cháu. Trai hay gái nhỉ? Ô, tôi đã lai quên mất rồi. Mới hôm qua, lúc kể chuyện này ở Két, tôi vẫn còn nhớ cơ mà. Tôi còn nhớ cả tên làng tôi nữa. Thế mà...(...). Cái quán của bà cháu tôi ở dưới gốc gạo ấy. Người ta bảo là quỷ cây đa, ma cây gạo, bấy giờ tôi chẳng tin, chẳng tin nên mới ra đấy mà ở. Bây giờ thì tôi tin, tin nên mới lang bạt thế này.

Bà cũng mở quán ư?

Mụ ta không thèm để ý đến câu hỏi của tôi. Tay mụ ru mỗi lúc một mạnh hơn. Ánh mắt mụ liếc nhanh về cái nôi của thằng Dần.

Thằng cháu nội của tôi đấy, nó sắp đầy tuổi tôi. (...)

Chiều chiều khi đóng cửa quán, tôi tắm cho nó bằng nước lá. Mụ kể tiếp: - Một hôm tôi trông thấy trên đỉnh đầu nó một cái nhọt nhỏ bằng hạt đậu. Thật lạ, buổi sáng lúc đặt cho nó ngủ, tôi không hề để ý. Cái nhọt đã lên mủ, còn thằng nhỏ vẫn ngủ li bì. Tôi khẽ khàng nặn cái nhọt cho nó. Dòng mủ màu trắng đục như bã rượu. Chưa bao giờ tôi thấy một cái nhọt nhỏ mà mủ nhiều đến vậy. Tôi với chiếc áo cũ để thấm và nặn tiếp. Chẳng mấy chốc cái áo đã ướt đẫm.

Tôi cứ nặn mãi, nặn mãi, càng nặn càng thấy mủ ra nhiều. Chẳng hiểu sao cảm giác là lạ mỗi lúc một dâng lên mà tôi không hề dừng lại. Cho đến lúc tôi rùng mình vì sợ hãi: hóa ra tôi đã nặn hết óc cháu tôi rồi...” [25, 239-240]

Lời đối thoại trên của hai nhân vật tưởng như không ăn nhập với nhau. Kẻ hỏi một đằng, người trả lời một nẻo. Thế nhưng chúng lại trùng khớp trong việc tạo ra hiệu ứng về sự kinh sợ, ghê rợn cho độc giả.

Chính ngôn ngữ đối thoại của nhân vật góp phần quan trọng thể hiện thành công chất kì ảo cho tác phẩm.

Cuộc đối thoại lạ kì giữa hai nhân vật: nhân vật tôi và nhân vật ông lão kì lạ trong Mộng du II được nhà văn sử dụng rất thành công trong việc thể hiện chất kì ảo cho tác phẩm:

“Tôi lại gần giá sách, rút một cuốn, lật xem. Cuốn sách được viết bằng một thứ chữ kì dị và khó hiểu.

- Đó là những tác phẩm của tôi - Chủ nhân nói, không giấu vẻ hài lòng.

- Tiếng Khuông Cơ - Ông ta giải thích - Đó là một dân tộc đã bị tuyệt diệt. Bây giờ ngoài tôi ra không ai hiểu thứ tiếng này. Năm tôi mười chín tuổi, một ông già mắc bệnh bướu cổ, người cuối cùng của dân tộc ấy đã dạy tôi. Ông ấy chết lâu rồi.

Tôi ngạc nhiên:

- Vậy ông viết những sách này để làm gì?

Mặt ông ta đỏ lên. Hình như ông ta bắt đầu bực dọc, nhưng sau đó bình tĩnh lại, nói với giọng độ lượng:

- Rõ ràng ông không hiểu gì về nghệ thuật. Tất nhiên tôi viết sách không phải để vứt đi. Đối tượng phục vụ của nghệ thuật bao giờ cũng phải là con người. Nó làm cho con người trở nên người hơn.

- Nếu vậy ông phải viết làm sao để cho mọi người hiểu được chứ? Tại sao ông không viết bằng tiếng Việt?

- Tôi không biết viết bằng tiếng Việt, cũng giống như không biết nói tiếng Khuông Cơ.

- Ông thử dịch ra tiếng Việt? - Tôi rụt rè nói sau một hồi ngẫm nghĩ. - Dịch cũng chỉ là viết lại mà thôi. Nếu dịch được thì tôi đã viết bằng tiếng Việt.

- Thế tên những cuốn sách này là gì? - Tôi cố hỏi một lần nữa.

- Tôi không biết tiếng Việt gọi là gì. Muốn đọc nó cần phải biết tiếng Khuông Cơ.

Chúng tôi cùng im lặng. Lát sau, để không khí khỏi trở nên gượng gạo, tôi quay sang hỏi chủ nhà về nghề nông. Dễ nhận thấy đó cũng là sở thích của ông ta.

- Ông xem, vụ này nhất định tôi sẽ bội thu - Ông ta vừa nói vừa hào hứng chỉ tay qua cửa sổ - Lúa rất tốt. Hy vọng nó sẽ bù đắp lại công sức tôi bỏ ra trong suốt mười năm qua.

Tôi sửng sốt nhận thấy loại thực vật mọc um tùm trên cánh đồng hoàn toàn không phải là lúa. Lúc này tôi mới để ý rằng đó chính là thứ cỏ gai chất thành những đống cao phía sau nhà.

Trong lúc đó chủ nhà vẫn say sưa kể:

- Trong mười năm qua tôi đã gieo cấy hai mươi lần cả thảy. Tôi đã làm lụng như bị khổ sai, chỉ trừ lúc ngồi vào bàn viết. Tôi đã bỏ ra rất nhiều tiền của để mua giống, phân bón và nông cụ, nhưng sản phẩm thu được chỉ là thứ cỏ gai vô tích sự. Thứ cỏ đáng nguyền rủa ấy đốt không cháy nên đến dùng làm củi cũng không được. Nhưng ông thấy đấy, lần này tôi sẽ thành công.

Chúng tôi lại cùng im lặng.

Lần này người nói trước là ông ta.

- Tất cả những gì tôi làm đều dành cho con người. Đó là mục đích tồn tại của tôi. ít ai hiểu được điều ấy. Cha mẹ tôi cũng không hiểu. Họ để lại cho tôi một món tiền lớn và nghĩ rằng tôi sẽ hạnh phúc với cuộc sống đầy đủ và nhàn hạ....” [25, 269-270]

Ngoài ra, còn rất nhiều tác phẩm nhà văn đã phát huy đắc lực hiệu quả của việc sử dụng ngôn ngữ đối thoại của nhân vật để tạo nên chất kì ảo đặc thù cho tác phẩm như cuộc đối thoại của ông già và anh thuyền trưởng trong truyện ngắn L‎ửa trong lòng biển, đối thoại giữa ông già kì dị và nhân vật tôi trong tác phẩm Hóa thân...

Lời đối thoại trong truyện ngắn Ngô Tự Lập thiên về việc bày tỏ chính kiến, khẳng định ý thức chủ thể của nhân vật. Thông qua những câu chuyện đối thoại mang tính chất huyễn hoặc, kì ảo nhà văn như đẩy người đọc đến một thế giới của những chuyện lạ kì, hoang đường và ma quái.

Đối thoại là thứ vũ khí sắc bén, giúp nhà văn lột tả được chất kì ảo, mơ hồ, mông lung của nhân vật. Qua ngôn ngữ đối thoại, người đọc như một lần nữa xâm nhập sâu hơn vào tính hoang đường, kì ảo của truyện ngắn Ngô Tự Lập.

Một phần của tài liệu Yếu tố kỳ ảo trong truyện ngắn ngô tự lập (Trang 71)