6. CẤU TRÚC LUẬN VĂN
2.2.3. Nhân vật dị thường
Nhân vật dị thường là kiểu nhân vật không bình thường về ngoại hình, diện mạo hoặc tính cách. Đầu tiên là kiểu nhân vật dị thường về ngoại hình và diện mạo. Là kiểu nhân vật xưng tôi nhưng không phải mang hình hài của con người. Đó có thể là những ngón tay với mỗi ngón là một số phận, một tính cách, hoặc cũng có thể là những chú tinh trùng tinh nhuệ có chung số mệnh.
Nhân vật tôi - Trỏ Phải cùng các bạn bè chiến hữu Giữa, Nhẫn và Út, ngoài ra còn có Giữa Phải, Nhẫn Phải và Út Phải. “Cầm dao, đó là việc của tôi với Cái Phải, nhưng lúc này, lại là việc của Trỏ Trái và Cái Trái.” [28, 140]
Truyện ngắn kể về số phận bi thương của nhân vật tôi trước cuộc hành quyết. “Trước kia, ông chủ không bao giờ chạm lưỡi dao vào lưng tôi, mặc dù vào bụng thì thường xuyên. Đúng hơn là ông gại gại bụng tôi vào lưỡi dao, có khi để thử xem dao có sắc không, có khi chỉ vì thói quen (…). Ông cứ đứng như thế hồi lâu, rồi đột ngột nhấc dao lên, thở dài. Tôi thoáng mừng thầm. Giống hệt hôm qua, khi ông nhắm mắt lại, thở dài, toàn thân tôi lạnh buốt. Tôi đợi ông lắc đầu, gạt cái thớt sang một bên rồi vào bếp, cất dao lên giá.”[28, 142]
Nhưng rồi để trốn lính ông chủ đã cắn răng giết tôi và cái chết đầy đau đớn của tôi đã xảy ra “Tôi không hiểu gì cho đến khi tay trái ông chủ nhặt tôi lên, gói vào một miếng vải trắng.”[28, 144]
Nhân vật kì lạ thứ hai cũng là nhân vật tôi trong tác phẩm Cuộc thảm sát: “chúng tôi đang bơi thành vòng tròn, như một cách luyện tập. Thứ dung dịch nhầy nhầy, màu trắng đục và âm ấm. Lúc ấy, bọn chúng tôi mới sinh được nửa ngày.”[28, 7]
Mở đầu truyện ngắn là khát khao cháy bỏng, được hóa thân huyền diệu với sứ mệnh lớn lao nhưng thật bất ngờ với cái kết “Trời trở lạnh. Cái dung dịch lầy nhầy trắng đục dần dần đặc quánh lại. Đêm hôm đó cả lũ chúng tôi chung nhau một cái quan tài. Chiếc bao cao su nằm dưới gầm bàn cho đến sáng.” [28, 16]
Nhân vật trong truyện ngắn Đời lụa có kiểu ngoại hình độc đáo, kì dị: “Màu tơ tằm là tôi”. Nhân vật tôi – màu tơ tằm – rất kì quái. Tôi vẫn nhìn, vẫn từ từ nhắm mắt, vẫn có suy nghĩ và hành động duy chỉ có điều lạ là không ai nhìn thấy tôi vẫn đang “sống”, không ai nhận ra tôi. Tác phẩm
Đời lụa, kể về quá trình biến đổi hình hài kì ảo của tôi. Từ tôi con người
thịt, man mát, tiếng gân đứt sùn sụt, rồi máu ấm tuôn ra”… Sau đó là quá trình biến đổi từ xác mới chết nằm trong quan tài “Hai tay đặt trên bụng, toàn thân quấn vải trắng. Hai tay được đặt lại với nhau cùng bằng vải trắng”. Rồi đến quá trình tôi tan rã: “Da sẽ trương lên, sẽ bở dần, thịt cũng sẽ thối rữa, và đến cả xương cũng sẽ dần mủn” [28, 124]. Sau đó là quá trình tôi tan rã trong đất, từ đất tôi theo rễ cây để ngưng tụ trong thân cây tằm, từ cây tằm ra lá tằm, và từ tơ tằm “tôi duỗi ra thật mảnh mai, thật lóng lánh, quay tròn, quay tròn”. Và cuối cùng tôi thành miếng vải lụa tơ tằm vàng óng, và được cô gái tóc ngắn ngang vai cắt may thành váy – thành tôi bây giờ “ Màu tơ tằm chính là tôi”
Thông qua truyện ngắn Đời lụa, nhà văn Ngô Tự Lập muốn gửi thông điệp về sự luân hồi của kiếp người. Trong thế giới nhân sinh không gì là bất biến. Mọi sự vật hiện tượng xung quanh ta luôn không ngừng biến động, đổi dời. Đồng thời nhà văn muốn nói rằng, cái ta nhìn thấy chưa hẳn là cái như ta đã thấy, có vô vàn sự vật ta nhìn thấy thế nhưng thật ra không phải thế. Hơn nữa, vạn vật xung quanh ta không phải là bất tri, bất biến, mà tất thảy đều có đời sống riêng, tất thảy đều có linh hồn. Biết đâu trong muôn vàn sự vật quanh mình lại là số phận, sự đầu thai, luân hồi của một ai đó mà ta từng biết.
Truyện ngắn Chuyến bộ hành, Ngô Tự Lập lại đem đến cho người đọc một kiểu nhân vật dị thường khác: người đội lốt mèo.
Từ nỗi sợ hãi bị mọi người dòm ngó, tò mò, chỉ trỏ nhân vật tôi đã cố gắng “chống cả hai tay xuống đất , thoăn thoắt luồn dưới những bước chân hối hả ngược chiều”[28, 78]. Và đặc biệt, nhân vật cố gắng một cách tuyệt vọng để thu nhỏ người lại nhằm trốn tránh sự dòm ngó, chỉ trỏ, cười cợt của đám đông, kết quả là: “Tôi chợt nhìn xuống và ngạc nhiên thấy cái bụng đầy lông của mình” [28, 81]. “Tôi” đã hóa thành mèo “nhảy vọt qua thành cầu”.
Từ cuộc bộ hành trong ngoại hình kì dị và sự biến hóa kì ảo của nhân vật “tôi” từ người thành con mèo, nhà văn Ngô Tự Lập muốn đề cập đến thực trạng xã hội nước ta với tình trạng quan tâm, tò mò thái quá đến đời sống riêng tư của người khác. Chính điều này khiến họ không được sống thật với đời sống của chính mình, con người thật của mình. Và chính sự thu mình lại, cố gắng biến đổi mình trong mắt người khác đã làm họ đánh mất chính mình, phải sống trong thân thể, ngoại hình mượn tạm, chắp vá của kẻ khác. Mặt khác nhà văn cũng muốn nói rất nhiều người sống quanh ta đang cố mang một khuôn mặt, dáng hình không phải của chính mình. Điều đó cũng có thể do hoàn cảnh hoặc cũng do họ cố tạo ra.
Thông qua những kiểu nhân vật dị thường này nhà văn đã gửi gắm nhiều thông điệp sâu xa về cuộc sống, về nhân sinh quan và thế giới quan của riêng mình.
Ngoài ra còn có kiểu nhân vật kì dị về hành động ví như nhân vật anh thợ rèn Cảo trong truyện ngắn Hóa thân. Anh vốn xuất thân là thợ rèn nghèo khổ. Đi tìm em trai bị thất lạc. Không ngờ đứa em sinh đôi của mình nay được nhận nuôi và trở nên giàu có, lại đang mất tích hoặc có thể chết. Thế là Cảo đóng thế vai em mình, sống trong nhung lụa, nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con ngoan. Thế nhưng, sống được một thời gian Cảo thấy mình không còn là chính mình. Và Cảo thèm khát được sống là mình của ngày xưa.: “Một hôm, Cảo đang rầu rĩ thơ thẩn dọc hàng thìu lựu trước nhà thì trông thấy mấy anh chăn ngựa từ nhà kho bước ra, tay xách những chiếc búa lớn, chắc định sửa lại ngôi chuồng. Cảo không còn kìm được mình nữa. Mắt sáng lên như gã nghiện trông thấy bàn đèn anh nhảy bổ tới, giằng lấy một chiếc búa, hùng hục quai vào chiếc cối đá khiến nó vỡ tan trước vẻ kinh hãi của mấy anh chăn ngựa. Nhưng chỉ được vài chục nhát Cảo đã rã rời chân tay, mồ hôi toát ra như tắm. Anh ném chiếc búa xuống đất, quay vào nhà.
Cơn đói cồn cào làm Cảo hoa cả mắt. Anh thét đầy tớ dọn bàn, chửi rủa ầm ĩ đến nỗi họ vội vã cuống cả chân tay. Món đầu tiên vừa dọn ra Cảo vồ ngay lấy. Anh nhai ngốn ngấu, vét sạch những bát thịt lớn, dùng cả hai tay mà bốc, mấy lần đầy tờ phải dọn thêm thức ăn. Nhưng thật kì lạ, Cảo càng ăn cơn đói càng dữ dội. Ruột gan anh như bị ai cào cấu.
Tình trạng này kéo dài đến mấy tuần liền, rồi đột nhiên Cảo hiểu rằng mình không còn tồn tại.” [25, 201]
Kiểu nhân vật dị thường về ngoại hình cho thấy một góc nhìn khác về cuộc sống, thế giới vốn không chỉ tồn tại trong những cái hoàn hảo, đủ đầy. Nhà văn góp thêm một tiếng nói về một thế giới của sự méo mó, xô lệch, trái ngang… Cái đẹp chưa hẳn chỉ nằm trong sự hoàn hảo, nhiều khi chính cái đẹp lại ẩn sâu trong những mảng tối, những góc khuất của cuộc sống. Đấy mới là thực tại xã hội.
Thứ hai là kiểu nhân vật dị thường về tính cách, kiểu nhân vật này xuất hiện rất nhiều trong truyện ngắn Ngô Tự Lập. Kiểu những người nữa như tỉnh, nữa như mê, nữa hư, nữa thực cứ huyễn hoặc, kì bí và mơ hồ, đan xen ảo – thực. Đó là ông Lương Tử Ban với giấc ngủ kì lạ, đó là nhân vật Sùng với những suy nghĩ và hành động khác người, đó là đời sống nội tâm phức tạp, kì lạ của ông lão kì dị trong truyện ngắn “Thợ đào đá truyền kiếp”...
Kiểu nhân vật ăn “món cháo lú” [25, 179] quên đi tất cả quá khứ: Ông lão Tảo trong truyện ngắn “Thợ đào đá truyền kiếp” là kiểu nhân vật như thế. Vì nghèo đói hay cũng có thể là vì sự thèm khát “vị ngọt của thịt gà” [25, 174], ông Tảo – khi ấy là chú Tảo đã giết con bê lạc của thằng Túc rồi giết chính nó ( giết nó vì nó là em cô Bống – người mà lão thương thầm nhớ trộm.). Từ đó cái chết của con bê và những vũng máu của thằng Túc đã không ngừng ám ảnh ông. Ông sống tách biệt với mọi người, chỉ chuyên tâm đào đá ong ban ngày còn buổi tối đào đất vun gốc ổi – nơi chôn xác thằng Túc. Cứ như thế ông sống lầm lũi gần cả một kiếp người. Đến lúc
ông không phân biệt được đâu là mơ, đâu là thực. Bên tai lão luôn văng vẳng tiếng khóc của thằng Túc. Lão không biết là mình đang mơ hay tỉnh, thằng Túc đã chết hay còn đang ngồi gặm chân gà.
Thật ra chính cái chết của thằng Túc đã kéo theo cái chết của chính lão. Cái tội lỗi mà lão gây ra đã ám ảnh dai dẳng đến cuộc đời lão. Tạo nên cái chết của ý thức, còn người đang sống chỉ là con người của mộng du, của vô thức.
Thông qua kiểu nhân vật sống mà như chết, mê mụ, lú lẫn này nhà văn muốn đề cập đến những giá trị nhân văn của tác phẩm: Tòa án lương tâm mới là nơi công tâm và nghiêm minh nhất.
Kiểu nhân vật kì dị thứ hai thì ngược lại, gần như quên đi thực tại để sống với quá khứ. Đó là ông lão chăn bò trong truyện ngắn cùng tên của tác giả Ngô Tự Lập. Nhưng điều chung nhất đó là cả hai đều chịu sức ám ảnh không nguôi từ quá khứ. Ông lão trong tác phẩm Ông lão chăn bò luôn bị ám ảnh bởi quá khứ - cái quá khứ mà ông đã gửi tất cả sức xuân, niềm vui và nỗi đau của mình vào đó.
“Không biết bao nhiêu lần lão tự dày vò rằng chỉ vì tham công tiếc việc mà bắt cái Thắm phải chăn bò. Ừ, thì đúng là con nhà người ta cũng vậy. Nhưng giá như trái bom ấy rơi vào đầu lão...” [25, 162]
Đặc điểm chung nhất của những nhân vật kì dị này là sự cô đơn. Họ như sống riêng một lối tách biệt với mọi thứ xung quanh mình. Trước hết là sự đơn độc từ trong không gian sống. Trong truyện ngắn Thợ đào đá
truyền kiếp, lão Tảo ở trong một ngôi nhà cô đơn trên sườn đồi: “Ngôi nhà
lá một gian hai chái, nằm tách biệt bên kia sườn đồi.”[25, 172], trong tác phẩm Ông lão chăn bò ông lão cũng sống trong một nhà tác biệt như thế: “Ngôi nhà đơn độc trên sườn đồi. Kiểu nhà miền biển, tường đá ong, mái thấp để tránh bão, lợp cỏ tranh, cửa sổ che bằng phên nứa. Mấy cây lựu trước nhà đã chết khô.” [25, 160]
Sự cô độc của họ được nhà văn khai thác triệt để thông qua đời sống nội tâm khác thường, biệt lập của họ. Chắc rằng, trong đôi mắt xoi mói, săm soi của những người xung quanh ông lão chăn bò, Sùng, ông Tảo, ông Lương Tử Ban, ông lão trong Chiếc cầu nối hai bờ thế giới... là những người điên, người lú lẫn, người dị thường. Thật ra, họ rất “tỉnh”, rất bình thường, chỉ có điều họ thiếu người lắng nghe, thiếu sự đồng cảm, thiếu tiếng nói của sự tri âm. Vì thế, nhân vật rơi vào trạng thái đơn độc, cô đơn đến cùng cực( trở thành dị thường trong mắt người khác).
Kiểu nhân vật dị thường về tính cách cho thấy sức ám ảnh của thế giới tinh thần, thế giới nội tâm đối với đời sống của con người. Qua đây nhà văn cũng cho thấy một tính đa chiều, phức hợp của con người và thế giới.
Thông qua cách xây dựng nhân vật dị thường, nhà văn Ngô Tự Lập tạo nên những hình tượng nghệ thuật khiến người đọc phải suy tư, trăn trở, nửa tin nửa ngờ vì những cảnh đời, những số phận xung quanh ta, đời thường như huyễn hoặc, dị thường nhưng chan chứa chất nhân văn.
Các nhân vật dị thường trong tác phẩm Ngô Tự Lập phản ánh cảm quan sáng tác riêng của nhà văn. Đúng như cách nhìn nhận của ông trong vai trò của nhà phê bình nghiên cứu. Thông qua những nhân vật này thực sự nhà văn đã phản ánh được trạng thái “Cô đơn quả là một định mệnh, một thứ định mệnh của tất cả mọi người.” [29, 10].
Qua cách xây dựng kiểu nhân vật dị thường, ta thấy được cách nhìn nhận thấu hiểu và sâu sắc của nhà phê bình Ngô Tự Lập về con người trong xã hội hiện đại: “Trong xã hội hiện đại, khi mà mọi lĩnh vực khoa học đã phân chia thành nhiều nhánh nhỏ, khi mà ngay cả món bánh mì kẹp thịt cũng được sản xuất qua nhiều công đoạn theo phương pháp dây chuyền, thì về bản chất con người đã bị nhốt vào những đường hầm vô hình, những đường hầm quy định không chỉ không gian xã hội mà cả không gian tinh thần của họ. Trên thực tế, họ trở thành những cộng đồng biệt lập.” [29, 109]