Nhân vật ma

Một phần của tài liệu Yếu tố kỳ ảo trong truyện ngắn ngô tự lập (Trang 44)

6. CẤU TRÚC L‎UẬN VĂN

2.2.1. Nhân vật ma

Trong lời tựa tác phẩm Ma với tư cách là nhân vật văn học của mình, Ngô Tự Lập viết:

“Những linh hồn đã chết lâu rồi Nhưng sẵn sàng sống lại

Cựa quậy, ca hát, nói cười...” [29, 127]

Đây cũng là cách nhìn nhận về vấn đề nhân vật ma trong tác phẩm của nhà văn. Theo ông, “Trong suốt lịch sử của mình, chẳng có gì ám ảnh con người nhiều hơn cái chết. Con người biết rằng họ không thể tránh khỏi cái chết, nhưng đồng thời họ cũng không thể chấp nhận điều đó. Ma chính là kết quả của giấc mơ về sự bất tử.” [29, 135]

Nhân vật ma, chi tiết liên quan đến ma có ý nghĩa rất lớn trong việc chuyển tải quan niệm nghệ thuật của nhà văn. Một mặt, nó biểu hiện văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người Việt là luôn tin vào sự hiện hữu của con người cõi âm. Mặt khác, nó còn gửi đến người đọc những cảm xúc thẩm mĩ, những trăn trở về cuộc sống con người trong thời đại mới.

Tính chất lì kì, rùng rợn của yếu tố kì ảo ma quỷ tạo cảm giác lạnh buốt sống lưng cho người đọc.

Quan niệm về ma ở mỗi thời đại, mỗi dân tộc cũng có sự khác nhau. Ma trong quan niệm của văn học phương Tây bao giờ cũng gắn liền với cái xấu và cái ác. Trong quan niệm của người phương Đông cổ xưa, ma là một thực thể tinh thần. Người ta gọi linh hồn của người chết là hồn ma. Ma cũng có sức mạnh siêu nhiên như thần thánh có thể tác oai tác quái, ban phúc hay tiên tri số mệnh, vận hạn cho người sống. Đặc biệt chúng có khả năng biến lẫn vào thân thể người khác hay cư trú vào bất cứ thực thể nào, gây ra bệnh tật, chết chóc gọi là ma nhập, ma ám hay ma cư trú.

Theo quan niệm của người Việt xưa, thế giới của người âm gián cách trên bàn thờ, trong cây đa, cây đề, bến nước, ngôi chùa… Cõi địa phủ ấy cất giấu linh hồn tạo vật để tạo ra những điềm báo về cõi dương gian mà theo kinh nghiệm của dân gian sẽ biết đó là điềm gở hay điềm lành. Từ đó con người có những cách giải hạn khác nhau. Về vấn đề này, Ngô Tự Lập viết: “Người phương Đông cho rằng cây cối, muông thú và đồ vật cũng có linh hồn. Trong văn học Việt Nam, ma cây, ma thú, ma đồ vật... xuất hiện rất nhiều.” [29, 136]. Theo ông, mỗi người đều có một linh hồn, thể xác là thứ hữu hạn còn linh hồn thì bất tử : “Khi thân thể chết đi, linh hồn thoát ra và tiếp tục tồn tại” [29, 135]

Trong tâm thức người Việt vẫn luôn tâm niệm rằng có một cõi âm tồn tại song song với cõi dương. Dương gian là thế giới của “người trần, mắt thịt”, thế giới của những người trần đang sống còn cõi âm là thế giới của những bóng ma, hồn ma, thế giới của những người đã mất.

Trong văn học những câu chuyện về hồn ma, bóng quỷ đã tồn tại từ xưa. Theo dòng chảy thời gian những câu chuyện về ma ngày càng nhiều lên. Mỗi thời, truyện ma lại có những cách thể hiện khác nhau. Ngô Tự Lập quan niệm: “Ma chính là kết quả của giấc mơ về sự bất tử. Ở cả phương Đông lẫn phương Tây, ban đầu người ta quan niệm rằng trong mỗi người có một linh hồn.(...) Nhưng ma cũng là cách để người xưa giải thích bí ẩn của tư duy. Theo họ, khi con người suy nghĩ thì đó là linh hồn trong con người đó suy nghĩ.” [29, 135]

Trong truyện ngắn Ngô Tự Lập, nhân vật ma xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Có khi chỉ là những hình ảnh thoáng qua trong tâm trí người còn sống, có khi đó là cuộc đối thoại bất ngờ, li kì giữa một người trần và một người đã mất, có khi đó là những tiếng kêu rùng rợn phảng phất trong không gian…

Nhạc điệu của âm giới là những âm thanh: gào rú, rì rầm, hổn hển, chập chờn, sột soạt, thều thào…Không gian của âm giới là xám xịt, tịch mịch, u ám và tối tăm.

Nhân vật ma – người đã chết xuất hiện khá nhiều trong truyện ngắn Ngô Tự Lập. Tuy nhiên đặc điểm chung của các bóng ma này không nhằm mục đích gây kinh hãi cho người đọc như các truyện kinh dị, Ngô Tự Lập mượn hình ảnh bóng ma, âm hồn để thể hiện sự cô đơn và tình người trong đó.

Trong truyện ngắn Ngôi sao trên đỉnh dốc Mù Chang, tác giả kể lại cuộc gặp gỡ kì lạ của bà Hai Vách và con trai bà - anh Hùng, người đã có giấy báo tử từ bốn năm về trước: “Hùng hiện ra trước cửa. Thằng Hùng đây, thằng tí của bà đây. Nó mặc quân phục màu cỏ úa, ba lô trên vai, chiếc mủ có ngôi sao lấp lánh, cao quá, chững chạc quá, đúng như bà tưởng tượng. Hai mẹ con ôm lấy nhau mà khóc thỏa thuê…”[25, 136]

Cuộc gặp gỡ kì lạ giữa người mẹ già cô đơn và anh liệt sĩ có giấy báo tử từ bốn năm trước. Cả dân làng không ai biết rằng đêm trước ngày ra đi bà đã có cuộc hội ngộ kì lạ ấy. Vì lẽ đó nên ắt hẵn trên môi bà vẫn còn vương nụ cười hạnh phúc lúc nhắm mắt, buông tay.

Trong truyện ngắn Bức tường cuối cùng, tác giả mô tả hành động, diễn biến tâm lý của một người đã mất: “ Những tiếng gầm thét không sao thoát được ra khỏi miệng. Hắn nhảy xổ đến, tóm lấy cổ thằng Lộ làm nó giật bắn người. Hắn đấm, đá, hắn cào cấu như điên như dại, còn thằng Lộ lúng túng chống đỡ. Nó hoa chân múa tay như một con rối, nhưng miệng vẫn không hề mấp máy…”[28, 115]

Truyện ngắn này lại đề cập đến một vấn đề khác trong quan niệm về nhân vật ma. Trong tác phẩm, nhà văn đi sâu vào việc phản ánh hành động và tâm trạng của một người đã mất. Đó là những chuỗi tâm trạng hoảng loạn, bất an và bất lực.

Qua diễn biến tâm trạng của nhân vật nhà văn phản ánh một góc nhìn khác về đời sống tâm linh, đặc biệt thông qua sự bấn loạn, hoảng hốt trong chuỗi tâm trạng của nhân vật, nhà văn muốn phản ánh nỗi cô đơn cùng cực trong tâm hồn con người. Đồng thời cho thấy khát khao được sống, được hòa nhập với cộng đồng của nhân vật.

Trong tác phẩm Bảng chữ cái, Ngô Tự Lập đã tạo dựng một câu chuyện li kì, huyễn hoặc trong cuộc gặp gỡ giữa nhân vật tôi và một người đã mất có tên nằm đầu tiên trong bảng chữ cái.

Tác giả miêu tả cuộc gặp gỡ bất ngờ và kì quái giữa hai nhân vật như sau: “Có lẽ tôi đã ngủ rất lâu trước khi bị lay dậy một cách dữ dội. Tôi cố nằm thêm, mặc dù đó không phải là thói quen của một người lính cũ. (…)Đột nhiên tôi linh cảm thấy điều gì đó :

- Ai?

Một người đàn ông ngồi yên trên ghế từ bao giờ, ung dung như ông ta vẫn ngồi yên như thế từ lâu lắm, trên chiếc ghế đẩu đã tróc sơn mà ngày trước cha tôi vẫn ngồi khi đàm đạo với tôi.” [28, 17-18]

Toàn câu chuyện là cuộc đối thoại, trao đổi lúc nhẹ nhàng hóm hỉnh, lúc gay gắt, tranh cãi kịch liệt xung quanh vấn đề nên hay không việc thay đổi bảng chữ cái. Theo đó ông già đã kể về cái chết oan uổng của mình mà nguyên nhân xuất phát từ bảng chữ cái. “ Năm ấy, sau khi nghĩa quân Cả Then định dùng cỏ khô tẩm nhựa thông đốt tàu Tây bị lộ, Tây cho người lùng sục giữ lắm. Cả Then về sau cũng bị Tây bắt, đem treo cổ(…). Người ta trói cánh khuỷu đám đàn ông lại, sắp thành hàng giữa sân, còn đám đàn bà thì đuổi cả vào nhà bếp, khoá trái cửa. "Thằng Cả Then đâu?" - Họ dí đèn vào mặt từng người. Chúng tôi run như cầy sấy, sợ đến vãi đái. Một anh sinh viên năm thứ nhất, chúng tôi gọi là dân "tò he", đứng cạnh khóc lóc, van lạy như mưa. Nhưng chúng tôi nào có biết mô tê gì mà khai.” [28, 26-27]

“Người đầu tiên bị gọi tên là tôi. Chưa kịp định thần, tôi đã bị hai thanh niên lực lưỡng tóm chặt lấy tay, đẩy mạnh ra trước chiếc bàn đặt đèn bão.Tôi muốn kêu nhưng cổ nghẹn lại. Nỗi uất hận dâng lên trong ngực. Rồi một cảm giác mát lạnh lướt qua sau gáy rất nhanh trước đầu tôi rơi xuống đất và tiếng đám đàn bà rú lên.” [28, 27]

Ma trong tác phẩm Ngô Tự Lập cũng có đời sống phát triển phức hợp, khi mất, nhân vật ông lão kì lạ này mới hai mươi bảy tuổi nhưng khi gặp “tôi”, ông đã thành ông lão. Như vậy có nghĩa là ông vẫn sống, trưởng thành và phát triển trong thế giới của cõi âm. Đồng thời ông vẫn luôn canh cánh trong lòng nỗi oan ức khi bị chết oan vì cái tên đầu tiên trong bảng chữ cái. Sự xuất hiện và biến mất của ông già rất bất ngờ và đột ngột

“Tôi đưa ông già xuống cầu thang. Ông đi rất nhanh” [28, 28].”Tôi mở cửa cho ông già và rùng mình vì lạnh”. “Mãi lúc đó tôi mới chợt nhớ rằng ông già đã chết.” [28, 29]

Theo quan niệm của Ngô Tự Lập, không những con người mà kể cả loài vật cũng có linh hồn, và linh hồn ấy không chỉ tồn tại khi ở trên dương gian mà ngay cả khi về với cõi âm nó vẫn tồn tại.

Thông qua phát ngôn của ông lão trong Chiếc cầu nối hai bờ thế giới,

Ngô Tự Lập nói đến sự trừng phạt của những linh hồn: “Thực chất thì chính là cái chết của con Mướp, hoặc đúng hơn hồn ma của nó, đã làm điều đó. Mụ chạy xuống cầu thang, cái cầu thang què quặt, chạy xuống để rồi không bao giờ chạy lên nữa” [28, 36]

Trong truyện ngắn Đứa con của đất, thông qua cuộc đối thoại giữa bà và nhân vật Sùng, Ngô Tự Lập đã nói về nỗi ám ảnh của mọi dân cày lam lũ về hồn người, hồn đất, linh hồn của núi sông.

”Có những lần, khi con trâu lầm lũi bước trên bờ ruộng mấp mô, Sùng chợt nghe tiếng người cất lên ai oán. Sùng ngẩng đầu, kinh ngạc thấy xung quanh chẳng hề có một ai. Về nhà Sùng hỏi bà. Bà bảo:

- Hồn gì hở bà?

- Hồn người chết, hồn đất, hồn trời... Cái gì mà chả có hồn. Những ai sống khổ quá thì lúc chết hồn hiện lên kêu khóc.

Câu chuyện về hồn người, hồn đất ám ảnh Sùng suốt thời thơ ấu và cả sau này nữa, khi anh vào bộ đội. Dần dần Sùng hiểu rằng đó là nỗi ám ảnh không chỉ của riêng anh, mà của cả ông bà, cha mẹ, của mọi người dân cày lam lũ.” [25, 144]

Truyện ngắn Đợi bạn, gây nhiều ám ảnh cho người đọc về tình đồng chí, đồng đội về số phận của con người trong chiến tranh, về những mất mát hy sinh, những đánh đổi bằng xương máu của dân tộc ta. Tác phẩm đề cập nhiều đến cái chết, sự tang thương, gợi sự rùng rợn, kinh dị.

Nhân vật tôi là kiểu nhân vật: người – ma, kiểu nhân vật linh hồn hay nói cách khác là nhân vật ma: “Thân xác tôi ở chân núi Đụn, dưới tảng đá đầu voi màu xám chì đã bị cỏ lau um tùm che lấp.(…). Đôi chân đã cháy thành than dưới gầm xác xe tăng, còn cái đầu lâu văng ra bờ suối. Nước lũ cuốn ra sông cái cùng vô số cành cây bị pháo chặt, nó trôi, khi nổi, khi chìm, nhưng không ra đến biển. Nó mắc lại trên bãi bùn của cửa Vẹm, giữa hai gốc sú, mỗi hốc mắt giờ có một con tôm sắt già trú ngụ” [25, 115-116]. Đó là nơi thân xác nằm lại còn linh hồn vẫn sống, vẫn thở, vẫn buồn, vẫn vui, vẫn mệt mỏi, vẫn đi lại, vẫn chờ đợi và hy vọng: “Hình như nắng, gió đã từng là niềm hân hoan đâu đó trong tiềm thức xa xôi, khi tôi còn bé dại, nằm trong lò rèn của cha nhìn ra khe cửa...Chúng làm tôi mệt mỏi..” [25, 115]

Nhân vật ma trong truyện ngắn Ngô Tự Lập là sự nối tiếp của nhân vật con người ở một cõi khác. Xây dựng nhân vật ma, nhà văn lại có thêm một góc nhìn khác về con người. Ma trong truyện ngắn Ngô Tự Lập cũng có tâm tư, tình cảm, có những khắc khoải, những khát khao mãnh liệt như bao con người đời thường khác.

Thông qua sự xuất hiện của những người đã mất, những nhân vật ma, Ngô Tự Lập thể hiện cái nhìn đa chiều về thế giới tâm linh bí ẩn của con

người. Sự xuất hiện đột ngột của họ cho thấy cái nhìn ảo hóa về cuộc sống của nhà văn.

Một phần của tài liệu Yếu tố kỳ ảo trong truyện ngắn ngô tự lập (Trang 44)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(105 trang)
w