Thi pháp viết tiểu luận nghiên cứu, phê bình về các hiện tượng thơ ca

Một phần của tài liệu Tiểu luận nghiên cứu phê bình thơ của đặng tiến (qua khảo sát tập thơ thi pháp chân dung) (Trang 93)

6. Đóng góp và cấu trúc của luận văn

3.2.2. Thi pháp viết tiểu luận nghiên cứu, phê bình về các hiện tượng thơ ca

thơ ca

Đặng Tiến luôn chỉ cho bạn đọc một lối đi, một cách cảm thụ về các hiện tượng thơ ca từ sự lý giải cụ thể của mình.

Đó là cách ông đi vào Thi giới Đinh Hùng. Đặng Tiến đã đặt thơ Đinh Hùng vào dòng Thơ mới để khẳng định sự khác biệt, độc đáo của nó. Nếu thế giới thơ lãng mạn, kể cả hoặc nhất là Xuân Diệu, Huy Cận, là một thế giới thơ mộng, vừa phản ánh vừa tô điểm cho thực tại, thì thế giới thơ Đình Hùng là một sản phẩm thuần túy tưởng tượng, tồn tại song song, nhưng ở một không - thời gian khác, với thực tại. “Thế giới đó là một hư cấu, hoàn toàn độc lập với

thực tại, nếu có tương quan thì tương quan đó chỉ là tác giả và người đọc, những nhân sự khởi đi từ Trần lụy để tìm đến một vũ trụ khác” [tr.381, 64].

Có lẽ, do tính hư cấu hoặc tưởng tượng thuần túy này, một dấu mốc của sự trưởng thành của tư duy nghệ thuật, mà ở thời Thơ mới Đinh Hùng không vừa mắt Hoài Thanh để lọt vào tượng đài Thi nhân Việt Nam, còn từ sau 1954 ông vẫn là một hành tinh lẻ loi, bên lề sinh hoạt văn nghệ miền Nam. Thế giới thơ Đinh Hùng, theo Đặng Tiến phân tích là nơi “mọi thành tố đều được hòa giải; khí hậu tình tự giải tỏa những mâu thuẫn biện chứng, không còn sự khác biệt giữa người – nhìn – vũ - trụ và vũ -trụ - được - nhìn, giữa tâm giới và ngoại giới, giữa bản ngã và vô ngã, giữa thực thể và vô thể, giữa tôi và thi nhân, giữa tình yêu và tình nhân; trong thế giới đó, tôi là rừng núi, rừng núi là tình yêu, tình yêu là Em, Em là mùa thu, mùa thu là cơn mưa, cơn mưa là một dòng chữ, dòng chữ là tôi. Chữ tôi đã bao hàm cái không phải là tôi, nhưng chủ thể không

mâu thuẫn với khách thể vì tất cả chưa đạt tới những hình thể đủ cứng rắn để va chạm. Trong hư cấu của Đinh Hùng sự vật là những nhu hình tương giao, thu hút vào trong từ trường ngôn ngữ. Một hư cấu nằm ngoài vận chuyển biện chứng” [tr.382, 64].

Với Tản Đà, Đặng Tiến đã chỉ cho người đọc một lối đi vào thi giới của ông: thi sĩ của phôi pha. Đặc tính này của thơ Tản Đà có thể bắt nguồn từ

huyền thoại cá nhân của thi sĩ. “Ý thức hương nhạt màu phai do đâu mà có?

Vì giấc mộng công danh sớm hão huyền. Vì gia đình ly tán, vì sự nghiệp văn chương ba chìm bảy nổi? Hay vì mối tình đầu với người đẹp Hàng Bồ?” [tr.135, 64]. Rồi huyền thoại cá nhân này lại được/ bị cộng hưởng bởi một nền văn hóa đang phôi pha, một thế hệ trí thức cũ đang lụi tàn. Hay rộng ra nữa là “cái nhìn yếm thế tự nhiên của kẻ sống giữa những đổi thay lớn lao của thế cuộc? [tr. 135, 64]. Cái giả thiết này được Đặng Tiến nêu ra và được chứng thực qua sự phân tích ngôn ngữ thơ Tản Đà. Bởi lẽ, với thơ, ngôn ngữ không chỉ là ký hiệu mà còn là thực tại, từ và vật là một.

Có lần, Lê Đạt nói với Đặng Tiến, văn chương, và cả cuộc đời cũng vậy, xét cho cùng chỉ là quan hệ giữa chữ và nghĩa, tức giữa chữ và bóng chữ. Hẳn thế mà suốt cả cuộc đời ông nguyện làm phu tra vấn, đục, đẽo, cấy, ghép

chữ để phát nhiều nghĩa, và là nghĩa mới. Bởi thế, nhiều người cho thơ Lê Đạt

chỉ là kỹ thuật, không có tư tưởng như chiếc bánh bóc hết lớp này chỉ thấy lớp khác không thấy nhân đâu. Đặng Tiến là một trong số ít người không hoàn toàn nghĩ như vậy. Bởi, kỹ thuật thuần túy không bao giờ tạo ra được sự ám ảnh và sức nặng của trải nghiệm. Theo nhà phê bình, ở Lê Đạt đằng sau các thủ pháp là cuộc đời: Bóng chữ của Lê Đạt ghi lại lịch sử một đời người, qua buồn vui một cá nhân, giữa thăng trầm của dân tộc và trăn trở của một nghệ sĩ thường xuyên tra vấn ngôn ngữ. Ba yếu tố ấy quyện vào nhau làm nền cho tập thơ, nhưng thành phần thứ ba, những thí nghiệm ngôn ngữ có phần khúc mắc, che lấp tình, ý của tác giả, dễ làm người đọc lạc hướng và lạc lõng [tr.288, 64]. Có thể, như Đặng Tiến viết, Lê Đạt chỉ tạo rung cảm bằng một vài thủ pháp, chỉ khai thác kinh

nghiệm những người đi trước, không có gì mới với thế giới, nhưng, tôi nghĩ, nhà thơ đã phần nào vượt qua trò chơi chữ truyền thống để đến với trò chơi ngôn ngữ nhằm tạo ra một thực tại ảo làm nên vũ trụ thơ Lê Đạt.

Coi trọng chức năng thi ca của ngôn ngữ, nhưng Đặng Tiến thực ra không phải là nhà phê bình hình thức luận. Cứ xem những gì ông viết về thơ Thế Lữ, Xuân Diệu, Quang Dũng, Văn Cao, Lê Đạt, Bùi Giáng, thì thấy ông còn tiếp cận những chân dung sáng tạo đó từ góc độ biểu cảm cá nhân và góc độ quy chiếu về chân dung xã hội. Một thái độ cân bằng như vậy về khoa học cũng đi liền với một thái độ công bằng đối với những giá trị, đồng thời là công bằng với chính thị hiếu và sự cảm thụ đa dạng của bạn đọc. Điều đó cắt nghĩa cách viết uyển chuyển trong những đề tài có thể là khó viết đối với một người ở xa xôi cách trở - cả về không gian lẫn về tâm thức – như thơ kháng chiến chống Pháp, thơ Chính Hữu, Vũ Cao, Phạm Tiến Duật. Nhưng dù phải hoà giải với truyền thống phê bình đã kiến tạo nên tầm đón nhận quen thuộc của bạn đọc, Đặng Tiến vẫn giữ cho ngòi bút mình ưu thế của những phân tích nghệ thuật, những khám phá và liên tưởng về chiều sâu của biểu tượng văn hoá [51].

Một phần của tài liệu Tiểu luận nghiên cứu phê bình thơ của đặng tiến (qua khảo sát tập thơ thi pháp chân dung) (Trang 93)