6. CẤU TRÚC LUẬN VĂN
2.2.2. Nhân vật thần thánh
Trong các truyện ngắn của mình, Ngô Tự Lập đã nhiều lần nhắc đến các thánh thần linh thiêng được mọi người tôn sùng. Điều kì lạ là Ngô Tự Lập nhìn nhận, soi chiếu các nhân vật dưới cái nhìn của đời thực. Vì thế nên các thánh thần linh thiêng dưới ngòi bút của ông cũng mang những cố tật, những tội lỗi rất đời thực. Không còn cái khoảng cách tôn sùng, ngưỡng mộ, thành kính giữa người trần và thánh thần mà ngược lại các thánh thần ấy cũng có những tội lỗi rất giống con người.
Trong truyện ngắn Tội lỗi đầu tiên của thánh Mah Gahn, nhân vật thần thánh được thể hiện qua nhân vật “tôi”:
“Tôi cũng là một con người, có lúc hay lúc dở, có lúc đúng đắn có lúc sai lầm, nay điểm lại thấy mình đã làm tất cả những gì có thể làm được. Về điểm này tôi không có gì ân hận.” [28, 43]
Thánh Mah Gahn mở đầu câu chuyện về những lầm lỗi trong cuộc đời mình. “Tôi viết những dòng này trong lúc đầu óc hoàn toàn minh mẫn, không phải vì khiêm tốn hay muốn giáo huấn điều gì, mà chỉ như một lời tâm sự.” [28, 41]
Trong truyện ngắn Socrate, Ngô Tự Lập đã xây dựng nên một nhân vật Socrate rất đời thực, rất người. Trong con mắt của vợ ông Xanphippe – người cận kề nhất với Socrate thì ông cũng là một ông chồng với rất nhiều tật xấu như bao ông chồng khác. “Thực ra, Socrate không phải là một người chồng mẫu mực, nếu như không nói là vô trách nhiệm. Chính Xanphippe cũng có lần gọi ông là một kẻ du thủ du thực mà suốt đời chẳng bao giờ giúp vợ con được lấy một mẩu bánh hay một đồng xu nhỏ.” [25, 291]
Người vợ là người tiếp xúc với chồng nhiều nhất nên hơn ai hết bà là người hiểu rõ nhất những thói hư tật xấu của chồng. Trong con mắt của bà
chồng bà không phải là đấng tối cao, là thần thánh linh thiêng mà chỉ đơn giản là một ông chồng theo đúng nghĩa của nó.
Và điều đáng nói không chỉ dừng lại ở đó, Socrate cũng mang nhiều sai phạm, điều mà ông ăn năn nhất trước lúc chết là đã quỵt nợ một con gà của ông gù chủ quán rượu.
“- Criton, ta nợ Asclepius (1) một con gà, con nhớ trả (2)!
Platon đã ghi lại chính xác câu nói cuối cùng của Socrate?” [25, 298] Vậy là thánh thần cũng ăn quỵt một con gà… Rất chân thực, rất đời sống và cũng rất con người.
Trong truyện ngắn Đường tới thiên đàng, nhân vật Đi-ô-đô cũng được Ngô Tự Lập nhìn nhận dưới góc nhìn như thế.
Tác giả viết: “Cho dù Đi-ô-đo là một nhà bác học với những đức tính cao quý, tôi tin chắc trong lời kể của ông cũng có vô khối sai sót, nhầm lẫn và thậm chí cả những điều bịa đặt.” [25, 280]
Như vậy dưới ngòi bút của nhà văn Ngô Tự Lập, các thánh thần được mọi người tôn sùng trong cuộc sống lại hiện lên trong văn học vô cùng sinh động, hấp dẫn. Tác giả gỡ bỏ ánh hào quang bao năm của thánh nhân vốn được tôn sùng để nhìn nhân vật bằng cái nhìn chân thực hơn. Các thánh thần đơn giản cũng chỉ là những CON NGƯỜI với rất nhiều nhược điểm, và tội lỗi. Điều này là thực tế, bởi lẽ trước khi là thánh thần họ cũng từng là những con người.