Về Nguyễn Tài Cẩn và nền thi học Việt Nam

Một phần của tài liệu Tiểu luận nghiên cứu phê bình thơ của đặng tiến (qua khảo sát tập thơ thi pháp chân dung) (Trang 45)

6. Đóng góp và cấu trúc của luận văn

2.1.3. Về Nguyễn Tài Cẩn và nền thi học Việt Nam

Khi nghiên cứu về nhà ngôn ngữ học Nguyễn Tài Cẩn, Đặng Tiến tập trung đánh giá những đóng góp vào nền Thi học Việt Nam thông qua tác phẩm Một số chứng tích về ngôn ngữ văn tự và văn hóa.

Một số chứng tích về ngôn ngữ văn tự và văn hóa có 430 trang, gồm 34

bài báo đã đăng rải rác trong và ngoài nước, dưới nhiều đề tài ngữ học và văn bản học, phản ánh những quan tâm của Nguyễn Tài Cẩn về văn hoá từ 40 năm nay, nhất là về ngôn ngữ thơ.

Thành phần thiết yếu trong Thơ là cách gieo vần, đã được Nguyễn Tài Cẩn đặc biệt chú tâm: “cách đọc Hán Việt (thế kỷ VIII và IX) (...) cho phép

các nhà thơ Việt đi ngược lại thi pháp Hán tạo ra một lối gieo vần riêng biệt cho Việt Nam” [tr.422, 64] dựa theo những nguyên âm thuận tai, như ở ca dao

tục ngữ, chứ không theo khuôn mẫu Quảng Vận của Trung Quốc; lối gieo vần này không phải lúc nào cũng thành công, “thơ chữ Hán nhưng đọc lên nghe

có âm hưởng thuần Việt (...) ngay những trường hợp không thật hài hoà cũng được chấp nhận. Và chính những trường hợp này đã ảnh hưởng đến cả cách gieo vần trong thơ thuần Việt, và đôi khi ảnh hưởng (ngược lại) đến cả cách đọc Hán Việt ” [tr.421, 64]. Nói khác đi, ngữ học soi sáng cho thi học, nhưng

có lúc, thơ ca minh hoạ cho ngữ học. Tác giả đã dựa vào thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi và xem như là công trình nghiên cứu cặn kẽ nhất về bước đầu của ngành Thi Học Việt Nam. Trong sách này, Nguyễn Tài Cẩn có nhắc lại bài thơ Việt Nam áp dụng sớm nhất lối cách tân này là bài Cảm hoài của

Vương Hải Thiềm (1046 - 1100) kết hợp vần ca, qua với ma, giai, ngoài khuôn khổ Quảng Vận phương Bắc.

Theo Đặng Tiến, công trình của Nguyễn Tài Cẩn về ngữ âm lịch sử, nguồn gốc cách đọc Hán Việt giúp các nhà nghiên cứu thơ cổ điển Việt Nam lý luận, bình giải xác thực hơn. Ví dụ chúng ta biết rõ tiếng Hán có 4 thanh (bình, thượng, khứ, nhập) chuyển sang tiếng Hán Việt thành 8 thanh (ngang, huyền, hỏi, ngã, sắc khứ, sắc nhập, nặng khứ, nặng nhập). Nền ngữ âm học

hiện đại xác nhận điều này. Nhờ đó chúng ta có cơ sở cụ thể nhìn rõ đặc tính, nhạc tính, của thơ Việt so với nền thơ gần với chúng ta nhất là thơ Trung Quốc. Chưa kể là Nguyễn Tài Cẩn vạch cho chúng ta thấy nguồn gốc và quá trình của từng phụ âm, từng nguyên âm, là những thành tố cơ bản của Thơ [22].

Nguyễn Tài Cẩn đã giành một chương dài cho câu thơ lục bát, phân tích cấu trúc nội tại của nó, từ vần điệu, thanh điệu đến nhịp điệu, đi đến những “bước” hai tiếng, trong đó xen kẽ những tiếng chính và phụ theo từng vị trí. Và một cặp lục bát, theo anh, có thể biến hoá thành 256 trường hợp khác nhau [tr.331, 64].

Thông thường, trong thơ các nước và theo lý thuyết, vần là cách bắt nhịp và phân định ranh giới. Nhưng trong thi luật Việt Nam, vần lưng không đủ cơ sở làm đường ranh giới cắt đôi đơn vị chứa đựng chúng [tr.320, 64]. Âu cũng là nét khu biệt của thơ Việt Nam trong khoa Thi học đối chiếu. Trong tinh thần đối chiếu, Nguyễn Tài Cẩn đã lưu tâm đến thể Ca trù, một thể loại dân gian Việt Nam, được Nguyễn Khuyến sử dụng để làm thơ chữ Hán, uốn nắn câu thơ Đào Tiềm, Lý Bạch, thành thơ Việt, qua hai bài Bùi Viên cựu trạch và Bùi Viên đối ẩm. Sau đó, Nguyễn Khuyến tự dịch ra quốc âm, cũng

trong thể ca trù. Nguyễn Tài Cẩn tỏ ra thích thú khi viết về thể hát nói, làm người đọc tiếc rằng ông không đi xa hơn: thế hệ nghiên cứu sau này sẽ không còn những rung cảm như ông khi viết về một thể loại đã mai một; và trong địa hạt thẩm mĩ Hán Việt đối chiếu, sẽ khó có người vừa uyên bác vừa mẫn cảm như ông, dù rằng thao tác này là trách nhiệm của người làm văn học, đúng hơn là của người làm ngữ học.

Từ vựng học, cách sử dụng ngữ vựng, tham dự vào việc phân biệt thơ

và văn xuôi: một từ có thể mang giá trị khác nhau trong thơ hay văn xuôi. Trong địa hạt này, Nguyễn Tài Cẩn đã đem lại những kiến thức lịch đại quan trọng, như trong công trình nghiên cứu thơ chữ Hán và chữ Nôm Nguyễn Trãi, hay khi ông phân biệt thơ Nguyễn Trãi với thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm,

trên 27 bài tồn nghi, không rõ của người nọ hay người kia. Ông đã mang lại hai thành tựu: phương pháp khảo sát và phẩm chất những khám phá.

Về phương pháp khảo sát từ vựng, ông đưa ra thống kê: trong 250 bài thơ quốc âm, Nguyễn Trãi dùng 11067 lượt từ, trong đó có 2235 từ khác nhau [tr. 197], và những từ lặp lại nhiều lần : nguyệt (62), xuân (55), thu (39), thế (đời) (42). Nguyễn Trãi chỉ dùng từ rau một lần trong sáu lần nói đến rau, những lần khác dùng từ chính xác: muống, niềng niệng, mồng tơi... Tỷ lệ từ đơn âm rất cao: 71,2 %, số từ đa âm còn lại, phần lớn là từ thuần Việt: phơ

phơ, thơn thớt... Tóm lại, rất ít từ Hán Việt.

Phương pháp Nguyễn Tài Cẩn đề xuất, tự nó, đã mang phẩm chất về mặt khoa học và thẩm mĩ, nó có tầm quan trọng đặc biệt mà giới làm văn học ngày nay chưa chắc đã lãnh hội và đánh giá đúng mức. Còn những đóng góp cụ thể của ông thì vô cùng vô tận, chỉ người làm công tác học thuật khi đọc, mới thấu triệt được công ơn của ông trong việc tìm hiểu thi ca.

Một phần của tài liệu Tiểu luận nghiên cứu phê bình thơ của đặng tiến (qua khảo sát tập thơ thi pháp chân dung) (Trang 45)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(108 trang)
w